Phần tinh-ba nhất của con người là tư-tưởng. Con người có thể
tự-hào rằng mình hơn vạn-vật ở chỗ biết suy tưởng. "Người là một cây
sậy biết suy tưởng", câu nói ấy vừa thú nhận sự yếu đuối của con người
trước vũ trụ mà cũng lại vừa đề cao khả năng bất-diệt của con người
trước vũ-trụ.
Đứng trước vạn tượng bao la, và nhìn lại bản thân
mình, con người khát khao được hiểu biết. Hiểu biết để được thỏa mãn, và
hiểu biết để sống cho đáng sống. Chính khuynh hướng muốn tìm hiểu ấy đã
làm nẩy sinh ra triết học.
Nhân loại ngày nay đã hiểu biết tới đâu?
Triết học đã vạch ra được con đường tiến của con người chưa? Đã giải
quyết được những nỗi thắc mắc lớn lao của con người về cuộc sống, về vũ
trụ và về bản thân của con người chưa?
Đó là những câu hỏi mà
chính những con người có khả năng suy tưởng nhất cũng phải ngậm ngùi mỗi
khi nghĩ đến. Người ta băn khoăn tự hỏi tri thức con người có đủ khả
năng để đạt đến sự thực hay không. Nếu không thì con người còn suy tưởng
làm chi. Thà rằng cứ ù ù cạc cạc mà sống trong cuộc đời, bởi vì sự suy
tưởng vô vọng ở đây chỉ làm cho con người thêm đau khổ.
Nhưng con
người không thể không suy tưởng. Sống là suy tưởng, và vì thế, dù triết
học là một môn học không hư, viển vông, vô ích thì triết học cũng còn
phải tồn tại mãi mãi; bởi vì khi con người còn suy tưởng đến những vấn
đề căn bản của kiếp người thì triết học vẫn còn. Ba nghìn năm lịch sử
của triết học hình như đã nói với ta như thế.
Vào buổi rạng đông
của triết học, con người rất tin tưởng ở khả năng tri thức của mình.
Nhưng cùng với những triết gia hoài nghi, lòng tin ấy mất dần, mất dần…
Càng đi sâu vào sự suy tưởng, con người càng cảm thấy rõ ràng cái bất
lực của tri thức nhân loại! Con người lại càng bi quan hơn nữa khi thấy
bên cạnh cái tri thức yếu đuối và hèn kém ấy, còn có một tâm hồn nặng
trĩu những ước vọng đen tối, xấu xa. Chính những mờ tối, cố chấp và chủ
quan này đã dự phần vào việc che lấp phần khách quan đáng quý mà tri
thức cần phải đầy đủ.
Với những vốn liếng nghèo nàn như vậy mà
con người đã dám hy vọng có thể tìm ra chân lý. Đã thế lại còn muốn bay
xa, rất xa trong cõi siêu hình. Càng xa càng hay. Cần gì đến thực
nghiệm! Thái độ "duy lý" cũng đã đủ để đảm bảo rồi! Vướng vào thực
nghiệm làm sao mà bay xa đuợc! Và như thế, con người tha hồ tự do kiến
tạo những giấc mộng siêu hình.
Nói "những giấc mộng siêu hình"
rất đúng, vì chính những kiến tạo duy lý của con người về siêu hình đều
do những động lực rất chủ quan của con người sắp đặt: phần lý trí nhiều
lầm lạc và thành kiến, phần tình cảm nhiều mờ ám, thiên lệch, cho nên
giấc mộng của tôi không phải là giấc mộng của ngài, và loài người có đến
muôn ngàn giấc mộng… Đã có ai công nhận của ai là đúng đâu.
Đức
Phật lúc đương thời đã nhận thấy cái vô ích của những giấc mộng siêu
hình. Ngài không muốn cho các đệ tử Ngài đắm chìm trong những suy tưởng
siêu hình, những vọng tưởng sai lầm của tri thức và tình cảm chủ quan.
Vấn đề trọng đại mà Ngài đặt ra cho đệ tử là phải tiêu diệt ngay phần mê
mờ thiên lệch nằm trong tri thức và tình cảm của mỗi người, nghĩa là
phải tu hành để tự giải thoát khỏi vô minh triền phược. Diệt trừ được
phần mê vọng là đạt đến tất cả. Chưa diệt trừ được phần mê vọng thì dù
có suy tưởng ngàn kiếp đến các vấn đề siêu hình cũng vẫn không đi đến
một kết quả tốt đẹp nào. Phương pháp của đức Phật là phương pháp thực
hiện, không phải là phương pháp suy tưởng. Đạo Phật là một đạo sống chứ
không phải là môn học siêu hình.
Một hôm đức Phật cầm trong tay
một nắm lá "sinsapa" và nói với các vị đệ tử xuất gia: "Các con nghĩ
sao? Lá trong tay ta nhiều hơn hay là lá trong rừng này nhiều hơn?" –
"Bạch đức Thế Tôn, những ngọn lá Ngài cầm trong tay thì ít mà lá trong
rừng thì quá nhiều" – "Cũng như thế đó, này các con, những cái ta biết
thì rất nhiều, nhưng những cái ta đem ra dạy các con thì rất ít. Tại sao
ta không đem tất cả ra để dạy các con? Bởi vì những cái ấy không có lợi
gì cho các con cả. Chúng không giúp gì cho sự giải-thoát cho nên ta
không đem ra dạy. Ta dạy những gì? Ta dạy về sự khổ, nguyên nhân cái
khổ, sự diệt khổ và con đường đi đến diệt khổ. Những thứ ấy có ích lợi,
vì chúng có thể đưa các con đến chỗ giải thoát" (Samyutta).
Ta
thấy rõ ràng đạo Phật là một con đường và là một con đường duy nhất đưa
đến chỗ diệt khổ. Đạo Phật chỉ là một lối sống, một lối thực hành, không
phải là một thuyết lý vô ích, một "hý luận". Bởi vì đạo Phật nhận thấy
cái cần thiết của sự diệt trừ mê vọng. Đức Phật nói: " Này các thầy tỳ
kheo, đừng nghĩ vớ vẩn rằng thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng
hay vô cùng. Dù cho thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, dù cho nó hữu
cùng hay vô cùng thì điều mà chúng ta phải nhận là hiện hữu ở đời này,
là những khổ đau: sinh, lão, bệnh, tử" (Anguttara).
Vậy đạo Phật
chủ trương dẹp bỏ tất cả các lý luận vọng tưởng, cấm trí óc phiêu lưu
vào trong những thế giới suy tưởng siêu hình mà đạo Phật quyết chắc rằng
chỉ là những vọng tưởng hư ngụy và vô ích. Đạo Phật kéo con người trở
về với thực nghiệm. Thực nghiệm này là một thực nghiệm bao la rộng rãi.
Đó là sự nhận thức cái "khổ" ở đời.
"Khổ" là một chân lý
thực-nghiệm. Không những chỉ sinh lão bệnh tử mới là khổ. Còn bao nhiêu
cái khổ khác, lặt vặt hơn, nhưng phiền toái hơn, và dày vò con người
thường xuyên hơn. "Nhận thức cái khổ" không phải chỉ là xác nhận cảm
giác khổ thọ là thực hữu. Nhận thức cái khổ – dukkha – nghĩa là phải
nhận chân một cách rõ rệt và sâu xa tính cách vô thường vô ngã chống đối
nhau của vạn sự, vạn vật. Rộng rãi hơn, nhận thức cái khổ tức là biết
mình sống đau khổ trong một thế giới khổ đau với một nghiệp báo không
tốt đẹp. Tất cả những giáo lý Phật dạy đều hướng về chủ đích làm cho con
người có ý thức về cái khổ, và nhận chân được cái khổ theo định nghĩa
rộng rãi như trên. Con người trước tiên phải thực nghiệm một cách sâu xa
và rộng rãi cái "khổ" ấy, cái sự thực Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh và
Mâu Thuẫn ấy. Có thực nghiệm như thế rồi, con người mới đặt vấn đề cần
thiết: tìm nguyên do của sự khổ và phương pháp diệt khổ.
Kẻ nào
chỉ có ý thức nông cạn về cái khổ thì không thể tìm đến nguyên nhân của
cái khổ được. Khi con người đã chứng nghiệm một cách đầy đủ và sâu xa
cái khổ Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh và Mâu Thuẫn, con người sẽ tìm đến
nguyên nhân của cái khổ một cách dễ dàng. Đã có chân lý thứ nhất là Khổ
đế, thì có chân lý thứ hai là Tập đế, nguyên nhân sự khổ. Đức Phật bảo
rằng nguyên nhân sự khổ là mê vọng, ác nghiệp, là ái nhiễm, và con người
cũng nhận thấy như thế. Nguyên nhân của sự khổ cũng như sự khổ, không
phải là một kết quả do những suy tưởng siêu hình đem lại mà là một chân
lý có thể thực nghiệm. Ai cũng có thể thực nghiệm chân lý ấy cả. Kinh
nghiệm sống dạy cho con người chân lý ấy. Đức Phật muốn cho con người có
ý thức rõ rệt về chân lý ấy. Giáo điển đạo Phật đã thuyết minh rõ ràng
về chân lý ấy.
Vậy Khổ-đế và Tập-đế là những điều thực nghiệm
rộng rãi và đầy đủ dùng làm nền tảng cho phương pháp đạo Phật. Đứng
trước những chân lý thực nghiệm ấy, con người cố nhiên phải nhận thấy
con đường của mình: giải thoát diệt khổ.
Nếu nguyên nhân của đau
khổ là dục vọng thì diệt-trừ dục-vọng tức là diệt trừ đau khổ. Đó là một
điều quá giản lược mà không ai không thấy. Cuộc đời là khổ. Và nguyên
nhân của cái khổ ấy là dục vọng. Tiêu diệt được dục vọng tức là tiêu
diệt được cuộc đời đau khổ. Vậy, theo đạo Phật, cuộc đời khổ đau, con
người phải tiêu diệt cuộc đời khổ đau ấy để tiến đến Niết-bàn.
Đừng
vội la lên rằng: như thế thì đạo Phật là quá ư tiêu cực, là chủ trương
đừng sống, là chủ trương xa lánh cuộc đời, là chủ trương biến tất cả
thành hư vô. Dục vọng là nguyên nhân của sự khổ đau, là gốc của sinh,
lão, bệnh, tử và ngàn muôn khổ thọ khác. Nhưng con người không phải chỉ
có dục vọng mà thôi. Con người còn có những gì thanh thoát cao siêu hơn
dục vọng, như lòng từ bi, như trí tuệ… Vậy tiêu diệt dục vọng chỉ là
tiêu diệt cuộc đời khổ đau; nói một cách khác hơn, là tiêu diệt phần khổ
đau của cuộc đời. Phần dục vọng bị tiêu diệt, nhưng còn phần tinh ba
cao khiết sẽ ra sao? Phần tinh ba cao khiết này, khi dục vọng tiêu diệt,
cố nhiên sẽ được thực hiện toàn vẹn. Không lẽ sự thực hiện toàn vẹn của
phần này lại đưa đến một kết quả hư vô?
Vậy khi dục vọng tiêu
diệt, phần xấu xa của cuộc đời (vô thường – khổ đau – vô ngã – bất tịnh)
bị tiêu diệt, nhưng phần tốt đẹp của cuộc đời (thường – lạc – ngã –
tịnh) phải được thực hiện toàn vẹn, vì ở con người, phần tinh ba cao
khiết đã được thực hiện toàn vẹn. Vậy Niết bàn không phải là hư vô, mà
là sự thực hiện toàn vẹn của những gì cao khiết nhất, thanh tịnh và
nhiệm mầu nhất.
Sống trong cuộc đời vô thường, vô ngã, bất
tịnh, khổ đau với bao nhiêu thăng trầm sinh tử, mà không thấy có vô
thường, vô ngã, bất tịnh, khổ đau với bao nhiêu thăng trầm sinh tử ấy:
đó là Niết-bàn.
Đạt đến chỗ diệt trừ dục vọng, con người
được giải thoát, hoàn toàn tự do, không còn bị nô lệ cho một thứ gì nữa.
Vấn đề Giải Thoát chỉ là vấn đề thay đổi nhận thức. Dục vọng tiêu diệt,
bi trí thực hiện, tức thì nhận thức biến đổi. Vô thường, khổ đau, vô
ngã, bất tịnh, trước nhận thức giải thoát, biến thành Thường, Lạc, Ngã,
Tịnh. Sinh tử triền phược là ở đấy. Niết bàn giải thoát cũng ở đấy. Và
Niết bàn không rời sinh tử, "Niết bàn, sinh tử thị không hoa".
Có mặt xấu của cuộc đời là sinh tử, thì cũng có mặt đẹp của cuộc đời là Niết bàn. Đó là chân lý thứ ba.
Nhưng
để diệt trừ dục vọng, đạt tới Niết bàn, con người cần phải có một đường
lối, một phương pháp. Đạo Phật là đường lối ấy, là phương pháp ấy.
Đường
lối diệt dục cần phải rất rõ ràng, và phải khởi đầu từ bờ Mê, nghĩa là
phải để cho con người khổ đau có thể đạt được những bước đầu tiên, khó
khăn và ngượng ngập. Pháp môn tuy nhiều vô lượng, song được bao hàm
trong mấy điều giản lược thiết yếu: Tam học và Bát chính đạo.
Tam-học:
giới, định, tuệ. Chủ động của những nghiệp quả xấu xa, là các hành vi,
ngôn ngữ và ý nghĩ mê vọng. Các "vọng nghiệp" này lại còn giúp sức cho
dục vọng phát triển. Vậy công việc trước tiên là phải đình chỉ chúng
lại. "Giới" chính là sự đình chỉ ấy. Không làm, không nói và không nghĩ
những nghiệp nhân mê vọng tức là không chịu tuân theo sự sai sử của dục
vọng. Đó là công tác cách mạng đầu tiên. Có thành công trong bước đầu
kháng cự và bất phục tùng này, con người mới hy vọng tiến đến giai đoạn
tiêu diệt dục vọng.
Trì giới tức là không chịu rót thêm dầu trong
ngọn đèn dục vọng. Tuy thế, ngọn đèn vẫn cháy mạnh. Cho nên, con người
phải dùng thêm những biện pháp tích cực để làm yếu dần sức cháy kia và
cuối cùng, tiêu diệt được ngọn lửa đèn.
Do công năng trì giới, ý
chí càng lúc càng mạnh. Hành giả sẽ thực hành phép tập trung tư tưởng,
dùng lực lượng thiền định để cắt xén dần những rễ dây chằng chịt của dục
vọng và trải qua nhiều công phu, có thể lay chuyển và xô ngã được cội
rễ của nó.
Dục vọng càng bị tiêu diệt, trí tuệ càng thêm tăng
trưởng. Trí tuệ càng tăng trưởng thì sức phá trừ dục vọng càng thêm mãnh
liệt. Cứ thế hành giả tiến dần đến chỗ tiêu diệt hoàn toàn những mầm
mống vi tế nhất của cội nguồn đau khổ. "Nhân Giới sinh Định, nhân Định
phát Tuệ" là câu nói tóm tắt của tam-học vậy.
Nhưng công phu tam
học cần được thành lập trên những kiến thức chân chính - chính kiến (vue
juste). Nghĩa là cần thấu hiểu và chứng nghiệm triệt để bốn sự thực căn
bản (gọi là Tứ Đế) để có thể tránh khỏi những nhận thức sai lầm, những
tà kiến trái chân lý. Phải theo lời Phật dạy để biết xử dụng pháp tập
trung tư tưởng và pháp thiền quán đúng theo chính pháp, chính định và
chính tư duy. Chỉ tưởng niệm những điều đúng chánh pháp, chánh niệm.
Phải siêng năng theo con đường chánh – chánh tinh tấn. Phải có một
phương tiện sinh tồn chân chánh – chánh mạng. Phải hành động và nói năng
đúng theo chánh pháp – chánh nghiệp và chánh ngữ. Đó là bát chính đạo.
Con đường tuy gay go nhưng là con đường duy nhất. Tất cả các hệ
thống giáo lý phong phú của đạo Phật chỉ có một mục đích duy nhất là
trình bày phương pháp và đường lối giải thoát, ngoài ra không hề có nhằm
mục đích giải quyết những thắc mắc siêu hình. Người nào nhìn đạo Phật
như một khoa học siêu hình chính người đó đã không hiểu đạo Phật.
Nguồn: Làng Mai