Sự giống và khác nhau giữa ở đời và đi tu
Cha mẹ sinh ra ta song họ không biết ta từ đâu đến đây. Bây giờ mình
phải tìm cho ra con đường sanh tử mà mình đã từ đó tới; có nghĩa là
mình phải liễu thoát sanh tử.
Ở đời thì bất quá mình chỉ ăn ngày ba bữa rồi trôi theo dòng sinh tử
mà thôi. Người đời cả ngày bận rộn làm việc là chỉ vì truy cầu danh
lợi, địa vị, vì muốn hưởng thụ vật dục, ăn ngon, mặc đẹp, ở sướng.
Người tu có làm việc thì cũng là để huấn luyện nội tâm. Do đó, công
việc không cần quá nhiều, không nên gấp gáp; cũng không cần ai khen
ngợi mình; không truy cầu, ước muốn bất cứ thứ gì. Chỉ mặc bộ áo của
Tây-phương Cực-lạc mà thôi.
Ðối với người tu, cảnh giới hoặc ngoại cảnh càng xấu thì càng tốt.
Người tu càng trải nhiều gian khổ càng tốt. Ðó là điểm khác biệt giữa
người tu và người đời.
Người tại gia có nỗi khổ mà người xuất gia cũng có nỗi khổ. Người
đời khổ là vì họ không có được cái nhìn sáng suốt; người xuất gia khổ
là vì muốn liễu sanh tử, muốn ra khỏi luân hồi.
Người đời ngày ngày đều quay đi quay lại đeo đuổi mấy thứ tài, sắc,
danh, thực, thùy (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, hưởng thụ hoặc
ngủ nghỉ), và luôn bị ngoại cảnh làm ô nhiễm tâm tánh; hoàn toàn không
làm chủ chính mình.
Người tu thì cần rửa sạch những thứ cấu bẩn ấy. Kẻ tu dù đời sống có chật vật, song tâm an ổn, sáng suốt là đủ.
Khi còn ở đời, ai cũng chạy theo thứ hoa hòe bề ngoài. Có tiền thì
sung sướng, không tiền thì khổ sở. Thế nên tính toán mọi cách để kiếm
tiền. Rồi khi lòng truy cầu ham muốn nổi dậy thì tâm tánh sẽ hôn ám mê
muội, hệt như kẻ say rượu vậy. Mọi việc ở đời đều không ra ngoài sự
truy cầu, ham muốn; ai ai cũng vì kiếm ăn để sống cả.
Do đó, người xuất gia phải luôn phát khởi chánh niệm, suy tư đúng
với chân lý; phải nói Pháp của Phật ” như vậy mới giải thoát được.
Người tu chúng ta đừng nên tham lam thì mới trừ được phiền não, sân
giận, si mê. Không nên có phong cách như người đời: ăn thì phải ăn
ngon, ngủ thì phải ngủ đủ.
Người tu tự gọi mình là “bần tăng” (sư nghèo), là vì nếu cuộc sống
càng giản dị bao nhiêu thì sự tu hành càng có tương ưng bấy nhiêu, chứ
chẳng phải là càng giàu có sung túc hơn đâu! Nếu không như thế, cứ để
lòng tham lam tồn tại, không chịu trừ khử; thì dù bạn nói mình tu hành,
song vọng tưởng, phiền não từ lòng tham ấy vẫn ùn ùn kéo tới.
Người xuất gia và người đời khác nhau xa lắm. Người tu chẳng nói
“đúng” hay “không đúng”; bởi “đúng” họ cũng nhận, mà “không đúng” họ
cũng nhận. Cứ như vậy mà bạn tu hạnh Nhẫn-nhục, thì từ từ bạn sẽ trừ
được ngã tướng.
Ở ngay giữa xã hội mà tu (ám chỉ kẻ tại gia), thì không dễ tu. Bởi
vì áp lực của người chung quanh sẽ làm chúng ta phải đồng ý theo họ;
nếu không, họ sẽ công kích chúng ta. Do đó, người xuất gia thì tu có dễ
dàng hơn.
Khi đã từng trải qua sóng gió trên trường đời, rồi mới vô chùa tiến
tới một bước tu hành, làm hạnh Nhẫn-nhục, thì bạn dễ hòa đồng với kẻ
khác lắm.
Hãy phát lòng tin, rằng: “Tôi nhất định phải thành Phật!” Nói ra như
thế tức là có chí hướng thành Phật, thì chúng ta mới có động cơ khiến
mình tinh tấn tu trì.
Ðừng luôn khoe khoang, nói về chính mình, vì cái bản ngã sẽ làm chướng ngại việc tu.
Ngoài đời, ai cũng thích mặc áo quần đẹp đẽ, song vô chùa thì những
thứ ấy không còn thích hợp nữa. Ở chùa, ta mặc thứ y phục mà không
người đời nào muốn mặc. Thói quen nóng nảy, giận dữ của chúng ta cũng
phải sửa đổi một chút mới được. Cứ tu, rồi chúng ta sẽ cảm biết thấu
suốt mọi sự.
Xuất gia: có chánh niệm. Ngoài đời: chẳng có chánh niệm.
Ði tu và ở đời khác nhau
Sinh hoạt của người đời giống hệt như ban ngày nằm mộng, mà ban đêm cũng là mộng: “chiêm bao giấc mộng sanh tử luân hồi.”
Người đời có thể hưởng thụ khoái lạc, đi chơi đâu đó, xem ra như là
sung sướng lắm. Song khi cơn vui qua rồi thì đầu óc lại quay cuồng với
đủ thứ vọng tưởng, phiền não; tâm không thanh tịnh đặng.
Người tu tuy áo quần, ăn uống, chỗ ở đều chẳng sung sướng gì, nhưng
hễ khi làm xong việc gì mình cũng có thể ngồi xuống xếp bằng tĩnh tọa,
niệm Phật, tu trì ” tâm thần thanh tịnh, không phiền não”, tức là có
thể đưa tới chánh niệm.
Áo quần, chỗ ở, ăn uống tuy không sung túc, song mình tu hành thì có
sự thanh tịnh. Khi tâm mình không có vấn vương mọi thứ, mọi việc gì; cứ
mỗi ngày đều đều như vậy; thì đó là chốn thanh tịnh. Người đời chỉ có
thể ở trong chốn Ngũ-trược, xấu ác mà thôi.
Nhiều người đời hy vọng con cái mình có nhiều bạn bè trai gái, thì
họ mới vui. Song con cái đối với cha mẹ thì không chút lễ nghĩa gì, mà
cha mẹ cũng thì cũng rất dễ dãi với con cái. Nếu người xuất gia mà còn
thói quen thế tục, thích kết nhiều bè bạn, thì sau này sẽ còn nhiều
“màn kịch” để họ diễn nữa!
Ở đời đa số con cái ai cũng ỷ lại cha mẹ, nên không biết trời đất to
lớn ra sao. Khi xuất gia thì xung quanh toàn là sư huynh sư đệ; người
nào lo làm tròn bổn phận người nấy, mà mình cũng phải lo làm công việc
được giao phó. Do đó, ai cũng có tánh tự lập.
Làm người mà chịu đi tu thì mới đáng giá. Bởi vì nếu không vậy, mình
cứ ở xã hội, lập gia đình, sinh con đẻ cái, đến chết vẫn không buông xả
được, và cũng không thanh thản ra đi đặng!
Người đời lấy khổ làm vui; đến lúc già rồi thì sợ chết, không buông xả đặng con cháu.
Người xuất gia chúng ta tuy tu Khổ-hạnh, song nếu vừa làm, vừa niệm
Phật, thì lâu ngày chày tháng, mình sẽ thể hội được mọi chuyện trong
sáu nẻo luân hồi. Khi ấy, mình sẽ sung sướng là đã may mắn được xuất
gia.
Niệm Phật nhiều, đủ, thì trí huệ sẽ khai phát, sẽ giác ngộ; đến khi
già mình sẽ không sợ chết vì mình đã có một Thế-giới Cực-lạc ở
Tây-phương để tới.
Nghiệp chướng của chúng ta chồng chất như núi cao; không xuất gia thì không thể nào vượt qua đỉnh núi ấy.
Những người thiếu hiểu biết ngoài đời thì luôn luôn đi trên con
đường tạo nghiệp. Người xuất gia thì đi con đường hết nghiệp, tiến
thẳng tới Thế-giới Cực-lạc.
Cổ nhân dạy: “Một tấc Ðạo, chín tấc ma” (tức là Ðạo thì ít mà ma hay
nghiệp chướng thì nhiều). Do đó, người tu càng tiến bước thì bao thứ ác
niệm, thói hư tật xấu, từ nhiều đời trước sẽ nổi lên. Lúc ấy, chúng ta
phải càng chịu khó chịu khổ hơn nữa thì mới từ từ làm nghiệp chướng
tiêu tan. Ðến khi lâm chung, sen vàng sẽ hiện ra rước chúng ta về Tây
phương Thánh cảnh.
Người đời thì làm sao hiểu được, do đó họ cứ ngày ngày đeo đuổi sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp – ngày ngày tạo nghiệp. Ðến khi lâm chung,
quỷ La-sát hiện ra bắt họ, thì họ không đi cũng chẳng đặng!
Bây giờ mình không xuất gia tu hành, thì khi già mình cũng như cha
mẹ mình: đầy dẫy phiền não, rồi rớt vào vòng luân hồi. Do đó, xuất gia
là phải rồi! Các chúng ta không nên chấp trước, chẳng chịu học tấm
gương của người đi trước!
Hòa thượng Quảng Khâm
Ban Phiên dịch Vạn Phật Thánh Thành dịch
Ly dị vợ để... lên chùa đi tu
Ngày họp lớp năm nay vào chiều 5 Tết, nhóm bạn lớp 9C trường THPT
Phương Mai rất ngạc nhiên khi thấy Nguyễn Hoàng Giang đi một mình. Mọi
người thi nhau hỏi về Trần Hữu Trung, chồng Giang, nhưng bù lại chỉ là
cái lắc đầu im lặng không có lời đáp. Mọi người tò mò cũng chỉ vì cặp
đôi Trung và Giang là đôi vợ chồng duy nhất của lớp. Trung và Giang yêu
nhau từ lớp 8 đến hết đại học thì cưới nhau. Chuyện tình của họ đẹp đến
nỗi trở thành nỗi tị nạnh của bạn bè trong lớp.
Mặc dù học cùng lớp, lại cùng tuổi với vợ, nhưng Trung rất chững
chạc. Giang thường rất tự hào vì chồng chu đáo, yêu thương vợ con và
đặc biệt Trung là người rất nghiêm túc. Hơn 10 năm sống với Trung,
Giang chưa có bất cứ phàn nàn nào. Nhiều khi Giang cũng “chột dạ” vì
thấy mình được nhiều quá, chồng tử tế, con ngoan ngoãn, đẹp đẽ. Cuộc
sống chẳng có gì phải lăn tăn, Giang cũng hết lòng với chồng, con, gia
đình chồng.
Vậy mà bỗng nhiên Trung nằng nặc đòi xuống tóc đi
tu. Khi nghe về ý định của Trung, Giang cứ há hốc mồm ngạc nhiên mà
chẳng nói được lời nào. Trung bảo, Trung thấy cuộc sống trần tục đã quá
đủ, Trung cũng đã quá trách nhiệm với Giang và con. Giang cũng đã và sẽ
có cuộc sống đầy đủ, bởi vật chất mà Trung tạo ra trong quá trình hai
vợ chồng chung sống không hề nhỏ.
Đau đớn hơn, Trung nằng nặc đòi mang theo đứa con trai lớn cùng bố vào chùa xuống tóc.
|
Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc là niềm mong ước giản dị của bất cứ ai tồn tại trong cuộc đời này. Ảnh: Minh họa
|
Cũng tâm trạng như Giang, chị Hà, Tổng giám đốc một công ty kinh
doanh sản xuất nhựa đang sống trong khủng hoảng cao độ từ trước Tết Tân
Mão đến nay. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Dũng, một CEO nhiều người biết
mặt, biết tên, có tiếng trên thương trường, sau chuyến đi công tác Tây
Tạng nửa tháng về một mực đòi xuống tóc đi tu. Anh bảo, nửa tháng ở Tây
Tạng được thuyết pháp anh hiểu rằng anh là người được Phật tổ lựa chọn,
sứ mạng cuộc đời anh là phải xuống tóc đi tu để học đạo và đi truyền
đạo cho chúng sinh. Thậm chí, trong câu chuyện kể với vợ, anh Dũng còn
cho biết lẽ ra anh đã xuống tóc quy y cửa Phật ngay trên đất Tây Tạng
rồi, nếu không có những lời ngăn cản của đồng nghiệp, bạn bè đi cùng
đoàn.
Trong cuộc sống vợ chồng, anh Dũng là người lắm tật, kể cả chuyện
ong bướm nọ kia. Vì vậy, chị tuyên bố rằng anh muốn xuống tóc chị cũng
không cần. Tuy nhiên, chị ra điều kiện, anh phải ký vào đơn ly hôn chị
đã viết sẵn. Chị biết có thể mình dại, nhưng nếu không đặt áp lực lên
anh, có lẽ chị và các con chị sẽ mất anh vĩnh viễn.
Phú quý sinh lễ nghĩa
Việc các ông chồng đùng đùng bỏ gia đình để đi "lánh nạn" nơi cửa
Phật đã gây sốc cho không ít người, nhưng chuyện một số thanh niên còn
trẻ, có học thức muốn gọt tóc đi tu còn khiến nhiều người thấy bàng
hoàng hơn.
Hải, một kiến trúc sư trẻ tài năng được cha mẹ cho đi học ở nước
ngoài về, cũng một ngày bỗng đòi phải đi tu. Sáng mùng 6 Tết, khi công
ty bắt đầu làm việc bình thường. Hải lên phòng Tổng giám đốc gửi đơn
xin thôi việc với lý do bố mẹ bảo cần phải đi tu để trả nợ cho kiếp
trước và được an lành ở kiếp này.
Lúc đầu, sếp của Hải tưởng
chuyện đùa, nhưng, thấy thái độ nghiêm túc đột xuất của Hải thì quá đỗi
ngạc nhiên. Rõ ràng, cuối năm Canh Dần, cơ quan đã họp và thống nhất để
đầu năm 2011 Hải sẽ sang Quảng Châu, Trung Quốc là người đại diện cho
công ty. Mùng 3 Tết, khi Hải đến nhà chúc Tết sếp, Hải vẫn tỏ rõ thái
độ vui mừng vì chuẩn bị sang Quảng Châu nhận nhiệm vụ mới. Vậy mà....
khuyên răn chán không xong, anh Toàn đành buông xuôi để Hải đi theo con
đường mình chọn lựa.
|
Chùa chiền là nơi giúp cho tâm
hồn mỗi người thanh thản chứ không phải nơi chọn để chạy trốn cuộc đời,
chạy trốn trách nhiệm. Ảnh: Internet |
Lý giải về hiện tượng này, nhà tâm lý Trịnh Trung Hoà cho biết, ông
cũng đã nghe có nhiều người nói về hiện tượng này, nhưng đúng là trong
xã hội chưa có nhiều. Có điều, khi một vấn đề đã xảy ra, rất có thể sẽ
trở thành hiện tượng và nhanh chóng lan truyền nên cần ngăn chặn nó.
Theo phân tích của ông Hoà, những người hiện nay đang có hành vi như
nói trên thực chất là đang muốn trốn chạy cuộc đời thực để đi tìm hạnh
phúc ảo tưởng nào đó có thể ở kiếp này hoặc ở kiếp sau. Hành vi này
xuất hiện là dựa trên một quan niệm về hạnh phúc, cuộc sống, dựa trên
những quan niệm của mỗi người khác nhau, không phải là cái gì có thể đo
đếm được.
Ông Hoà cũng cho biết, những người này chưa chắc đã khổ, họ có thể
đang sở hữu nhà lầu, xe hơi dư giả tiền bạc nhưng lại quan niệm là họ
khổ. Trong khi có những người cuộc sống của họ khiêm tốn hơn nhưng họ
có quan niệm hạnh phúc là cuộc sống gia đình, vợ con và họ không muốn
đánh đổi.
Bên cạnh đó, việc chọn lựa đi tu của một số cá nhân còn phụ thuộc
vào quan niệm của mỗi người về cuộc đời. Có người quan niệm rằng, cuộc
đời này chỉ là cõi tạm, vĩnh cửu phải là một cuộc đời khác, là cuộc đời
sau khi chết mới là quý giá, mới là của ta. Đây là một quan niệm sai
lầm và không có cơ sở khoa học nào cả.
Để giải quyết hiện tượng này, theo ông Trịnh Trung Hoà, phải tìm
cách để thay đổi quan niệm của họ về cuộc đời chứ không thể lựa chọn
biện pháp bạo lực. Cần chỉ ra cho họ thấy, mỗi người nên yêu quý cuộc
đời thực của mình; gia đình, con cái. Cách lựa chọn lánh đời của những
người này cho thấy họ đang u mê trong một số quan niệm sai lầm dẫn đến
những hành vi sai lầm.
“Chúng ta nên xác định hạnh phúc là những điều đang hiện hữu và
chúng ta cảm nhận được. Cuộc đời thực rất ngắn ngủi nên phải yêu quý
cuộc đời này, đặc biệt là giới trẻ”, nhà tâm lý Trịnh Trung Hoà nhấn
mạnh. Ngoài ra, chúng ra không nên mượn bất cứ một học thuyết tôn giáo
nào để chạy trốn cuộc đời thực, như thế vừa làm khổ mình, vừa làm khổ
người khác.
Ối giời! Nghe hai nhà tâm lý này nói, cháu buồn ngủ quá!
Thưa, hai bác tâm lý gia có còn nhớ câu nói của đại thi hào Nguyễn Du:
"Tu là cội phúc; tình là dây oan", không ạ!
Cũng đồng quan điểm này, anh Lưu, một chuyên gia tâm lý khác cho
biết, việc lánh đời bằng cách đi tu chẳng qua là việc mơ hồ trong nhận
thức về mục đích tồn tại trong cuộc sống của mỗi con người. Bất cứ ai
cần phải xác định được cụ thể về cuộc sống của mình đó là mỗi con người
được cha mẹ sinh ra nên tồn tại như thế nào, cần phải sống như thế nào
với cộng đồng và sống như thế nào để có cuộc sống tốt nhất với mình.
Thực hiện được việc này, mỗi con người sẽ thấy giá trị của mình với
cuộc sống và không xuất hiện những quan niệm sai lầm.
Theo Phi Thanh - VnMedia
=> Mời bạn đọc xem tiếp bài viết dưới đây để nhận chân
những lý giải méo mó, lệch lạc và sự thiếu hiểu biết về Phật giáo của
nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa.
Xin đừng so đo KHỔ với VUI.
Có chi là KHỔ có chi VUI?
VUI trong tham dục VUI rồi KHỔ.
KHỔ để tu hành KHỔ hóa VUI
Quan niệm của Phật giáo về cuộc đời và hạnh phúc
Chúng ta thấy muôn loài đều đi tìm hạnh phúc. Ðạo Phật cũng thế,
cùng chung với mọi người, đạo Phật đi tìm hạnh phúc. Và nếu dùng chữ
'tu hành' theo cái nghĩa để chỉ cuộc đi tìm hạnh phúc, thực hiện hạnh
phúc, thì quả thật, cả nhân loại không ai mà không tu hành.
Cũng cùng một đời sống, cùng hít thở không khí, cùng ăn uống ngủ
nghỉ, cùng một sinh hoạt của cuộc sống con người, thế mà chúng ta thấy
có một sự khác biệt lớn lao giữa một người sống được đạo Phật và một
người thường tục. Người sống được đạo Phật thì mãn nguyện, không lo
sầu, thảnh thơi, thanh tịnh, tự do và an lạc:
Này ông, tâm không khổ
Với người không kỳ vọng
Mọi sợ hãi không còn
Với người kiết sử đoạn
Nhờ đoạn nhân sanh hữu
Pháp được thấy như thật
Ðối chết, không sợ hãi
Nhờ gánh nặng đặt xuống
Ðạo Phật ta khéo hành
Con đường khéo tu tập
Ta không có sợ chết
Khi gốc lão, bệnh diệt
Bờ kia đến, không thủ
Việc làm xong, sạch trong
Bằng lòng, thọ mạng diệt
Như thoát lò sát sanh
Pháp tánh đạt, tối thượng
Ở đời, không sở hữu
Như thoát ngôi nhà cháy
Sống chết không sầu muộn
Quá khứ, ta không có
Tương lai hiện tại, không
Các hành không thực hữu
Ở đây, than khóc gì?
Thanh tịnh pháp sanh khởi
Thanh tịnh hành tương tục
Bậc thấy được như thật
Không sợ hãi, thưa ngài.
(Trưởng lão Adhimutta)
Trong khi đó, thì cũng cùng một trời đất ấy, đất nước gió lữa ấy, mà
người bình phàm thì luôn luôn tương tục mọi điều phiền não, bất loại
nguyện, lo sợ, khổ đau, than khóc.
Sự khác biệt lớn lao ấy có thể nói là sự khác biệt giữa sanh tử và
Niết bàn. Cũng cùng một đời sống, cũng cùng những nguyên liệu dưỡng
chất trần gian, mà người thì hưởng thọ Niết bàn an lạc, người thì hưởng
thọ sanh tử khổ đau. Khởi điểm cùng truy tìm cuộc đời chân thật, cùng
truy tìm hạnh phúc, mà người thì đạt đến an vui vĩnh cửu, người thì
loay hoay với món nợ khổ đau, đó là do sự đúng sai trong cách đặt vấn
đề về cuộc sống, do sự đúng sai trong quan niệm về hạnh phúc. Ðức Phật
đề cập đến 3 loại quan niệm sai lầm (tà kiến). Ðó là tri giác sai lầm,
suy tư sai lầm và kiến thức sai lầm. Chính do sự sai lầm này dẫn dắt
con người đến với khổ đau.
Chúng ta thấy muôn loài đều đi tìm hạnh phúc. Ðạo Phật cũng thế,
cùng chung với mọi người, đạo Phật đi tìm hạnh phúc. Và nếu dùng chữ
'tu hành' theo cái nghĩa để chỉ cuộc đi tìm hạnh phúc, thực hiện hạnh
phúc, thì quả thật, cả nhân loại không ai mà không tu hành. Người thì
tu hành thực hiện tiền tài, người thì tu hành thực hiện dục lạc, người
thì tu hành thực hiện danh vọng, người thì tu hành thực hiện trí thức
... là những thứ mà người đời cho là hạnh phúc. Nhưng tiếc thay, vì
không thấy trước tất cả những cái đó đều vô thường, vô ngã; tất cả
những thứ đó đều vô nghĩa trước sự vận hành không ngừng nghỉ của cuộc
đời, nghĩa là sự vận hành không ngừng nghỉ của cái chết, cho nên khổ
đau, tiếc hận, không thể nắm giữ là điều tất yếu. Chúng ta nhớ lại, đức
Phật Thích Ca đã từ bỏ mọi thứ (những thứ mà Ngài có hơn người đời rất
nhiều kể về số lượng lẫn chất lượng) không phải vì Ngài từ bỏ hạnh phúc
để đi tìm khổ hạnh (nếu nghĩ đạo Phật là sự chối bỏ hạnh phúc, tìm kiếm
khổ hạnh thì chắc là đạo Phật đã không còn đến ngày nay; trái lại đạo
Phật tích cực rốt ráo, là đạo diệt khổ, thực hiện an vui vĩnh cửu) mà
vì Ngài thấy rằng những thứ hạnh phúc mà Ngài đang có chỉ là hạnh phúc
tạm bợ đặt căn bản trên sự vô thường và vô ngã của thế gian, bởi thế
Ngài bỏ tất cả để tu hành, thực hiện cái hạnh phúc tối thượng và vĩnh
cửu, gọi là Niết bàn. Sự từ bỏ của đức Phật là một bài học vô giá cho
thế gian, cho mỗi một thân phận con người, rằng: Hạnh phúc thì không có
ở kia, ở nơi những sự vật rỗng không và tiêu hoại, mà chỉ có ở đây,
trong sự thực hiện cái An Vui không còn bị điều kiện, cái mục đích tối
thượng của đời người mà chúng ta có thể gọi là gì tùy theo sở thích,
khuynh hướng, căn cơ: Niết bàn, Pháp thân, tánh giác, Bi Trí toàn mãn,
Phật tánh, khuôn mặt xưa nay ...
Trở lại với 3 sự sai lầm ở trên, tri giác sai lầm, suy tư sai lầm và
kiến thức sai lầm thì kinh điển thường đề cập đến 4 phương diện của cái
thấy sai lầm:
Vô thường mà cho là Thường
Bất toại nguyện, khổ mà cho là tọai nguyện, vui
Vô ngã mà cho là ngã
Bất tịnh, xấu dơ mà cho là thanh tịnh, đẹp sạch.
Do chạy đuổi theo cái thấy sai lầm đó mà có sanh tử khổ đau. Thế
gian đã đặt vấn đề sai, rồi không biết giải quyết vấn đề hay giải quyết
sai, từ đó duyên khởi ra một chuỗi mắt xích sai lầm vô tận. Vì không
thấy được bất toại nguyện, Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã cho nên đi tìm
Vui trong cái Khổ, đi tìm cái có trong cái không có, đi tìm cái thường
còn trong cái niệm niệm sanh diệt, đi tìm cái ngã trong chỗ không thể
nào có ngã, bèn đuổi bắt ảo vọng, rốt cuộc chỉ thấy có khổ, rỗng không,
hoại diệt và bất an.
Trong khi đạo Phật thì giản dị mà sâu sắc vô cùng: ta cảm thấy đau
khổ, bất an, buồn chán ư? (Khổ đế). Phải đi tìm nguyên nhân thực sự của
cái khổ đó (Tập đế). Và khi thấy rõ nguyên nhân của nỗi khổ, nỗi khổ
liền tan, vì không còn đất để mọc rễ. Khi thấy được nguyên nhân của
khổ, thì không ai tiếp tục tự làm mình khổ, khi đã thấy cái nóng, cái
bỏng là do tự mình lấy lữa châm mình thì không ai tiếp tục châm đốt
mình nữa cả (Diệt đế). Quá trình giải quyết nỗi khổ, nỗi đau bấy giờ đã
rõ ràng, tùy ta có thực hiện và thực hiện đến mức nào hay không (Ðạo
đế).
Khổ, bất toại nguyện, không làm cách gì có thể thỏa mãn, vô ích (như
kinh Lăng Nghiêm nói là làm sao có thể nấu cát thành cơm; hay kinh Viên
Giác nói là làm sao có thể ngồi chờ hoa đốm kết thành trái), thì đã làm
người, ai cũng từng phải cảm nghiệm thấy. Nhưng nhìn thấy nỗi khổ, bất
toại nguyện ở nơi bản chất của chúng chớ không hời hợt nơi hiện tượng
bề mặt thì ít người thấy. Có lẽ ít trường phái triết lý nào tiếp cận
được với chân lý thứ nhất của đạo Phật là Khổ đế bằng phong trào triết
học hiện sinh ở châu Âu khoảng giữa thế kỷ 20.
Bằng cảm quan kinh tế của các nhà văn, bằng sự suy tư sâu sắc của
các triết gia, và bằng một sự đồng cảm tế nhị, triết học hiện sinh nhìn
ra tính cách khổ đế của thân phận con người; bị ném ra ngơ ngác giữa
đời sống, ngẫu nhiên, hoàn cảnh giới hạn, hữu hạn tính, cuộc đời là sự
hướng về cái chết, sự cô đơn không thể chia sẻ, sự bất định và mong
manh của kiếp người đến độ vô ích ... Ðời người cũng vô nghĩa đến độ
khó chịu đựng như huyền thoại Sysiphe: suốt đời lăn tảng đá lên núi
cao, tảng đá sẽ rớt xuống trở lại và rồi lại lăn lên tiếp để rồi lại
rớt xuống, phải chăng đó là từng kiếp đời thất bại không thể giải thoát
của con người. Vì không thấy được Tập đế, nguyên nhân của mọi phiền
não, khổ đau, của hữu hạn và thất bại ở trên, và sự giải quyết rốt ráo
cho thân phận con người là Diệt đế, nên các nhà hiện sinh tiến tới chọn
một giải pháp sai lầm, lấy đó làm ý nghĩa cho cuộc đời. Khi thấy cuộc
đời có làm gì cũng giới hạn giữa hai bờ sanh tử, khi thấy cuộc đời hữu
hạn và vô ích đến độ phi lý, họ đành cho con người một quyền hạn càng
nhỏ và mong manh hơn khuôn khổ của kiếp người, đó là sự nổi loạn, sự
chọn lựa để biểu lộ tự do. Sự tự do trong cuộc đời hữu hạn chật hẹp vì
vọng tưởng vô minh đó ắt cũng phải là một tự do nhỏ hẹp và buồn rầu. Ðó
là hình ảnh của người anh hùng buồn rầu hành động để chỉ thấy hành động
là vô ích trong cuốn 'Thân phận con ngườí của André Malraux. Ðó là khi
thấy trần gian này chỉ là một chốn lưu đày (như chàng cùng tử xa xứ
trong kinh Pháp Hoa), nhưng không biết quê nhà ở đâu, đành phải ngậm
ngùi chấp nhận cuộc sống lưu đày là quê nhà (tác phẩm Lưu Ðày và Quê
Nhà của A. Camus). Thật khác xa với kinh nghiệm của Ðại thừa trong cùng
một lời nói: Sanh tử tức Niết bàn. Ở đây sanh tử tức Niết bàn của Ðại
thừa là thấy được thực tướng của sanh tử là Niết bàn, khi ấy, giả tướng
sanh tử bèn tiêu mất, chỉ còn thực tướng Niết bàn đi đâu cũng là Quê
Nhà.
Chúng ta thấy rằng triết học hiện sinh đã giúp con người phản tỉnh
nhìn lại thân phận hữu hạn của mình với những vấn đề muôn đời của nó,
đặt con người trước nỗi cô đơn và trống rỗng khi đối diện với chính
mình, đặt con người trước mặt cái chết không thể trốn tránh, nhìn lại
tính cách phù phiếm của mọi sự thủ hữu. Có thể nói họ đã tiếp cận được
chân lý đầu tiên của đạo Phật là Khổ đế. Nhưng họ không thể đi xa hơn
để thấy được nguyên nhân của khổ, tức là Tập đế, nên không thể giải
quyết vấn đề cho thân phận con người (Diệt đế và Ðạo đế). Do đó mà
triết lý của họ trở thành bi quan, bế tắc. Bởi vì phản tỉnh để thấy
được khổ, nhưng không giải quyết được khổ thì càng khổ hơn và không
riêng gì triết lý hiện sinh mà cả văn chương, văn học nhân loại cũng
chỉ luẩn quẩn trong vòng khổ đế.
Phải nói rằng có rất nhiều người, xưa cũng như nay, chỉ nhìn thấy
Phật giáo ở giai đoạn Khổ đế này, cho nên có ý nghĩa rất sai lầm rằng
Phật giáo là bi quan, yếm thế, là xuất thế, hư vô. Nếu chỉ dừng ở Khổ
đế như triết học hiện sinh thì đạo Phật đã không là đạo Phật và không
còn là một nguồn sống cho loài người cho tới ngày nay. Ðạo Phật thì
tích cực rốt ráo, vì không chỉ nêu lên thân phận trói buộc của con
người, mà còn tìm ra nguyên nhân của sự trói buộc, chặt đứt trói buộc
để giải phóng thật sự con người bằng một con đường tất yếu. Có lẽ vì
thế mà triết lý hiện sinh với những thủ lãnh trí thức và uy tín hàng
đầu của văn hóa Tây phương chỉ nở rộ được trong vài thập niên giữa thế
kỷ 20 và khi đạo Phật đã có mặt thật sự ở Tây phương, thì phong trào
hiện sinh ở châu Âu và thế hệ Beatle ở Bắc Mỹ đã tàn lụi nhanh chóng.
Nếu dùng danh từ hiện sinh để chỉ sự nhấn mạnh vào cuộc sống hiện
tại, đến sự cụ thể thực dụng của cái đang hiện tiền, không mơ tưởng hão
huyền ở một giải pháp nơi một đời nào khác, một nơi nào khác, không
phóng ảnh ra một thần linh ban ơn nào khác, thì phải nói không có một
thứ hiện sinh nào hơn đạo Phật, cái hiện sinh của người đã diệt khổ,
chánh niệm vào hiện tại, hiện tại lạc thú:
Không hối tiếc quá khứ
Không chờ đợi tương lai
Sống vĩnh viễn hiện tại
Nên sắc thân sáng đẹp
(Tương ưng I, 6)
Ðó là cái hiện sinh "Niết bàn hiện tiền" của Lục Tổ Huệ Năng: "Cứ
theo lời ông nói, tức là ngoài sắc thân riêng có Pháp thân, lìa sanh
diệt để cầu tịch diệt (Niết bàn), lại suy luận Niết bàn thường lạc cho
là có thân thọ dụng. Ðây là lầm chấp sanh tử, mê theo cái vui trần
gian. Nay ông nên biết, Phật vì tất cả người mê nhận thân tướng năm uẩn
là của mình, phân biệt đủ thứ pháp cho là tướng ngoại trần, ưa sanh,
ghét tử, niệm niệm đổi dời, không biết là mộng huyễn hư giả, uổng chịu
luân hồi, lấy Niết bàn thường lạc đổi thành tướng khổ, trọn kiếp tìm
cầu. Phật vì thương những người mê ấy, chỉ dạy Niết bàn chơn lạc, trong
sát na không có tướng sanh, trong sát na không có tướng diệt, lại không
có sanh diệt nào để có thể diệt, ấy là Tịch Diệt Hiện Tiền. Chính ngay
khi hiện tiền, mới gọi là thường lạc. Lạc ấy không có người thọ, cũng
không có người chẳng thọ, há nói rằng Niết bàn ngăn cấm các pháp hay
sao?"
Theo Nguyễn Thế Đăng - NSGN, 12/96