Phật Học Online

Đốt nhang quá nhiều

Xem hình

Trong những dịp lễ lớn như Tết, Vu lan… những người đi dâng hương, lễ Phật tại các chùa đã đốt nhang quá nhiều. Tôi từng chen chúc với rừng người tay cầm bó nhang cháy đỏ, khói xông nghi ngút, ngột ngạt và nguy hiểm vô cùng nên về sau khá ái ngại khi đi chùa vào các dịp lễ lớn. Có giải pháp nào để bớt đốt nhang không? (Nguyễn Phúc Bảo, Q.3, TP.HCM Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Đáp: Bạn Nguyễn Phúc Bảo thân mến!

Càng ngày, người đi lễ chùa càng đông, nhất là vào những dịp lễ lớn thì người đông như hội. Đây là một tín hiệu đáng mừng, vì khi con người biết quy kính Tam bảo để hướng thiện và nuôi dưỡng mầm thiện lành thì xã hội và đất nước ngày càng thịnh phát hơn. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng số lượng người đi lễ chùa cũng là một thách thức lớn cho nhà chùa, vốn dĩ quen với tinh thần tùy duyên trong việc hướng dẫn, tổ chức Phật tử lễ bái, tụng niệm và tu tập. Vì thế, hiện có không ít vấn nạn đặt ra cho nhà chùa, trong đó việc đốt nhang quá nhiều, gây khói bụi ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo tâm lý bất an… đến nỗi khiến cho một số người ngại đi chùa vào các dịp lễ lớn, là một điển hình.

Thực ra, việc đốt hương (hương cây-nhang, trầm hương) dâng lên Tam bảo để thể hiện lòng thành kính và nhờ làn khói hương mang lời cầu nguyện đến chư Phật, chư Bồ tát trong mười phương là một lễ nghi có từ rất xa xưa. Nén nhang hay cành hoa là một trong những lễ phẩm quan trọng, tối thiểu nhất (lễ bạc lòng thành) để dâng cúng Phật. Do vậy, người đi lễ chùa (thường thì những người này chỉ đi chùa vào các lễ lớn, hay lúc bản thân hoặc gia đình có sự việc mà không phải là các Phật tử thuần thành tu học hàng ngày tại chùa và đạo tràng) nếu có điều kiện thì sắm lễ "mâm cao cỗ đầy" và ít nhất thì cũng mua một cành hoa, nén nhang làm lễ phẩm. Và điều thường thấy nhất là bao nhiêu bó nhang mang đến chùa đều được đốt hết và cắm từ điện Phật cho đến nhà Tổ, bàn thờ linh hay bất cứ chỗ nào có thể cắm được. Một người đốt nhang cho đến hàng trăm, hàng ngàn người đều đốt nhang theo cách như thế thì chùa chiền và những người đi lễ chùa khác không thể nào tránh khỏi ngột ngạt do khói hương gây ra.

Chúng tôi thấy rằng, chùa chiền là trung tâm văn hóa, nơi sinh hoạt tu học, tôn nghiêm và thanh tịnh chứ không chỉ là nơi chuyên lễ bái cầu cúng như đền miếu. Do đó, đặt ra vấn đề tìm một giải pháp để hạn chế khói nhang, giữ cho môi trường chùa viện không bị ngột ngạt bởi khói nhang quá nhiều nhằm thuận lợi hơn cho việc học tập và chiêm nghiệm giáo pháp, nuôi dưỡng tâm thanh tịnh là điều hợp lý và hết sức cần thiết. Bởi trong thực tế đã có một số Phật tử không dám lên chùa vào những ngày lễ lớn vì sợ khói nhang (gây khó thở, cay mắt). Mặt khác, một ngôi chùa mà bên ngoài eo sèo cảnh mua bán nhang đèn, bên trong quá nhiều nhang khói mù mịt, sân chùa vương vãi bao bì nhang đèn (một số bao nhang có in hình Phật) cùng với vô số người chen chúc khấn nguyện, lễ bái và cả nói cười v.v… thì thử hỏi làm sao mà có thể gọi là chốn thiền môn trang nghiêm thanh tịnh được? Người Phật tử muốn lên chùa để tịnh dưỡng tâm hồn cho thanh thản, mong mỏi được tiếp thu tuệ giác của giáo pháp thì chắc chắn sẽ không chọn những cảnh chùa mịt mù nhang khói này.

Tuy nhiên, không phải ngôi chùa lớn nào cũng bị chìm ngập trong khói nhang. Tùy theo sự tổ chức, sắp xếp và giáo dục Phật tử của chư Tăng mà một số chùa lớn, dù có đông đảo Phật tử dự lễ vẫn tránh được khói nhang. Nhất là những ngôi chùa ở xứ Huế, tuy Phật tử đi tham dự các khóa lễ ở chùa rất đông, nhưng nhờ công trình giáo hóa của chư Tăng nên các Phật tử đem nhang đèn đến chùa, nếu thấy trên lư nhang vẫn còn cháy thì yên tâm lễ bái và tuyệt không đốt thêm. Nén nhang Phật tử mang đến cúng Phật sẽ được cất giữ để dâng cúng Phật trong một dịp khác. Nhờ thế mà mọi người ở chùa có thể hoàn toàn yên tâm hít thở không khí trong lành, không hề lo sợ khói nhang và có thể tụng kinh, đọc sách hay tịnh dưỡng thân tâm an lạc.

Đốt nhang cúng Phật là một lễ nghi cần thiết trong Phật giáo nhưng nếu đốt quá nhiều đến ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe và tu học thì không nên. Để giảm bớt khói nhang, một số chùa đã cho người chủ động rút hết nhang đem đi dập tắt, hoặc để bát hương lớn ngoài trời nhằm cắm nhang ra ngoài v.v… nhìn chung đều mang tính tạm thời. Giải pháp căn cơ nhất cho vấn đề này chính là sự nỗ lực giáo dục của chư Tăng. Không nên để cho người đi chùa dâng hương, lễ bái tùy tiện theo thói quen mà cần phải tận tình hướng dẫn họ tuân theo nề nếp thiền môn quy củ. Trên điện Phật, đốt một cây nhang trầm hay xông một lò trầm hương là quá đầy đủ để tạo nên không gian tâm linh lý tưởng nhất cho việc lễ bái, cầu nguyện, lắng lòng thanh tịnh, thăng hoa tuệ giác và tâm linh.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

(Theo Giác Ngộ Online)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage