Một cuộc đối thoại giữa Tâm và Linh Hồn
MINH CHI
Tín lý Công giáo xác tín:
Thiên Chúa đã ban cho con người một linh hồn giống như hình ảnh của
Ngài. Còn nhà Phật thì nói: con người có cái Tâm. Vấn nạn được đặt ra
như sau: Nếu linh hồn do Thiên Chúa ban, vậy Tâm do ai ban? Nếu không do
ai ban cả thì từ đâu mà có Tâm?...
Tín lý Công giáo xác tín:
Thiên Chúa đã ban cho con người một linh hồn giống như hình ảnh của
Ngài. Còn nhà Phật thì nói: con người có cái Tâm. Vấn nạn được đặt ra
như sau: Nếu linh hồn do Thiên Chúa ban, vậy Tâm do ai ban? Nếu không do
ai ban cả thì từ đâu mà có Tâm?...
Khoa thần học Công giáo luôn trung
thành với phép biện chứng cổ điển, quy kết tạo vật (quả) vào một đích
tối hậu, duy nhất (nhân) là Thiên Chúa. Nhưng nếu nói “Thiên Chúa”, e
rằng người ngoài Kitô giáo khó chấp nhận, nên các nhà thần học thường
mượn từ ngữ triết học là "Nguyên nhân đệ nhất" để ám chỉ Thiên Chúa. Từ
điển và danh từ triết học của Linh mục Trần Văn Hiến Minh giải thích:
"Nguyên nhân đệ nhất (Cause Première) là nguyên nhân đứng đầu chuỗi
nguyên nhân mà cái trên ảnh hưởng đến cái sau. Như thế, nguyên nhân đệ
nhất là nguyên nhân không bị nguyên nhân nào trên đó ảnh hưởng tới.
Thượng đế là Nguyên nhân đệ nhất".[1] Theo học thuyết Tôma[2]: “Thượng
đế là nguyên nhân đầu tiên của sự tồn tại và là cơ sở đầu tiên của mọi
phạm trù Triết học.”
Nếu nói “Tâm” cũng chính là Nguyên nhân đệ
nhất, chắc chắn sẽ bị số đông tín đồ Công giáo phản đối, bởi vì Tâm
không thể là Chúa được... (trừ một số Kitô hữu phóng khoáng, cởi mở.
Nhưng số này rất ít và thường bị Giáo hội lên tiếng chỉ trích gay gắt,
hăm dọa dứt phép thông công!). Vì nếu cho rằng: Tâm cũng chính là Chúa,
lập tức anh rơi ngay vào phiếm thần luận (Panthéisme). Thuyết phiếm thần
cho rằng: Chúa là khởi nguyên phi nhân, nhưng không nằm ngoài tự nhiên
giới, đồng nhất với tự nhiên giới. Thuyết phiếm thần hoà tan Chúa vào tự
nhiên giới, bác bỏ khởi nguyên siêu nhiên của Chúa. Hay nói một cách
khác: cái gì cũng là Thượng đế, tức vạn vật đồng nhất thể.
Nhưng
nếu chỉ dùng luận lý học hình thức để phân biện: “Tâm” không phải là
nguyên nhân đệ nhất, tất phải là đệ nhị hay đệ tam!...Và theo Từ điển
danh từ triết học của Linh mục Trần Văn Hiến Minh, chính nguyên nhân đệ
nhất ảnh hưởng (sanh ra) cái tâm. Trong trường hợp này, tâm chính là kết
quả tất yếu (quả) của nguyên nhân đệ nhất (nhân). Còn nếu nói theo ngôn
ngữ bình thường của một tín đồ Công giáo bình thường, thì chính Thượng
đế đã ban cho con người cái tâm, đại để cũng giống như Ngài ban cho
người Kitô giáo có một linh hồn vậy... Và nếu hiểu như thế thì Phật giáo
có thể khẳng định rằng: Cái tâm đó không phải là cái Tâm (Chơn Tâm) mà
Phật giáo muốn nói tới.
Nguyên nhân và kết quả được gọi tắt là
nhân quả. Nhân quả là một học thuyết lớn của Phật giáo. Nhưng Phật giáo
chưa bao giờ có quan niệm về cái gọi là "Nguyên nhân đệ nhất". Một nhân
thường không tạo ra quả, phải có ít nhất là hai nhân trở lên mới hình
thành được quả. Các yếu tố nối kết các nhân lại với nhau gọi là duyên,
vì vậy nhân quả còn được gọi là nhân duyên. Thiếu duyên, các nhân trở
nên vô dụng. Ngoài những duyên trực tiếp, còn có những duyên gián tiếp
gọi là tăng thượng duyên. Các nhân thì nhiều vô kể, chúng bàng bạc trong
khắp vũ trụ vạn hữu, chỉ cần có điều kiện duyên là chúng hiện hành,
kinh Hoa Nghiêm gọi là "trùng trùng duyên khởi".
Phúc âm Kitô
giáo có dụ ngôn nói về người gieo hạt: Khi mang những hạt giống ra gieo,
hạt thì rơi trên đá không nẩy mầm được, hạt bị chim trời tha đi, nhưng
cũng có những hạt lại rơi vào nơi đất xốp có điều kiện nẩy mầm tươi
tốt... (Mac 4:3-8). Ðứng ở góc độ hiện tượng thì đây cũng là một ví dụ
rất hay về duyên. Vì nếu không có duyên, giải thích thế nào về số phận
của từng hạt giống. Tất nhiên thần học Công giáo có lối giải thích
riêng: “tất cả đều nằm trong sự quan phòng của thiên chúa”, lối giải
thích này không có tính thuyết phục, nên giáo hội Công giáo buộc tín đồ
đặt tất cả mọi quan hệ biện chứng vào một phạm trù tiên thiên: “đức
tin”.
Tuy nhiên, Chơn Tâm lại không hề dính dáng gì đến nhân quả.
Chẳng những đối với thuyết nhân quả, mà ngay cả những giáo lý căn bản
khác như: Tứ đế , Bát chánh đạo... cũng không quan hệ: "Thị cố không
trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức" (không ngũ uẩn)..."Vô vô minh diệc
vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận" (không thập nhị nhân
duyên)... "vô khổ tập diệt đạo" (Không có tứ diệu đế). "Vô trí diệc vô
đắc, dĩ vô sở đắc cố" [3] (ngay cả trí và đắc cũng chẳng quan hệ chi tới
Chơn Tâm, nói chi đến thuyết nhân quả!.
Trong kinh Lăng Nghiêm,
Ðức Phật nói: "Này A-nan! Ta nói thuyết nhân duyên là đứng về phần sự
tướng, chỉ các pháp trong thế gian mà nói, chứ không phải chỉ cho Lý
Tánh tuyệt đối". Lý Tánh, Tâm hay Chơn Tâm là một phát hiện độc đáo mà
Đức Thích-ca-mâu-ni đã cống hiến cho nhân loại. Học thuyết nhân quả nhằm
để giải thích thế giới hiện tượng, chứ không phải để thuyết minh cho
Chơn Tâm (Lý Tánh).
Thắc mắc về Chơn Tâm là nhân hay quả thực ra
đã có từ lâu. Ngay từ thời Ðức Phật, chính A-nan, một đệ tử xuất sắc
được mệnh danh là "đệ nhất đa văn" đã mang vấn đề này ra hỏi Ðức Phật:
"Bạch Thế Tôn! Cái tâm này nếu không phải tự nhiên mà có thì chắc là do
nhân duyên sanh. Con hiểu như vậy có đúng không? Xin Thế Tôn Từ Bi chỉ
dạy..." Nhưng Chơn Tâm không thể suy nghĩ và bàn luận được, nên Ðức Phật
đã trả lời: "A-nan! Ông phải biết, cái tâm này không phải nhơn cũng
không phải duyên, không phải tự nhiên, cũng không phải không tự nhiên ,
không cái phi , không cái bất phi, không cái thị , không cái phi thị. Nó
rời tất cả các tướng, mà chính là tất cả các pháp. Như thế thời ông làm
sao để tâm suy cho tới , dùng lời nói để bàn luận cho kịp và gọi nó
bằng thứ gì được (Ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng, ly danh tự
tướng)... Nếu ông để tâm suy nghĩ và dùng lời nói để bàn luận, thì cũng
như người quơ tay chụp bắt hư không , chỉ thêm mệt nhọc, chứ làm sao mà
chụp bắt hư không cho được".(Kinh Lăng Nghiêm)
Ở một đoạn khác
trong kinh Lăng Nghiêm, Ðức Phật nói với ông Phú-lâu-na: "Cái Tâm này
lại rời tất cả "tức"và "phi" mà cũng là "tức" và "phi tức". Chơn Tâm như
thế thì kẻ phàm phu cho đến các vị thánh: Thinh văn, Duyên giác làm sao
lấy tâm trí suy nghĩ cho đến đạo Vô Thượng Bồ-đề của Như Lai, hay dùng
lời nói bàn luận? của thế gian mà ngộ nhập chỗ tri kiến của Phật cho
được?".
Kinh điển của Phật giáo đã chứng minh rất rõ ràng: Chơn
Tâm không phải nhân mà cũng chẳng phải quả. Không phải tự nhiên mà có,
cũng chẳng phải chẳng tự nhiên...
Ðến đây, xin mượn tạm lời của
Thiền sư Phật Nhãn:
"...Người hiểu "không" chẳng "tưởng không".
Nếu người dùng ngôn ngữ diễn tả Tâm trọn chẳng được Tâm. Chẳng dùng ngôn
ngữ diễn tả Tâm cũng chẳng được Tâm. Vì ngôn ngữ vốn là Tâm nên diễn tả
nó vẫn chẳng được. Không ngôn ngữ cũng vốn là Tâm, không diễn tả nó vẫn
chẳng được. Các thứ hội đến đều không khế hợp với Tự Tâm. Thượng Tổ
bảo: Thầm khế hội thôi !"[4]
Mặc dù "Trên đỉnh núi Diệu Cao từ
xưa tới nay chư tổ chẳng cho thương lượng, nhưng ở đầu non thứ hai, chư
tổ lại cho tóm lược dung hòa, tạm mượn ngôn ngữ để giải bày..." [5].
Theo kiểu mượn mèo tả hổ để phần nào chúng ta có thể hình dung ra cái
Chơn Tâm vô hình vô tướng đó. Còn hương vị ngọt ngào của nó như thế nào
thì... Vâng! "Thầm khế hội thôi!".
Khi thảo luận về vấn đề tâm,
linh hồn, tất không thể không nói đến vấn đề liên quan: luân hồi, thiên
đường, hỏa ngục… Kitô giáo quan niệm có một linh hồn, và Phật giáo thì
nói về một cái tâm. Một vấn nạn nữa được đặt ra: Khi chết linh hồn đi
đâu? cái tâm như thế nào?
Sách giáo lý vở lòng Công giáo được
trình bày dưới dạng vấn đáp như sau :
Hỏi : Con người có phải
chết chăng ? Thưa : Ðến kỳ Chúa định chúng ta đều phải chết.
Hỏi : Chết rồi linh hồn đi đâu ? Thưa : Hoặc lên thiên đàng hoặc
xuống hỏa ngục...
Như vậy, tín đồ Kitô giáo đã có sẵn một "địa
chỉ" để đến sau khi chết: thiên đàng hoặc hỏa ngục. Nhưng hình như "địa
chỉ" này chỉ phù hợp cho những tín đồ ở "trình độ đại chúng" và họ chỉ
đến đó sau khi chết.
Những nhà thần bí Kitô giáo ít quan tâm hơn
đến thiên đường, hỏa ngục. Họ lý luận rằng, Giêsu đến mang theo một
giao ước mới: đó là Tình yêu chứ không phải thiên đường hoả ngục. "Cha
đã thương yêu họ như cha đã thương yêu con, để tình cha yêu thương con ở
trong họ và con cũng ở trong họ nữa (Jn 17:23,26). Thiên Chúa Cha đã
yêu Ðức Giêsu, còn Ðức Giêsu thì yêu con người và muốn "nên một" với con
người: "Con trong họ và Cha trong con để họ được hoàn toàn nên một như
chúng ta là một" (Jn 17:22). Trong tu đức, họ luôn tâm niệm: "Tôi sống,
nhưng không phải tôi sống mà chính Chúa sống trong tôi"(Gl 2:20).
Theo
các nhà chiêm niệm Công giáo, họ có thể thiết lập mối hiệp nhất với
Thiên Chúa thông qua tình yêu của Ngài, hiệu qủa và tức thời, không đợi
đến lúc chết… Dĩ nhiên thiên đường, hỏa ngục là những vấn đề tín lý cần
phải tin, nhưng họ vẫn có một thực tại thành tựu trong tu luyện, mà
những tín đồ bình thường khác không đạt được. Thánh Têrêxa nói: Nếu phải
xuống hỏa ngục lúc này, tôi lôi Chúa cùng xuống theo." Thật là một ý
tưởng độc đáo mà chỉ có những ai “hiệp nhất trong Ngài” mới dám nói như
vậy. Thánh Phanxicô lại rất hào hứng khi nói : "Chúa là hố thẳm, hãy
nhảy vào..." , "Chúa như cơn lốc mà ta bị cuốn hút vào đó..." hoặc ấn
tượng hơn: "Chúa như con dã thú mà ta là tay thợ săn luôn rình rập để
tóm lấy con dã thú đó"[6]
Trong xác tín, Kitô giáo không thể
không nói tới thiên đường hỏa ngục, dù nơi đó chỉ hấp dẫn đối với tín đồ
ở trình độ đại chúng. Những tín đồ có trình độ cao hơn, sẽ hướng tới
một đích cao hơn: "Sống trong Thần khí của Chúa để kết hơp nên một với
Ngài" chứ không phải mong cầu thiên đường của Ngài. Tuy vậy họ vẫn không
thể phủ nhận thiên đường, hỏa ngục, mà tín lý Công giáo đã khẳng định,
nếu họ không muốn bị giáo hội “dứt phép thông công”!
Ðối với Phật
giáo thì sao? Không lên thiên đường, chẳng xuống hỏa ngục mà cũng chẳng
kết hợp với Ngôi vị nào cả. Vậy họ đi đâu? Câu trả lời là họ sẽ rơi vào
cái vòng luẩn quẩn của luật luân hồi. Tín đồ Kitô giáo thường bị "dị
ứng" về thuyết luân hồi, làm sao mà họ có thể chấp nhận được kiếp sau
mình sẽ phải là con trâu hoặc con bò... thật kinh khủng khi phải nghĩ
như vậy, nên chi họ không cam tâm chấp nhận…Vậy, phải hiểu vấn đề luân
hồi ra sao?
Nên nhớ rằng, học thuyết luân hồi đã có từ rất sớm,
trước cả thời kỳ của Ðức Phật. Các hệ phái triết học cổ và các tôn giáo
cổ Ấn Ðộ, thuộc thời kỳ tiền Phật giáo, đã sử dụng đến học thuyết luân
hồi. Như vậy, về căn bản thì luân hồi không phải là học thuyết của Phật
giáo. Ðến thời Ðức Phật, Ngài đã tận dụng lại những học thuyết cũ đã có
trước đó, để giải thích lại theo quan điểm mới của Ngài. Không những chỉ
có luân hồi mà ngay cả khái niệm Niết-bàn (nirvàna), cũng là một khái
niệm có trước thời kỳ Phật giáo. Trong Bà-la-môn giáo, học thuyết
Niết-bàn có liên quan đến thần thoại về mặt trời, mặt trăng. Vì thế,
không ít nhà nghiên cứu lầm tưởng Niết-bàn của Phật giáo cũng giống như
khái niệm về Niết-bàn được tìm thấy trong triết học cổ Ấn Ðộ. Nhưng vì
sao không sáng tạo ra học thuyết mới, mà phải vận dụng lại học thuyết
cũ. Có mấy lý do sau đây:
1. Tôn giáo thuộc phạm trù văn hóa, mà
khi nói tới văn hóa, không thể không nói tới tính kế thừa của các nền
văn hóa trong cùng một khu vực mà nền văn hóa đó tồn tại. Ấn Ðộ là một
khu vực văn hóa lớn, là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại.
Như vậy, sự kế thừa những học thuyết thuộc thời kỳ tiền Phật giáo của
Ðức Phật cũng không có gì lạ.
2. Sử dụng lại học thuyết luân hồi
mà đối với tri thức thời đó là rất quen thuộc, nhằm không mắc phải một
lỗi lý luận trong luận lý học cổ (tương tự như tam đoạn luận Aristote
dùng trong triết học cổ Tây phương)[7], mà sau này Mã Minh, Long Thọ,
Trần Na, triển khai thành một phương pháp luận mang tên: "Nhân minh
luận" hay "Nhân minh nhập chánh lý luận". Lỗi lý luận này gọi là lỗi
"thế gian tương vi".[8]
3. Lý do thứ 3 cực kỳ quan trọng: Khi các
phái triết học và tôn giáo cổ thời đó đều cho rằng luân hồi là có thật.
Thì đối với Ðức Phật, khi Ngài đại ngộ dưới cội bồ-đề. Ngài phát hiện
ra rằng: Tất cả các pháp, trong đó có luân hồi là không thật có. tất cả
đều là giả tướng. Như vậy luân hồi chỉ có giá trị trong phạm vi thế giới
hiện tượng, tức đứng về mặt sự tướng mà nói. Trên phương diện lý tánh,
Niết-bàn còn chưa có nói chi đến luân hồi....
Tuy nhiên, chúng ta
hiện nay đang sống trong thế giới hiện tượng. Cái thế giới được hình
thành từ những cặp phạm trù mâu thuẫn đối kháng, nhưng không loại trừ
lẫn nhau, thuật ngữ Phật học gọi là những cặp đối đãi như: dài ngắn,
sáng tối, tốt xấu, đen trắng, thiện ác v.v... Như thế cũng có nghĩa là
chúng ta phải chấp nhận luân hồi, và sẽ luân hồi dài dài... luân hồi cho
đến khi nào ta không còn là ta nữa (Vô Ngã). Cũng dễ hiểu thôi! Nếu ta
không còn là ta nữa thì lấy cái gì để mà luân hồi...
Đối với các
nhà thần bí Kitô giáo, đỉnh cao của trạng thái tâm linh trong chiêm
niệm mà họ đạt được là sự kết hợp với Ngôi vị, tức kết hợp với thiên
chúa, luôn tồn tại một cái "tôi" (bản ngã). "Tôi" là chủ thể kết hợp, và
"Ngôi vị" là đối tượng để kết hợp. Giả sử Phật tử có kết hợp được với
một Ngôi vị nào đó, thì anh ta vẫn phải "kết hợp trong luân hồi" do tác
động của "ngã".
Nhân đây, cũng nói thêm cách hiểu lệnh lạc của
một số học giả Công giáo, khi họ giải thích về khái niệm "Vô Ngã" của
Phật Giáo. Trong quyển Thiên Chúa giáo và Tam giáo, Linh Mục Cao Phương
Kỷ cho rằng, học thuyết "Vô Ngã" của Phật giáo đồng nghĩa với "vô hồn".
Ông viết: "Chữ Vô Ngã đã gây ra nhiều thắc mắc, hiểu lầm đối với các
Phật tử và cả với người ngoài". Bởi vậy, ông tự cho mình cái quyền "giải
thích lại" khái niệm "Vô Ngã" của Phật giáo đại để như sau: "Phật
Thích-ca đã dùng vỏn vẹn ba chữ để diễn tả Samsara: anicca, dukkha,
anatta. Nên nhớ rằng đây không phải là thế giới Nibbana, hoặc đời sống
nào khác, nhưng là một lối sống hèn hạ, đê tiện, hẩm hiu của con người
gọi là Samsara, luân hồi. Tại sao con người trong trạng thái Samsara gọi
là Vô Ngã (anatta)? Vì nó cũng phát sinh đau khổ!"… "Ý nghĩa của cái
"ta" giả dối, cái giả ngã tức cái Vô Ngã, thuộc thế giới Samsara, vô
thường, đau khổ. Ta cũng nhận định rằng cái Vô Ngã này là căn nguyên của
đau khổ, vì nó bị thất tình chi phối, không tự chủ được. Ðó là một hình
thức, một tình trạng thấp kém của kiếp sống con người, do đó cần phải
giải thoát. Ðây cũng là chủ đích của Phật Thích-ca khi giảng thuyết về
bộ ba chữ vô thường, đau khổ, vô ngã."[9]
Do hiểu sai (hay cố
