Chỉ có nhà Trần xưa vốn tôn sùng đạo Phật, mở núi, san
nền nơi đây, xây tam cấp, dựng bảo tháp 5 tầng. Trải bao sương gió, nền
móng vững bền mà biếc vàng lộng lẫy…
(Trích bia đá chùa Hồ Thiên)
|
Gian thờ cũ chùa Hồ Thiên |
Không phải là đến hẹn lại lên, mà vẫn là con đường thôi thúc. Chúng
tôi lại đi Tây Yên Tử, lên chùa Hồ Thiên. Từ Hà Nội đến Đông Triều, rẽ
tại ngã ba Tràng An để đến thôn Tây Sơn (xã Bình Khê). Bánh xe lăn qua
những con dốc đá gập ghềnh để tới sát chân dốc Voi, ở đó có nhà chú
Sơn, nhận trông xe mùa lễ hội. Chúng tôi đi lối dốc Voi. Đây là con
đường dốc đứng, men theo những lối mòn nhỏ hẹp vốn là lối kéo gỗ từ
trên núi xuống.
|
Dốc Voi |
Hết dốc là lên tới đỉnh bãi Đá Chồng, tại đây có một quán nước nhỏ
vốn đóng cửa quanh năm, chỉ mở trong mùa lễ hội làm điểm dừng chân cho
khách. Bà chủ quán có món nước nấu từ cây cao cẳng (còn được gọi là sâm
cao cẳng) vị ngọt mát, rất dễ uống.
|
Bãi Đá Chồng |
Đường lên chùa đi qua những đồi đá, cỏ tranh đan xen với những
khoảnh núi mới được phủ xanh lại bởi thông, keo và bạch đàn. Những
khoảng rộng mới trồng lại, nhìn từ xa lấm tấm gợi liên tưởng như những
lỗ tổ ong lớn. Nắng gắt cùng bụi tạo nên sự khô hanh, cằn cỗi.
Hồ Thiên hiện tại đã được tu sửa nhiều. Ngoài thầy Thích Trí Thông,
hiện có thầy Thái An tu tại đây. Và có một phật tử giúp hai thầy công
việc trong chùa, bác An, nhà ở Đông Triều. Cứ mỗi năm ngày một lần lại
có người lên và cũng là mang thêm lương thực, đồ dùng cho chùa. Thầy
Thái An đang chuẩn bị nhập thất. Mấy anh em gặp thầy Thích Trí Thông và
tranh thủ tiếp chuyện với thầy lúc chưa vào giờ kinh kệ.
|
Dãy nhà mới chùa Hồ Thiên |
Hồ Thiên là ngôi chùa nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam
thời phong kiến. Chùa được khởi dựng dưới triều Trần. Điều ngự Giác
hoàng Trần Nhân Tông (tức đệ nhất tổ phái Trúc Lâm) từng đăng đàn
thuyết pháp tại đây. Sau khi ngài mất, đệ tử chùa Hồ Thiên đã tạc tượng
thờ ngài.
Nhiều năm sau cổ tự Hồ Thiên đã trở thành thiền viện danh tiếng của
Phật phái Trúc Lâm. Đời Hậu Lê vào năm Vĩnh Khánh 1729 - 1732 và Vĩnh
Hựu 1735 - 1740 triều đình đã cấp tiền trùng tu với quy mô rộng lớn
khang trang lộng lẫy nhất vùng. Đến đầu thế kỷ 19 chùa bị đổ nát chỉ
còn di tích.
|
Bia đá chùa Hồ Thiên |
Tại chùa Hồ Thiên còn lưu giữ tấm bia đá soạn vào năm Vĩnh Hựu thứ
hai (1736), đời vua Lê Ý Tông nói về việc trùng tu chùa Hồ Thiên. Bia
được dựng trong nhà bia bằng đá. Tường và mái của tòa nhà toàn bằng đá
xanh. Những phiến đá lớn thớ mịn, được mài nhẵn ở tất cả các mặt, xẻ
mộng để ghép rất khít vào các răng. Chúng được trang trí bằng các hoa
văn họa tiết rất sinh động. Hai mặt cạnh của bia có đôi câu đối khắc
nổi. Đế bia cũng được chạm khắc tinh xảo các hình rồng phượng, hoa
lá... Qua gần 300 năm, mọi chi tiết, các nét chữ vẫn còn rõ nét.
|
Tháp 7 tầng chùa Hồ Thiên |
Năm 1998, chuyên gia Hán Nôm Nguyễn Văn Phong khi lặn lội rừng già
để đến được chùa Hồ Thiên đã ngỡ ngàng trước tòa tháp đá xanh bảy tầng
tuyệt đẹp cao vút giữa rừng cây. Tiếc thay, khi khu dí tích chùa Hồ
Thiên chưa được quan tâm thì tháp đã bị những kẻ đi săn tìm đồ cổ đánh
sập. Thầy Trí Thông cũng chỉ đành gom góp những khối đá xanh chỏng chơ
còn lại, đến mãi cuối năm 2008 mới dựng lại tòa tháp hiện nay như những
gì còn nhớ được.
|
Tháp gạch cổ chùa Hồ Thiên |
Trong khuôn viên của chùa Hồ Thiên, các công trình kiến trúc vẫn còn
giữ nguyên phần tường xây, nền chùa và chân bệ. Hiện còn lại dấu tích
của ba lớp nền bó vỉa bằng đá cuội. Ba lớp ứng với ba tầng bậc cao dần
lên. Ở mặt bằng của tầng cao nhất còn nguyên các bệ đá kê chân cột, mặt
tròn nền vuông có hình cánh sen được chạm cách điệu. Các bệ đá kê liền
nhau, sắp xếp theo vị trí kiến trúc cột cái, cột con. Quanh chùa còn
những ngôi mộ tháp, tháp gạch, tháp đá rất hiếm gặp. Các tháp này mang
dấu ấn nghệ thuật thời Lê. Trong một ô lõm của tháp có đặt pho tượng
bằng đá trắng. Tượng được tạc trong tư thế ngồi thiền.
|
Dấu tích nền móng chùa Hồ Thiên |
|
Bệ đá điêu khắc hình cánh sen |
Buổi tối, trăng rất sáng. Mọi người nhất trí tắt máy nổ, dùng nến và
ánh trăng để vừa ăn tối vừa trò chuyện. Bữa tối có món măng rừng xào
ớt. Măng trúc có vị đắng nhiều hơn ngọt, gợi nhớ lại những năm trước,
thời gian mà nhà chùa chỉ có vả luộc, măng trúc và chuối rừng chát ngâm
muối. Đó là tất cả những gì đã giúp thầy và phật tử duy trì cuộc sống
tu hành.
|
Bữa tối trên chùa |
Đêm đó chúng tôi ngủ thật ngon. Hồ Thiên vẫn luôn yên tĩnh và thanh
tịnh. Vẫn luôn có gió núi, trăng rừng và tiếng chuông lẩn khuất trong
mây.
Lại chia tay với thầy và bác An cùng mọi người, mong sẽ sớm quay
lại. Vẫn còn lối lên Hồ Thiên từ phía đập Bến Châu. Vẫn còn con đường
là vẫn có lối đi. Nhất là khi một phần nơi đây đã in dấu trong mỗi
chúng tôi, đó là Yên Tử, góc phía tây tĩnh lặng.
Nguồn: Tuổi Trẻ