A. Giải thoát của Thanh Văn:
Những thứ bậc chứng quả:
Đệ tử của Đức Phật kẻ hiền người ngu
muôn vàn sai khác, qua sự dạy dỗ của bậc Thiện Tri Thức, sự đào luyện
của Tăng Đoàn, nếu y theo lời dạy của Phật mà tu hành thì ai cũng có thể
giải thoát chứng được Chánh Giác. Chánh Giáo (Tam Bồ Đề_ Sambhodhi)
cùng Giải Thoát là mục đích chung của Phật và các đệ tử Thanh Văn, nhưng
chúng Thanh Văn chú trọng ở Giải thoát còn Đức Phật chú trọng ở Chánh
Giác mà thôi. Chúng Thanh Văn tại gia, xuất gia vì bị khổ vô hạn sanh tử
bức bách, hiểu rõ cội nguồn của sinh tử là vô minh, tham ái. Nương nơi
hạnh Trung Đạo mà tu hành liền có thể hướng đến Chánh Giác, đạt đến Giải
thoát sanh tử. Đây ắt cần phải kiên quyết đòi hỏi tinh tấn, nỗ lực phi
thường mới có thể hoát nhiên đại ngộ, siêu phàm nhập Thánh, chuyển đổi
cuộc sống mê mờ trở thành cuộc sống Chánh Giác. Sự thật chứng tiến tu
của học giả có thể chia ra bốn bậc:
1/ Tu Đà Hoàn: (Quả Dự
Lưu) Đây là ở nội tâm mới được thể nghiệm: "Biết Pháp, nhập Pháp". Từ
trước đến nay chưa từng có. Dù chưa đạt đến rốt ráo nhưng sanh tử đã có
thể gọi là được Giải thoát. Bấy giờ dứt hết căn bản sanh tử, thấy suốt
được Pháp tánh tịch diệt, như nói: "Ở pháp diệt này, thấy biết bằng
Chánh Huệ như thật biết được Minh", đã dứt sạch "Ba kết" (Thân kiến,
giới thủ và nghi). Đó gọi là quả Tu Đà Hoàn. Không đọa vào ba ác đạo,
nhất định hướng đến Tam Bồ Đề (Chánh Giác). Bảy lần qua lại chốn Nhân
Thiên rồi mới dứt hết khổ biên (Tạp A hàm quyển 3 _ Kinh 61)
Ba kết là thứ trọng yếu nhất trói buộc trong phiền não sanh tử đó là:
Thân kiến: (tức là ngã kiến) do chứng
được trí tuệ mà thấy được tính vô ngã, không còn có ý tưởng thần ngã
trong tự thân. Như Xiển Đà nói: Không còn thấy ngã, chỉ thấy Chánh pháp
(Kinh 262 Tạp A Hàm quyển 10)
Giới thủ: Chấp các thứ tà giới (như khổ
hạnh, tế tự, chú thuật v.v…) cho là có thể giải thoát. Bậc Thánh giả
không thể nào còn sinh ra giới thủ mà chủ trương những Tôn giáo tà hành
bất hợp lý.
Nghi: Đối với Tam Bảo Phật Pháp Tăng còn
do dự. Bậc Thánh giả (mới được Pháp thân) thì cùng với Phật và Tăng
trong tâm khế hợp, đâu còn nghi hoặc nữa.
Cứ thế mà tiến tu sẽ tiến lên bậc II, là quả Tư Đà Hàm (Nhất Lai), Bậc thứ ba là A Na Hàm (Bất Hoàn) và tiến đến quả A La Hán, bậc Giải thoát sau cùng.
2/ A La Hán: Là bậc
Giải thoát sanh tử (Vô sanh) Dứt sạch các phiền não (Sát tặc), là bậc
Thánh xứng đáng được mọi người cúng dường (Ứng cúng). Như trong Kinh nói
Tu Đà Hoàn dù phá trừ được phiền não nhưng hãy còn "Mạn" thừa chưa hết
(Kinh 105 Tạp A Hàm quyển 5) "Mạn" này hoặc gọi là Mạn loại. Đây tuy
nhận nơi xuất trí vô ngã không còn khởi kiến chấp phân biệt "ngã" và
"ngã sở" nhưng cái tập quán từ vô thỉ đến nay đã trở thành tánh "ngã tự
thị" trong tâm chưa có thể dứt sạch, cho nên nói rằng còn thừa lại một
số để trở thành sự sinh tử bảy đời và một đời. Vì vậy cần phải có sự nỗ
lực liên tục mới có thể hoàn toàn dứt hẳn cội nguồn sanh tử đạt đến địa
vị cứu cánh giải thoát. Sự chứng đắc của hàng Thanh Văn từ sơ quả đến tứ
quả không phải tất cả đều giống nhau. Người có trí huệ lớn như
Xá-lợi-phất, người ngu si như Châu-lợi-bàn-đa-dà, người lớn tuổi nhất
(120 tuổi) như Tu Bạt Đà La, người nhỏ tuổi nhất như Sa Di Quân Đầu đều
có thể chứng quả A La Hán. A Nan theo Phật rất lâu nhưng vẫn chưa chứng
quả A La Hán mà các ông Xá Lợi Phất, Kiều Trần Như chẳng đầy một ngày
đã chứng. Hơn nữa, có người sau khi chứng quả Tu Đà Hoàn, ngay hiện đời
tiến tu liền chửng quả A La Hán, cũng có người sau khi chứng được sơ
quả, hoặc nhị quả, tam quả rồi ngừng lại đó không tiến lên nữa, nhưng
sinh tử đã có hạn lượng, việc giải thoát rốt ráo không còn vấn đề nữa.
Tình hình chứng quả cũng không giống nhau, đại khải là căn cứ vào căn
tính lợi độn và đức tin về Đạo (Tin sâu ở nơi Tam Bảo) và mong muốn thực
hiện giải thoát mà xác định sự nhanh chậm. Đó là ai ai cũng có thể đạt
đến, nhưng nếu đem tâm có chấp trước có thiên lệch thì không thể khế hợp
với việc thực hành trong đạo, đặc biệt nếu loạn tâm, vọng chấp thì rất
khó đạt đến được.
Giải thoát sanh tử:
Giải thoát sanh tử là sự tự giác chứng
quả của bậc Thánh giả: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã
làm xong, không còn trở lui lại đời này nữa." Trí tự chứng Niết Bàn
hiện đời. Đứng về mặt "Kiến pháp" thì từ nơi "Vô thường vô ngã" mà ngộ
nhập mọi pháp, đều trở về với Tịch diệt, "Hiện giác", tức là hiện tiền
thể nhận được "không có một mảy mai nào có thể dính mắc". Đó là sự giác
chứng "Vô trước, vô lụy" (không dính mắc, không ràng buộc). Tức là Niết
Bàn vô sanh (Xác chứng sanh tử bất khả đắc). Đứng về mặt "Ly dục" thì:
"Chẳng phải chỉ ở trong hiện giác tính không như mặt trời sáng rỡ trên
hư không, không có một chút bóng râm nào". Giả sử từ nơi đó mà quán sát
trở lại tâm cảnh bình thường (ý thế tục), cũng tự giác (Cảm thấy) phiền
não không khởi, điều này có thể thử nghiệm được, như Xá-lợi-phất nói:
"Tôi tự nghĩ trong tâm tôi có ly dục không, vị Tỳ kheo ấy phải ở nơi
cảnh giới hoặc là lấy tướng tịnh, tức là cố ý tưởng về sự thân ái của
nam nữ, tâm vui thích về thanh sắc, nếu biết được tâm mình ở nơi kia xa
lìa được, cứ thế xoáy sâu vào thì có thể tự ghi nhớ đợc rõ ràng: "Đối
với ngũ dục, có công đức ly dục giải thoát" (Kinh 493 Tạp A Hàm 18).
Điều này chứng tỏ rằng phiền não của chính mình sạch hết, không thể nào
còn có tư dục, tư kiến mà hành động nữa, tức là không thể nào còn có
chiêu cảm nghiệp đời sau của sanh tử nữa. Như đèn sáng không còn chế
thêm dầu thì không bao lâu sẽ tắc mất. Niết Bàn chứng đắc hiện tiền
chẳng những là có thể xác chứng được giải thoát sanh tử vị lai mà đối
với hiện tại lại có thể thực hiện được sự tự do của giải thoát. Đây là
do thông đạt chân lý cứu cánh của nhân sinh: "Vô thường, vô ngã, vô
sinh". Vị ấy biết rõ rằng tất cả vốn là rỗng lặng, tất cả xưa nay như
thế mà tất nhiên là như thế. Như sự già, chết (tính vô thường). Tất
nhiên phải đến, Phật cũng không có ngoài lệ, có gì phải buồn thương?
Nghĩ tâm ấy đối với mọi pháp thì có thể giải thoát tất cả mọi khổ bức,
bất cứ điều gì cũng không thể làm nhiễu loạn tâm tình của bậc Thánh giả
được. Tất cả sự khổ não vô hạn của nhân loại nếu quy nạp ra thì không
ngoài hai thứ
1. Thân khổ: từ thân mà có, tức là những gì liên hệ đến sinh lý như đói, lạnh v.v…
2. Tâm khổ: từ tâm mà
có, như những lo buồn từ những được mất đối với sự vật bên ngoài, những
cảm thương về sanh ly tử biệt, nhất là khi già chết đến rồi cảm thấy sự
ảo diệt của chính mình, ăn năn về những tội ác đã làm, thống khổ về sự
luyến tiếc gia đình, tài sản.
Hai thứ này tuy có ảnh hưởng lẫn nhau nhưng một bên nặng về sinh lý, một bên nặng về tâm lý.
Thân khổ thì ai ai cũng cùng cảm thấy, còn tâm khổ thì chẳng ai giống ai.
Xá-lợi-phất nói với trưởng giả
Na-câu-la: Thân bị khổ nhưng tâm không có bị khổ (Kinh 107 Tạp A Hàm
Q5). Điều này nói lên được yếu nghĩa tu theo pháp Phật mà được giải
thoát. Sự huân tu Định Huệ của đệ tử Phật chỉ là đạt đến chỗ sáng sạch
của tâm địa, rỗng suốt được chân Huệ. Giả sử khi già chết đến, thân
thống khổ đến bậc nào cũng vẫn sinh ra được tâm khổ ái luyến. Người được
Huệ giải thoát thì sự đau khổ thân thể cũng giống như người thường
nhưng nhờ sức định sâu mà thân khổ được giảm nhẹ hoặc không mảy may thấy
khổ nữa. Tâm khổ là từ nơi trong sự chấp ngã và ngã sở mà khởi ra sự ưa
thích bản thân dẫn đến các thứ tình cảm, bậc Thánh chứng được Vô ngã,
liền có thể lìa ái dục mà tâm được tự tại giải thoát. Sự giải thoát từ
sự tâm tịnh hóa là pháp môn căn bản nhất của pháp xuất thế gian, là vấn
đề trọng yếu nhất của pháp xuất thế gian. Vì thế trong kinh thường nói
khi tham dục hết gọi là tâm giải thoát. Ngài Xá-lợi-phất nói: "Bậc Đại
sư chỉ nói pháp điều phục dục tham". (Kinh 108 Tạp A Hàm Q5) Dục tham
tức là chiêu cảm thân tâm làm gốc của Tập Đế, đó là cội nguồn của sự khổ
bức ở hiện tại, tham ái lại là cội nguồn lưu chuyển ở vị lai. Giải
thoát tức là tự thân mình chứng đắc mà được giải thoát rốt ráo, đời sau
không còn thọ sanh tử nữa. Hiện tại có thể lìa bỏ chấp tự ngã, giải
thoát tự tại, từ trong hành vi tự tha và vui tạo thành sinh hoạt hợp lý
vủa bậc Chánh Giác.