tình xuyên tạc?) học thuyết Vô Ngã của Phật giáo, Linh Mục Cao Phương Kỷ
viết tiếp những dòng sau đây: "Chủ đích của Phật Thích-ca là giúp con
người giải thoát để tiến tới Niết-bàn. Muốn thế phải tiêu diệt cái ngã
giả dối tức Vô Ngã."…"Quan niệm Vô Ngã thuộc bộ ba: vô thường, đau khổ,
vô ngã là một lối sống đê hèn, đau khổ luân hồi, nghiệp báo, nên cần
được giải thoát."[10]
Vô Ngã của Phật giáo là một thể nghiệm tích
cực nhằm đạt đến giải thoát, Niết-bàn. Nói cách khác, Vô Ngã đồng nghĩa
với Niết-bàn, với giải thoát. Có thể nói đó chính là một sự chứng
nghiệm sâu thẳm, một bước nhảy vọt để vượt qua cái ngã cố hữu luôn trì
trệ níu kéo, để đạt đến một tình trạng hoàn toàn giải thoát, tức liễu
sanh thoát tử. Hay nói theo thuât ngữ thần học Công giáo: Vô Ngã tức
"Tối Hậu".
Do không hiểu Vô Ngã là gì, Linh mục Cao Phương Kỷ đã
đặt vấn đề như sau: "Nếu không tin một Ðấng Tuyệt Ðối làm Chủ Tể vạn sự
vạn vật, nếu hiểu "Vô Ngã" là cái "ngã", cái "tôi" tự nó không có giá
trị gì, vì là một hợp chất hổn độn do những điều ngu muội, sai lầm tạo
nên cái kiếp của một con người, vì ham sống, vì dục vọng mà con người
luẩn quẩn trong vòng sinh tử, luân hồi nghiệp chướng, kiếp này là quả
báo của kiếp trước, kiếp này làm người, kiếp sau làm súc vật. Do đó, cái
cá nhân, cái "ngã" đầy tham vọng ích kỷ đó là vô giá trị cần phải tiêu
diệt. Hiểu như vậy thử hỏi: Nếu tất cả đều là "vô", "Vô Ngã" thì động
lực của lòng Từ Bi đối với tha nhân phát sinh từ đâu và dựa trên nền
tảng nào?." [11]
Ðạo đế của Tứ diệu đế mở ra một con đường rộng
thênh thang, một "siêu xa lộ với 37 làn xe chạy", tức ba mươi bảy phẩm
trợ đạo. Bao gồm: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ
lực, Thất Bồ-đề phần, Bát chánh đạo phần. Trong đó, quán pháp Vô Ngã của
Tứ niệm xứ được trình bày tóm tắt như sau:
Pháp, phạm trù Phật
học được hiểu là tất cả những gì thuộc thế giới hiện tượng và bản chất,
phạm vi rất rộng lớn, từ cụ thể đến trừu tượng, cả những gì gọi là phi
hiện thực như "lông rùa, sừng thỏ" (thỏ không có sừng, rùa không có
lông!) đều gọi là Pháp.
Ngã, nghĩa cũng vô cùng rộng. (thường
thì người ta chỉ hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ riêng về con người, tức cái
"ta", cái "tôi" nhỏ bé của mình.) Vậy, ngã là gì? Hiểu một cách vắn tắt:
Ngã là "chủ tể", là "tự tướng riêng có" của vạn pháp. Các "tự tướng
riêng có" của vạn pháp xuất phát từ căn bệnh "chấp pháp" của loài hữu
tình mà con người là một đại biểu. Tự tướng tức cái ngã riêng biệt của
sự sự, vật vật. Ví dụ : Người có tự tướng của người , vật có tự tướng
của vật, thế giới có tự tướng của thế giới. Suy rộng ra cho đến
Niết-bàn, luân hồi, Phật, Chúa, thiên đàng, hỏa ngục, tất cả đều có tự
tướng của nó. Tuy nhiên tự tướng của các pháp không thể tồn tại được nếu
không có sự hổ tương đối đãi, như "dài" nương vào "ngắn" mà có, "sáng"
nhờ "tối" mà thành, "Phật" từ "chúng sinh" mà ra. Ngay cả đến đối với
"Chúa", nếu không có "con người" lấy ai để "mặc khải nhận biết Ngài.."
Thực tế chứng minh: nếu thiếu một vế, vế còn lại cũng không thể tồn tại.
Vì vậy, Phật giáo khẳng định "các pháp đều không có tự tướng, đều là Vô
Ngã". Quán pháp Vô Ngã là một thực nghiệm tâm linh, là một kinh nghiệm
thân chứng sống động của Phật giáo, chứ không phải suy luận từ một mớ lý
thuyết suông. Khi pháp quán đạt đến đỉnh cao của nó, hành giả chứng ngộ
được tâm Vô Ngã, thân Vô Ngã, cảnh Vô Ngã, pháp cũng Vô Ngã. Nói cách
khác, Vô Ngã bao trùm khắp pháp giới. Ðó là đỉnh cao của trí tuệ, là
Niết-bàn, giải thoát, là liễu sanh thoát tử.
Không biết Linh Mục
Cao Phương Kỷ đã tham khảo sách vở nào về học thuyết "Vô Ngã là một lối
sống đê hèn, đau khổ luân hồi, nghiệp báo?." Hoặc: "để tiến tới
Niết-bàn, muốn thế phải tiêu diệt cái ngã giả dối tức Vô Ngã." ông còn
cho rằng "Vô Ngã" đồng nghĩa với "vô hồn", hay ông đã tự "chế" ra học
thuyết trên để “đối thoại” với Phật giáo, hoặc để giảng dạy cho các
chủng sinh trong các chủng viện, nơi mà ông phụ trách giảng dạy môn
triết học ở đó…
Duy thức học là một khoa học chuyên nghiên cứu
thế giới hiện tượng (pháp tướng) một cách tỉ mỉ theo kiểu "sợi tóc chẻ
làm tư". Tôi không có tham vọng trình bày Duy thức học trong khuôn khổ
một bài viết, mà chỉ muốn đưa ra một số vấn đề của Duy thức học, có liên
quan đến đề tài đang bàn là thuyết luân hồi, để linh mục Cao Phương Kỷ
và các đồng đạo của ông tham khảo.
Theo Duy thức học thì "vạn
pháp duy thức" nghĩa là tất cả các pháp (thế giới hiện tượng - pháp
tướng) đều từ nơi "tâm thức" mà phát khởi. "Tâm thức" hay còn gọi là
"bát thức tâm vương" gồm :
Nhãn thức: Cái biết của mắt Nhĩ
thức: Cái biết của tai Tỹ thức: Cái biết của mũi Thiệt thức:
Cái biết của lưỡi Thân thức: Cái biết của thân thể Ý thức: Chỉ
sự tư duy Mạt-na thức: Chỉ sự phân biệt và chấp trước của tư duy
A-lại-da thức: Kho chứa chủng tử
Trong đó, thức thứ tám:
A-lại-da thức là thức có liên quan đến luân hồi mà chúng ta sẽ bàn sau
đây.
Tên gọi của thức thứ tám này cũng rất phong phú. Xin liệt kê
một số tên: A-lại-da, Tâm, A-đà-na, Sở tri y, Chủng tử thức, Dị thục
thức, Như lai tàng, Hàm tàng thức v.v... Sở dĩ có nhiều tên như vậy là
tùy vào cái "dụng" của thức này mà gọi tên cho phù hợp (tuỳ dụng đặt
tên). Ví dụ: đề tài mà chúng ta sẽ bàn là luân hồi, vậy tên phù hợp để
bàn với đề tài này là A-đà-na thức.
Nhưng trước khi bàn về
A-đà-na thức, phải nói thêm về khái niệm "chủng tử". Chủng tử hiểu một
cách vắn tắt là tất cả hành vi đạo đức do con người tác tạo bao gồm hành
vi thiện, ác, và cả những hành vi không thiện, không ác. Tất cả những
hành vi này đều được giữ lại trong một "kho chứa" là thức thứ tám. Vì
vậy thức này còn gọi là hàm tàng thức.
A-đà-na thức có ba công
năng : • Chấp trì: Giữ gìn tất cả các chủng tử tức những hành vi
thiện, ác, không thiện không ác... • Chấp thọ: Chấp thân làm tự thể ,
sinh ra cảm giác và lãnh thọ... • Chấp thủ: Giữ lấy tất cả các chủng
tử....
Hai khái niệm "thức" và "trí" thực ra chỉ là một, nhưng ở
vào hai vị thế khác nhau: Ở bậc giác ngộ gọi là "trí", ở người chưa
giác ngộ (phàm phu) thì gọi "thức".
"Trí" gồm hai phương diện:
"Căn bản trí" và "hậu đắc trí" • Căn bản trí : tức Như lý trí còn
gọi là Vô phân biệt trí. • Hậu đắc trí : tức Như lượng trí còn gọi là
Sai biệt trí.
Riêng nói về "Hậu đắc trí" cũng gồm đủ hai phương
diện : • Hiệp tha hậu đắc trí : Trí năng duyên các pháp nhiễm tịnh mà
lập ra vạn pháp • Tự trụ hậu đắc trí : Bậc giác ngộ nương vào trí
này duyên với cảnh giới của A-đà-na thức để thấu rõ căn thân và thế
giới.
"Thân"cũng gồm đủ hai thân : • Thân tự thọ dụng. •
Thân tha thọ dụng.
Thân tự thọ dụng duyên với Tự trụ hậu đắc
trí, còn Thân tha thọ dụng thì duyên với Hiệp tha hậu đắc trí. Như đã
nói trên , do A-đà-na thức có công năng duy trì sự nối kết quá khứ vị
lai, công năng chấp thọ, nối kết căn thân và thế giới, công năng chấp
trì chủng tử của các pháp. Chính Trí tự trụ hậu đắc duyên với cảnh giới
của A-đà-na thức mà biết có sự liên hệ nối kết của căn thân và thế giới.
Vì vậy nương vào thức này mà biết có luân hồi.
Do hành tướng
năng biến của thức thứ tám rất vi tế, nên người đời khó nhận biết: Tính
năng giữ gìn chủng tử, căn thân và thế giới, giúp căn thân tạo cảm giác
và sự lãnh thọ, biến hiện, nối kết chúng sanh và thế giới của thức thứ
tám không dễ gì nhận được nếu không có công năng tu tập (thiền quán).
Những đạo sĩ của các tôn giáo cổ Ấn Ðộ cũng đã thấy được hành tướng của
thức này, vì vậy họ khẳng định thức này là "thực có". Ðức Phật cũng đã
thấy được hành tướng năng biến của thức thứ tám. Nhưng trong thiền quán
sâu xa dưới cội bồ-đề, với trí tuệ siêu việt, Ngài đã phát hiện ra một
điều hết sức lý thú. Ðó chính là tính "không thực" của chúng. Ðiều này
giải thích tại sao luân hồi của Phật giáo khác với luân hồi của các tôn
giáo cổ ở Ấn Ðộ.
Vậy, học thuyết luân hồi do kinh nghiệm thân
chứng của các Bậc giác ngộ mà thấy có, chứ không phải do suy đoán. Tuy
nhiên, như đã từng nói, cái "có" ở đây chỉ là "giả có" chứ không "thực
có". Dù "giả có", nhưng nó vẫn tác động trực tiếp đến chúng ta vì hiện
nay chúng ta đang sống trong một thế giới được gọi là "thế giới hiện
tượng", tức thế giới của sự "sai biệt và phân biệt", thế giới của
"thức". Muốn bước ra khỏi luân hồi, chúng ta chỉ cần bước ra khỏi "thế
giới hiện tượng sai biệt và phân biệt" để hòa nhập vào thế giới của
"Trí". Nhưng đừng quên rằng "Trí" cũng chỉ là công năng chuyển hóa từ
"Thức" (chuyển bát thức thành tứ trí).[12]
Đây là một nhận thức
luận mang tính khoa học cao, Tín đồ Công giáo chắc chắn không uổng công
khi tham cứu, nếu không sợ ảnh hưởng đến “đức tin Công giáo”.
|