Trong mọi thời đại, việc vận dụng giáo lý đạo Phật theo
đúng Chánh pháp để tinh thần đó lan tỏa vào thực tế xã hội luôn là nhu
cầu bức thiết nhằm xây dựng một đời sống hướng thượng, thuần thiện. Trên
đất nước Việt Nam, từ hơn 2.000 năm qua, mạch nguồn "ban vui, cứu khổ"
của đạo Phật chính là chất liệu yêu thương, vun đắp và gắn kết sự hòa
hợp giữa cộng đồng các dân tộc, góp phần hình thành bản sắc và sự cộng
tồn bền vững qua nhiều thời đại.
Tấm gương xả kỷ của Đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân
Tông còn sáng mãi với hình ảnh Ngài dũng cảm từ bỏ vương vị để lên non
học đạo. Bước chân hành hóa của Ngài đã in dấu khắp các vùng nông thôn
nhằm truyền bá Thập thiện nghiệp đạo đến với mọi người, thể hiện một
giáo lý đạo Phật trong sáng. Theo nghĩa này, nếu Phật giáo chỉ cổ xúy sự
cúng bái, tín ngưỡng theo nhu cầu của dân gian thì rõ ràng sự hiện diện
của đạo Phật đã không còn mang ý nghĩa "ban vui, cứu khổ" cho đời!
Người Phật tử tại gia, hơn ai hết, phải thực hành và truyền bá Phật pháp
qua cuộc sống của chính mình, gia đình mình, làm cho mọi người chung
quanh hiểu đạo Phật một cách đúng đắn như tinh thần của Phật dạy. Đó
cũng chính là góp sức với Tăng Ni trong công cuộc truyền bá Chánh pháp
đạo Phật hiện nay.
Những năm gần đây, các Ban Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật
tử Trung ương Giáo hội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, bồi
dưỡng, qua đó đề cập đến việc xây dựng và tổ chức mạng lưới "hoằng pháp
viên cư sĩ" nhưng nỗ lực này đến nay vẫn còn là khái niệm quá mới mẻ đối
với hàng Phật tử tại gia!
Do vậy, để cho tinh thần những hội thảo, nghị quyết
của Phật giáo thực sự mang hơi thở của đời sống tu tập thực tế, Giáo hội
cần có những văn bản hướng dẫn chi tiết và phát động phong trào hàng
tháng, hàng quý, hàng năm về những chủ đề như: Phật giáo với Phật hóa
gia đình, Phật giáo và đời sống cộng đồng, Tin Phật, hiểu Phật và thực
hành lời Phật dạy... Các hoạt động cụ thể và sinh động này sẽ giúp người
Phật tử tại gia nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của mình và chuyển đổi
suy nghĩ theo hướng "Phật pháp tại Tăng hoằng" (Phật pháp là do chư
Tăng giáo hóa và phổ biến). Để hiện thực hóa mục tiêu này, các ban ngành
chuyên trách cần nên đẩy mạnh các hoạt động trọng tâm qua các khóa tập
huấn chỉ đạo, bởi nếu không thì cho dù có hội thảo, bồi dưỡng gì đi nữa
chẳng qua cũng chỉ như những đợt sóng xô bờ rồi âm thầm phẳng lặng!
Gần đây báo chí và xã hội đã đồng loạt lên tiếng và
phản ứng trước những hành vi ứng xử tiêu cực nặng yếu tố "buôn thần, bán
thánh" trong sinh hoạt lễ hội tâm linh tại một số địa phương dịp đầu
năm. Đây rõ ràng là những biểu hiện lạ lẫm đối với tinh thần nguyên thủy
của giáo lý đạo Phật, qua đó vô tình hủy hoại những giá trị nhân văn
của một tôn giáo từng được định hình vững chắc hàng ngàn năm qua.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về tín ngưỡng
tâm linh cũng từ đó đa dạng hơn, mà dân gian thường gọi "Phú quý sinh lễ
nghĩa" như là một quy luật tất yếu của đời sống. Khi đời sống xã hội
còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, con người nói chung và Phật tử nói
riêng đều hướng tâm về một niềm tin tâm linh, mà nếu thiếu sự dẫn dắt
bằng chánh tín sẽ dẫn đến những hành xử không phù hợp với chân tinh thần
đạo Phật, như lời dự báo vẫn còn rất thời sự của HT.Thích Trí Tịnh, Chủ
tịch HĐTS GHPGVN trong nhiều năm trước, về viễn ảnh "dây chùm gởi
đang đeo bám cây bồ đề". Chánh kiến của người Phật tử sẽ quyết định
việc xây dựng nếp sống đạo theo tinh thần Chánh pháp, tạo nguồn an lạc
cho tự thân và tha nhân.