Niết Bàn:
Giải thoát sanh tử không phải là hiện
đời không chết, không phải là sống mãi ở vị lai, mà là những khổ sanh tử
ở vị lai không còn sanh khởi nữa, được tự tại trong những khổ bức của
hiện đời. Đương thể giải thoát như thế tức là Niết Bàn. Niết Bàn có 2
thứ: Hữu dư và Vô dư khác nhau (theo Kinh A Hàm Hán dịch). YÙ nghĩa của
Niết Bàn là không còn trở lại nhân gian này nữa. Nhưng trong Kinh 957 (A
Hàm _Q34) nói: "Chúng sanh ở chỗ này mạng chung nương theo ý sanh thân
mà sanh ở chỗ khác. Đương khi ấy do nhơn nơi ái mà níu lấy, nhơn nơi
ái mà trụ lại, cho nên nói hữu dư… Đức Thế Tôn được chứng Vô dư kia mà
thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Phẩm Quả Diệt trong Tăng Nhất A Hàm
cũng nói như thế này: Tỳ Kheo diệt hạ phần kiết sử tức là được Niết Bàn
kia, không còn trở lại đời này nữa. Đó gọi là cõi Hữu Dư Niết Bàn… Tỳ
Kheo diệt hết hữu lậu thành vô lậu được ý giải thoát, trí chứng Huệ Giải
Thoát mà tự vui lấy… Đó gọi là cõi Vô Dư Niết Bàn. Kinh Thiện Nhơn Trụ
trong A Hàm nói: "Đối với người ít MẠN_ mạn chưa hết_ năm phần kiết sử
dưới đã dứt, lại chia làm 7 bậc Thiện Nhơn mà hiện đời rốt ráo không còn
bị sanh tử nữa, gọi là Vô Dư Niết Bàn… Điều này có thể thấy Niết Bàn là
không còn thọ sanh trở lại trong nhơn gian nữa. Bậc A Na Hàm, A-la-hán
hay Phật _Phật cũng là A-la-hán_ đều không trở lại nhân gian cho nên đều
gọi họ được Niết Bàn. Nhưng A Na Hàm còn có phiền não và sắc thân thừa
dư, còn A La Hán mới là không còn dư.
Niết Bàn là sự tự chứng hiện đời, là sự
giải thoát sanh tử ở thế gian của người tự giác, không luận là rốt ráo ở
nhân gian hoặc rốt ráo ở chỗ khác, hễ giải thoát rốt ráo sanh tử thì
gọi là "Bát Niết Bàn". Khi được Niết Bàn trừ ngoài "diệt hết các khổ"
thì còn gì nữa? Cổ Đức có người nói rằng: "Còn có thân tâm"; có người
nói có tâm mà không có thân. Nương theo Khế Kinh thì những lời đó chỉ là
những hý luận của vọng tình mà thôi! (Kinh 905_ Tạp A Hàm Q32 nói: Đức
Như Lai từ sắc (thọ, tưởng, hành, thức, động, lự, hư cuống, hữu vi, ái…)
đã hết, tâm Thiện, Giải thoát sâu v.v… rộng lớn vô lượng, vô số, tịch
diệt, Niết Bàn… Như Lai hoặc có, hoặc không; hoặc chẳng có chẳng không;
hoặc chẳng phải có chẳng phải không. Sanh tử đời sau không thể ghi nhận
được. Lại Kinh 962_Tạp A Hàm Q34 nói: "Đã biết sắc đã dứt trừ; đã biết
thọ, tưởng, hành, thức đã dứt trừ tận cội gốc như cây Ta-la bị đứt đầu
không còn sống được, mãi đến đời vị lai không còn sinh khởi… Rất sâu,
rất rộng, vô lượng vô số, dứt hẳn không còn: "Đoạn dứt hẳn tất cả kiến
chấp, tấùt cả thọ, tất cả sanh, tất cả ngã, ngã sở, ngã mạn, kiết sử
ràng buộc; vắng lặng, mát mẽ, chân thật. Giải thoát như thế ấy, sanh ra
chẳng như thế, không sanh ra cũng chẳng như thế". Đức Thế Tôn chỉ nói rõ
"Niết Bàn là:những phiền não, nghiệp báo không sanh khởi" để người ta
hình dung trạng thái "Sâu xa rộng lớn, vô lượng, vô số". Mà trạng thái
sâu xa, rộng lớn, vô lượng, vô số tức là "Pháp tánh không tịch", vượt
ra ngoài danh tướng, số lượng. Như Kinh 962_Tạp A Hàm Q34 nói: "Như Pháp
luật của Như Lai thì không nhánh, không cành lá, chỉ còn lại thân gỗ
chắc chắn". Trong phần biệt dịch nói: "Cù Đàm cũng như thế, đã dứt trừ
tất cả phiền não trói buộc, bốn đảo tà hoặc đều dứt hết, chỉ còn lại
Chân Pháp Thân bền chắc. Thân tâm ảo hóa dứt hẳn rồi, chỉ là Tánh không,
chỉ là Pháp thân, đó tức là Niết Bàn. Loài Hữu tình sở dĩ cá thể nối
tiếp nhau mãi cho nên khổ sở vô hạn, đó chỉ là các hành mê tình làm gốc,
mắc kẹt trong ngã chấp, trong trụ trước mà hình thành sinh mạng cá thể
hòa hợp tiếp nối. Vì thế mà năm uẩn bừng dậy, chết sống mãi không thôi.
Nếu như phá được ngã, trừ bỏ ái tức là cắt đứt được sợi dây trói buộc,
ngũ uẩn trước diệt, mà ngũ uẩn sau không sanh khởi. Tức chỉ là một Pháp
tánh mà không thể gọi là cái gì cả. Như nước trong biển lớn do lạnh quá
mức mà đóng thành băng. Cá thể của khối băng trở ngại với nước biển, nếu
như trời nóng băng tan thì đó chỉ là nước biển hoàn toàn, lại không có
thể hình dung ra được cá tánh của khối băng là thế nào, ở đâu. Cũng như
thế, như tưởng tượng thân tâm trong Niết Bàn là như thế nào. Có người
cho là đem tiểu ngã hòa tan trong đại ngã, mong muốn siêu việt cá thể
không thể nghĩ bàn. Thực tại chỉ là suy xét theo vọng tình mà thôi. Cho
nên từ hữu tình hướng đến Niết Bàn có thể nói là "đây diệt nên kia diệt"
hoặc là như chặt đứt đầu cây Ta la, không còn sống lại được. Như bàn
thẳng về Niết Bàn thì không thể nói là có thể tưởng tượng là sanh, vì nó
vượt ngoài danh tướng số lượng, không thể biểu thị được. Cho nên Diêm
Ma Ca cho là Đức Thế Tôn nói: "Vị A La Hán lậu tận khi thân hoại mạng
chung không có gì cả". Bị bài xích cho là tà kiến. Thử hỏi: "Đức Như Lai
thấy pháp: "chơn thật như", trụ nơi vô sở đắc làm sao có thể chỉ bày
được" (Kinh 104 Tạp A Hàm Q5). Như thế làm sao có thể tưởng tượng được
là không có gì ư? Kinh Quản Sự_Q3 cũng nói rất rõ ràng: "Hoàn toàn vắng
lặng, rốt ráo mát mẽ, ẩn mất không hiện, chỉ vì thanh tịnh, không có thể
hý luận?" Thực thể thanh tịnh không lý luận đó chẳng phải không, chẳng
phải có mà chỉ có thể nói là chẳng thể chỉ bày trọn vẹn Niết Bàn là như
thế nào.
B. Chánh Giác của Phật:
Sự đặc thù của Chánh Giác và Giải Thoát
Phật là người chứng được quả vị A Nậu Đa
La Tam Miệu Tam Bồ Đề tức Vô Thượng Chánh Giác. Tính phổ biến tính cứu
cánh của Chánh Giác siêu việt hơn các hàng Thanh Văn đệ tử, cho nên từ
Phật Đà là sự Chánh Đẳng Giác được lập lại một lần nữa. Người học Phật
cũng không nói là phát tâm xuất ly mà nói là Phát tâm Bồ Đề. Từ Thanh
Văn là chỉ người nghe tiếng (thanh) mà được giải thoát. Còn Phật thì
"trước đó chưa nghe Pháp, nhưng có thể tự giác, tự tri, hiện Pháp Thân
Trí, biết Pháp Thân hiện tại được Tam Bồ Đề (Chánh Giác)" (Kinh 684 Tạp A
Hàm Q26). Chánh Giác của Phật là triển khai hoàn toàn rốt ráo trọn vẹn,
vô tham, vô sân, vô si. Còn Chánh Giác của hàng Thanh Văn đệ tử thì chỉ
ở một phần nào đó của vô tham, vô sân, vô si mà thôi. Chánh Giác của
Phật và Thanh Văn có thể nói là có trình độ khác nhau. Chánh Giác của
Phật là tâm ở trong trí tuệ hàm chứa cả vô tham, vô sân, vô si. Từ trong
sinh hoạt, thân tâm tịnh hóa, mình người hòa vui mà đưộc rốt ráo tự
tại. Như từ trong vô ngại của trí tuệ mà nói thì việc chứng Pháp tánh
không của Vô lậu huệ cùng với Thanh Văn không có khác, đến rốt ráo không
thì không có điều gì khác nhau cả. Nếu có thể thực hiện "Trí Chứng
Không Như" tức chuyển phàm thành Thánh, chuyển mê thành ngộ. Tam thừa
Thánh nhân đồng tánh, không phải là thần, chỉ là người tự do dùng "Trí
Chứng Không Tịch" mà ly dục giải thoát. Chẳng qua là từ bi không hại
người mà thiên về mặt tiêu cực đó là Thanh Văn; còn trọng về mặt tích
cực cứu hộ ngừơi khác tức là tu theo hạnh Bồ Tát mà thành Phật. Trong
Tam Thừa, Phật là một Bậc Thánh Nhân, giải thoát giống như các vị khác
nhưng lại biểu lộ sự vĩ đại. Ở loài hữu tình thì thân tâm nương nhau,
cũng là tự tha thành tựu lẫn nhau. Cho nên Chánh giác của Phật chẳng
phải chỉ khế hợp với tánh không của duyên khởi mà còn thấu đạt được sự
huyễn hữu của duyên khởi nữa. Ngài còn phát huy đức hạnh Từ Bi lợi tha.,
không giống như là hạnh Vô tránh tiêu cực của hàng Thanh Văn. Vô thượng
Chánh kiến giác của Phật ở nhân gian từ trong Chân tục vô ngại, Bi_Trí
tương ưng mà phân biệt khác với hàng Thanh Văn.
Luận về giải thoát thì Phật và đệ tử Thanh Văn bình đẳng như nhau
Như trong Kinh Cù Mặc Mục-kiền-liên ở
Trung A Hàm nói: "Như Vô sở trước Đẳng chánh giác giải thoát của Như Lai
cùng với Huệ giải thoát của A-la-hán , hai thứ giải thoát này không có
khác nhau, cũng không có hơn kém. Bình đẳng của Giải thoát là sự Giải
thoát căn cứ nơi sự chiêu cảm phiền não sanh tử và sanh tử mà nói. Như
luận về tập khí của phiền não thì hai bên không giống nhau. Như ngài
Xá-lợi-phất có thói quen hay giận, Tất-lăng-già-bà-ta có thói quen kêu
mạn; đó là những cái thói quen của phiền não chất chứa lâu ngày mà
thành. Tuy nhiên, tâm địa thanh tịnh không có phiền não nữa, lại còn
trong vô ý biểu lộ ra ở thân, khẩu, ý. Sự thanh tịnh giải thoát của
Thanh Văn lại không thể sửa đổi những thói quen tốt để những dư tập trở
thàh tánh quen (tập quán). Thói quen này tuy không có quan hệ với sanh
tử nhưng nó hoàn toàn là dư tập của phiền não, có sự trở ngại đến thanh
tịnh rốt ráo. Người xưa có một ví dụ: Hàng Thanh Văn gấp lo cho chính
mình dứt trừ phiền não mà không dứt trừ tập khí. Cũng giống như khi cùm
chân phạm nhân tự nhiên được mở ra, hai chân dù được tự do mà chưa đứng,
hãy còn lóng cóng (không thoải mái). Bồ Tát tu hành trong 3 đại
A-tăng-kỳ kiếp, trong thời gian đó tập khí được tiêu trừ dần, đến khi
thành Phật thì phiền não và tập khí hoàn toàn dứt hẳn. Cũng như phạm
nhân bị cùm chân, trước đã có cách khiến cho họ đã cất bước đi được, tới
chừng mở cùm ra, được tự do, hai chân không có chút cảm giác lóng cóng
nào. Sự giải thoát này tuy đồng mà chẳng đồng. Đó là do hàng Thanh Văn
gấp lo cho mình, còn Bồ Tát chú trọng lo cho người.
C. Tính tương đối và tuyệt đối:
Đức Phật hiện thực ở nhân gian_như Phật
Thích Ca Mâu Ni_ khuyếch trương, quảng bá vô tham, vô sân, vô si. Đề cao
sự tôn trọng chân lý, tôn trọng chính mình, tôn trọng thế gian mà hoàn
thành đức hạnh ở mỗi thời đại. Nói như thế có nghĩa là trên tính đồng
nhất của Bậc Thánh giả Chánh giác còn có tính chân tục vô ngại, tính
Bi_Trí tương ưng. Đạt đến địa vị ấy tức là Phật. Ở trong "Chánh giác Trí
chứng Không tịch" không có kia đây sai khác, hoàn toàn triệt để, phát
triển ba đức bình đẳng, hoàn toàn thánh thiện. Quả vị Chánh giác căn cứ
hoàn toàn triệt để nơi Thánh thiện ấy, thích hợp với đương thời, đương
địa, đương cơ. Bất cứ nơi đâu sự tốt đẹp cũng đều viên mãn. Đại thừa
Phật Giáo nói: "Bồ Tát khi mới chứng được vô sanh pháp nhẫn, dù tương
ưng với Từ_Bi , nhưng nói theo "Trí chứng tánh không" thì bình đẳng với
Thanh Văn, tức có thể gọi là thành bậc Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác,
tức có thể thành Phật. Quả vị Phật rốt ráo viên mãn không ngoài việc
tịnh hóa nhân tính, phát triển đức năng con người mà đạt đến chỗ hoàn
thiện nhất. Đó mới chính là quả Phật do cá nhân thành tựu. Phật thực
hiện quả Phật ngay nơi nhân gian. Theo quan niệm của Đại thừa thì ngời
đạt đến quả vị Phật không có điều nào chẳng biết, không việc nào chẳng
làm được, ở cùng khắp tất cả, tuyệt đối không hạn lượng. Đức Phật hiện
thực ở nhân gian, ít nhiều có thể khảo chứng điều đó. Đức Phật do nhiều
kiếp tu hành có trí tuệ thế tục rộng lớn, có trí thắng nghĩa tự phát,
nhưng những việc không chỗ nào chẳng biết, không việc nào không làm
được, ở cùng khắp tất cả, thật khó mà chứng minh được ở Đức Phật hiện
thực. Trái lại, nếu được "không có điều gì chẳng biết", "không có việc
nào chẳng làm được", ở cùng khắp tất cả, Phật cũng quyết không vì thế mà
tự xưng là Phật Đà. Người trong thế gian, chỉ cần hiện thực tồn tại tức
duyên khởi tồn tại. Duyên khởi có đặc tính tương đối không thể nào ở
khắp tất cả, việc nào cũng làm được, điều nào cũng biết. Quan niệm về
Đức Phật phát triển như thế, là vì Phật pháp phổ cập đến nhân gian, quan
niệm đó bắt nguồn từ nơi tình cảm sùng kính của Tín đồ quy y theo Phật
mà phát triển ra. Từ khi Đức Thế Tôn nhập diệt, do sự diễn biến của
không gian và thời gian, ý muốn của Tín chúng về tri thức, năng lực tồn
tại phải vô hạn lượng. Đức Phật hiện thực không thể thích hợp với người
nhân gian đương thời, vì thế, người ta mới tưởng tượng ra Đức Phật là
không điều gì chẳng biết, không việc nào chẳng làm được, ở khắp mọi nơi
và ở bất cứ thời đại hoàn cảnh nào, Tín chúng nào cũng không thể vượt
qua Ngài được. Họ suy tôn Ngài là bậc viên mãn nhất, tuyệt đối nhất. Đó
là Đức Phật lý tưởng, là khách quan hóa bản chất tự ngã. Các Tôn Giáo ảo
tưởng cho đây là vị thần ngoại tại, còn Phật tử có cái nhìn đúng đắn
thì biết đó là Đức Phật tự tâm, đó là khách quan hóa về ý muốn bản chất
của tự ngã. Chúng ta biết rằng thành Phật là Trí chứng _tức là tánh
không tịch của Tam pháp ấn. Nó không có tính kia đây (đối đãi) mà có thể
nói là tuyệt đối, triệt để, chơn tục không ngăn ngại, Bi _Trí tương
ưng. Đạt đến mức đó tức là Phật Đà. Tri thức, năng lực, tồn tại, tất cả
duyên khởi vĩnh viễn là tương đối. Đó chẳng phải là sự thiếu sót của Đức
Phật nhân gian mà đó mới là khế hợp với chân lý. Tuy nói là tương đối,
nhưng không luận là Đức Phật xuất hiện ở thời đại nào, địa phương nào
thì tri thức năng lực tồn tại của Ngài chắc chắn là thích ứng mọi trường
hợp và đạt đến chỗ trọn vẹn nhất. Tính tuyệt đối của Đức Phật chính là
hoàn thành ở trong tính tương đối.
HT. Thích Minh Cảnh dịch(Tu Viện Huệ Quang)
Source: thuvienhoasen