Phật Học Online

Phép quán niệm tối thượng
Hoàng Nguyên

Khi Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, tôn giả A-Nan than khóc sầu khổ, Ngài dạy rằng mọi sự hiện hữu trên cõi đời này đều phải chịu quy luật biến dịch và hoại diệt, Đức Phật cũng không ngoại lệ. Có sinh chắc chắn phải có tử là một sự thật hiển nhiên giữa cuộc đời.


 Nhưng tôi vẫn dẫn ra đây câu chuyện để cảnh tỉnh những ai cố đi tìm phép thuật để được trường sinh bất tử.

Vào thời Phật tại thế, có bốn ông Phạm chí tu luyện đạt được các phép thuật có thể làm nghiêng lệch trời đất, che mặt trời mặt trăng, nhưng khi thọ mạng sắp hết các ông mỗi người một cách vận dụng phép thuật để tránh được cái chết nhưng tất cả đều bất thành.

Cái chết không phân biệt một ai nên được xem là yếu tố công bằng bình đẳng duy nhất trên cuộc đời này. Một cụ già nghèo khó bắt được con chim đem về vặt lông làm thịt. Tối đến Thượng đế tới gõ cửa xin chút thức ăn, cụ già bảo rằng ngài chẳng đối xử công bằng với mọi người gì cả, trong nhân gian người thì giàu nứt khố đổ vách, người thì nghèo cùng mạt tận, chẳng công bằng, con chim này do tôi vất vả lắm mới bắt được, nên tôi không thể cho ngài ăn. Người thứ hai đến gõ cửa xưng là Thánh Mẫu Maria, cũng xin chút thức ăn, cụ già cũng từ chối vì cho rằng bà đối xử với cuộc đời không công bằng tí nào, người tốt thì không được báo đáp một cách xứng đáng, người xấu thì hung hăng càn quấy. Người thứ ba đến gõ cửa, lần này cụ già hoan hỉ mời ăn, vì đây là tử thần, ngài sống rất công bằng, bất luận người giàu có hay kẻ bần cùng, người tốt bụng hay kẻ xấu xa ngài đều đối xử như nhau. Đó là câu chuyện ngụ ngôn được nhà văn White Lea kể để nói về cái chết.

 “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”, bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ nói như vậy, nhưng thực sự chỉ có cái chết mới là sự bình đẳng chân thật và tuyệt đối. Vì mọi người đều sẽ chết và dù người có quyền cao chức trọng, tiền muôn bạc vạn hay người nghèo rớt mồng tơi đều ra đi với hai bàn tay trắng. Dân gian việt nam diễn tả sự bình đẳng đó qua bốn câu ca dao như thế này: Vua Ngô băm sáu tàng vàng/ Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì/ Chúa Chổm uống rượu tì tì/ Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô.

Cái chết xảy ra bình đẳng với tất cả mọi người, không một ai tránh khỏi, thế nhưng do tâm lý sợ chết, con người không dám đối diện cái chết, không dám nghĩ hay nói về cái chết. Câu chuyện Diêm Vương sợ chết sau đây tuy có tính chất vui và nghịch lý, nhưng lột tả được nỗi ám ảnh sợ hãi về cái chết của con người.

Lần nọ Diêm Vương trở bệnh cộng với tuổi cao sức yếu, ông dự cảm lần này có thể đối diện với cái chết sẽ chất dứt mọi quyền uy và ngôi vị của mình nên trong lòng rất lo lắng và sợ hãi. Ông triệu tập tất cả quan thần và ban khẩu dụ nếu ai tìm được thầy thuốc giỏi chữa trị cho ông khỏi bệnh thì được phong chức vị cao nhất trong triều. Các quan chia nhau đi tìm, ngay cả các tù nhân trong ngục cũng háo hức xin cung cấp thông tin để lấy công chuộc tội.

Hàng tháng trôi qua rồi mà không ai tìm được vị thầy giỏi, Diêm Vương lòng như lữa đốt, bèn triệu tập các quan lại để đưa ra phương hướng tìm kiếm mới. Ông bảo các quan phải đến các trung tâm ý tế, các bệnh viện, trạm xá và phòng mạch để dò la manh mối, nơi nào không có oan hồn kêu la đòi mạng thì nơi đó chắc có thầy thuốc giỏi, phải mời họ về hết cho ông.

Các quan lại lục tục kéo nhau đi tìm manh mối, nhưng không chỗ nào mà không có các oan hồn kêu khóc đòi mạng. Không còn cách nào khác, Diêm Vương buộc phải hạ chỉ tiêu xuống, tức là tìm những nơi có ít oan hồn kêu khóc nhất may ra có thể tìm được thầy thuốc giỏi hơn để cứu chữa mạng sống cho ông.

Quả nhiên lần này một tốp quan thần tìm được nơi khám chữa bệnh của hai vị bác sĩ có ít oan hồn kêu khóc nhất. Họ yêu cầu hai vị ấy xuống âm phủ để chữa bệnh cho Diêm Vương. Trên đường đi hai vị bác sĩ rất lo lắng và sợ hãi, không biết mình có chữa khỏi bệnh cho Diêm Vương hay không, nếu không thì điều gì sẽ xảy ra, tâm trạng họ rối bời đầy bất an.

Đến nơi, các quan thần đưa hai vị bác sĩ ra mắt Diêm Vương, ông tay bắt mặt mừng, lòng đầy vui sướng vì biết rằng đây là hai vị bác sĩ giỏi nhất trần gian mà các quan thần đã tìm được. Ông chức mừng hai vị bác sĩ tuy trẻ tuổi nhưng đã có thành tích cứu chữa được nhiều mạng sống và ông lệnh cho hai vị chữa bệnh cho ông, nếu chữa hết ông sẽ ban ân huệ trường thọ, ngay cả những người thân của họ cũng được trường sinh bất tử. Nếu không được, để ông chết thì hai vị ấy phải cùng chung số phận với ông.

Nghe Diêm Vương phán thế hai vị bác sĩ hoảng sợ điếng người, cúi xin Diêm Vương tha mạng: “Chúng tôi không phải danh y, không phải thầy thuốc giỏi nên không thể chữa bệnh cho ngài, ngài muốn chúng tôi bồi thường cái gì cũng được, miễm đừng bắt chúng tôi tội chết”

Bất ngờ khi nghe hai vị bác sĩ bảo họ không phải là danh y, thầy thuốc giỏi, Diêm Vương quay sang hỏi: “vậy tại sao nơi các ngươi khám chữa bệnh có ít oan hồn? Các ngươi hành nghề được bao lâu rồi?” “Dạ thưa ngài chúng tôi chỉ mới khai trương hành nghề cách đây đúng một giờ thôi ạ”- hai vị bác sĩ vội vàng trả lời. Diêm Vương sửng sốt, miệng lẩm bẩm: “Mới khai trương một giờ đồng hồ mà đã có vài oan hồn rồi à. Thế thì ta…”

Câu chuyện kết thúc trong nỗi thất vọng lặng câm của Diêm Vương nói lên sự bế tắc trong việc tìm cầu vượt thoát cái chết và vượt thoát nỗi ám ảnh về cái chết. Chúng ta do tâm lý sợ hãi về cái chết nên né tránh cái chết, không dám nghĩ hay nói về cái chết. Chúng ta xem việc nghĩ hay nói về cái chết là điều cấm kỵ, cho đó là điềm gở, điều đen đủi xui xẻo cho mình. Cho nên chúng ta sống phớt lờ cái chết, xem như nó không xảy ra, cho dù chúng ta có thể nghe nói về cái chết xảy ra hàng ngày trên báo chí, truyền hình, internet nhưng dường như ta cho chuyện đó chỉ xảy ra với người khác chứ không thể với chính mình.

Trái với tâm lý phớt lờ cái chết như vậy, Đức Phật, trong kinh Tăng Chi, đã chỉ dạy các đệ tử phải luôn quán niệm về cái chết, bằng cách nghĩ tưởng đến tất các các nguyên nhân có thể gây ra cái chết như tai nạn, bệnh tật, những rủi ro bất trắc luôn rình rập đe dọa mạng sống, để sống tinh tấn tu tập trong từng giây phút hiện tại.

Giống như mọi thứ khác ở đời, cái chết cũng có hai mặt tiêu cực và tích cực của nó. Cái chết là tàn bạo khủng khiếp, lấy đi sự sống, dập tắt mọi ước mơ và hủy diệt mọi thứ ta đang có. Nhưng đồng thời cái chết cũng là nhân tố để ta thay đổi, phát triển, trưởng thành và sáng tạo. Steve Jobs nói: “Cái chết như là phát minh hay nhất của sự sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ cái cũ và mở đường cho cái mới”. Hơn thế nữa, chính cái chết trao cho chúng ta nhiều giá trị lợi ích thiết thực. Nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy tính tiêu cực của cái chết mà không nhận ra mặt thứ hai của nó, Đức Phật với tuệ giác thâm sâu mới nhận chân được giá trị tích cực của cái chết và khai thác triệt để lợi ích của nó: “Có một pháp này, này các tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giải thoát giác ngộ, niết bàn, một pháp đó là gì, chính là quán niệm sự chết.”

Cuộc đời vô thường, mạng sống mong manh, cái chết có thể xảy đến với chúng ta bất cứ lúc nào mà không hề hẹn trước. Ngạn ngữ Tây Tạng nói: “Ngày mai hay đời sau, cái gì tới trước, ta không thể biết”. Có lần Đức Phật hỏi các vị đệ tử, mạng sống con người tồn tại trong bao lâu, người thì cho trong vài ngày, người thì cho trong khoảng một bửa ăn, Đức Phật bảo như vậy chưa hiểu đạo, chỉ có người cho trong một hơi thở được Ngài khen ngợi, cho là đã hiểu đạo. Mạng sống ngắn ngủi và mong manh, ngắn ngủi bằng một hơi thở và mong manh như chính hơi thở là một cái nhìn sâu sắc và tinh tế về cuộc đời, tạo cho con người một cảm thức rũ bỏ mọi tham lam chất chứa, tranh giành thiệt hơn ở đời.

Khi cái chết đến, chúng ta dù địa vị lớn đến đâu, tiền tài nhiều cỡ mấy cũng trở nên vô nghĩa. Vậy thì hơn thua, ganh ghét, thù hận để làm gì? Cho nên quán niệm sự chết, xem mình sắp chết, đang đối diện với cái chết giúp chúng ta có trái tim rộng mở hơn với mọi người, không tính toán thiệt hơn, không so đo nề hà.

Chính sự đối diện với cái chết mở ra ý nghĩa cuộc đời nên ngày nay một số quốc gia trên thế giới sáng kiến ra dịch vụ chết thử để giúp con người thử một lần đối diện với cái chết nhằm thay đổi quan niệm và thái độ sống tích cực và hướng thượng hơn. Nếu chúng ta biết quán niệm sự chết thì mỗi cái chết xảy ra trên thế giới là một cơ hội để ta trải nghiệm cảm giác đối diện với cái chết của chính mình mà không phải mất tiền tìm đến với dịch vụ đó. Ví dụ sáng nay ra phố gặp một đám tang đi qua, chúng ta hãy thử nghĩ mình là người đang nằm trong quan tài được mọi người tiễn đưa kia thì sẽ thấy cảm giác của mình không còn tham lam ham muốn gì nữa, những giá trị mà ta quá xem trọng dồn hết tâm trí để đeo đuổi như tiền tài, danh vọng trở nên hư ảo. Ta nhận ra mọi thứ như sương như khói, chỉ có tấm lòng yêu thương, độ lượng và tha thứ là đáng trân quý. Điều này cũng như sau khi thoát chết từ một tai nạn thảm khóc nào đó, con người trở nên hiền lương, bỏ mọi sự tham lam, cố chấp hẹp hòi, và mở rộng tấm lòng hơn với tha nhân.

Chúng ta trân trọng sự sống vì sự sống có hạn, mỗi ngày qua đi là mỗi bước chân ta đang tiến gần đến cái chết. Chúng ta không thể biết được mình sẽ còn sống được bao lâu, vì vậy bất kỳ giây phút nào cũng có thể được xem là những giấy phút cuối cùng trong đời mình. Chỉ khi mang tâm thức như vậy chúng ta mới biết quý trọng sự sống, sống trọn vẹn và ý nghĩa trong từng giây phút ngang qua nỗ lực hết mình làm những điều thiết thực ngay hiện tại đem lại lợi ích an lạc cho mình và mọi người mà không chểnh mảng hay hứa hẹn vào ngày mai. Nhà sinh tử học người Mỹ Elisabeth Kubler Ross nói: “Nếu bạn có thể coi cái chết là người bạn vô hình thân thiết trên lộ trình sự sống của bạn – nó nhắc nhở bạn một cách ôn hòa, không nên chờ đến ngày mai mới bắt tay vào làm những việc mà bạn phải làm thì bạn sẽ học được cách “sống” đúng với ý nghĩa cuộc sống mà bạn đang có, chứ không phải sống dật dờ cho qua ngày đoạn tháng”. Hay nói theo tư tưởng của nhà triết học người đức, Heidegger: “Chính sự giao thiệp với cái chết của chính mình như là một giới hạn tuyệt đối nên con người càng thấy rõ ý nghĩa và tính cấp thiết đích thực của sự làm người”. Hay cô động và khúc chiết như lời Phật: Dù sống một trăm năm/ Lười biếng không tin tấn/ Tốt hơn sống một ngày/ Tin tấn tận sức mình.

Quán niện sự chết là tập làm quen với cái chết, cũng có nghĩa là tập làm quen với sự buông xả. Chúng ta dù giàu sang phú quý khi chết cũng không mang theo được đồng nào. Quán niện sự chết tức là nghĩ về sự “trắng tay” và “vô sản” của mình như thế để chúng ta có thái độ nhẹ nhàng hơn với của cải vật chất mà mình đang có.

Thường những người có lòng nặng chấp vào của cải vật chất rất dễ rơi vào bế tắc trong cuộc sống, dẫn đến tự kết liễu đời mình khi có biến cố vô thường nào đó xảy đến. Chẳng hạn có người mất số tài sản lớn, không chịu nổi cú sốc đâm ra tự vẫn đời mình. Nếu chúng ta có quán niệm sự chết, làm quen với sự buông xả, sẽ cảm thấy mình chẳng có gì để mất như Steve Jobs luôn tự cảnh giác với ông về ý nghĩ ông có cái gì để mất: “Ghi nhớ rằng bạn sẽ phải chết là cách tốt nhất mà tôi biết để có thể tránh được cạm bẩy của ý tưởng rằng bạn có cái gì đó để mất”. Khi có tâm buông xã, ta không quá đau khổ khi mất mát cái gì đó, hoặc không quá hậm hực hay tức tối khi nguồn lợi vật chất rơi vào tay người khác.
Cái chết xảy đến với mọi lứa tuổi, có người chết tuổi trẻ, có người chết tuổi trung niên, có người chết tuổi già, nhưng ý nghĩa đích thực của đời sống không luận dài hay ngắn, sống lâu hay chết trẻ, quan trọng là người đó đã làm được gì và sống như thế nào trong khoảng thời gian hiện hữu trên cõi đời này. Abraham Lincoln, vị tổng thống lỗi lạc thứ mười sáu của nước Mỹ, đã ví von ý nghĩa đời người thật hay như thế này: “Mạng sống của con người cũng giống như một áng văn chương, điều quan trọng không phải nằm ở chỗ dài hay ngắn mà là nằm ở nội dung của nó”

Có những người xuất hiện ngắn ngủi trên cuộc đời này nhưng để lại cho đời những giá trị tốt đẹp. Một Trần Quốc Toản chết lúc hai mươi hai tuổi nhưng đã để lại cho đời tinh thần yêu nước, căm thù giặc đầy xúc động qua hành động bóp nát quả cam khi không được tham dự hội nghị Bình Than. Một Trần Bình Trọng hi sinh lúc hai mươi sáu tuổi nhưng đã để lại cho đời khí chất hiên ngang bất khuất của dân tộc Việt qua câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Một Lê Thanh Thúy ra đi lúc mười chín tuổi nhưng cũng kịp in lại trong trái tim mọi người về tinh thần lạc quan, tình yêu thương, thể hiện trong những tháng ngày cuối đời của cô. Một Steve Jobs từ giả cõi đời lúc năm mươi sáu tuổi nhưng đã để lại cho đời nền công nghệ đầy tiện ích mà cả thế giới đang thụ hưởng, nhưng quan trọng hơn chính là triết lý sống của ông thể hiện qua cái nhìn về vô thường và cái chết nhắc nhở mọi người đừng phí phạm đời mình vào những hành động vô nghĩa mà chính ông đã luôn tự vấn với mình: “Mỗi buổi sáng khi soi gương tôi đều hỏi chính tôi rằng, ‘nếu như hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, thì tôi có muốn làm những gì mà tôi sắp sửa làm hay không? Nếu câu trả lời là ‘không’ suốt nhiều ngày như vậy, thì tôi biết rằng tôi phải thay đổi một điều gì đó”. Có rất nhiều người đã và đang sống những giây phút của đòi họ đầy ý nghĩa và cống hiến tận sức mình cho sự tốt đẹp của thế giới.
Suy niệm về chết không những giúp chúng ta có đời sống tốt đẹp và ý nghĩa mà còn để vượt qua nỗi sợ hãi về cái chết, an nhiên và tự tại trước cái chết của chình mình và người thân.

Vào thời Phật, có một du sĩ Bà La Môn nhiệt tâm học đạo, ông nghe nước Xá Vệ có nhiều người hiền đức, tài trí nên tìm đến cầu đạo. Khi đi qua cánh đồng thuộc nước Xá Vệ, ông thấy hai cha con người nông phu đang cày ruộng, không may đụng phải hang rắn, con rắn to tướng lao ra cắn người con chết ngay tức khắc. Người cha bồng xác đứa con đặt dưới gốc cây rồi thản nhiên tiếp tục cày. Vị du sĩ Bà La Môn thấy vậy suy nghĩ: “ông này lạ quá, rắn cắn chết con trai mình mà không chút xót thương. Giả sử người đi đường bị chết còn không có thái độ như vậy, huống gì là con mình”. Khi được hỏi tại sao con trai ông chết mà ông không tỏ vẻ chút xót xa thương tiếc, vẫn an nhiên làm việc xem như không có chuyện gì xảy ra như thế, ông trả lời: “Vật có thành ắt có ngày hư hoại, người có sinh ắt phải chết. Tất cả sự vật hiện hữu trên cuộc đời này đều là tạm bợ và phải chịu sự suy tàn. Đời người bỏ xác ra cũng như con rắn thay da đổi vỏ, khóc thương thì ích lợi gì cho cái xác chết đó.” Nói xong người nông dân không quên nhờ vị du sĩ vào thành báo cho vợ ông biết con trai đã chết và trưa nay chỉ đem ra một phần cơm thôi.

Vị du sĩ vừa đi vừa suy nghĩ: “Người này lòng dạ thật sắt đá không có từ tâm, con chết nằm đó mà chẳng rớt một giọt nước mắt, chỉ lo ăn, thật quá đáng”. Vì vậy, vị du sĩ muốn gặp vợ người nông phu để xem bà đón nhận tin dữ này như thế nào, nhưng ông cũng thất vọng khi bà thản nhiên nói: “Con cái như khách qua đường tạm sống chung một nhà, khi chúng đến không từ chối, lúc ra đi không luyến tiếc. Chúng tôi biết chúng đến và chúng đi, có tạm sống chung một thời gian. Nếu lúc chúng bỏ đi mà khóc than bi thảm, ấy là quá khờ dám xen vào việc riêng của khách”. Vị du sĩ thắc mắc lần lượt hỏi từng người trong nhà thì đều nhận được câu trả lời với thái độ an nhiên bình thản.

Người chị nói: “Anh chị em sinh chung một nhà đâu khác bó củi bác tiều phu cột lỏng tay sút dây rơi xuống nước, mặc dòng nước cuốn trôi tứ tán, đủ duyên cùng hội họp, hết duyên thì phân ly, khóc than bi lụy ích gì”.

Còn cô vợ giải thích: “Vợ chồng chỉ gặp nhau trong giây phút đủ duyên tạm hợp, duyên hết chia ly như chim rừng chiều tối đậu chung cành, sáng ra mỗi con bay mỗi hướng, mạng sống con người có hạn, sống chết là lẽ thường, lạ gì mà khóc”.

Vị du sĩ nghe xong đầu óc choáng vàng, ông nghĩ chẳng lẽ người dân Xá Vệ đều là những kẻ vô cảm vô tâm, lòng dạ sắt đá trái với đạo làm người vậy sao. Ông quyết tìm đến Tinh xá kỳ viên để hỏi Phật cho ra lẽ. Đức Phật nói: “Này du sĩ Bà La Môn, đó là những người hiểu đại đạo, rõ được sự thật, biết quán vô thường và sự chết nên sống hợp đạo. Không luận người sang kẻ hèn, người trí kẻ ngu, người tốt kẻ xấu tất cả những gì có sự sống tất phải có cái chết, lúc cái chết đến dù sầu bi cũng không cứu vãn được. Nhưng cái chết chẳng phải là thật, từ vô lượng kiếp đến nay chúng sinh luôn ngược xuôi trong dòng sống chết, thân xác tuy mất nhưng giác tâm không mất, thoạt sinh thoạt tử, luôn thay dạng đổi hình. Sống an nhiên tự tại trước vô thường như bốn người ấy e rằng chẳng mấy được ai”. Vị du sĩ nghe xong tâm ý bừng sáng, cảm tạ đức Phật rồi trở về.

Trái với hình ảnh an nhiên tĩnh tại trước cái chết của người thân như vậy là hình ảnh người phụ nữ vô cùng đau khổ và hoảng loạn trước cái chết của đứa con. Kisa Gotama có đứa con khi vừa biết đi thì qua đời, bà đau khổ tột cùng; không cho gia đình khâm liệm đưa bé, bà bồng nó đi khắp nơi trong xứ tìm người cứu chữa, gặp ai bà cũng van xin hãy cứu lấy con bà, mọi người nghĩ chắc bà quá đau khổ hóa điên rồi, có người thương tình chỉ bà tìm đến Đức Phật may ra ngài có thể cứu được. Kisa bồng xác đứa con tìm đến Đức Phật, ngài bảo có thể cứu sống con bà nhưng với điều kiện bà phải xin cho được một nắm hạt cải từ một gia đình nào mà từ trước giờ chưa có thân nhân bè bạn qua đời. Kisa Gotama đi hết nhà này đến nhà nọ mà không thể tìm đâu ra một gia đình chưa có người thân hay bè bạn của họ qua đời, bà đi mãi đi mãi cho đến khi ngộ ra được sự thật là sống trên đời ai cũng phải chết, chỉ khác nhau là sớm hay muộn thôi, một sự thật hiển nhiên trong cuộc đời mà trong lúc quá đau khổ bà không nhận ra. Sau khi nhận ra sự thật này và chôn cất đứa con xong, bà trở lại Đức Phật xin xuất gia, về sau bà chứng được A-la-hán.

Văn hóa chúng ta, nhất là văn hóa phương Đông, khi trong gia đình có người thân qua đời, các thành viên phải khóc than thảm thiết mới chứng tỏ tình cảm sâu nặng. Ví dụ cha mẹ qua đời, người con phải khóc lóc kể lể tỉ tê thật cảm động mới xem có hiếu. Có gia đình neo người, hay bận công việc hoặc không thể khóc được thì mướn người khóc thế. Bây giờ có cả dịch vụ khóc mướn và khóc mướn được xem là một nghề hẳn hoi. Với nếp nghĩ văn hóa như vậy thì qua hai câu chuyện mang hai hình ảnh đối lập như trên mà nếu ta nhìn bằng con mắt của người bình thường thì cho rằng hình ảnh câu chuyện đầu kỳ dị, lạ đời, trái với thế thường như suy nghĩ ban đầu của vị du sĩ vậy. Nhưng nếu nhìn bằng con mắt của một người hiểu đạo ta sẽ thấy thương cho người phụ nữ quá đau khổ trong câu chuyện thứ hai. Nếu bà luôn quán chiếu về vô thường và thường sống với ý niệm về cái chết thì không quá đau khổ như thế. Tất nhiên tu tập niệm chết không phải để trở nên vô cảm trước sự ra đi của người thân, đơn giản là do sự thấu hiểu bản chất của sống chết nên an nhiên trước cái chết.

Chết là một phần của của sự sống, nằm ngay trong chính sự sống. Sống và chết là Một, là hai mặt của một thực tại đang vận hành. Khi bạn sinh ra khởi đầu sự sống, cũng đồng thời sự chết bắt đầu. Sự sống và cái chết tộn tại trong nhau, ẩn mình vào nhau chứ nó không hoàn toàn mất đi. Khi sự sống hiển bày, cái chết ẩn đi, tồn tại âm thầm lặng lẽ đến nỗi chúng ta không nhận ra nó, và khi cái chết hiển bày, sự sống lại ẩn đi; cứ thế cái ẩn cái hiện song hành cùng nhau trôi theo dòng chảy bất tận của sống chết. Chết vì vậy không phải hết, chấm dứt hoàn toàn, mà chỉ là sự sống tạm thời ẩn đi, khi có đủ nhân duyên nó sẽ hiển bảy trở lại.

Sống là chuẩn bị cho cái chết, câu nói phổ biến trong nhà Phật, nghĩa là bạn sống như thế nào đó để khi sự sống sắp ẩn đi, cái chết sắp hiện bày ban ung dung mĩm cười trước sự hoán đổi trọng đại này; không ân hận những điều bạn đã làm, không tự trách bỏ phí một đời người. Ngài Milareba nói về Phật giáo bằng một câu thật ngắn gọn thế này: “Tôn giáo của tôi là sống và chết làm sao để khỏi ân hận”. Có một câu nói rất hay cũng diễn tả ý này: “Khi bạn sinh ra tất cả mọi người xung quanh đều cười, riêng bạn thì khóc; bạn hãy sống sao để khi bạn chết đi tất cả mọi người xung quanh đều khóc, chỉ riêng bạn thì cười”. Sống chuẩn bị cho cái chết như vậy hẳn không hề mang ý nghĩa bi quan hay chối bỏ cuộc sống đương tại này mà ngay tại đây và bây giờ, trong chính cuộc sống này, mỗi giây phút bạn sống thật trọn vẹn và ý nghĩa, thì an vui và hạnh phúc có mặt, và chắc chắn sẽ có cái chết thật bình an, mà có cái chết bình an, sẽ hứa hẹn một đời sống kế tiếp thật tươi sáng, tốt đẹp. Giống như tối nay đi ngủ với tâm hồn thư thái nhẹ nhàng, an bình tĩnh lặng, bạn sẽ đón chào ngày mới thật vui tươi hạnh phúc, trái lại với tâm trạng buồn bực, lo âu và sợ hãi, ngày mới đối với bạn thật ảm đạm u uất.

“Mục đích của toàn bộ đời sống của một triết gia là chuẩn bị cho cái chết”, Socrate nói như vậy. Và cái chết của ông thật đẹp, thật tự tại. Khi bị chính quyền Athenes bắt vì có hành vi ủng hộ phe nổi loạn, ông bị xử phải uống thuốc độc. Các môn đệ vây quanh khóc lóc, ông nói: “Hãy cứ vui lên, họ chỉ chôn được thể xác của thầy mà thôi”. Nói xong ông cầm chén thuốc đưa lên môi và uống một cách vui vẻ. Platon cũng có câu nói tương tự: “Triết học là sự luyện tập cái chết”. Và ông cũng có cái chết thật nhẹ nhàng ở tuổi tám mươi sau buổi tham dự một lễ đám cưới. Hay như Karl Jaspers cũng có cái nhìn tương tự: “Làm triết học tức là học tập cái chết”. Đặc biệt nhà triết học người pháp, Montaigne, không biết ông có biết đến phép quán niệm chết của Phật học không, mà ông nói về cái chết với lời lẽ như một hành giả Phật giáo. Ông viết:  “Không một nơi nào trên thế giới mà thần chết không thể tìm được chúng ta - dù chúng ta có xoay đầu mọi phía để tránh né. Nếu có một cách nào tránh được vố đánh của tử thần thì tôi cũng không tránh làm gì. Nhưng thật điên rồ nếu nghĩ rằng bạn có thể thành công.

Con người đến rồi đi, tung tăng nhảy múa mà không hề đả động đến cái chết. Mọi sự đều êm xuôi tốt đẹp, nhưng khi cái chết xảy đến – cho chính họ, vợ con, bè bạn họ - trong lúc bất ngờ không chuẩn bị - thì chao ôi là họ đấm ngực than khóc, phẫn nộ, tuyệt vọng xiết bao!

Để khởi sự tước đoạt thế thượng phong của thần chết, chúng ta hãy áp dụng một đường lối hoàn toàn trái ngược với thế thường; ta hãy coi cái chết không có gì xa lạ cả. Ta hãy thường lui tới với nó, quen thuộc với nó; ta hãy để tâm thường xuyên nghĩ đến cái chết hơn bất cứ gì khác. Ta không biết chừng nào thì cái chết chực sẳn để đón ta. Vậy ta hãy chực sẳn để đón nó khắp mọi nơi. Tập chết chính là tập giải thoát tự do. Một người biết cách làm thế nào để chết thì hết biết làm nô lệ”.

Luyện tập cái chết, học tập cái chết hay chuẩn bị cho cái chết đều là cách nói khác của quán niệm sự chết. Quán niệm sự chết là chuẩn bị cho một cái chết đẹp, an bình tự tại, đồng thời giúp chúng ta có đời sống giá trị và ý nghĩa. Nói như Phùng Lô Tường đây là một “cặp thắng lợi” do sự suy tư về cái chết mạng lại. Có lẽ chính lợi ích “kép” này mà Đức Phật đã đề cao phương pháp quán niệm sự chết. Ngài nói: “Trong tất cả dấu chân, dấu chân voi là lớn nhất. Trong tất cả các phép quán niệm, quán niệm sự chết là tối thượng”.

Theo: PTVN


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage