Phật Học Online

Lợi ích của pháp môn Niệm Phật

Niệm Phật là một phương   pháp tu tập rất quen  thuộc với người học Phật ở Việt Nam chúng ta. Pháp môn Niệm Phật còn được gọi là pháp môn Tịnh độ. Nó quen thuộc đến độ hễ nghe nhắc đến pháp môn Niệm Phật là người ta nghĩ ngay đến phương pháp trì niệm Hồng danh Đức Phật A Di Đà.

Trong nhiều pháp môn tu thì đây có thể nói là một pháp môn dễ hành trì và hành giả có thể cảm nhận được sự lợi ích từ pháp tu của mình ngay trong hiện tại cũng như trong tương lai. Trong kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Bồ tát Quán Thế Âm đã xác quyết rằng: “Pháp Niệm Phật tam muội là pháp thành Phật, là pháp chứng Vô thượng giác, là pháp thâm nhập cảnh giới bất tư nghì của chư Phật, là pháp mở bày tỏ ngộ tri kiến Như Lai, là pháp cứu độ tất cả mọi chúng sanh, là pháp siêu việt trên hết thảy hý luận cùng thiên kiến của nhị thừa”.

Trong xã hội hiện tại, theo như trong kinh điển gọi là thời mạt pháp, có rất nhiều chướng duyên, con người phần nhiều thường hay giãi đãi, hay thối thất chí nguyện hướng thiện và hướng thượng của mình, cho nên có thể nói rằng tu tập pháp môn Niệm Phật là phù hợp hơn cả. Như Thiền sư Thiên Như đã dạy: “Ðời mạt pháp về sau, các kinh sách đều bị tiêu mất hết, chỉ còn lưu lại bốn chữ A Di Ðà Phật để cứu độ chúng sinh mà thôi”. Qua đó cho chúng ta thấy pháp môn Niệm Phật có vai trò quan trọng và có sức ảnh hưởng sâu rộng đến mức nào. Sở dĩ pháp môn Niệm Phật có được sức ảnh hưởng lớn như vậy là vì nó đem lại nhiều lợi ích cho hành giả ngay trong giờ phút hiện tại và cả trong tương lai.

Trước hết, người niệm Phật sẽ có được sự an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Ngay trong lúc chúng ta chuyên tâm trì niệm Hồng danh Đức Phật Di Đà, tâm không còn chạy theo những ý niệm bất thiện, những tư tưởng loạn động, không còn bị những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê quấy nhiễu. Tâm của chúng ta ví như một căn phòng, và trì niệm Hồng danh Đức Phật là thắp lên trong căn phòng tâm thức của chúng ta một ngọn đèn, khi ánh đèn sáng tỏ đã được thắp lên thì bóng tối trong gian phòng ấy sẽ tự nhiên bị đẩy lùi, bị tiêu mất. Hơn nữa, khi ta niệm Phật thì tâm trí không còn nhớ nghĩ đến những điều xấu xa, miệng và thân không tạo ra nghiệp ác. Một giờ niệm Phật, là một giờ không tạo nghiệp bất thiện; một ngày chuyên niệm Phật, thì trong ngày đó chúng ta tránh được các nghiệp ác. Không tạo các nghiệp ác cũng đồng nghĩa là tâm không bị giày vò bởi những lo âu, phiền muộn, do vậy mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc, an vui.

Hơn nữa, khi lòng của chúng ta được an tĩnh thì tâm trí thường sáng suốt, minh mẫn. Nhờ vậy mà chúng ta phát huy được khả năng sáng tạo của mình đồng thời có thể đưa ra được những giải pháp đúng đắn, phù hợp để giải quyết những vấn đề khó khăn trong đời thường cũng như trong công việc. Vả lại, khi tu tập pháp môn Niệm Phật, chúng ta tưởng nhớ đến Đức Phật, đến những công hạnh của Ngài, quán chiếu về những phẩm tính cao quý của Ngài, những thứ đó sẽ dần dần thẩm thấu vào trong tâm thức, từ từ chuyển hóa những ý nghĩ, hành động và lời nói của chúng ta theo chiều hướng thiện lành. Nhờ vậy mà thân tâm được thanh lọc dần dần, và những phẩm hạnh cao quý được trưởng dưỡng ở trong ta. Hay nói cách khác, tu tập pháp môn Niệm Phật sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình, xây dựng cho mình một nhân cách đạo đức tốt, có được một cuộc sống hiền lương, thánh thiện.

Bên cạnh đó, tu tập pháp môn Niệm Phật sẽ làm vơi đi tâm sầu muộn. Trong những lúc buồn phiền, đau khổ, trong khi gặp nghịch cảnh như: lúc tử biệt sinh ly, lúc con cái hư hỏng, nhà cửa tiêu tan, kinh tế suy thoái, vợ chồng bất hòa, bạn bè phụ bạc, v.v... nếu chúng ta niệm Phật thì những điều buồn phiền, đau khổ ấy sẽ dần dần vơi đi. Vì khi niệm Phật, chúng ta không còn nhớ nghĩ đến những điều đau buồn ấy nữa. Hơn nữa, khi niệm Phật như thế, chúng ta tưởng nhớ đến đức hạnh của Ngài, những giáo lý Ngài đã dạy như là Vô thường, Tứ đế, Nhân quả,… thì sẽ có một cách nhìn nhận mới đối với những khổ đau, phiền muộn của chúng ta. Nhờ vậy mà ta không còn bị chi phối nhiều bởi những khổ đau, phiền muộn ấy nữa.

Không những thế, niệm Phật còn là một phương pháp an tâm rất hiệu quả. Những lúc bị lo âu, hồi hộp và bất an, để trấn an bản thân thì chúng ta nên niệm Phật, đưa tâm của mình về với câu Phật hiệu, nhờ vào sự nhất tâm trì niệm của bản thân cộng với sự gia trì của chư Phật, chúng ta dễ dàng tìm lại được sự an tĩnh. Đây là một điều lợi ích rất thiết thực của pháp môn Niệm Phật. Dù là ai đi nữa, nếu biết dùng câu Phật hiệu để tìm lại sự an tĩnh của tâm hồn thì đều dễ dàng đạt được kết quả như ý muốn. Cũng chính vì lợi ích này mà đôi khi có những em nhỏ đã đến với đạo Phật, biết đến câu Phật hiệu một cách rất dễ thương, rất hồn nhiên. Các em nhỏ thường hay sợ ma, nhất là đi vào những đoạn đường tối tăm một mình vào ban đêm. Thế nhưng vì hoàn cảnh, vì công việc mà buộc các em phải đi qua con đường đó chứ không còn con đường nào khác. Trong trường hợp như thế, có những ông bà, cha mẹ đã chỉ dạy các em niệm Phật. Họ bảo rằng, những lúc sợ ma, những lúc cảm thấy lo âu thì con nên niệm Phật, Đức Phật sẽ che chở cho con, gia hộ cho con thoát khỏi mọi hiểm nguy. Hoặc là lúc các em đi thi, các em cũng thường bị hồi hộp, bất an, để giúp con mình giữ được bình tĩnh, có những bậc phụ huynh đã dạy cho các em niệm Phật để lấy lại bình tĩnh, để được chư Phật gia hộ. Với niềm tin rất mộc mạc, dễ thương như thế, các em đó đã niệm Phật, để tìm lại sự an ổn cho tâm hồn. Như vậy, câu Phật hiệu đã trở thành một phương tiện hữu hiệu dẫn dắt các em vào đạo, hướng các em đến với con đường chân thiện mỹ.

Cùng với những ích lợi trên, tu tập pháp môn Tịnh độ còn giúp cho hành giả có được sự bình tĩnh trước những chướng duyên trong cuộc sống, và nhất là có được sự an định trong giờ phút lâm chung. Cận tử nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự tái sinh, sau khi kết thúc sinh mạng trong hiện tại. Người thiếu tu tập thì tâm thường rất hoảng loạn trong giờ hấp hối, khi đối mặt với tử thần, vì họ không biết mình sẽ đi đâu, về đâu, họ không nỡ dứt bỏ trần duyên, không đành từ bỏ những người thân yêu của mình, lại bị sự đau đớn, dày vò của thể xác nữa. Sự hoảng loạn và bám víu ấy sẽ khiến cho họ phải bị thác sinh vào những cảnh giới không mấy tốt đẹp. Nếu là người đã từng chuyên tâm tu tập pháp môn Niệm Phật, đã từng niệm Phật với niềm tin sâu sắc, với tâm nguyện chí thành, và với sự thực tập chuyên nhất thì trong giờ hấp hối lòng họ không hề nao núng, không chút hoảng loạn, vì họ hiểu rõ tính giả tạm của cuộc sống và tin chắc rằng họ sẽ được Đức Phật Di Đà phóng quang tiếp dẫn về thế giới Cực lạc.

Câu Phật hiệu còn là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất cho những người có niềm tin vào Tam bảo, niềm tin vào tha lực gia hộ và che chở của Đức Phật A Di Đà khi họ rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, không còn biết trông cậy, tin tưởng vào ai, không còn làm chủ được tình huống khi lực bất tòng tâm. Chẳng hạn như khi người thân của mình đang lâm trọng bệnh, chưa biết sống chết thế nào, khi họ phải đối mặt với tử thần. Trong những lúc ấy thì câu Phật hiệu là một liều thuốc vô giá đối với họ. Đặc biệt vào những lúc như thế thì mọi người thường niệm Phật vô cùng tha thiết và chí thành. Chính vì vậy mà chẳng những bản thân người niệm Phật được an tâm mà người thân của họ cũng được Phật lực gia hộ.

Còn có một điều lợi ích nữa của sự tu tập pháp môn Niệm Phật, đây cũng là mục đích chính yếu và lợi ích cao quý nhất của pháp môn này, đó là người tu pháp môn Niệm Phật đúng cách sau khi kết thúc đời sống hiện tại sẽ được vãng sanh về cõi Cực lạc. Vãng sanh Cực lạc thì chúng ta không còn phiền não, không bị bệnh tật, già yếu, lại còn được hưởng những niềm phúc lạc vô biên, và còn có điều kiện tốt, môi trường và hoàn cảnh tốt, bạn tốt để tu hành, chứng đạt quả vị giải thoát, giác ngộ, để rồi từ đó có đủ năng lực giáo hóa chúng sanh trong khắp mười phương.

Pháp môn Niệm Phật có những lợi ích thiết thực và cao đẹp như thế, cho nên Đại sư Ưu Đàm đã viết bài thơ để khuyến tấn mọi người rằng:

Đống xương sanh tử dường non cả,

Giọt lệ chia ly nước biển đầy!

Thế giới ngày kia rồi cũng hoại,

Đời người khoảnh khắc chớ mê say.

Cái thân nam nữ ngàn phen đổi,

Mà kiếp sừng lông vạn lúc thay.

Muốn khỏi luân hồi nhiều khổ hận,

Phải tu Tịnh độ gấp khi này.

Minh Nguyên


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage