|
Thời báo Luân Đôn đánh giá ""Small is beautiful" là
một trong 100 cuốn sách có ảnh hưởng nhất thế giới viết sau Thế chiến
thứ 2.(Ảnh: Manitobabuddhistchurch.org) |
Trong bối cảnh của suy thoái kéo dài
của nền kinh tế và những hệ lụy tới ngành nông nghiệp của
thế giới, bất chợt ai đó băn khoăn “phải chăng đã đến lúc
chúng ta nên nhìn lại thành tựu tăng trưởng vượt bậc trong suốt
thời gian qua, nhìn lại cách chúng ta tư duy về nền kinh tế và
lối sống của mình”. Điều băn khoăn ấy đã được phần nào giải
thích trong luận bàn của Ernest Friedrich Schumacher khi ông viết
về “Kinh tế học Phật Giáo”. Xin trích lược giới thiệu cùng
bạn đọc.
Nguồn:
Phật Giáo Việt Nam Net (phatgiaovnn.com)
"Sống lương thiện" là một trong những
lời răn dạy trong Kinh Phật. E.F. Schumacher tin rằng chắc chắn
tồn tại một nền kinh tế học mang bản sắc Phật giáo.
Các quốc gia
theo đạo Phật thường khẳng định rằng họ muốn trung thành với di sản mà
cha ông để lại, song họ cũng kiên định phát triển kinh tế theo
lối tư duy kinh tế hiện đại, với biện giải rằng không hề có bất
cứ mâu thuẫn nào giữa giá trị tín ngưỡng và tiến bộ kinh tế. Sự lành
mạnh về tinh thần và sự thịnh vượng về vật chất không phải là kẻ thù, mà
trái lại, là những đồng minh tự nhiên của nhau. Dường như không mấy ai
mảy may cho rằng một lối sống mang hơi hướng nhà Phật phải cần đến
tư duy kinh tế Phật giáo. Thực ra điều này cũng tự nhiên và logic
như thể lối sống vật chất hiện đại đã sản sinh ra tư duy kinh tế hiện
đại.
Lao động, hàng hóa và
tiêu dùng
Lao động là nguồn gốc sâu xa tạo nên của cải
loài người. Trong kinh tế học hiện đại, lao động được tính là một
phần cấu thành trong tổng chi phí, cần được tối thiểu hóa đối
với người thuê lao động, mặt khác lại là việc hi sinh thời gian
và sự thoải mái của người làm thuê, để được bù đăp bằng tiền
công. Vì vậy, tình huống lý tưởng đối với giới chủ là có đầu ra mà không
cần có lao động, và đối với người lao động là có thu nhập mà không cần
làm việc.
Điều này, dĩ nhiên, chỉ là lý tưởng mà thôi.
Nếu như quan điểm lý tưởng về lao động là không làm việc thì tất cả
các phương pháp để giảm khối lượng công việc đều là điều tốt.
Phương pháp hữu hiệu nhất là sự “phân công lao động” (được phân tích
trong cuốn “Sự thịnh vượng của các quốc gia” của Adam Smith). Song, nó
không phải là chuyên môn hóa theo hình thức truyền thống mà con người
đã thực hành từ xa xưa, mà là vấn đề phân chia quá trình sản xuất hòan
chỉnh thành những công đoạn nhỏ, cốt cho ra lò những sản phẩm với
thời gian ngắn nhất và loại bỏ gần như toàn bộ những thao tác
lao động thừa trong dây chuyền.
Trong khi đó, “Lao động”
trong quan niệm Phật giáo có ít nhất ba chức năng: tạo cho con người
cơ hội nuôi dưỡng và phát triển năng lực cá nhân; giúp con người vượt
qua cái tôi ích kỷ của mình bằng cách tham gia cùng với những người khác
trong một nhiệm vụ chung; mang lại cho con người những hàng hóa và dịch
vụ cần thiết để tồn tại. Những hệ quả bắt nguồn từ quan điểm này là vô
tận.
Theo nhà Phật, tổ chức công việc theo một cách vô nghĩa,
nhàm chán, không hiệu quả hay tra tấn tinh thần bị coi là một sự phạm
tội, nó cho thấy sự coi trọng vật chất hơn con người. Cũng tương
tự như vậy, theo đuổi sự thư nhàn thay vì lao động được coi là một sự
hiểu nhầm hòan tòan về một trong những chân lý cơ bản nhất của nhân
loại. Chân lý ấy nói rằng lao động và giải trí là những phần bù trừ cho
nhau của cùng một quá trình sống và không thể tách rời mà không phá hủy
niềm vui lao động và niềm hạnh phúc thư giãn.
Do đó, theo quan
điểm của Phật giáo, có 2 loại cơ giới hóa cần phải được phân biệt rõ
ràng: một loại củng cố kĩ năng và năng lực của con người; còn loại kia
biến con người thành nô lệ của máy móc.
Phật giáo coi tinh túy
của nền văn minh không phải nằm ở cấp số nhân của những ham muốn, mà nằm
ở sự sàng lọc những phẩm chất của con người. Những phẩm chất này chủ
yếu được hình thành trong lao động. Và lao động, được tổ chức một cách
thích hợp trong điều kiện bảo vệ chân giá trị của con người và sự tự do,
sẽ ban phước lành cho những ai tiến hành nó cũng như các sản phẩm họ
làm ra.
Nếu một người không có cơ hội có được việc làm, anh ta sẽ
ở trong một tình thế tuyệt vọng, không chỉ bởi vì thiếu thu nhập mà còn
bởi vì anh ta thiếu những nhân tố nuôi dưỡng và tăng thêm sinh lực mà
chỉ lao động có kỷ luật mới tạo ra được.
Một nhà kinh tế hiện
đại có thể thực hiện những phép tính cực kỳ phức tạp để xét xem liệu
toàn dụng nhân công có phải đánh đổi bằng giá nào hay không hoặc liệu
việc điều hành một nền kinh tế ở mức thấp hơn toàn dụng nhân công có đảm
bảo một sự lưu động nhân công tốt hơn, một chế độ lương bổng ổn định
hơn, và nhiều điều khác nữa hay không? Tiêu chuẩn đo lường sự thành công
của anh ta đơn giản là tổng số lượng hàng hoá sản xuất ra trong một đơn
vị thời gian.
Trong quan điểm của Phật tử, việc coi hàng hoá
quan trọng hơn người lao động và coi tiêu dùng quan trọng hơn tính sáng
tạo là chà đạp lên chân lý. Điều đó có nghĩa là chuyển trọng tâm từ
người lao động sang sản phẩm của lao động, hay từ con người sang thực
thể phi con người, hay một sự đầu hàng trước các thế lực tội ác.
Điểm
khởi đầu cho mọi kế hoạch phát triển kinh tế mang bản sắc Phật giáo sẽ
là kế hoạch để đạt được toàn dụng nhân công với mục đích tối cao là mang
đến việc làm cho bất cứ những ai cần một công việc “bên ngoài”. Đây
không phải là vấn đề số lượng việc làm tối đa hay số lượng sản phẩm tối
đa.
Có một chút lưu ý khi các nhà kinh tế học Phật giáo đề
cập đến lao động trong góc nhìn về giới, rằng phụ nữ chỉ cần làm
tốt công việc nội trợ. Quá nhiều phụ nữ làm việc trong văn phòng hay
công xưởng là một dấu hiệu của một thất bại kinh tế nghiêm trọng. Một
ví dụ cụ thể là là để mẹ của trẻ nhỏ đi làm trong các công xưởng
trong khi những đứa trẻ này không có ai săn sóc sẽ là phi kinh tế, chẳng
khác nào việc trưng dụng một công nhân lành nghề làm một chiến binh
dưới con mắt của một nhà kinh tế học hiện đại.
Trong khi các nhà
kinh tế theo trường phái tư bản chủ nghĩa chủ yếu quan tâm tới hàng hoá,
thì các Phật tử lại chủ yếu quan tâm tới sự giải phóng. Tuy vậy, Phật
giáo không bao giờ đi ngược lại với sự thịnh vượng về vật chất. Vật cản
đối với sự giải phóng không phải là sự giàu có hay việc tận hưởng những
thú vui mà là sự bám giữ lấy của cải và sự khao khát những thú vui ấy.
Vì vậy, điều chủ chốt trong kinh tế học Phật giáo là tính giản dị và sự
hòa hảo.
Đối với các nhà kinh tế học hiện đại, điều này là rất
khó tiếp thu. Họ đã quen với việc đo lường mức sống bằng lượng tiêu thụ
hàng năm, cho rằng một người tiêu dùng nhiều hơn luôn luôn giàu có hơn
một người tiêu dùng ít hơn.
Một nhà kinh tế học Phật giáo sẽ coi
điều này là cực kì phi lý: tiêu dùng chỉ là một phương tiện để con người
đạt đến sự giàu có, vì vậy mục tiêu phải là đạt được tối đa sự giàu có
với mức tiêu dùng tối thiếu. Vì vậy, nếu mục đích sử dụng của quần áo là
một mức độ thoải mái về nhiệt độ và sự hấp dẫn về mặt hình thức nhất
định, nhiệm vụ đặt ra là đạt được mục tiêu này với những nỗ lực nhỏ
nhất, ví dụ như là với sự tiêu thụ vải hàng năm thấp nhất và với quá
trình thiết kế đòi hỏi ít công việc khó nhọc nhất.
Ở đây, ít công
việc khó nhọc có nghĩa là nhiều thời gian hơn cho sự sáng tạo nghệ
thuật. Ví dụ, sẽ là cực kì lãng phí nếu theo đuổi những việc cắt may
phức tạp, như phương Tây hiện đại, khi một hiệu ứng đẹp hơn nhiều có thể
đạt được nhờ một nếp gấp đầy thuần thục của những vật liệu chưa được
cắt tỉa. Những điều vừa đề cập đối với quần áo cũng áp dụng tương tự đối
với tất cả những nhu cầu của người. Sự sở hữu và sự tiêu dùng háng hoá
rốt cuộc chỉ là một phương tiện và kinh tế học Phật giáo là các nghiên
cứu có hệ thống về việc làm thế nào để đạt được những mục tiêu cao nhất
cho trước bằng những phương tiện tối thiểu.
Kinh tế học Phật
giáo muốn tối đa hoá sự hài lòng của con người bằng lượng tiêu dùng tối
ưu nhất, trong khi kinh tế học hiện đại muốn tối đa hoá tiêu dùng bằng
những nỗ lực sản xuất tối ưu nhất. Dễ thấy rằng những nỗ lực cần thiết
để duy trì một lượng tiêu dùng tối ưu là thấp hơn những nỗ lực cần thiết
đề duy trì lượng tiêu dùng tối đa. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên
trước thực tế rằng áp lực và những ràng buộc của cuộc sống ở Burma
(một quốc gia Phật giáo), thấp hơn nhiều so với ở Mỹ (hoàn toàn
theo tư duy kinh tế hiện đại), mặc dù lượng máy móc tiết kiệm sức lao
động được sử dụng ở Burma chỉ bằng một phần 60 lượng máy móc được sử
dụng ở Mỹ.
Xét về cách thức tổ chức sản xuất, theo quan
điểm của Phật giáo, việc sản xuất với đầu vào là các nguồn lực của địa
phương để phục vụ cho những nhu cầu của người dân tại đó là cách thức
hợp lý nhất, còn sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu để có tiền nhập khẩu
là cực kỳ phi kinh tế và chỉ có thể chấp nhận được trong những trường
hợp đặc biệt và ở quy mô nhỏ. Cũng giống như một nhà kinh tế học hiện
đại thừa nhận rằng việc một người lao động phải đi làm xa nhà là
một sự kém may mắn và không tối ưu, một Phật tử cho rằng khi các nhu
cầu của con người được đáp ứng bằng những nguồn lực đầu tư ở cách xa
thay vì bằng những nguồn tại chỗ thì đó là một sự thất bại hơn là thành
công.
Sử dụng tài nguyên
Sử
dụng tài nguyên cũng là một lĩnh vực cho thấy sự khác biệt
đáng kể giữa kinh tế học hiện đại và kinh tế học Phật giáo. Nhà triết
học chính trị nổi tiếng người Pháp, Bertrand de Jouvenel, đã cá tính hoá
“người phương Tây” trong những từ ngữ mà cũng có thể áp dụng cho
các nhà kinh tế học hiện đại: “Họ có xu hướng không coi bất cứ cái gì là
phí tổn, ngoài những nỗ lực của con người. Họ, dường như không quan tâm
xem đã phí phạm bao nhiêu khoáng sản và tệ hơn nữa, đã phá huỷ bao
nhiêu sự sống. Họ dường như không hề nhận ra rằng sự sống con người là
một phần không hề tách rời với hệ sinh thái gồm nhiều dạng thức sống
khác nhau. Điều này dẫn đến một sự đối xử thô bạo và lãng phí đối với
những gì mà chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào, như nước sạch và cây cối.”
Lời
dạy của Đức Phật lại bao hàm một thái độ tôn kính và dịu dàng không chỉ
đối với tất cả những sự vật có tri giác, mà còn đồi với cây cối, với sự
nhấn mạnh sâu sắc. “Cứ vài năm một lần, tất cả những người theo đạo
Phật phải trồng một cái cây và phải chăm sóc nó cho đến khi lớn lên an
toàn”, và các nhà kinh tế học Phật giáo đều khẳng định mà không có bất
cứ băn khoăn gì rằng sự tuân thủ quy luật này trên toàn cầu sẽ dẫn đến
sự phát triển kinh tế thần kỳ, độc lập khỏi bất cứ sự trợ giúp nào của
nước ngoài. Một minh chứng điển hình là rất nhiều những thiệt hại về
kinh tế ở vùng Đông Nam Á (cũng như ở nhiều vùng trên thế giới) xuất
phát từ thái độ thờ ơ cố tình, đáng xấu hổ đối với rừng và cây
cối.
Thực chất kinh tế học hiện đại không phân biệt giữa tài
nguyên tái tạo được với tài nguyên không thê tái tạo, do phương pháp
của nó là san bằng và định lượng mọi thứ bằng giá tiền. Vì vậy, khi sử
dụng vô số những nhiên liệu như than, dầu, gỗ hoặc thuỷ năng, sự khác
biệt duy nhất giữa chúng mà kinh tế học hiện đại phân biệt được là chi
phí tương đối trên mỗi đơn vị. Nhiên liệu nào càng rẻ thì càng được ưa
thích, vì họ cho rằng chọn nhiên liệu khác sẽ là phi lý và không tiết
kiệm.
Dĩ nhiên, quan điểm của nhà Phật không như vậy. Sự khác
biệt căn bản giữa các nhiên liệu không tái sinh được như than đá và dầu
hoả và các nhiên liệu tái sinh được như gỗ và thủy năng không thể bỏ qua
một cách đơn giản được. Nguyên liệu không tái tạo chỉ được phép sử
dụng khi chúng là đầu vào không thể thiếu được, và phải được sử dụng
một cách dè dặt, cẩn trọng nhất . Sử dụng chúng một cách thờ ơ
hoặc lãng phí là một hành động bạo lực. Một trái đất phi bạo lực hòan
toàn là điều khó có thể đạt được, nhưng dẫu sao con người luôn luôn có
thể hướng đến sự phi bạo lực lý tưởng đó trong mọi việc mà anh ta làm,
cụ thể là trong việc đối xử với tài nguyên thiên nhiên.
Cũng như
một nhà kinh tế học châu Âu hiện đại sẽ không coi việc bán tât cả các
báu vật nghệ thuật châu Âu sang Mỹ với một giá hời là một thành tựu lớn,
một nhà kinh tế học Phật giáo sẽ luôn cho rằng lấy các nhiên liệu không
thể tái sinh để làm đầu vào cho các hoạt động kinh tế là sống một cách
ăn bám.
Một lối sống như vậy sẽ không có sự trường tồn vĩnh cửu
và chỉ là một kế mưu sinh tạm thời. Vì trữ lượng các nhiên liệu không
thể tái sinh được của thế giới – như than đá, dầu lử và gas thiên nhiên –
đang được phân phối không công bằng một cách quá mức trên toàn cầu và
hạn chế một cách rõ ràng về chất lượng, viêc tốc độ khai thác gia tăng
chưa từng có là một hành động bạo lực chống lại tự nhiên, và từ đó tất
yếu dẫn đến bạo lực giữa người với người.
Chỉ riêng thực tế này
cũng là một điều đáng để suy nghĩ, thậm chí đối với người dân ở các quốc
gia theo đạo Phật, những người chỉ quan tâm đến các giá trị tín ngưỡng
và tinh thần trong các di sản Phật giáo của mà vẫn hăng hái theo đuổi
chủ nghĩa vật chất của kinh tế học hiện đại ở tốc độ nhanh nhất có thể.
Trước
khi phủ nhận kinh tế học Phật giáo và coi học thuyết này chằng khác
gì một giấc mơ viển vông, họ có thể cân nhắc liệu con đường phát triển
kinh tế vạch ra bởi kinh tế học hiện đại có thể dẫn họ tới những nơi mà
họ thực sự muốn hay không. Cuối cuốn sách mang tên “Thách thức của tương
lai”, giáo sư Harrison Brown của Viện Công nghệ California đã đưa ra
đánh giá sau: “Do xã hội công nghiệp cơ bản là không ổn định, việc hứa
hẹn tự do cá nhân cũng là không chắc chắn vì trong xã hội này có thể nảy
sinh những tổ chức cứng nhắc và sự kiểm soát mang tính độc tài.” Quả
thực, khi chúng ta xem xét lại tất cả những mối đe doạ tới sự tồn tại
của nền dân chủ công nghiệp, sẽ rất khó để thấy được rằng sự ổn định và
tự do cá nhân được duy trì như thế nào.
Nếu nhận xét trên không
được công nhận là một quan điểm dài hạn thì ít ra trước mắt người ta
cũng nên đặt câu hỏi liệu quá trình “hiện đại hoá”, hiện đang được được
áp dụng mà không tính đến những giá trị tôn giáo và tinh thần, có đang
mang lại những kết quả chấp nhận được hay không. Như công chúng đều
biết, những kết quả này dường như là thảm hoạ, như: sự sụp đổ của nền
kinh tế nông nghiệp, làn sóng thất nghiệp ngày càng cao phủ lên khắp các
thị trấn và thành phố, và sự lớn mạnh của giai cấp vô sản thành thị,
những người không có trong tay bất cứ thứ gì để nuôi dưỡng cả thể xác
và tâm hồn.
Từ kinh nghiệm tức thời cũng như các triển vọng dài
hạn, nghiên cứu của kinh tế học Phật giáo có thể được đề xuất cho
những ai tin rằng sự phát triển kinh tế quan trọng hơn bất cứ giá trị
tinh thần hay tôn giáo nào, bởi đây không phải chỉ là vấn đề lựa chọn
giữa “sự phát triển hiện đại” hay “sự trì trệ truyền thống” màlà lựa
chọn con đường phát triển đúng đắn.
Nguồn: Bài luận “Kinh tế học
Phật giáo” của Ernest Friedrich Schumacher. Bài phân tích được xuất
bản lần đầu tiên trong cuốn “Sổ tay châu Á”, được xuất bản tại Luân
Đôn năm 1966, sau được đưa vào cuốn “Small is Beautiful” ( tạm dịch
“Nhỏ là đẹp”) của chính tác giả (1973). Cuốn sách đã được dịch ra
27 thứ tiếng khác nhau và năm 1995 đã được tờ Thời báo Luân Đôn đánh
giá là một trong 100 cuốn sách có ảnh hưởng nhất thế giới viết sau
Thế chiến lần thứ 2.
Nguồn:
Phật Giáo Việt Nam Net (phatgiaovnn.com)
(Theo ThienNhien.Net)