Sự ổn định xã hội được xây dựng trên sự sợ hãi, thay cho tinh
thần vô úy của Phật giáo hay tinh thần “Phú quý bất năng dâm, bần tiện
bất năng di, uy vũ bất năng khuất” của Mạnh tử, thì có thể chỉ đưa toàn
xã hội đến sự bạc nhược tinh thần. Sự ổn định bạc nhược đó sẽ hủy hoại
dần xã hội bằng căn bệnh trầm kha. Mà một xã hội hễ càng sợ hãi, thì khi
đối mặt với một sự bất ổn, như thảm họa thiên nhiên, lại càng dễ biến
thành hỗn loạn.
Mỗi buổi sáng, mở báo đọc, không
ai là không kinh hãi về những hiện tượng bạo lực diễn ra hầu như hằng
ngày. Người ta dễ dàng giết nhau vì những nguyên nhân không đâu : một
cái liếc mắt, một vụ va chạm nhỏ ngoài đường, sau cơn nhậu quá say… Con
giết cha, anh giết em, vợ giết chồng, người tình giết người tình, tớ
giết chủ. Người ta dễ dàng giết cả những người thân yêu, và thản nhiên
tra tấn trẻ em bằng những thủ đoạn rùng rợn như thời trung cổ. Đến trẻ
em, trong màu áo học trò, cũng sẵn sàng đâm chém nhau. Bạo lực và hận
thù hầu như đã tràn lan đến mọi ngóc ngách của cuộc sống. Sau lũy tre
xanh, cuộc sống vốn bao đời thanh bình êm ả, cũng bắt đầu nhuốm màu bạo
lực. Người ta luôn sẵn sàng lăn xả vào nhau một cách dễ dàng, như hai
con dã thú trong trạng thái bị kích động tột độ, vì những chuyện không
đâu, và ở bất cứ nơi nào. Lưỡi dao và thú tính đã dần lấn át tiếng nói
của lương tri và nếp cư xử văn hóa truyền thống của ông cha. Người ta dễ
dàng giết người, và lạnh lùng thụ án. Mà nạn nhân lắm khi là những
người hoàn toàn xa lạ không chút hận thù với kẻ giết người. Cả xã hội
đang rơi sâu vào trạng thái dững dưng vô cảm. Tội ác không để lại cho
một ai những băn khoăn nhức nhối về lương tâm, như xã hội Sa Hoàng thời
Dostoievski, mà ta thấy trong kiệt tác “Tội ác và trừng phạt”.
Có một trường hợp bạn bè giết nhau vì ai cũng sĩ diện, muốn dành được
trả tiền sau một chầu nhậu! Những tai nạn đau thương trong giao thông và
lao động, những thảm họa tang tóc đến với ngư dân trên rừng dưới biển
suốt bao năm dài dường như cũng chẳng còn làm một ai động tâm. Xã hội
chúng ta đang tiến gần đến bờ vực của thảm họa đạo lý, mà có lẽ phải có
một ngọn bút thiên tài tầm cỡ Dostoievski mới có thể phân tích đầy đủ về
quái trạng tâm lý này.
Xã hội hiện nay gần như chỉ còn là một
tập hợp những cá thể luôn sống trong một tâm trạng bất an, sợ hãi vì đời
sống tinh thần và đời sống tâm linh đã bị tổn thương trầm trọng, và do
đó rất dễ dàng bị kích động. Người ta đổ lỗi cho xã hội, cho gia đình,
cho cá nhân, cho đoàn thể mà không hiểu rằng xã hội chúng ta đang gánh
chịu những cái quả nặng nề trừ cái nhân mà chúng ta đã gieo ra từ trước.
Nguyên nhân đâu phải là cái gì nằm trước mắt mà thường bắt nguồn từ gốc
rễ sâu xa, rồi mới cảm nhiễm dần dần vào đời sống văn hóa xã hội. Như
căn bệnh ung thư tàn phá dần dần cơ thể. Ta đang gặt những gì đã gieo,
đúng theo quy luật nhân quả của Phật giáo. Văn hóa, nhìn ở một góc độ,
chỉ là quá trình “gieo và gặt”. Về mặt thuật ngữ khoa học, từ “Văn hóa” được bắt nguồn từ chữ Latinh "Cultus" mà nghĩa gốc là “gieo trồng”.
Ta gieo gì thì sẽ gặt nấy. Đó là văn hóa. Chúng ta không thể mong đợi
một mùa lúa ngát bông khi ta gieo xuống luống cày toàn sỏi đá. Cả một xã
hội hiện nay đã cảm nhiễm bạo lực và thù hận quá sâu vì chúng ta đã
gieo bạo lực và thù hận quá lâu trong lòng người. Bạo lực và thù hận đã
huân tập qua nhiều thế hệ và đang kết trái thành loài xương rồng dị dạng
trên sa mạc xã hội hiện nay.
Quẻ Khôn trong kinh Dịch nói : “Tích
thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư
ương. Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu, nhất tịch chi cố.
Kỳ sở do lai giả tiệm hỹ. Do biện chi bất tảo biện dã. (Nhà chứa
điều thiện tất có dư niềm vui. Nhà chứa điều bất thiện, tất có dư tai
ương. Bề tôi giết vua, con giết cha, không phải vì duyên cớ trong một
sớm, một chiều, mà nguyên nhân dần dần dẫn đến, chỉ do không biết sớm
vậy.). Gieo nhân sẽ gặt quả tương ứng. Quả theo nhân như bóng với hình.
Chỉ sớm hoặc muộn mà thôi.
Sau những ngày Tết, câu chuyện cướp ấn đền Trần nổi bật lên như một “hiện tượng văn hóa”
quái dị trong xã hội ta. Cảnh tượng hàng hàng lớp lớp người chen chúc
xô đẩy để cướp giật nhau một tờ giấy vàng ố, với hy vọng được thăng quan
tiến chức để “đổi đời” hoặc “lên đời”, quả là một
quái trạng xã hội dường như chưa từng có tự cổ chí kim. Nếu có chăng nữa
thì quái trạng đó chỉ có thể xảy ra trong những bộ lạc man di thời kỳ
đồ đá. Càng quái dị hơn nữa khi điều đó lại diễn ra ở một chốn thiêng
liêng, ở một đất nước luôn tự hào về bề dày văn hóa đến mấy ngàn năm.
Không ít người lên án đó một sự kiện thiếu văn hóa, song chúng ta nên
hiểu rằng hiện tượng đó chính là một “hệ quả văn hóa” tất yếu
của một xã hội mà mặt bằng dân trí còn thấp, đời sống tinh thần thì quá
khô cằn, còn đời sống tâm linh lại hoàn toàn vắng bóng trong suốt một
thời gian dài. Cả một xã hội đang từng ngày băng hoại về đời sống tinh
thần và tiết tháo, trong cảnh mua quan bán tước, mua bằng bán cấp diễn
ra hầu như công khai. Khí phách và tiết tháo của người xưa đã dần bị hủy
hoại, khi con người chỉ còn biết tìm cách tiến thân bằng cái đầu gối,
bằng cái lưng khom, bằng thói xu nịnh và dối trá. Họ chỉ còn biết tin và
dựa dẫm vào thần linh mà không còn đủ sức tin vào năng lực của chính
bản thân, bởi một lý do đơn giản là năng lực thực sự không còn được coi
trọng nữa. Chúng ta đã quá vội vàng bước một bước dài từ một thời kỳ tự
mãn ấu trĩ bằng cách xóa sạch dấu tích văn hóa tâm linh để khẳng định
một cuộc sống mới của thế hệ anh hùng, nên dễ dàng chuyển sang một xã
hội đầy mê tín dị đoan nhảm nhí một cách nhanh chóng, do không có điều
kiện để tiếp xúc với vẻ đẹp nhân văn thực sự của đời sống tâm linh. Hễ
gieo hận thù, bạo lực thì chúng ta phải gặt hái sự hỗn loạn trong xã hội
đạo đức suy đồi và mất tất cả niềm tin.
Sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ (bản dịch của Đông Châu
Nguyễn Hữu Tiến) chép rằng vào đời Lê ở làng Phù Ủng có một vị quan văn
thần là Võ Vinh Tiến. Tuy tuổi còn trẻ nhưng ông đã làm nên khoa hoạn,
tay cầm trọng binh đốc trấn ở Cao Bằng. Những người kỳ lão ở trong làng
đều ghen ghét, việc gì cũng đè nén không cho dự. Mỗi khi làng có đám có
lệ ăn uống, thì mọi người đều thoái thác, không muốn ngồi cùng chiếu với
Võ công. Võ công sai đem một trăm lặng bạc và trâu gạo tạ lỗi. Chúng
khước đi không nhận, bắt phải thân về tận nơi. Võ công dắt trâu, đem bạc
về, luồn lọt cho được thỏa lòng. Được ít lâu cái hiềm khích cũ đã quên
dần, ông mới bàn với dân xoay miếu thần về hướng Bắc, xong đâu đấy, lập
đàn nhảy xuống sông mà thề rằng : “Làng này đã coi khinh khoa hoạn thì về sau không nên có nữa”. Từ khi Võ công mất, trong làng không còn mất người đỗ đạt nữa.
Đọc bài đó, chúng ta không khỏi giật
mình về sự ràng buộc của hai chữ quả và nhân. Chúng ta đã khinh thường
chất xám, và sau đó lại hối hả lấp lỗ trống kiến thức bằng nạn mua bán
bằng cấp; và giờ đây xã hội đang phải đối mặt với sự dối trá và suy
nhược về đời sống tinh thần.
Cùng với sự đăng quang của lí trí, con
người thế kỉ XX đã say sưa chinh phục, say sưa khai phá, và tàn phá
thiên nhiên, say sưa với khát vọng làm chủ nhân ông của cả trần gian lẫn
trên thiên giới. Và con đường chinh phục đó đang dẫn con người đến sự
kết thúc bá quyền trên sa mạc. Đó là quả và nhân. Tôi hoàn toàn không
tin vào thuyết Thượng Đế sáng tạo vũ trụ. Nếu cần phải có Thượng Đế để
giải quyết vấn đề nguồn gốc vũ trụ, thì ngài chỉ đóng vai trò sáng tạo
vũ trụ, rồi sau đó để nó tự tồn tại và vận hành, và có thể sẽ hủy hoại
theo luật nhân quả.
Có lẽ không đâu lại luật nhân quả lại
hiện rõ bằng trong Phật pháp. Xã hội chúng ta hiện nay đang cảm nhiễm sự
lạnh lùng vô cảm đáng kinh hãi, vì những cái nhân bạo lực mà chúng đã
ta gieo quá lâu và quá nhiều trong quá khứ. Chúng đã tàn phá gần như
hoàn toàn nền văn hóa đạo lý của ông cha. Tâm hồn con người hiện nay đã
nhiễm tham, sân, si trầm trọng. Quá nhiều tham dục, quá nhiều sân hận và
ngu si đã và đang hủy hoại con người. Muốn tạo được sự chuyển hóa trong
xã hội thì toàn bộ hệ thống giáo dục phải giúp con người có điều kiện
tiếp xúc nhiều và lâu dài với điều thiện, với lòng từ bi bác ái; phải
dạy cho con người những bài học yêu thương thay cho những tư tưởng đầy
bạo lực hận thù. Điều đó sẽ giúp con người thật sự trở nên nhân ái đối
với đồng loại, như ta đã thấy qua nhiều tấm gương nhường cơm xẻ áo của
những đứa bé Nhật Bản trong thảm họa sóng thần vừa qua. Vết thương tinh
thần và tâm linh của xã hội chúng ta đã bị tổn thương quá trầm trọng,
cần phải điều trị lâu dài. Cần phải gieo nhân lành để được quả tốt.
Sự ổn định xã hội được xây dựng trên sự sợ hãi, thay cho tinh thần vô úy của Phật giáo hay tinh thần “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”
của Mạnh tử, thì có thể chỉ đưa toàn xã hội đến sự bạc nhược tinh thần.
Sự ổn định bạc nhược đó sẽ hủy hoại dần xã hội bằng căn bệnh trầm kha.
Mà một xã hội hễ càng sợ hãi, thì khi đối mặt với một sự bất ổn, như
thảm họa thiên nhiên, lại càng dễ biến thành hỗn loạn.