Phật Học Online

Đức Tin Công Giáo
Trần Chung Ngọc

Đức Tin Công Giáo
Trần Chung Ngọc

MỤC LỤC

015-ductin.JPG (19552 bytes)


1
DẪN NHẬP [^]

    Khảo luận về Đức Tin Ki Tô Giáo nói chung, Ca-Tô Giáo Rô-Ma (Roman Catholicism, thường được gọi một cách sai lầm là Công Giáo) nói riêng,  là một vấn đề tế nhị, vì công việc này không tránh được sự bàn đến tín ngưỡng của những tín đồ Ki Tô Giáo.  Tuy nhiên, trong những xã hội văn minh tiến bộ Âu Mỹ, trí tuệ của người dân đã mở mang, cho nên bàn về Đức Tin trong tôn giáo không còn là một vấn đề cấm kỵ như trước, vì tín ngưỡng tôn giáo không thể đứng ngoài hay đứng trên xã hội như trong thời Trung Cổ ở Âu Châu, mà có ảnh hưởng rất nhiều đến sự an sinh của quần chúng.  Trái lại, trong những xã hội kém mở mang, nhất là trong những cộng đồng tôn giáo độc Thần nổi tiếng là cuồng tín, một khảo luận như trên rất có thể bị coi là gây chia rẽ, hoặc "chống Ca-Tô" v...v..., những luận điệu giáo hội Ca-Tô thường cấy vào đầu óc tín đồ để bảo vệ niềm tin của họ, nếu trong tác phẩm khảo luận có những điều không hợp với những lời "giáo hội dạy rằng" về những điều họ phải tin, bất kể những điều này có hợp với lý trí hay phù hợp với những sự kiện khoa học hay không.   Giáo hội in sâu vào đầu óc tín đồ ý niệm vừa có tính cách phòng vệ, vừa hàm ý lên án người khác: "chống Ca-Tô",  làm như "chống Ca-Tô" là một trọng tội đáng chê trách, trong khi "chống Ca- Tô" chỉ có nghĩa là chống tội ác, chống mê tín dị đoan, chống đạo đức giả, chống độc tài, chống nô lệ ngoại bang v...v..., và nhất là, chống những hành động phi dân tộc, phản dân tộc của một số tín đồ Ca-Tô Giáo Rô-Ma tại Việt Nam.

   Tôi quan niệm dân tộc Việt Nam là một dân tộc đã văn minh, tiến bộ, và về phương diện tâm linh, tín ngưỡng, chắc chắn không thua gì, nếu không muốn nói là vượt xa, những dân tộc Tây phương.  Lịch sử những tôn giáo truyền thống ở Việt Nam như Thích, Nho, Lão đã chứng minh như vậy.  Ý thức tôn giáo của Việt Nam là một ý thức chiết trung, nghĩa là không bị thu hẹp vào một tín  ngưỡng,  một  nguồn tư tưởng  đặc  biệt  nào.  Ý  thức chiết trung này rất xa lạ với ý thức hẹp hòi "duy nhất" của Ca-Tô Giáo, nguồn gốc của bao thảm cảnh mà tôn giáo này đã gây ra cho nhân loại trong suốt 20 thế kỷ.   Ca-Tô Giáo ở Việt Nam chỉ chiếm nhiều nhất vào khoảng 7% dân số, và ngày nay có nhiều dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ trí thức của nhân loại đã bắt đầu văn minh hóa tôn giáo này ở Việt Nam, cũng như đã văn minh hóa giáo hội Ca-Tô hoàn vũ từ nhiều thế kỷ trước.  Cho nên, tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì khi bàn đến đức tin trong tôn giáo này một cách nghiêm chỉnh, trí thức.

   Có nhiều lý do thúc đẩy tôi viết cuốn sách này.  Sau đây là vài lý do chính.

   Thứ nhất, trong bức Tâm Thư "Sau Nhiều Năm Khủng Khoảng Đức Tin" của Nguyễn Chấn, một tín đồ Ca-Tô Việt Nam, đăng trong cuốn Tại Sao Không Theo Đạo Chúa: Tuyển Tập 2, Texas, 1998, tôi thấy câu sau đây:

   "Trong sách Kinh Nhựt Khóa của Tổng giáo phận Sài gòn in năm 1971 do Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình duyệt y ngày 19-3-71, nơi trang 784-791, Kinh cầu ông Thánh Phan-xi-xô Xa-vi-e có những câu mang nặng tính chất kích động tiêu diệt đạo Phật và các tôn giáo khác như: "Ông Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e phá tan đạo Bụt Thần." và "Ông Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e là lịnh rao truyền tiếng Đức Chúa Thánh Thần cho những dân mọi rợ""

   Theo tôi, câu trên bắt nguồn từ một tâm cảnh cuồng tín, nghĩa là, theo định  nghĩa của   Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang trong cuốn Thực Chất Của Giáo Hội La Mã, sự tổng hợp của Ngu, Dốt, Hợm Hĩnh và Hung Hăng.  Câu trên cũng   xúc phạm nặng đến nòi giống Việt Nam, đến Ông Bà Tổ Tiên của chính những tín đồ Ca-Tô Việt Nam, khoan nói đến  những tôn giáo khác ở Việt Nam, nhất là Phật Giáo.  Những tín đồ Ca-Tô Việt Nam có quyền tự coi mình là mọi rợ, cần đến sự rao truyền tiếng Đức Thánh Thần của ông Thánh Xavier, nhưng họ không thể coi cả dân tộc Việt Nam như là mọi rợ.  Cuốn sách này sẽ trình bày cho quý độc giả rõ thực chất "tiếng Đức Chúa Thánh Thần" mà ông Thánh Xavier rao truyền cho "những dân mọi rợ", tất nhiên trong đó có Việt Nam theo quan điểm của những tín đồ Ca-Tô,  nó như thế nào?  Quý độc giả sẽ thấy rõ, chính những "tiếng Đức Chúa Thánh Thần" mà ông Thánh Xavier rao truyền mới là mọi rợ, chứ không phải là dân tộc Việt Nam mọi rợ.

   Thứ nhì, sau khi cuốn Công Giáo Chính Sử ra mắt độc giả, tôi nhận được nhiều thư độc giả thắc mắc là:  lịch sử đen tối và đẫm máu của giáo hội Ca-Tô Rô-Ma bắt nguồn từ đâu? từ chính tín ngưỡng Ca-Tô hay từ tham vọng của những người lãnh đạo Ca-Tô Giáo? và muốn biết về thực chất tín ngưỡng Ca-Tô như thế nào.  Cuốn Công Giáo Chính Sử đã giải đáp một phần thắc mắc trên nếu độc giả đọc kỹ, và cuốn Đức Tin Công Giáo này có thể coi như là để bổ túc cho cuốn Công Giáo Chính Sử, hi vọng có thể đưa ra những giải đáp đầy đủ và căn bản hơn.

   Thứ ba,   trước  những  âm  mưu phá ngầm Phật Giáo qua sách lược hòa hợp tôn giáo, đối thoại v..v.. bề ngoài của Vatican, và qua thủ đoạn mập mờ, lấy những giáo lý siêu việt của Phật Giáo,  diễn giải lệch lạc và đánh đồng khập khiễng những giáo lý đó với những tín điều trong Ki Tô Giáo, với những cương điệu diễn giải hoang đường như Thượng Đế đã mặc khải cho Đức Phật trong khi thực ra thì trí tuệ của Đức Phật trong Kinh Phật, thí dụ như Kinh Hoa Nghiêm, ít ra cũng đáng là bậc Thầy của Thượng Đế trong Thánh Kinh, hoặc Chúa Trời chính là ông Trời theo quan niệm Á Châu v..v..., âm mưu này đang được một số các nhà truyền giáo Ki Tô Giáo và một số tay sai bản địa thực hiện trong những xã hội Đông phương, song song với sách lược xuyên tạc nền văn hóa dân tộc, xuyên tạc giáo lý Phật Giáo, hạ thấp Tăng đoàn Phật Giáo, đầu độc đầu óc dân chúng thuộc loại ít học hay vô học để thu nhặt tín đồ v..v.., cuốn sách này có mục đích giải hoặc, chống lại âm mưu xuyên tạc, phá hoại nền văn hóa dân tộc, cũng như âm mưu phá ngầm Phật Giáo, bằng cách đưa ra thực chất của tín ngưỡng Ki Tô Giáo.

   Thứ tư,   gần đây, chúng ta thấy trên Internet bức thư thông tri (Encyclical letter) của Giáo Hoàng Gion Pôn Hai (John Paul II) gửi cho các giám mục của ông về đề tài "Mối  quan hệ giữa đức tin và lý trí " (The relationship between faith and reason).   Đây là một bức thư thuộc nội bộ Giáo hội Ca-Tô Rô-Ma,  cho nên tôi không có ý định phê bình những chi tiết trong bức thư này tuy rằng trong đó có rất nhiều điều đáng để cho chúng ta thảo luận.  Tuy nhiên, một nhận xét tổng quát không phải là vô ích vì văn kiện  trên chính là nguồn cảm hứng để tôi viết cuốn sách khảo luận về Đức Tin Ca-Tô trong ánh sáng của Khoa Học và Lý Trí này.  Có nhiều tín đồ cho rằng,  thông tri  của Giáo Hoàng  thì chỉ  có việc mà theo, khỏi cần  bàn cãi, thảo luận mất công.  Rất may, tôi không phải là một trong những người thuộc hạng trên.

      Cuốn sách này không có mục đích làm mất niềm tin của các tín đồ Ca-Tô bằng lý lẽ.  Vì, như Frederick Nietzche đã viết:  "Những gì mà quần chúng được dạy để tin mà không cần đến lý lẽ,  vậy thì ai có thể phủ bác niềm tin này bằng lý lẽ?" (What the populace learned to believe without reasons, who could refute it then by means of reasons?).  Cuốn sách này, như tên sách đã nói rõ, chỉ là một khảo luận trí thức về đức tin Ca-Tô trong ánh sáng của lý trí và khoa học, nghĩa là, nhìn các vấn đề như chúng thực là như vậy (to see things as they really are), và đặt trước độc giả những sự thực về Ca-Tô giáo như những đề tài để tự mình suy luận và tìm ra giải đáp cho chính mình.  Đã có rất nhiều cuốn sách viết về đề tài này và viết bởi những nhân vật có uy tín trong giáo hội cũng như trong giới học giả.  Tôi hi vọng cuốn sách này là một đóng góp đầu tiên bằng tiếng Việt về đề tài "Đức tin Ca- Tô" cho những công cuộc khảo cứu về sau sâu sắc hơn  của những nhà khảo cứu tôn giáo ở Việt Nam.

   Trong thế giới Tây phương, cuộc chiến giữa nền Thần học Ki Tô Giáo, một bộ môn đặt căn bản trên đức tin,  và khoa học, một bộ môn đặt căn bản trên lý trí và óc suy luận của con người, đã kéo dài trong nhiều thế kỷ.  Từ thất bại này tới thất bại khác, trước công luận cũng như  trước  pháp  lý,  nền  Thần học   Ki Tô Giáo  nay đã không còn trực diện tranh luận với khoa học nữa, mà rút về những ốc đảo tôn giáo, sử dụng những phương tiện kinh tế và truyền thông để nuôi dưỡng đức tin trong đám tín đồ thấp kém, cả tin. (Xin đọc cuốn  Lịch Sử Cuộc Chiến Giữa Khoa Học Và Nền Thần Học Trong Ki Tô Giáo (A History of Warfare of Science with Theology in Christendom,  Prometheus Books, New York, 1993), của White, Andrew D.,  một bộ sách hai tập dày 1000 trang, và cuốn  Nhưng Đó Có Phải là Khoa Học Không? (But Is It Science?, Prometheus Books, New York, 1996), của Michael Ruse viết về cuộc tranh luận giữa thuyết sáng Tạo (Creation) trong Ki Tô Giáo và thuyết Tiến Hóa (Evolution)).

   Theo nhiều học giả và chuyên gia nghiên cứu tôn giáo và xã hội thì Đức Tin Ki Tô (Christian Faith) và Lý Trí (Reason) tượng trưng cho hai con đường đối ngược: con đường đi tới mê tín đối với con đường đi tới hiểu biết (Joseph L. Daleiden trong The Final Superstition: The path to superstition versus the path to knowledge). Trong vài thập niên gần đây, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng Ki Tô Giáo nói chung, Ca-Tô Giáo Rô-Ma nói riêng, sau gần 20 thế kỷ coi lý trí như kẻ thù, đã đưa ra chiêu bài hòa hợp tôn giáo với khoa học, hòa hợp đức tin với lý trí.  Tuy nhiên, theo các học giả chuyên về tôn giáo thì nỗ lực này chết yểu ngay từ đầu (the effort is doomed from the start), vì toan tính này không dựa vào những sự thực lịch sử, vào thực tế cũng như bản chất của các tôn giáo độc Thần Tây phương và khoa học, của đức tin trong các tôn giáo này và lý trí.  Ca-Tô Giáo chỉ muốn lấy lại vị thế trí thức của mình trước đám đông tín đồ kém hiểu biết, cái vị thế trí thức đã thống trị Âu Châu trong thời Trung Cổ.  Nhưng chính cái vị thế trí thức này đã đưa Âu Châu vào thời đại man rợ và đen tối trí thức (the age of barbarism and intellectual darkness) kéo dài suốt 1000 năm, cái vị thế đã bị những tư tưởng khai phóng, dựa vào lý trí, của những Thời Đại Lý Trí (The Age of Reason) hay Thời Đại Khai Sáng (The Age of Enlightenment) phá đổ một cách dứt khoát, khó có cách nào có thể khôi phục được, vì bản chất và mục đích chính của các tôn giáo độc Thần Tây phương là duy trì những định chế tổ chức và quyền lực của các Giáo hội chứ không phải là đi tìm chân lý một cách khách quan.  Thực chất các tôn giáo độc Thần Tây phương là những tổ chức quyền lực chính trị, kinh tế, quan liêu, duy trì một niềm tin mù quáng, không cần biết, không cần hiểu, với  mục đích thống trị, vơ vét tài sản vật chất, hơn là khai ngộ tâm trí tín đồ trên con đường giải thoát.  2000 năm lịch sử Ca- Tô Giáo, một tôn giáo đã gây nên không biết bao nhiêu thảm cảnh cho nhân loại trong đó cả trăm triệu sinh mạng đã bị hủy diệt một cách tàn bạo và oan uổng, đã đưa đến việc Giáo hoàng chính thức thú nhận một cách đại cương, như sẽ được trình bày trong một đoạn sau.   

   Cuốn sách này, như trên đã nói, bắt nguồn cảm hứng từ bức thư thông tri trên của Giáo Hoàng Giôn Pôn Hai và do sự thôi thúc của nhiều độc giả sau khi đọc cuốn Công Giáo Chính Sử: Một Khảo Luận Qua Các Tài Liệu, muốn biết về đức tin tôn giáo đã tạo ra một lịch sử đen tối và đẫm máu nhất của nhân loại,  chỉ có mục đích  luận về Đức Tin và Lý Trí.  Trong cuốn sách này, tôi muốn nói đến Đức Tin Ki Tô Giáo (Christian Faith) nói chung,  Đức Tin  Ca-Tô  (Catholic Faith)   nói riêng, chứ không phải là Niềm Tin hay Sự Tin Tưởng (belief) trong các tôn giáo Đông Phương như Phật Giáo.  Những niềm tin này hoàn toàn khác biệt với đức tin Ki Tô.   Cho nên, trong cuốn khảo luận này, khi tôi dùng từ "tôn giáo" xin quý độc giả hiểu rằng tôi muốn chỉ các tôn giáo độc Thần Tây phương hợp thành Ki Tô Giáo nói chung.   Tôi để Phật Giáo ra ngoài từ "tôn giáo"  vì Phật Giáo không phải là một tôn giáo theo nghĩa người Tây phương thường hiểu: một tôn giáo mà các tín đồ sợ hãi và thờ phụng một vị Thần của tôn giáo đó. 

  Mặt khác, chúng ta không thể nào hiểu được tín ngưỡng Ki Tô nếu chúng ta không biết đến nguồn gốc của Ki Tô Giáo.  Do đó, để cho công việc khảo luận được đầy đủ, cuốn sách này sẽ gồm có những chương chính sau đây:

   -  Nguồn Gốc Ki Tô Giáo.

   -  Căn Bản Đức Tin Ca-Tô Qua Kinh Tin Kính.

   -  Luận Về Một Số  "Bí Tích" hay "Nhiệm Tích" Trong Ca-Tô Giáo

   Những tín đồ Ca-Tô Giáo thường biết rất ít, hoặc không biết, những sự thực về nguồn gốc, lịch sử, và căn bản tín ngưỡng của tôn giáo mình.  Họ tin vào những lời rao giảng chọn lọc và nhiều khi sai sự thực của những cán bộ truyền giáo như linh mục, giám mục mà họ tin rằng có Thần quyền như Chúa ở trên cõi đời này, những Thần quyền mà giới giáo sĩ tạo ra để ngự trị trên đầu óc con người.  Do đó, họ tin một cách không cần biết, không cần hiểu.  Cuốn sách này hi vọng sẽ giúp những tín đồ  Ca-Tô và những người phi-Ca-Tô hiểu rõ hơn về nguồn gốc và đức tin trong Ca-Tô Giáo.

    Niềm tin tôn giáo có ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của xã hội.   Do đó, một sự hiểu biết đúng về tôn giáo là một điều cần thiết trong giai đoạn đất nước đang mở mang về kinh tế cũng như về dân trí.  Điều này, các nước văn minh tiến bộ Tây phương đã theo từ nhiều thế kỷ nay rồi.  Cuốn sách này hình thành không ngoài mục đích góp một phần nhỏ trong công cuộc mở mang dân trí để đi tới một sự ổn định trong  xã hội qua sự  hiểu biết đúng về vấn đề tín ngưỡng.

   Tự do tín ngưỡng là một quyền căn bản của con người với điều kiện tín ngưỡng này không được xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng của người khác.  Trong 20 thế kỷ qua, Ca- Tô Giáo Rô-Ma đã dựa vào những quyền lực thế tục phong kiến và thực dân để tước đoạt quyền này của con người qua những cuộc Thánh Chiến, những tòa hình án xử dị giáo, những thủ đoạn dùng cường quyền thắng công lý cùng lợi dụng những hoàn cảnh khó khăn vật chất của con người để  cưỡng ép con người phải tin theo những điều huyễn hoặc trong tín ngưỡng của Ca-Tô Giáo.  Đó là những vết nhơ không sao tẩy sạch trên khuôn mặt của Giáo hội Ca-Tô Rô-Ma trong lịch sử nhân loại. 

   Thật vậy, mới đây, ngày chủ nhật 12 tháng 3, 2000, trong một cuộc “thánh lễ” công cộng tại “thánh đường” Phê-rô, trước nhiều chục ngàn con chiên, người chủ chăn chiên, Đức Giáo Hoàng Gion Pôn Hai (John Paul II), đại diện cho “hội thánh” Ca-Tô gồm gần một tỷ tín đồ, trong đó có khoảng 5 triệu tín đồ Việt Nam, đã cùng với 5 hồng y và 2 tổng giám mục, chính thức long trọng tuyên đọc những lời “xưng thú 7 núi tội lỗi của Ca-Tô Giáo” đối với nhân loại và “xin được tha thứ” cho những hành động đặc thù Ca-Tô phi thánh phi phàm của những con cái giáo hội Ca-Tô “thánh thiện”.  Những hành động này, qua gần 20 thế kỷ, đã đưa đến những thảm họa to lớn cho nhân loại như Thánh Chiến, Tòa Hình Án Xử Dị Giáo, xâm lăng văn hóa, ý muốn thống trị và thái độ thù nghịch đối với những tôn giáo khác, bách hại dân Do Thái, gây chia rẽ trong cộng đồng Ki Tô, kỳ thị và coi thường phẩm giá phụ nữ, liên kết với những thế lực thực dân, phát xít v..v.. như đã được nhắc tới hết sức đại cương trong bản văn ghi những lời xưng thú 7 núi tội lỗi của Ca-Tô Giáo Rô-Ma (thường huênh hoang tự xưng là Công Giáo).  Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với những thuộc tính mà Ca-Tô Giáo tự nhận và cấy vào đầu óc đám tín đồ thấp kém, rằng Giáo hội Ca-Tô là một giáo hội “duy nhất thiên khải”, “thánh thiện”, “mầu nhiệm”, “tông truyền”, là “ánh sáng của nhân loại”, đứng đầu trong đức tính “công bằng, bác ái” v..v..  Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 2000 năm của Giáo hội Ca-Tô mà một Giáo hoàng đã chính thức thú nhận tội lỗi, những tội lỗi đã chồng chất trên bờ vai lương tâm của giáo hội trong suốt 2000 năm nay, những tội lỗi mà tuyệt đại đa số những tín đồ thấp kém không hề hay biết.  Đây không phải là nơi luận bàn về những lời xưng thú tội lỗi và xin được tha thứ của giáo hội Ca-Tô, nhưng nhiều học giả trong cũng như ngoài giáo hội đã chứng minh rằng những bất hạnh mà Ca- Tô Giáo mang tới nhân loại bắt nguồn từ sự tin tuyệt đối vào Thánh Kinh, được coi như là những lời mạc khải không thể sai lầm của Thần Ki Tô (Christian God), và từ những niềm tin bị lạc dẫn.

   Sau khi Giáo hoàng xưng thú tội lỗi thì hồng y John O’Connor, tổng giám mục địa phận New York, đã tuyên bố rằng “các tín đồ Ca-Tô phải được sự thật giài phóng” (Catholics are to be “liberated by the truth”).  Muốn như vậy, tín đồ Ca-Tô phải biết sự thật đó như thế nào.  Bàn về đức tin Ca-Tô sẽ giúp cho họ cũng như những người ngoại đạo hiểu rõ hơn về căn bản tín ngưỡng trong Ca-Tô Giáo.

   Dù rằng, trước khi xưng thú tội lỗi tập thể tại thánh đường Phê-rô ngày 12 tháng 3, 2000, Giáo hoàng Gion Pôn Hai đã một mình đi khắp thế giới và đã hơn 100 lần xin lỗi cùng xin được tha thứ.   Nhưng ai là người có thể đại diện cho oan hồn của hàng trăm triệu sinh mạng đã bị hủy diệt vô tội dưới bàn tay đẫm máu của Giáo hội để mà tha thứ cho giáo hội?  Riêng đối với dân tộc Việt Nam, ai có thể đại diện cho hàng trăm ngàn nạn nhân của cuộc liên minh giữa thực dân Ca-Tô và thực dân Pháp đưa tới cảnh mất nước nhà tan trong gần một thế kỷ để mà tha tội cho Giáo hội Ca-Tô?  Các tín đồ Ca-Tô Việt Nam thường không biết gì về lịch sử Giáo hội Ca-Tô nên vẫn tin rằng mình nằm trong một giáo hội thánh thiện được gọi là Hội Thánh, theo như lời dạy có tính cách nhồi sọ của Giáo hội qua các cán bộ truyền giáo như Linh mục, Giám mục v...v...   Tại sao họ không hề tự vấn: tại sao cái mà họ gọi là Hội Thánh, là nhiệm thể của Chúa Ki Tô, là thiên khải v..v.. lại có thể gây ra bao nhiêu thảm họa cho nhân loại trong suốt 2000 năm lịch sử của Ca-Tô Giáo, đến nỗi Giáo Hoàng Gion Pôn Hai phải bôn ba vất vả đi đây đi đó để xin lỗi thế giới về những tác hại của Ca- Tô Giáo, trong khi các tôn giáo khác, ví dụ như Phật Giáo, thường bị Ki Tô Giáo chụp cho cái mũ vô thần, lại không hề làm đổ một giọt máu trong quá trình truyền bá Đạo Pháp trong suốt hơn 2500 năm, trước Ki Tô Giáo cả hơn 500 năm?

      Lý do là họ bị mê hoặc bởi một cái bánh vẽ trên trời, bị Giáo hội dấu kín và tuyên truyền lừa dối, cho nên không hề biết đến những diễn biến trong nội bộ giáo hội trên trường chính trị quốc tế, đến lịch sử giáo hội, đến những hành động ác nhân ác đức của Giáo hội phản ánh thực chất bất thiện của giáo hội, hoàn toàn đối ngược với cái tên Hội Thánh của Giáo hội tự phong.

   Báo Chicago Tribune ngày 13 tháng 3, 2000, đăng tin: “Lần đầu tiên trong lịch sử gần 2000 năm của Ki Tô Giáo, một Giáo hoàng Ca-Tô đã xin được tha thứ cho những tội lỗi có tính cách hủy diệt mà Giáo hoàng gọi là "tội lỗi xã hội" mà các tín đồ Ca-Tô đã phạm phải qua các thời đại.” (Chicago Tribune, March 13, 2000: For the first time in nearly 2000 years of Christianity, a Roman Catholic pope asked forgiveness Sunday for destructive social sins Catholics have committed over the ages).

   Giáo hoàng nhập nhằng dùng từ "social sins" một cách thiếu lương thiện, làm như về vấn đề tinh thần, Giáo hội vẫn thánh thiện, mà quên rằng tất cả những tội lỗi xã hội đó đều bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo của Ca-Tô Giáo, với sự chỉ đạo của Thánh Linh.  Bởi vì, theo niềm tin Ca-Tô, Giáo Hoàng và Giáo hội luôn luôn có Thánh Linh chỉ đạo, hướng dẫn, nên không bao giờ có thể sai lầm.  Thực tế đã cho thấy, niềm tin này chỉ có tính cách mê hoặc, lừa dối những tín đồ đầu óc thấp kém, vì nếu thực như vậy thì không làm sao giáo hội có thể biện minh cho những hành động của mình.

   Dư luận thế giới ngoài giáo hội cho rằng những lời Giáo hoàng xin tha thứ chỉ là những lời nói đãi bôi, đầu môi chót lưỡi, có tính cách mị dân v...v..., vì Giáo hoàng tuyên bố một cách rất đại cương, không nhắc gì tới những lò sát sinh (Holocaust) của Đức Quốc Xã, về trách nhiệm của Giáo hoàng Pius XII trong kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, về vai trò của Giáo hội trong chính sách diệt chủng ở Croatia dưới thời Palevic, và nhất là về liên minh của Giáo hội với thực dân để đi chiếm đất đai truyền đạo, phù hợp với những sắc lệnh đượm tính chất xâm lăng thực dân của các giáo hoàng Martin V, Callistus III, và Alexander VI.  Riêng các tín đồ Ca-Tô Giáo Rô-Ma người Việt Nam hãy đọc và nghiền ngẫm kỹ những câu "xưng thú 7 núi tội lỗi" và "xin được tha thứ" của giáo hội, nhất là câu sau đây của Giáo hoàng để mà thay đổi thái độ đối với đồng bào ruột thịt trong tương lai, đưa đến sự hòa hợp trong đại khối dân tộc:   

   Gion Pôn Hai nói: "Chúng tôi xin được tha thứ về những sự chia rẽ giữa những tín đồ Ki Tô...và về thái độ thù nghịch của chúng tôi đối với những tín đồ của các tôn giáo khác."

   (Chicago Tribune, March 13, 2000: John Paul II said, "We are asking pardon for the divisions among Christians...and hostility assumed toward followers of other religions.)

   Ngày nay, càng ngày chúng ta càng thấy xuất hiện trong những xã hội văn minh tiến bộ những công cuộc nghiên cứu về sự thật của Ca-Tô Giáo, một tôn giáo mà những sự kiện lịch sử đã chứng tỏ là đã mang lại bao nhiêu đau thương cho nhân loại, và vẫn còn đang tiếp tục đầu độc đầu óc nhân loại bằng những tín điều đi ngược thời gian, phi lý, hoang đường, phản khoa học, ngăn chận sự phát triển và tiến bộ của con người.  Tuy vậy, hiển nhiên một cuốn sách không thể bao gồm đầy đủ mọi kiến thức hiện đại về đức tin của một tôn giáo với gần 2000 năm lịch sử.  Xin quý độc giả coi đây như một tóm lược những nhận định căn bản nhất mà chúng ta có ngày nay về đức tin Ca-Tô.  Phần tài liệu tham khảo ở cuối sách có thể giúp quý độc giả, nếu muốn, đào sâu để biết tường tận hơn về những chủ đề khảo luận trong cuốn sách này.  Ngoài ra, phần Phụ Lục cũng cho chúng ta biết nhận định của một số danh nhân trí thức trên thế giới về Thần Ki-Tô, về Ki-Tô giáo nói chung, và Ca-Tô giáo Rô-Ma nói riêng.

   Sau khi cuốn Công Giáo Chính Sử được nhà xuất bản Giao Điểm phát hành, tôi nhận được ý kiến đề nghị của một số độc giả là: để giữ tính cách liên tục trong bản văn Việt ngữ, nên để riêng phần dẫn chứng tài liệu bằng tiếng ngoại quốc, hoặc chỉ cần nêu rõ xuất xứ là đủ.  Do đó, trong cuốn sách này, tôi xin để riêng những tài liệu dẫn chứng ở cuối sách.

   Tôi xin hoan hỉ đón nhận mọi phê bình đứng đắn và trí thức, cũng như mọi đóng góp bổ túc cho những thông tin liên hệ đến những chủ đề trình bày trong cuốn "Đức Tin Công Giáo" này.

                                                                       Nguồn : Đạo Phật Ngày Nay


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage