Phật Học Online

Những Đệ Tử Đặc Thù Của Phật

I. Bốn Chúng Đại Đệ Tử

Trong thực tế, đệ tử Phật số đã chứng quả có 1.255 vị, nhưng trong các kinh thường nêu con số tròn là 1.250 vị. Với số Thánh đệ tử Phật, bậc gương mẫu tiêu biểu đặc thù có 10 vị, gọi là 10 đại đệ tử, hay gọi cho gọn là Thánh chúng, như phần trước đã trình bày. Ngoài ra trong hàng tứ chúng xuất gia và tại gia cũng còn có nhiều vị rất đặc biệt.

a) Chúng Tỳ Kheo

1. Ba Ca Ly: Tín tâm đệ nhất

2. Bà Kỳ Sa: Thí tài đệ nhất

3. Bạc Câu La: Không bệnh đệ nhất

4. Ca Ly Hào Ðà Tử Bạt Ðề: Tánh quý đệ nhất

5. Ca Lưu Ðà Di: Giao tế đệ nhất

6. Câu Hy La: Bác giải đệ nhất

7. Chu Ly Bàn Ðà Già: Giải thoát đệ nhất

8. Câu Sát Ðà Na: Hạnh vận đệ nhất

9. Kiếp Tân Na: Giáo hội Tỳ kheo đệ nhất

10. Kiều Trần Như: Pháp lạp đệ nhất

11. La Cưu Sất Ca Bạt Ðề: Mỹ ngôn đệ nhất

12. Ly Bà Ða: Thiền định đệ nhất

13. Ma Ha Bàn Ðề: Vô trưởng đệ nhất

14. Nan Ðà Ca: Giáo hội ni chúng đệ nhất

15. Tần Ðầu Lô: Sư hống đệ nhất

16. Tô Na Khảo Lỵ Tỳ Sa: Tinh tấn đệ nhất

17. Tư Bá Ly: Sở đắc đệ nhất

18. Ưu Lâu Tần La Ca Diếp: Lãnh chúng đệ nhất

19. Ưu Bà Ly: Ký ức đệ nhất

20. Văn Nhị Bách Ức: Mỹ âm đệ nhất

b) Chúng Tỳ Kheo Ni.

1. Ba Sắt Già La: Trì luật đệ nhất

2. Bạt Ðà Nhã Ðà La: Tiệp tuệ đệ nhất

3. Chi Già La Ma Ða: Tín tâm đệ nhất

4. Cổ Câu La: Thiên nhãn đệ nhất

5. Kế Ma: Trí tuệ đệ nhất

6. Liên Hoa Sắc: Thần thông đệ nhất

7. Ma Ha Ba Xà Ba Ðề: Pháp lạp đệ nhất

8. Nan Ðà: Thiền định đệ nhất

9. Pháp Dữ: Thuyết pháp đệ nhất

10. Tô Ma: Tinh tấn đệ nhất

c) Chúng Ưu Bà Tắc

1. Chất Ða: Thuyết pháp đệ nhất

2. Kỳ Bà: Y bộ đệ nhất

3. Nan Cưu La: Tín thất đệ nhất

4. Tu Ðạt: Bố thí đệ nhất

5. Tu La Am Bà Ða: Bất hại tín tâm đệ nhất

6. Úc Ca: Cúng dường đệ nhất

d) Chúng Ưu Bà Di.

1. Ca Ðế Nhỉ: Tín ngưỡng kiên cố đệ nhất

2. Ca Ly: Truyền Tam bảo đệ nhất

3. Tu Bỉ Ða: Khán bệnh đệ nhất

4. Tỳ Xá Khư: Bố thí đệ nhất

5. Uất Ða La: Ða văn đệ nhất

II. Những Đệ Tử Đặc Thù Của Phật.

Qua 4 chúng đệ tử Phật, cơ sở đắc đặc thù nêu trên đang được trình bày chi tiết về cuộc đời và đạo nghiệp của các vị, để Phật tử được thấy rõ và noi gương. Nhưng tư liệu lưu lại rất hiếm chưa đủ để viết lại một cách đầy đủ. Tuy nhiên, trong số trên có 8 vị tương đối có tư liệu cần được ghi lại như sau:

1/ Chu Ly Bàn Ðà Già (Suddhi panthaka)

Chu Ly Bàn Ðà còn được gọi là Cung Thác Bán Ca, ông và Ma Ha là hai người sinh đôi, và cả hai đều xuất gia 1 lần.

Ma Ha là người thông minh, khôn lanh, ngược lại Chu Ly rất ngu muội chậm lụt, nhưng rất mực ngay thẳng, thật thà. Vì thế, Phật thương Chu Ly hơn Ma Ha. Vì lòng ganh tỵ, so bì, cho là Phật không công bằng, Ma Ha ghét Chu Ly thậm tệ. Một Hôm Phật đi du hóa xa, Ma Ha đánh mắng Chu Ly là kẻ đần độn, học hành không tiến bộ, không xứng đáng là bậc Đạo sư ba cõi trong tương lai. Ma Ha nhất quyết buộc Chu Ly phải hoàn tục ra khỏi Tăng đoàn, vì vừa yếu đuối, vừa không đủ lý luận để biện minh cho cá nhân, Chu Ly bèn xách gói ra khỏi Tinh xá, ngồi khóc bên vệ đường đợi Phật về để xin được phán quyết. Trên đường du hóa trở về, Phật thấy nhiều Tỳ kheo vây quanh an ủi vỗ về, khuyên Chu Ly đừng khóc.

Phật hỏi lý do, Chu Ly bạch:

- Bạch Thế Tôn! Ma Ha đã hết lòng dạy dỗ con nhưng vì chậm lụt, ngu muội, học mãi một bài kệ mà con vẫn không thuộc. Ma Ha cho con là người không có Trí tuệ để tiếp thu giáo pháp nhiệm mầu của Phật. Về sau, không đủ tư cách đi đó đây truyền bá giáo pháp của Như Lai làm Thầy 3 cõi. Vì thế, Ma Ha quyết định đuổi con ra khỏi Tăng đoàn, trở về thế tục lo việc sinh nhai. Nhưng với nguyện vọng quyết tâm xuất gia cầu đạo, con không thể trở về thế tục. Con ngồi đây đợi Thế Tôn về, để bày tỏ nguyện vọng xuất gia và xin Phật rộng lượng tiếp độ. Với lượng từ ái cao cả, Phật an ủi Chu Ly rằng:

- "Ông không nên thất vọng, khóc lóc, thối chí, ở đời có người thông minh, nhưng cũng lắm người chậm lụt, mấy ai sinh ra là liền thông hiểu mọi vấn đề, ai cũng phải qua thời gian rèn luyện, có công mài sắt có ngày nên kim. Con người ai cũng có sãn ngọc quý trong người, nhưng nếu không rèn luyện dũa mài, thì ngọc vẫn không sáng, trở thành vô dụng.

Hơn nữa người ngu mà biết mình ngu sẽ là người có trí, còn người có trí rồi tự hào, kiêu mạn, không chịu ôn luyện, tiếp tục dũa mãi sẽ trở thành lạc hậu, ngu si, và có thể tạo nhiều tội lỗi. Lâu nay ông tự biết mình ngu thì đâu phải là người ngu, ông chớ vội thất vọng. Ông hãy ráng tu luyện có ngày ông sẽ thành công, ông hãy đứng lên, tháp tùng Tăng đoàn cùng ta trở về Tinh xá Kỳ Viên.

Ðể giúp cho Chu Ly đập phá được vỏ ngu tối thấp lên ánh sáng Trí tuệ sẵn có trong người. Phật giao Chu Ly cho A Nan lo việc giáo dục. Ðể tránh mặc cảm, chán nản cho Chu Ly, Phật còn bảo A Nan nên kiên trì, mềm mỏng, tìm biện pháp thích nghi trong công tác dạy bảo. Với Chu Ly không cần thuyết giảng tràng giang. Chỉ cần thuyết giảng một bài kệ là đủ. Sau 1 thời gian A Nan không kiên trì nổi, dẫn Chu Ly đến trả lại Ðức Phật. Vì chỉ mỗi một câu kệ Chu Ly cũng không thuộc nổi. A Nan cho Chu Ly là người đã mất trí.

Với lòng đại bi, bao la, Phật đích thân dạy bảo Chu Ly, Phật phân cho Chu Ly công tác quét dọn Thiền đường, lau chùi bụi dơ. Phật bảo Chu Ly hằng ngày vừa làm công tác, vừa đọc bốn chữ "phủi bụi, trừ dơ" (Phất trần trừ cấu). Ðể giúp cho Chu Ly thuộc 4 chữ, Phật đã kết hợp việc làm với ý nghĩa của câu kệ. Thế nhưng hết ngày nọ qua ngày kia, tháng này qua tháng khác, Chu Ly rất mực chu đáo công tác, nhưng câu kệ 4 chữ Chu Ly không sao thuộc nổi, học trước quên sau, giống như người đảng trí. Tăng đoàn đều cho Phật hoài công, bỏ phí không biết bao thời gian để dạy bảo kẻ ngu đần. Trong đời có biết bao người trí, đáng lý Phật nên giáo hóa để Tăng đoàn ngày càng đông đảo hơn, việc hóa đạo có nhiều lợi ích hơn. Do đó, các Tỳ kheo thường theo Chu Ly để chọc ghẹo, chễ diễu, đã bị Phật quở trách, Phật dạy:

- Khi mạn là một trần cấu, đáng được gột rửa. Ðại chúng nên hỗ trợ cho Chu Ly bằng cách khi thấy Chu Ly làm công tác thì hãy đọc: "phủi bụi, trừ dơ", để khai mở tâm trí cho Chu Ly. Từ đó, mỗi lúc nghe Chu Ly đọc "phủi bụi, trừ dơ" các Tỳ kheo đều lớn tiếng đọc theo vang dội cả Tinh xá.

Ðúng là: "Có công mài sắt có ngày nên kim" nhờ vừa chăm chỉ làm, học, vừa được Phật và Tăng đoàn chiếu cố hỗ trợ qua 6 năm Chu Ly không những thuộc câu kệ mà còn bừng ngộ được ý nghĩa nhiệm mầu của câu kệ, Chu Ly nghĩ rằng:

- Bụi dơ đâu phải chỉ có ở Thiền đường, ngoài sân, trên mặt bàn, trên sự vật. Trong tâm con người cũng có nhiều bụi dơ. Với bụi dơ bên ngoài, bám chặt sự vật, chúng ta dễ thấy và rất dễ lau chùi. Còn bụi dơ trong tâm mới thật khó thấy, khó chùi rửa cho sạch, vả lại còn có nhiều thứ hơn. Ðó là các phiền não, tham, sân, si, áo, mạn, nghi, tà kiến v.v... Trừ sạch được các bụi dơ đó mới thật là khó, phi người kiên trì và đầy đủ Trí tuệ thì không thanh trừ nổi.

Nhờ đó, trong hiện thế, Chu Ly đã trừ sạch được trần nghiệp và hoàn toàn thanh thoát. Chu Ly thấy cuộc đời con người luôn luôn bị ái nhiễm ràng buộc mà phải vào sinh ra tử, chịu sự luân hồi. Với chí xuất trần thượng sĩ, người xuất gia phải kiên trì giới luật, trừ bỏ tâm ái dục để tỏ lòng thanh thoát xứng đáng là bậc Đạo sư của nhân thiên. Qua thời gian rèn luyện, Chu Ly phủi sạch được 3 độc tham, sân, si từ trong đáy lòng. Trước ngũ dục Chu Ly không động tâm, không ý niệm phân biệt hận thù, ganh ghét đố kỵ, tâm nhập với lý pháp giới bình đẳng, dứt hết vô minh, hoàn toàn Giải thoát. Ðể nhờ Phật ấn chứng, Chu Ly đến trước Phật bái yết và trình bày sự biểu ngộ. Phật tán thán Chu Ly, Phật tập họp đại chúng và dạy rằng:

- Này các Tỳ kheo! Người đọc tụng hàng ngàn quyển kinh nhưng không hiểu ý nghĩa của kinh cũng không theo ý kinh để hành trì, ích lợi không bằng chỉ đọc một câu kệ mà thấu rõ nghĩa lý và quyết tâm hành trì. Chu Ly Bàn Ðà Già trước đây rất ngu muội, nhưng nhờ quyết tâm thọ trì một câu kệ ngắn mà được nhập chứng. Chu Ly là một tấm gương sáng cho tất cả noi theo trên bước đường tìm cầu đạo lý nhập Thánh, siêu phàm.

Dù đã chứng Thánh, đạt được danh hiệu GIẢI THOÁT ÐỆ NHẤT, nhưng ngày ngày Chu Ly Bàn Ðà Già vẫn tiếp tục công việc quét dọn Thiền đường, quét dọn rác rưởi ngoài sân, và lau chùi bụi dơ ở các vật dụng, trong lúc tay quét dọn, miệng vẫn đọc câu kệ "Quét bụi, trừ dơ".

2/ Kiều Trần Như

Sau khi Thái tử Tất Ðạt Ða quyết bỏ cuộc sống vinh hoa, vào rừng sâu xuất gia tìm đạo, vua Tịnh Phạn sai hai đại thần đi thuyết dụ Thái tử trở về. Không thể lay chuyển được chí hướng của Thái tử, hai vị đại thần đành trở về chiêu mộ người muốn tìm đạo, theo phù trợ cho Thái tử. Trong số 5 người phát tâm theo Thái tử tu khổ hạnh tại núi Dà Xa, xứ Ba La Nại có Kiều Trần Như là người nhiệt tình cầu đạo hơn cả.

Kiều Trần Như là người theo Phật đầu tiên do đó được thành vị Thánh chúng có PHÁP LẠP ÐỆ NHẤT.

Khi chỉ thấy khổ hạnh làm cho cơ thể suy nhược, tinh thần hết minh mẫn, Phật ra khỏi rừng khổ hạnh dùng bát sữa của mục nữ Tu Xà Ðề, xuống sông Ni Liên tắm gội rồi trở lại thuyết dụ nhóm Kiều Trần Như trở về con đường Trung đạo, may ra mới có thể chứng thành Thánh quả. Kiều Trần Như cho là Phật đã thối chí, nên không theo và tiếp tục lối tu ép xác, ngày ăn một hạt đậu hoặc một hạt mè v.v...

Vì có thành kiến từ trước, khi nghe Phật trở lại rừng khổ hạnh để thuyết pháp cho nhóm của ông. Kiều Trần Như tính kế không tiếp đón. Nhưng với dung mạo oai lực của Phật, Kiều Trần Như thay đổi thái độ, từ lạnh nhạt qua tôn kính.

Sau khi nghe Phật thuyết giáo, Kiều Trần Như khai mở Trí tuệ, nhận chân sự cố chấp kiến là chướng đạo. Sống ở đời say đắm theo lạc thú vật chất, con người sẽ sa đọa vào con đường tội lỗi. Trái lại tu theo pháp khổ hạnh, khiến cơ thể suy nhược, tinh thần rối loạn, không còn minh mẫn. Bởi thế, trên con đường hành đạo cần tránh hai thái cực. Chỉ có con đường Trung đạo mới đạt được Giải thoát, khỏi luân hồi, sinh, già, bệnh, chết. Qua sự chuyển bánh xe Chánh pháp lần đầu của Phật, Kiều Trần Như và các Đạo sĩ đồng hành, biết rõ con đường Trung đạo qua pháp Bát chánh. Ðó là hiểu biết chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành động chân chính, mưu sinh chân chính, siêng năng chân chính, nhớ nghĩ chân chính, định tâm chân chính.

Tám pháp chân chính là con đường đưa chúng sanh đến cảnh Tịch diệt Niết bàn.

Ngược lại cuộc sống buông trôi theo tham ái giận hờn, si mê, đó là nguyên nhân chúng sinh đến 3 cõi 6 đường chịu nhiều khổ não.

Các khổ não mà chúng sinh phải trôi nổi trong sinh tử luân hồi, đó là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Rộng hơn đó là sinh, già, bệnh, chết, ân ái, xa lìa, oán thù gặp gỡ, mong cầu không được và thân Ngũ ấm không được điều hòa.

Nói ngược lại một cách khác hơn đó là 4 chân lý: Khổ, Tập, Diệt và Ðạo.

Với 4 chân lý qua lần chuyển pháp đầu tiên của Phật, Các Đạo sĩ khổ hạnh và nhất là Kiều Trần Như đã rõ:

- Ðó là khổ, vì hay bức não

- Ðó là tập, vì hay chiêu cảm

- Ðó là diệt, vì có thể tu chứng

- Ðó là đạo, vì có thể tu tập

- Vì nó là khổ, chúng ta cần phải biết

- Vì nó là tập chúng ta cần phải trừ

- Vì nó là diệt chúng ta cần phải chứng

- Vì nó là đạo chúng ta cần phải tu học

Kiều Trần Như thấy cần phải theo gương Phật, vì:

- Ðó là khổ, Phật đã biết.

- Ðó là tập, Phật đã trừ.

- Ðó là diệt, Phật đã chứng

- Ðó là đạo, Phật đã tu.

Sau khi nghe Phật chuyển pháp luân lần đầu, Kiều Trần Như và các bạn đồng hành phát nguyện bỏ lối tu khổ hạnh và xin làm đệ tử Phật. Kiều Trần Như đã có công lập thành Giáo đoàn đầu tiên của Phật. Kiều Trần Như cũng tinh tấn tu tập và trở thành Thánh đệ tử Phật, có Pháp lạp đệ nhất.

3/ Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Urivilia Kasyapa)

Tại xứ Ưu Lâu Tần Loa, nhân dân đa phần theo đạo thờ lửa, thủ lãnh là ông Ca Diếp. Ðể tránh lẫn lộn với Ca Diếp, thủ lãnh Tăng đoàn của Phật, Tăng đoàn ghép tên địa phương với tên người gọi ông là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Urivilia Kasyapa).

Ba anh em ông Ca Diếp có nghe danh Phật nhưng thường tuyên truyền là Phật không bằng mình, kể cả đạo Phật không bằng đạo thờ lửa. Ông cho thần lửa là hơn hết, lửa nấu chín thức ăn, lửa soi sáng đêm trường, lửa xua đuổi thú dữ, cọp beo... Ai cũng thừa hưởng ân huệ của thần lửa. Phật cũng nhờ lửa để có thức ăn chín, tránh thú dữ, lạnh lẽo lúc đêm khuya ở chốn sơn lâm.

Khi nghe tin Phật sắp đến giáo hóa ở xứ Ưu Lâu Tần Loa, ba anh em ông Ca Diếp chuẩn bị cách đối phó nếu cần thì sát hại Phật nhân thể. Phật tính phương án muốn giáo hóa nhân dân bỏ đạo thờ lửa trước hết hãy chinh phục cho được vị thủ lãnh của đạo đó. Vì thế, Phật giả là một khách lữ hành lỡ đường, xin vào tá túc tại nhà của ông Ca Diếp. Dù với hình dáng của dân thường, Ca Diếp vẫn biết kẻ lữ hành là Phật Thích Ca. Ðể hại Phật, Ca Diếp cho Phật ngủ vào phía sau đền, trong kho chứa vật dụng thờ lửa, nơi có nhốt 4 con độc long. Người và thú tuy có hình tướng khác nhau, nhưng đều có đức tính đại bi đồng thể. Người và vật dù ác đến đâu trong lòng vẫn chưa tiêu hết đức tính Từ bi, do đó, với đức tính hiền từ của Phật độc long trở nên cảm mến và không phun độc ám hại Phật.

Ðêm đó, Ca Diếp tin là Phật đã bị độc long phun lửa ám hại. Bởi thế, lúc trời chưa sáng, Ca Diếp đến mở cửa đem xác Phật đi chôn để phi tang. Vì ngại dư luận xôn xao trong ngày đại lễ của đạo thờ lửa, dân chúng sẽ kéo đến đông đảo lúc bình minh. Biết ý Ca Diếp Phật ẩn mình vào chỗ kín. Sau buổi lễ, Ca Diếp thu dọn dụng cụ vào kho. Khi vừa mở cửa kho Ca Diếp thấy Phật từ từ bước ra cửa. Rất đổi ngạc nhiên Ca Diếp hỏi Phật vì lý do nào Phật không bị độc long ám hại. Phật từ tốn giải thích đạo lý đại bi đồng thể giữa người với vật. Khi hai đức từ gặp nhau thì điều ác tan biến. Ngược lại với ác đối đầu, thì điều ác sẽ gia tăng, nóng giận gặp nóng giận như lửa đổ thêm dầu, lửa nóng giận sẽ bừng cháy, đốt hết sự nghiệp đã có trong nhiều đời, cả thế gian sẽ trở thành tro bụi.

Trong các thứ lửa, lửa tham, sân, si, tự phụ, kiêu căng... là thứ lửa dữ hơn cả thứ lửa ở trong thế gian.

Nhân cuộc gặp gỡ này, Phật phân tích nguồn gốc lửa trong thế gian cho Ca Diếp nghe.

- Theo Phật lửa có sẵn trong thiên nhiên, khi hai sự vật ma xát nhau mạnh, lửa phát sinh. Khi âm dương va chạm nhau mạnh lửa sấm sét sẽ phát sanh, gặp cây cây sẽ cháy gãy, gặp người người sẽ chết thiêu. Hai hòn đá va chạm nhau mạnh lửa sẽ phát ra, hai thanh tre khô cưa nhau với một nắm bùi dùi ta có thể lấy được lửa để nấu chín thức ăn, soi sáng sưởi ấm đêm trường lạnh lẽo, xua đuổi thú dữ. Qua những sự kiện cụ thể như thế, muốn có lửa, con người chẳng cần cầu sinh ở đấng thần linh vô hình nào. Phật còn nói lửa trần gian chưa độc hại bằng lửa tham ái, nóng giận, ngu mê, kiêu căng... ở trong mỗi con người. Con người dẹp trừ hết lửa phiền não trong lòng, thế gian đã an tịnh, hạnh phúc, khỏi cần bái lạy thần lửa nào khác. Cảm phục đức Từ bi của Phật đã chinh phục độc long và quan điểm của Phật về thực tế của lửa trong thiên nhiên. Ca Diếp liền tập hợp lại cả 500 vị đệ tử, xin bỏ đạo thờ lửa, trở về với Phật. Nan Ðà Ca Diếp (Nada Kasyapa) và Già Da Ca Diếp (Gaya Kasyapa) nghe tin người anh đã bỏ đạo thờ lửa theo Phật, lòng vô cùng tức giận. Hai người đã kéo đến 500 đồ đệ để cản ngăn Ca Diếp, nhưng qua sự thuyết phục của Ca Diếp hai ông cũng quay về theo Phật xin được xuất gia.

Từ đó về sau ba anh em ông Ca Diếp hết lòng phổ biến đạo lý của Phật, đưa nhân dân xứ Ưu Lâu Tần Loa tôn thờ Ðức Phật và đạo lý của Phật. Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đã chứng Thánh quả và trở thành bậc Lãnh chúng đệ nhất.

4/ Văn Nhị Bách Ức

Văn Nhị Bách Ức (nghe 200 ức) còn được gọi là Nhị Thông Ức Nhĩ (20 ức lỗ tai).

Ông là con một nhà đại phú hào. Do đó ông được nâng niu chìu chuộng đủ điều. Lúc còn nhỏ, có người bồng ẳm chân không dính đất. Bàn chân thật xấu xa kỳ dị, bởi dưới bàn chân có lông đen mọc tua tủa từng chòm. Nhờ được giáo dưỡng chu đáo và có biệt tài, ông trở thành một nhạc sư nổi tiếng.

Một hôm, được nghe Phật thuyết pháp, hiểu lý Vô thường Vô ngã của cuộc đời. Văn Nhị xin theo Phật xuất gia. Vì mong chóng thành đạo quả. Văn Nhị tu pháp môn khổ hạnh, đầu đà, ngày ăn một bữa, luôn luôn Thiền định dưới gốc cây. Vốn con nhà sung túc, nay lại ép xác, do chưa thích ứng với môi trường, cơ thể Văn Nhị ngày một gầy còm, gần đến kiệt sức. Cha mẹ Văn Nhị đến thăm, thấy Văn Nhị không còn phong độ như xưa, lòng vô cùng xót xa, hai ông bà tìm mọi biện pháp để cản ngăn lối tu khổ hạnh và buộc Văn Nhị trở về với gia đình. Văn Nhị sắp thối chí muốn trở về với thế tục, làm người Phật tử tại gia. Với tiền của sẵn có, Văn Nhị định thực hành hạnh bố thí, giúp đỡ kẻ cơ cực và mong cầu phước báo ngày sau. Bởi thấy lối tu đầu đà Thiền định đã qua thời gian dài mà không đạt được kết quả gì lại tổn hao sức khỏe, có lẽ túc duyên không có.

Ðược tin Văn Nhị sắp hoàn tục, Phật đích thân đến chỗ Văn Nhị đang Thiền định và thuyết hóa. Phật hỏi:

- Trước đây khi vào Tăng đoàn ông đã dùng âm nhạc giúp ta trong việc giáo hóa, đưa người trở về với Chánh pháp. Qua công hạnh đó ông đã tạo nhiều phước đức, nhiều người kính nể ông. Nhưng vì muốn chứng Thánh đạo quả ông theo con đường cấp tiến bằng hạnh đầu đà ép xác, Thiền định, vì phương pháp hóa độ, có thể chưa chuyển hóa kịp thời với tư duy của ông. Do đó, ông đã kiệt sức. Với một nhạc sư vốn có sự hiểu biết luật tắc của cuộc đời, ông không chiêm nghiệm được lý do để có những bước thái quá, đến nổi phải thối tâm? Vốn có tài nghệ âm nhạc, đờn địch, nay ta hỏi ông điều này:

- Với một cây đàn, nếu được lên dây thật căng, tiếng đàn sẽ thế nào?

- Bạch Thế Tôn! Dây đàn sẽ đứt.

- Con nếu dây chùng thì thế nào?

- Bạch Thế Tôn! Ðàn sẽ không kêu.

- Này Văn Nhị! Sự tu hành cũng thế, gấp rút quá nửa đường sẽ đứt gánh. Còn giải đãi, tất yếu cũng hoài công, không thể đạt được đạo.

Trước đây, ta cũng có thời gian tu khổ hạnh 6 năm kết quả là kiệt sức. Do đó, ta bỏ lối ép xác và cũng không trở lại con đường hưởng thụ vật chất, ta theo con đường Trung đạo. Nhờ đó, ta đã thành chánh quả. Ðiều đó giống như dây đàn, lên dây vừa phải âm thanh sẽ thanh thoát, êm tai. Vốn là một nhạc sư, lẽ nào ông không tư duy được về sự kết hợp giữa sự tu hành với cây đàn hay sao?

Nghe Phật đem ví dụ cụ thể giảng giải, Văn Nhị hiểu được lý Trung đạo. Rồi từ đó Văn Nhị trở lại đem âm thanh nhạc khí tiếp tục giúp Phật du hóa. Nhờ trung hòa được phương pháp tu tập, tâm của Văn Nhị dần dần trở lại an tịnh, thư thái...

Về sau, chẳng bao lâu Văn Nhị chứng quả A la hán và được Tăng đoàn phong tặng là bậc Mỹ âm đệ nhất.

5/ Ma Ha Ba Xà Ba Ðề

Ðạo Phật là đạo của bình đẳng. Phật nói "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật tử sẽ thành". Bởi thế, theo lời khẩn cầu của Tôn giả A Nan, Bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề là con thứ ba của A Noa Thích Ca Vương, vua thành Thiện Tý, nước Kosala. Bà cũng là em gái của bà Ma Da phu nhân, là Di mẫu của Phật Thích Ca. Con của bà là Nan Ðà. Tuy nhiên tình thương của bà dành cho Tất Ðạt Ða nhiều hơn.

Sau khi trở về thành Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp giáo hóa cho các vương tôn công tử và chọn người thừa kế vua Tịnh Phạn xong xuôi, Phật rút lui trú đóng tại rừng Ni Câu Ðà, ngoài thành Ca Tỳ La Vệ. Vì đã thấm được giáo lý Giải thoát, một hôm Bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề dẫn 500 thể nữ đến rừng Ni Câu Ðà, dâng Phật hai tấm y do chính tay bà may. Phật không nhận và đề nghị nên đem y dâng cúng chúng Tăng để được phước nhiều hơn. Bà tỏ ý không bằng lòng. Phật đành nhận 1 tấm và tấm còn lại bà đem dâng cho một Tỳ kheo. Nhân dịp đó, bà xin Phật được xuất gia như nam giới. Dù giáo pháp bình đẳng ai cũng có thể thành Phật, nhưng chức năng giữa nam và nữ có khác nhau:

Trong thực tế tiếp xúc, vì ngại có thể sinh những điều không hay, quần chúng dị nghị, Phật chưa chấp thuận.

Vì chí đã quyết nên dù đã 3 lần thưa thỉnh Phật vẫn chưa chấp nhận. khi trở về cung đường bà và 500 thể nữ tự xuống tóc khoác áo cà sa, tìm phương cách xin Phật xuất gia cho bằng được. Một hôm bà và 500 thể nữ đồng lên đường đến Tinh xá Na Ma Ðề Kiện Ni, nơi Phật đang giáo hóa vì đường xa khi vừa đến cổng Tinh xá bà và các thể nữ đều mệt lả, đành đồng nhau ngồi lỳ đợi cơ hội vào bái yết Phật. Tình cờ từ trong Tinh xá ra ngoài A Nan thấy việc lạ lùng và hỏi cớ sự, bà Ma Ha trình bày ý chí và nhờ A Nan khẩn xin Phật giúp để đạt toại nguyện. Trước ý chí tự nguyện cao độ của Di mẫu, Phật chấp nhận cho bà và 500 thể nữ xuất gia, với 8 điều kiện, Phật gọi là 8 kỉnh pháp:

1. Tỳ khep ni phải y chỉ chúng Tỳ kheo mà cầu thọ cụ túc giới.

2. Tỳ kheo ni, mỗi nửa tháng phải đến trụ xứ Tỳ kheo làm lễ thỉnh Thầy giáo thọ.

3. Tỳ kheo ni mỗi năm một lần đến kỳ kiết hạ an cư. Nhưng nếu trong vùng không có chúng Tỳ kheo thì tuyệt đối không được phép tự lập kiết hạ riêng.

4. Tỳ kheo ni không được cử tội hay nói lỗi lầm của Tỳ kheo. Ngược lại, Tỳ kheo có quyền nói lỗi của Tỳ kheo ni.

5. Tỳ kheo ni nếu phạm tội tăng tàn phải tự mình xin sám hối trước hai bộ chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, trong kỳ Bồ tát hằng tháng gần nhất.

6. Tỳ kheo ni dù đã thọ giới cụ túc lâu 100 năm, nhưng với Tỳ kheo mới thọ giới vẫn phải đảnh lễ cung kính, vái chào.

7. Tỳ kheo ni sau mùa an cư phải đến trước Tỳ kheo xin chỉ những việc bất xứng ý, qua mắt thấy, tai nghe hoặc nghi ngờ.

8. Tỳ kheo ni có điều gì cần hỏi Tỳ kheo mà nếu vì một cớ nào đó Tỳ kheo không đáp, không được gạn hỏi thêm.

Thể theo ý Phật ngại sự hiện diện của nữ giới trong Giáo hội có thể làm cho Chánh pháp biến thể hoặc sớm hoại diệt, và các dị nghị khác có thể xảy ra, Bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề nghiêm túc chấp hành các điều giao ước. Bà trở thành Tỳ kheo ni đầu tiên trong Giáo hội Phật giáo và chứng thành đạo quả không kém nam giới. Với hàng Tỳ kheo ni là vị có pháp lạp đệ nhất làm gương mẫu cho hàng Tỳ kheo ni.

6/ Liên Hoa Sắc.

Thời Phật còn tại thế, tại thành Ðức Xoa Tỳ La có một mỹ nữ sắc nước hương trời, tên là Liên Hoa Sắc, con một Trưởng giả vô cùng sang giàu.

Lúc nên 16 tuổi Liên Hoa Sắc lấy chồng. Sau thời gian chung sống với chồng Liên Hoa Sắc sinh một bé gái, nhưng cảnh đời trớ trêu cha chồng chết sớm, mẹ chồng còn xinh đẹp, sinh lý còn cường thịnh, bà dụ dỗ chồng của Liên Hoa Sắc vào con đường mất hết đạo lý, bà còn đối xử tệ bạc với Liên Hoa Sắc, đúng là mẹ chồng nàng dâu theo thường tình. Bà cấm Liên Hoa Sắc tiếp xúc nhiều với con bà, và xem Liên Hoa Sắc không khác hầu thiếp của bà. Cuộc sống của Liên Hoa Sắc không khác một tớ gái trong gia đình; quá buồn tình uất ức cùng độ, Liên Hoa Sắc trốn nhà ra đi, bỏ con lại cho chồng, và cũng không dám trở về với gia đình cha mẹ. Lang thang đó đây kiếm kế sinh nhai. Sau mấy năm ổn định lại được tinh thần, hương sắc phục hồi "gái một con trông mòn con mắt". Liên Hoa Sắc tái giá với một thương gia giàu có. Vì sự nghiệp buôn bán ngược xuôi, chồng Liên Hoa Sắc ít có ở nhà.

Nhờ có tay thương mãi chồng của Liên Hoa Sắc làm ăn ngày một phát đạt thịnh vương... Một hôm từ thành Ðức Xoa Thi La trở về nhà, thương gia dẫn về 1 nàng hầu trẻ đẹp. Ðể tránh xáo trộn trong gia đình, thương gia tậu một biệt thự riêng để nàng cư ngụ. Nhiều đêm, thương gia lấy lý do giao tế, thăm viếng bạn bè, tính kế làm ăn để đến nhà riêng ăn ở với nàng hầu. Nghe bà con làng xóm xì xầm, Liên Hoa Sắc để tâm theo dõi. Về sau Liên Hoa Sắc tìm được nhà riêng của chồng nơi thu giấu nàng hầu. Vào một chiều hôm Liên Hoa Sắc lên cơn thịnh nộ, đi bắt ghen kẻ cướp chồng mình. Khi đột nhập vào ngôi nhà riêng của chồng bắt gặp hai người đang tâm tình.

Nhưng than ôi! Nàng hầu của chồng chính là con gái của mình với đời chồng trước. Tâm hồn bấn loạn, Liên Hoa Sắc ngã ra bất tỉnh. Khi tỉnh lại, lòng miên man suy nghĩ, chẳng rõ vì nghiệp báo gì kỳ quặc đến thế. Vì trước đó, bà già cướp chồng nay chồng lại ăn ở với con gái mình biết xưng hô bằng cách nào cho phải đạo lý luân thường. Cuộc đời còn gì là ý nghĩa. Chán nản thế thái nhân tình, Liên Hoa Sắc quyết đi làm gái điếm để phá hoại gia thất của các chàng sở khanh, các mụ đàn bà có máu hoạn thư, mặt khác để mua vui và quên hết quá khứ thê thảm! Vì quá uất hận Liên Hoa Sắc không phải chỉ chọc phá người thế tục mà muốn thử thách trêu chọc các nhà Đạo sĩ nữa.

Một hôm, Liên Hoa Sắc đến ẩn nấp trong 1 hoa viên nằm trên con đường Mục Kiền Liên thường đi qua vào sáng sớm. Khi Mục Kiền Liên đi du hóa, đến cổng hoa viên, Liên Hoa Sắc đón đường ra chọc ghẹo. Nhờ có đạo lực cao, biết đó là một gái điếm lẳng lơ định mê hoặc mình, Mục Kiền Liên dừng lại từ tốn hỏi thăm và quyết tâm thuyết phục người dâm nữ trở về nẻo thiện, Mục Kiền Liên nói với Liên Hoa Sắc:

- Hình sáng, diện mạo của cô thật xinh đẹp, phục sức thật vô cùng lộng lẫy, đến nỗi nào cô không thể kiếm được một tấm chồng giàu đẹp, có địa vị trong xã hội, mà lại đi vào con đường dơ uế như thế này. Cô đã lún xuống bùn dơ, cô càng vùng vẫy thì càng lún sâu thêm nữa. Cô chọc phá đời, cô tội lỗi biết chừng nào hở cô?

Biết không thể khuynh đảo được Đạo sĩ, Liên Hoa Sắc trình bày với Mục Kiền Liên tất cả tâm sự ngày trước, nước mắt tràn chảy và thưa:

- Thưa Đạo sĩ! Với hoàn cảnh của tôi thật là oái oăm, khiến tôi phải tan nát cuộc đời, tạo nhiều lỗi lầm, giờ đây biết lấy gì chuộc nổi.

Mục Kiền Liên an ủi:

- Con người khi đã ngã xuống đất, thì phải biết chống đất mà đứng lên, thua keo này ta bày keo khác, miễn có chí thì sẽ vượt qua tất cả. Còn nếu đã lỡ lầm tạo nhiều tội lỗi hãy thành tâm sám hối. Ở đời có hai hạng người mạnh nhất:

- Ðó là người không tạo ra tội lỗi.

- Người có tội biết ăn năn, hối cải.

Muốn sạch hãy lấy nước mà rửa, nước tràn sông, rạch, dù dơ đến đâu khi chảy ra ngoài biển cả đều trở thành trong biếc.

Tâm hồn bất tịnh thì hãy đem Phật pháp mà tẩy, Ðức Phật của tôi có 8 vạn 4 ngàn pháp môn rất khế lý khế cơ, con người có thể tùy theo hoàn cảnh, khả năng, để chọn pháp môn tu tập. Mọi chúng sanh đều sẵn có Phật tánh trong tâm, dù phiền não, lỗi lầm che khuất bao nhiêu lớp, có quyết tâm đều sẽ chùi sạch để Giác ngộ Giải thoát, cô có thể tháp tùng theo tôi đến trước Phật cầu phép sám hối, tu tập theo con đường chánh đạo.

Mê nhất kiếp, ngộ nhất thời, qua lời giải thích an ủi đạo lý, Liên Hoa Sắc tỉnh ngộ, nét mặt trở lại tươi tỉnh, xin đi theo Mục Kiền Liên và bái yết Phật.

Liên Hoa Sắc được Phật cho phép xuất gia, trở thành Tỳ kheo ni gương mẫu, về sau Liên Hoa Sắc chứng quả A la hán và trở thành vị Tỳ kheo ni có thần thông đệ nhất.

7/ Cư Sĩ Tu Ðạt.

Tại thành Xá Vệ nước Kiều Tát La (Kosala) ở Tây Bắc Ma Kiệt Ðà có Trưởng giả Tu Ðạt rất giàu có thường hay giúp đỡ người nghèo khó, cô độc. Bởi thế, người trong vùng phong tặng cho Trưởng giả danh hiệu là Cấp Cô Ðộc.

Một hôm Tu Ðạt đến nhà Trưởng giả Thủ La (Cùda) để dạm hỏi vợ cho con trai thứ 7. Lúc đang trao đổi việc hôn nhân cho con, Tu Ðạt thấy trong nhà Thủ La có vẻ rộn ràng, kẻ cắm hoa, người treo đèn, các cô các bà làm bánh trái... Tu Ðạt hỏi lý do, Thủ La cho hay, nhà đang sửa soạn để sáng hôm sau thỉnh Phật đến nhà chứng trai. Thủ La còn trình cho Tu Ðạt biết phong cách và giáo lý Giải thoát của Phật, Thủ La mời Tu Ðạt lưu lại tham dự lễ cúng dường Phật.

Sau khi dự lễ trai Tăng cúng dường Phật và chúng Tăng, Tu Ðạt theo Phật đến Tinh xá Trúc Lâm để được nghe Phật giảng giải tường tận đạo lý của Ngài. Nghe Phật thuyết pháp cúng dường bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, lý Duyên sinh, nhân sinh vũ trụ, nhân quả, nghiệp báo luân hồi... Trưởng giả hết sức tâm đắc giáo lý của Phật. Do đó xin được quy y Phật, Trưởng giả quyết định thỉnh Phật về Xá Vệ hóa độ mọi người. Tu Ðạt còn phát nguyện xây dựng một Tinh xá để cúng dường cho Phật và Giáo đoàn.

Khi trở về Xá Vệ, Tu Ðạt liền đi kiếm vườn rừng để xây dựng Tinh xá, thực hiện nguyện ước đã trình với Phật. Quan sát khắp vùng, Tu Ðạt thấy khu vườn rừng của Thái tử Kỳ Ðà (jata), con vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) là vừa ý hơn hết. Ông Tu Ðạt đánh bạo gặp Thái tử Kỳ Ðà và đạt được ý định. Nghĩ là Tu Ðạt không đủ vàng để mua khu vườn, Thái tử Kỳ Ðà ra giá, trong thời gian một ngày hôm sau, nếu Trưởng giả có đủ vàng trải khắp khu vườn rừng thì tôi sẽ bán.

Y hẹn, sáng hôm sau, Tu Ðạt cho người chở vàng đến lót khu vườn. Vào lúc trưa vàng đã lót cùng khắp, chỉ còn một góc vườn, Trưởng giả bóp trán suy tư. Ðoán chắc là Tu Ðạt thiếu vàng không còn để lót gốc vườn còn lại, Thái tử Kỳ Ðà lên giọng:

- Thế là Trưởng giả không đủ vàng để lót đủ khu vườn rừng, sự giao ước không thực hiện trọn vẹn, tôi không thể bán khu vườn cho Trưởng giả.

Tu Ðạt liền trả lời rằng:

- Không phải là tôi thiếu vàng, tôi đang nghĩ là góc vườn còn lại nên lấy vàng ở kho nào, thời gian giao ước cũng chưa hết, xin Thái tử yên chí, đợi chốc lát nữa tôi sẽ lót vàng như đã giao ước.

Quả đúng như thế, vào lúc xế bóng, vàng đã được trải lót đầy đủ. Thế là Thái tử tự thấy sự đùa bỡn của chính mình đã thất bại, và suy nghĩ chắc Phật là một bậc cao siêu như thế nào đây Tu Ðạt mới không tiếc châu báu, vàng bạc để mua cho bằng được khu vườn này. Với vàng bạc châu báu ta cũng không thiếu gì, có lẽ ta nên hợp tác với Tu Ðạt góp phần công đức xây dựng Tinh xá cúng dường Phật. Thái tử dẫn Tu Ðạt đến một bóng mát bày tỏ tâm sự.

- Tôi nghĩ Phật là một bậc siêu tuyệt, nên Trưởng giả đã không tiếc vàng để mua khu vườn này, vàng đã trải đủ, thế là khu đất đã thuộc về Trưởng giả, còn cây cảnh trong khu vườn thuộc về phần tôi. Do đó, tôi xin cùng với Trưởng giả, chúng ta tiếp tục công việc xây dựng Tinh xá để kịp thỉnh Phật về Xá Vệ giáo hóa cho nhân dân. Còn với số vàng Trưởng giả đã trải, xem như tôi đã nhận, Trưởng giả có thể thu hồi về để thực hiện Phật sự khác. Vì như Trưởng giả đã biết vàng bạc châu báu tôi không thiếu một thứ gì.

Thế là vườn rừng xinh đẹp rộng rãi đã có sáng hôm sau, Tu Ðạt trở lại Tinh xá Trúc Lâm bạch Phật, hỏi cách xây dựng Tinh xá, và xin Phật phái Thánh đệ tử nào cùng đến Xá Vệ để chỉ đạo công trình, có cơ duyên tốt, Phật giao việc lập đồ án và chỉ đạo công trình cho Xá Lợi Phất đảm trách. Qua sự đóng góp tài sản của Tu Ðạt và Thái tử Kỳ Ðà, cùng với công sức của dân thành Xá Vệ, trong một thời gian ngắn. Xá Lợi Phất đã hoàn thành nhiệm vụ được Phật giáo phó. Khi đến tiếp nhận Phật đặt hiệu là Tinh xá Kỳ Viên. Phật và Giáo đoàn còn tán thán công đức bố thí cúng dường của Tu Ðạt và phong tặng cho Tu Ðạt là Cư sĩ bố thí đệ nhất.

8/ Ưu Bà Di Tỳ Xá Khư. (Vasàkhà).

Trưởng giả Tu Ðạt (Sudatta), hiệu là Cấp Cô Ðộc, có biệt hiệu như thế là do Trưởng giả luôn luôn làm việc bố thí và hết lòng ủng hộ Phật pháp, được Giáo đoàn của Phật phong tặng là Cư sĩ có lòng bố thí đệ nhất. Nhưng ngược lại, Trưởng giả lại có một bà vợ vô cùng keo kiệt tên là Tỳ Xá Khư (Vasàkha) thường gọi là Lộc Mẫu.

Thấy chồng phụng sự Phật, bà luôn luôn bày tỏ thái độ phản đối. Bà cho là ông chồng bà vướng phải bùa mê của Phật, nên mới đem gia sản cúng dường Phật và Giáo đoàn một cách phung phí. Khi Phật đến nhà, bà luôn tìm cách lánh mặt vì ngại vướng phải bùa mê của Phật như ông chồng. Tu Ðạt hết lời khuyên giải và nhiều lần khẩn khoản khuyến dụ bà đi nghe Phật thuyết pháp, bà nhất mực từ chối. Thấy gia đình Tu Ðạt không được hòa hợp trên con đường theo Phật, Mạt Lợi phu nhân vợ vua Ba Tư Nặc, cùng với Tu Ðạt đến hỏi Phật lý do và tìm biện pháp hóa giải. Phật cho biết là Lộc Mẫu không có thiện duyên với Phật từ kiếp xa xưa.

Tuy nhiên, để hóa độ Lộc Mẫu, Phật giáo giao phó trách nhiệm hóa giải tình cảm gia đình của Tu Ðạt cho La Hầu La.

Sau một thời gian thực hành nhiệm vụ, La Hầu La về trình Phật là đã đạt được mục đích. Lộc Mẫu đã tỏ ra cử chỉ không chống đối việc phụng sự Tam bảo của Tu Ðạt và cũng đã giúp cho Tu Ðạt thực hiện được nhiều công tác bố thí kẻ nghèo, cúng dường Tăng đoàn.

Thẩm tra thực hư thế nào, một hôm Phật mang bát đi đến khất thực tại nhà Tỳ Xá Khư. Bà ta đem cơm dâng Phật, đơm đầy bình bát, với cử chỉ vô cùng kính cẩn, thấy cơ duyên đã đến Phật nói:

- Này Tỳ Xá Khư! Gieo 1 gặt 10, gieo 10 gặt 100 gieo 100 hạt gặt 1.000, cứ thế nhân lên, với công đức cúng dường bát cơm này nhà người sẽ gặt được vô lượng phước báu. Rất đổi ngạc nhiên, Tỳ Xá Khư hỏi lại:

- Bạch Phật: Kẻ ngu phụ này không hiểu tại sao chỉ cúng có một bát cơm mà được nhiều phước báo đến thế?

- Này Tỳ Xá Khư! Phật nói, nhà ngươi đã thấy cây đại thọ Vi Câu Ðà chưa? Cây đại thọ cành lá sum suê, bóng mát che phủ 4,5 dặm đường và mỗi năm hạt rụng xuống đất hàng vạn Ni hạt... Thế nhưng thuở ban đầu chỉ có một hạt nẩy mầm mà thôi. Bát cơm cúng dường của nhà ngươi cũng giống như hạt Vi Câu đà kia.

Qua ví dụ tuy đơn giản nhưng Tỳ Xá Khư lại hình dung ra đầy đủ ý nghĩa to lớn của sự bố thí cúng dường. Từ đó về sau, bà ra sức khuyến hóa dân thành Xá Vệ, cùng với vợ chồng bà thực hành hạnh bố thí, cúng dường. Bản chất keo kiệt không còn. Tỳ Xá Khư trở thành con người hào phóng. Một hôm, bà dẫn đông đảo một số chị em đến Tinh xá Kỳ Viên xin Phật thực hiện 8 việc bố thí. Ðể kiểm chứng thiện tâm của Tỳ Xá Khư lúc đầu Phật từ chối, nhưng qua nhiều ngày bà hết lòng cầu khẩn, Phật chấp nhận.

Tám việc bố thí của bà xin được làm là:

1. Ðược cúng dường áo đi mưa cho Tăng đoàn khỏi bị ướt khi đi khất thực, hoặc hành đạo gặp mưa gió.

2. Ðược cúng dường các Tỳ kheo mới gia nhập Tăng đoàn, vì các vị tân Tăng chưa có uy tín, nếu việc khất thực không được đầy đủ.

3. Ðược cúng dường vật thực và tiền bạc cho các Tỳ kheo đi du hóa phương xa, phòng lỡ đường phải túng thiếu.

4. Ðược cúng dường thuốc men cho Tỳ kheo lâm bệnh phòng không chạy chữa kịp thời có thể nguy khốn.

5. Ðược cúng dường thực phẩm thích đáng cho Tỳ kheo lâm bệnh, để bệnh chóng thuyên giảm.

6. Ðược cúng dường vật thực cho Tỳ kheo phát tâm săn sóc bệnh nhân, vì lo cho bệnh nhân không có thì giờ đi khất thực.

7. Cúng dường cháo cho Tỳ kheo.

8. Ðược cúng dường áo tắm cho Tỳ kheo ni, để khỏi trần truồng đi ra tắm ở sông, khác với các dâm nữ thường tắm ở sông Hằng.

Thấy việc xin cúng dường có lý do chánh đáng, Phật hoan hỷ chấp thuận và ban lời tán thán:

- Này Tỳ Xá Khư! Trước Giáo đoàn Ta tán thán thiện tâm, thiện chí của ngươi, vì ngươi đã thấy rõ công đức của sự bố thí cúng dường, tuy nhiên ta cũng cho người rõ thêm là nếu ngươi không xả ly của cải, của cải cũng sẽ xả ly ngươi, vì cuộc đời là Vô thường, có đó rồi không có, hãy cho tất cả, đem của cải ra bố thí, của cải sẽ dồi dào bền chắc hơn, phước báu sẽ vô lượng, ở hiền gặp thì gặp lành.

Mãi về sau nhờ công đức bố thí rộng lớn. Tu Ðạt và Tỳ Xá Khư trọn đời hưởng giàu sang và danh tiếng, Tỳ Xá Khư cũng giống như chồng là Tu Ðạt được nhân dân phong tặng là người bố thí đệ nhất.

Vu Lan 2532 - 1988

THÍCH MINH TUỆ (Biên soạn).

Sách Tham Khảo

- Trường Bộ Kinh 1, 2, 3 và 4

- Trung Bộ Kinh 1, 2 và 3

- Tăng Chi Bộ Kinh 1, 2 và 3

- Tương Ưng Bộ Kinh 1, 2, 3 và 4

- Tiểu Bộ Kinh

- Ðại Tạng Tân Tu

- Trường A Hàm

- Trung A Hàm

- Tạp A Hàm

- Tăng Nhứt A Hàm

- Phật Tổ Thống Ký

- Truyền Phép Chánh Tông Ký

- Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải

- Cảnh Đức Truyền Đăng Lục

- Cao Tăng Truyện

- Chí Nguyệt Lục

- Thập Ðại Đệ Tử, Của Tịnh Vân

- Thích Ca Thế Tôn, Của Tuyết Sơn, Tạp Chí Viên Âm Số 114

- Ánh Đạo Vàng, Của Võ Ðình Cường, Minh Ðức XB 1962

- Tạp Chí Từ Bi Âm, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học XB.

- Phật Và Thánh Chúng Của Cao Hữu Ðính.

- Ðường Xưa Mây Trắng, Lá Bối XB- San Jose.

- Ðức Phật Và Phật Pháp, Của Narada. Thành Hội PG Thành Phố Hồ Chí Minh XB 1989

- Trên Đường Hoằng Pháp Của Phật Tổ Gotama, Của Giáo Hội PG Nguyên Thủy Biên Soạn. Thanh Mậu XB 1959.

- Kinh Bát Nhã, Của HT Thích Trí Thủ, Quảng Hương XB 1982

- Kim Cương, Của Trí Quang Dịch Giải, Photocoppy 1987

- Tập Văn GHPG VN Số 10, Phật Ðản 1984, Số 7, Số 16...

- Lịch Sử Triết Học Ấn Ðộ, Trường Ðại Học Văn Khoa Saigon, Quay Ronéo

- Triết Sử Ấn Ðộ, Của Hoành Sơn. Hoàng Sỹ Quý

- Tam Giáo Sử Đại Cương, Của Nguyễn Văn Hầu, Phạm Văn Tươi XB 1957

- Le Bouddha, Của H. Cldenberg

- The Life Of The Bhudda, Của A. Herrold

- Histoire Du Bouddhisme Dans l'Inde, Của H.Kern Indian Philosophy, Của Bs Radnakhrisman (Cựu Tổng Thống Ấn Ðộ)

- East Asia - The Great Tradition, Của Edwin O. Raishaner- Folm, K. Fairbanks.

Source: daitangkinhvietnam

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage