Phật Học Online

Vài cảm nhận về tôn giáo trong thời hiện đại
Nguyên Châu

Thế kỷ XXI đã và đang khởi sắc, khép lại quá khứ hai ngàn năm, mà mốc thời gian được đánh dấu bằng những cuộc chinh phục và chinh phạt. Trong chuỗi thời gian này, nhân loại sống yên bình và hạnh phúc thì ít, nhưng lo sợ và khổ đau thì nhiều, để rồi hy vọng thiên niên kỷ mới mở ra sự hòa bình và khoan dung, với các giá trị nhân bản được xác lập.

Hơn hai ngàn năm qua, nhân loại đã thành tựu về khoa học và công nghệ, nền văn minh vật chất rất hào nhoáng với những công trình, kiến trúc quy mô và tráng lệ; các di tích lịch sử được trân quý, chiêm ngưỡng và bảo vệ như là những biểu hiện cụ thể tài năng sáng tạo của con người. Sự tiến triển như vũ bão của khoa học là biểu hiện sự lớn mạnh không ngừng của chủ nghĩa duy lý.

Chính vì lẽ ấy, mà không ít người tiên liệu rằng, tôn giáo sẽ thu hẹp lại, từ từ tàn lụi và dần dần vắng bóng đi dưới ánh sáng của khoa học thực nghiệm. Nguyên do, xưa nay người ta thường “tư duy theo nếp nhăn” của truyền thống, xem tôn giáo như là một bảo vật ở Viện bảo tàng, nơi hướng về của những người dưới mức hiểu biết tại một thế giới vĩnh hằng, nơi miền đất hứa.

Thế nhưng, trên thực tế, tôn giáo không những không bị tiêu vong, mà còn hồi sinh và phát triển mạnh mẽ giữa thế giới hoa lệ vật chất này, làm cho diện mạo của mình có những nét mới lạ. Và hơn thế nữa, một số tôn giáo còn hoạt động tích cực, biểu lộ rõ xu hướng chính trị hóa.

Trước sự lấn sân đầy thách đố và nghiêm trọng, cũng như xu thế của thời đại, tôn giáo tìm cách chuyển mình để thích ứng bằng cách loại bỏ những lối tư duy cổ hủ, hình thức cầu kỳ, tính chất câu nệ, và giáo điều, thay vào đó là sự khoan dung, hòa hợp và vô ngã.

Thực hiện đầy đủ những tiêu chí này, có thể nói, tôn giáo mới có khả năng đứng vững, khẳng định vị trí của mình để tồn tại và tồn tại lâu dài trên cõi đời này.

Thời đại hôm nay là thời đại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xã hội đã đánh dấu những bước tiến đột phá, những bước nhảy vọt hết sức ngoạn mục trong đời sống của con người.

Nhưng, quá trình tiến triển của xã hội không thể không kèm theo những yếu tố tiêu cực: những nơi thừa tiền bạc nhưng thiếu đức tin, thừa tri thức nhưng thiếu lương tri.

Cho đến bây giờ, tuy nói chúng ta đang sống dưới nền văn minh của khoa học, nhưng trên thực tế, con người vẫn còn bức hại lẫn nhau một cách không thương tâm hoặc vì quyền lợi vật chất, hoặc vì dị biệt niềm tin v.v…

Thêm vào đó, những căn bệnh nan y, stress, và ma túy v.v… là những gánh nặng lớn của thế kỷ.

Thời đại của chúng ta, nhiều người trẻ không còn cảm thấy liên hệ, dính dáng với bất cứ sự ràng buộc gì, họ không còn tin vào Thượng đế, cũng không tin vào một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào, không còn lý tưởng, không tìm ra được một ý nghĩa nào cho sự sống, đánh mất gốc rễ nơi truyền thống tâm linh, tổ tiên, và gia đình.

Họ sống lang thang trên vạn dặm phù sa, giữa hoang mạc mênh mông, hay những nẻo đường sương mờ bít lối của cuộc đời, rồi phóng túng theo chiều hướng tiêu thụ và tàn phá, suốt ngày chỉ biết sống để làm thỏa mãn những ngọn triều của tư dục.

Họ đã tìm cách giải tỏa bằng những độc tố, hút vào người những men chất bạo động, và bất an, không biết đâu là chỗ chắc thật để bám vào mà thoát thân; họ cứ mãi mê chạy theo những làn sóng nắng trên sa mạc, cho đến khi ngã quỵ trên đường dài tuyệt vọng trong một mớ chữ nghĩa vô bổ.

Với kiến thức về nhân sinh và vũ trụ được tích luỹ, khiến con người nhận diện được sự cuốn hút trong guồng máy khoa học, quay cuồng dưới quỹ đạo của lao lực và lao tâm vì âu lo và toan tính. Chúng ta buông xuôi theo những tồn vong sinh diệt của thế gian như những loài sâu ngủ trong chiếc lá vàng để quên đi nắng chiều nhạt bóng và chấp nhận đêm đen của cõi vô minh mà không hề tỉnh ngộ.

Mất cân bằng sinh thái cũng chết, mất cân bằng giữa tâm và thân cũng gay, mà mất cân bằng giữa sự thừa thải vật chất và trống vắng tinh thần lại càng nguy.

Cho dù, ngày nay khoa học đóng vai trò như một nhân tố nhận thức, một động lực hành động và được xem như là bậc nhất của con người, nhưng sự khao khát hòa hợp trong tình yêu, đồng điệu trong tâm hồn vẫn là “giai điệu chủ” trong giao hưởng của nhân loại.

Hơn nữa, sức mạnh của khoa học không như là chìa khóa vạn năng mở toang tất cả những cánh cửa từ thế giới hiện tượng đến thế giới tâm linh. Nói cách khác, khoa học chỉ thành công trong sự phát triển và nâng cao đời sống văn hóa vật chất mà không làm thăng hoa giá trị đời sống văn hóa tinh thần.

Chính sự hạn chế này mà Albert Einstein-nhà vật lý học lừng danh, đã thường xuyên khuyên các nhà khoa học nên học hỏi ở các tôn giáo để bổ sung những chỗ khiếm khuyết của mình, Ông nói: “Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng, tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng” (Science without religion is lame. Religion without science is blind).

Tới lúc, con người đã chợt nhận ra rằng, hình như mình chưa biết sống cho tròn đầy, cho “đã nư” cuộc sống của chính mình. Mình đã đánh mất phương hướng chỉ vì một chút trần vọng niệm, uốn mình theo dòng chảy của cuộc đời, chìm đắm trong “đọa đày viễn mộng”, thiếu sự dẫn dắt căn cốt trong cuộc đời. Sự dẫn dắt không thể đến từ người khác mà phải đến từ nơi sâu thẳm tâm hồn.

Mục đích của sự sống là làm sao kiến lập cho được một môi trường an ninh, một tâm hồn thanh thản. Bởi vậy, để xây dựng một đời sống hạnh phúc, an bình cho thế kỷ này, không gì hơn con người cần phải lấy mô thức tự giác, vô ngã, khoan dung và độ lượng trong Phật giáo làm kim chỉ nam cho hành động.

Đó sẽ là một đức tin siêu khoa học, biểu hiện cao nhất của ý thức cá nhân, sự khẳng định thế giới tâm linh trong lòng thế giới vật chất. Nó là kết quả của quá trình nhận thức, của đời sống thực nghiệm, chứ không phải bằng bộ óc truy vấn, ý niệm và ngôn ngữ.

Như thông điệp của ngài Srirana Krishna cho rằng: “Đừng quan tâm đến giáo lý, đừng quan tâm đến tín đồ hoặc tông phái, hoặc giáo đường, hoặc nhà thờ. Chúng có giá trị thật ít sánh với tinh tú của đời sống tâm linh, và tâm linh càng được mở rộng trong người thì y càng có nhiều năng lực để hành thiện…

Hãy chứng tỏ bằng đời sống của bạn rằng tôn giáo không có nghĩa là lời nói, hoặc là danh hiệu, hoặc là môn phái, nhưng có nghĩa là giác ngộ tâm linh. Chỉ có những người đã cảm xúc mới hiểu được. Chỉ có những người đã đạt đến tâm linh mới có thể truyền đạt nó cho kẻ khác, mới có thể là những bậc đại Chân Sư của thế giới. Chỉ có họ là quyền lực của Ánh sáng”. (Tôn giáo là gì? Vương Gia Hớn dịch, Nxb. An Tiêm, 1970)

Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển của kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường, việc bảo vệ văn hóa vật thể và phi vật thể được nâng cao, cũng như việc chăm sóc, tôn tạo, tu bổ, phục hồi và phát huy tác dụng các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh… được đề cao trong từng quốc gia, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, như tổ chức UNESCO, trong đó văn hóa tâm linh của các tôn giáo nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng đóng vai trò tối quan trọng trong mảng văn hóa của nhân loại, đã thẩm thấu vào chiều sâu tư tưởng của người Á Đông.

Sự phát triển của mạng Internet siêu xa lộ thông tin trong thời hiện đại đã mở ra một viễn cảnh mới cho đời sống xã hội, đã tác động đến phong cách tư duy sinh hoạt và đã đặt ra những yêu cầu mới cho các tổ chức xã hội, nền văn hóa của dân tộc, các hệ thống tư tưởng, tôn giáo.

Các tôn giáo đã và đang nhanh chóng vận dụng những thành tựu khoa học vào việc truyền bá giáo lý, thể nghiệm trí tuệ trong hành động, sẽ là bước chân bình thản giữa cuộc đời, là nụ cười điềm tĩnh trầm hùng, là hơi thở an nhiên trong sự đổi dời của lịch sử, để ngõ hầu xây dựng một xã hội văn minh và dân chủ cho thế giới con người. Đó chính là ý nguyện, tình cảm và khát vọng chung của mỗi chúng ta.

Theo: Hoằng Pháp


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage