Phật Học Online

Đừng hoang tưởng về một thế giới phẳng

Thế giới cũng sẽ KHÔNG phẳng sau sự lan tỏa toàn cầu của mạng lưới Internet. Thế giới sẽ vẫn là thế giới ta đã quen biết suốt 5,000 năm lịch sử: rất nhiều cách biệt giữa các tầng lớp xã hội: giàu và nghèo, học thức và vô học, đạo đức và bất lương, thôn quê và thành thị, quốc gia phát triển và quốc gia nghèo đói. Nhưng công nghệ thông tin lại có khả năng làm gia tăng sự cách biệt này:...

Các chính trị gia và các chuyên gia thường thích dùng các danh từ thời thượng để phô trương tri thức về thế giới và tạo ấn tượng trong cộng đồng. Gần đây, họ hay nói đến các ngôn từ như kinh tế sáng tạo, mạng xã hội, hội nhập toàn cầu, công nghệ xanh, kỹ thuật số, chỉ số hạnh phúc... Nhưng một chữ bị lạm dụng nhiều nhất có lẽ là "thế giới phẳng".

Danh từ này được Thomas Friedman dùng làm đề tài cho một tựa sách vào 2005 để diễn tả một hiện tượng mới về xã hội và kinh tế do cuộc cách mạng Internet và công nghệ thông tin (IT) mang lại. Giả thuyết của ông là sự lan tỏa cùng khắp những thông tin và kiến thức nhanh chóng qua Internet đã san bằng mọi cách biệt về lợi thế kinh tế giữa các quốc gia, giữa các thể chế chính trị, và giữa  các tầng lớp nhân dân. Kết quả là một thế giới phẵng lì, không còn rào cản vả bất cứ ai cũng có thể nắm bắt những cơ hội mới do công nghệ mới tạo dựng.

Tôi đã theo dõi nhiều bài viết của Friedman trên New York Times, tờ báo của giới mệnh danh là "tiến bộ" (liberal) của các trí thức khoa bảng Mỹ. Ông này có tật xấu là đơn giản hóa mọi vấn đề, rồi dựa trên một vài sự kiện đặc thù mà đặt ra các giả thuyết khá phi lý, phù hợp với quan điểm cá nhân của mình. Ông luôn quên đi sự phức tạp của mọi vấn đề bàn luận, dù là xã hội, kinh tế hay chính trị, dù là địa phương hay toàn cầu. Thế giới phẳng và một xã hội đại đồng bình đẳng là một hoang tưởng rất thời thượng của ông.

Ảnh minh họa: saga

Vào khoảng 1885, Karl Benz sáng chế ra chiếc xe hơi hiện đại thay thế cho cỗ xe ngựa và cùng thời điểm, James Maxwell đưa ra lý thuyết để thế giới có được máy phát thanh (radio). Nếu ông sinh ra ở thời này, Friedman cũng sẽ dễ dàng đưa ra lập luận về một "thế giới phẳng" vì hai phát minh này cũng đã đem nhân loại đến gần nhau hơn. Thế nhưng, sau đó, ai cũng biết thế giới đã KHÔNG phẳng với những sáng chế diệu kỳ về xe hơi, về radio, về TV, về máy in... Tôi cũng xin báo cho các bạn trẻ là thế giới cũng sẽ KHÔNG phẳng sau sự lan tỏa toàn cầu của mạng lưới Internet.

Máy tính, Internet, điện thoại di động và các dụng cụ công nghệ thông tin quả đã tạo nên một cách mạng vĩ đại về kiến thức và thông tin với tốc độ, tầm cỡ và chức năng. Nhưng thế giới sẽ vẫn là thế giới ta đã quen biết suốt 5,000 năm lịch sử: rất nhiều cách biệt giữa các tầng lớp xã hội: giàu và nghèo, học thức và vô học, đạo đức và bất lương, thôn quê và thành thị, quốc gia phát triển và quốc gia nghèo đói. Thực sự, công nghệ thông tin lại có khả năng làm gia tăng sự cách biệt này: người biết sử dụng IT sẽ khôn khéo dùng lợi thế cạnh tranh này của mình để kiếm tiền, kiếm quyền và đặc lợi nhiều hơn so với đám đông còn bỡ ngỡ.

Sự yêu thích hình tượng và viễn ảnh của một thế giới phẳng có lẽ bắt nguồn từ sự ao ước của rất nhiều nhà trí thức trẻ (trong đó có người viết bài này) với một con tim tha thiết về một xã hội công bằng, không có khác biệt giữa giàu nghèo, giai cấp hay phân khúc. Một thế giới đại đồng của những người bình đẳng về mọi khả năng và quyền lợi. Cuộc thí nghiệm vĩ đại nhất lịch sử đã diễn ra ở Liên xô và Trung Quốc hơn 70 năm. Ngày nay, tại hai xã hội này, sự cách biệt về giàu nghèo (theo chỉ số Gini) thuộc loại cao nhất trong 10 hạng đầu của thế giới (Top Ten).

Rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức và các bậc khoa bảng luôn luôn ta thán về hiện tượng bất công của xã hội, thường kết luận trong vội vã "đời không công bằng chút nào" khi so sánh sự thua kém của mình với những nhân vật mà họ nghĩ là không xứng đáng. Chính tôi cũng hay rơi vào trường hợp tự ti này khi không để lý trí suy xét.

Vào thời điểm 1968 sau khi tốt nghiệp Đại học ở Mỹ, tôi và một người bạn người Mã Lai tên là Michael cùng quay trở về nước. Trong khi tôi chật vật với lương giảng viên ở Đại Học Bách Khoa Phú Thọ, Michael được ông bố, vốn là một đại gia tăm tiếng ở Mã Lai, mua cho một ngân hàng rồi bổ nhiệm hắn làm Chủ Tịch TGĐ một ngân hàng đứng hàng thứ 8 ở Mã Lai vào thời đó. Ngay cả suốt cuộc đời 2 đứa trong 42 năm qua, trong khi tôi phải lên voi xuống ngựa, đi từ đỉnh cao của thịnh vượng đến vực thẳm của nghèo khó, Michael vẫn ung dung tự tại sống đời thượng lưu, thành công từ việc làm ngân hàng đến tạo dựng một đế quốc về địa ốc. Sau này, mỗi lần qua chơi, tôi vẫn rất ghen tỵ, chép miệng, "đời thật bất công".

Một người bạn khác ở VN cùng tôi mài ghế suốt 4 năm trung học. Anh ta tên Duy và là thần tượng của tôi hồi đó. Học giỏi, đẹp trai, con nhà giàu, nhưng trên hết, có một hạnh kiểm hoàn toàn, luôn luôn được bầu là trưởng lớp bởi các học trò và thầy cô. Ai cũng ngưỡng mộ. Anh thường ái ngại nhìn tôi bỏ lớp trốn học, đi tán gái, chọc phá làng xóm, và nói nếu không thay đổi tính nết, tương lai của tôi sẽ chìm sâu trong đống bùn. Tôi luôn luôn đồng ý, nhưng đã không bỏ được những thói quen xấu. Xong Tú Tài, anh thi đậu vào Đại Học Sư Phạm dễ dàng và trở thành một bậc thầy khả kính sau những năm học hành. Còn tôi, may mắn được học bổng Mỹ, bay đi tận nữa vòng trái đất, loay hoay làm lại đời mình. Một lần về thăm nhà năm 1992, Viện Đại học Cần Thơ mời tôi giảng dạy một buổi về Kinh Tế Mở Cửa của TQ cho các học sinh cũng như nhiều vị giáo chức tu nghiệp. Tôi ngỡ ngàng gặp lại Duy, thay đổi thứ bậc trong liên hệ thầy-trò. Anh ngượng ngùng, bỏ ngang lớp học sau tiết đầu và không trả lời điện thoại khi tôi kêu. Bạn bè cho biết hôn nhân của anh trắc trở, anh buồn đời làm một con sâu rượu giải sầu, và bị cấp trên "đầy đọa" vì nhiều lần say rượu trong lớp học. Tôi chắc Duy cũng đang nghĩ thầm, "đời thật bất công".

Cách nay ba tháng, một đại gia trẻ tuyên bố trong một buổi hội thảo là tương lai IT của VN sáng ngời, vì chỉ sau 10 năm, dân số VN có điện thoại di động bây giờ đã lên đến hơn 53 triệu người. Anh ta đồng hóa việc sỡ hữu một cái phone với trình độ kiến thức và hiệu năng của nền kinh tế sáng tạo, biểu hiện qua một công cụ IT phổ thông. Tôi có 2 người giúp việc nhà. Họ đều sở hữu điện thoại riêng cho cá nhân và nhờ những chương trình khuyến mãi, nói chuyện qua phone đến 4, 5 giờ mỗi ngày. Họ trao đổi liên tục với bạn bè, láng giềng, gia đình dưới quê về mọi chuyện lặt vặt, còn hơn Twitter của các siêu sao ở Hollywood. Thậm chí họ còn dùng điện thoại để chửi nhau, để khuyến nghị về số đề, về mua hụi, về chương trình kịch trên TV. Thậm chí, một bà đã gần 50 tuổi, có chồng và 4 đứa con ở quê, vẫn trả lời tất cả những cú phone từ người lạ, đóng vai trò một cô gái mới 20, đóng góp và giải tỏa các lời yêu thương ảo (như một loại  phone sex rẻ tiền) cho rất nhiều bạn trai Việt.

Những bất công hay hố cách biệt vừa kể cũng có thể là do sự lựa chọn và sở thích của cá nhân. Năm trăm năm trước, ngài Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ca tụng chữ "nhàn" và lối sống điền viên, "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao". Nếu ta bắt ông phải sống trong một Net café, cạnh Ngã Sáu Chợ Lớn, nhìn khói bụi, dòng xe và biển người qua lại, chắc ông phải khóc tủi thân mỗi ngày. Còn nếu ai buộc tôi phải xa rời các trung tâm tài chính thế giới như New York, Luân Đôn hay Hồng Kông... để về sống ở xứ Cà Mau với những cánh đồng bất tận của chị Nguyễn Ngọc Tư chắc tôi cũng hóa điên. Dù tôi biết chỗ đậu xe ở Cà Mau không thể tốn 40 dollars mỗi ngày như New York.

Trong chuỗi hội thảo về đầu tư cho các doanh nhân và sinh viên Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, tôi nói nhiều về Zuckerberg của Facebook. Anh chàng sinh viên 24 tuổi này đã bắt đầu với một ý tưởng và 1 ngàn dollars của bạn cùng phòng; và chỉ trong 4 năm tạo nên một tài sản mà Goldman Sachs đánh giá là 60 tỷ dollars; tương đương với 60% GDP của Việt Nam. Trong số 80 triệu dân hiện tại, có người Việt nào sẽ đứng lên đáp lời sông núi để chứng minh là thế giới đã phẳng như Friedman nói; hay chúng ta sẽ lại có thêm vài khẩu hiệu rẻ tiền về sáng tạo?

TS. Alan Phan - Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa (Vietnamnet)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage