Huệ Viễn đại sư họ Cổ,
nguyên quán xứ Lâu Phiền ở Nhạn Môn thuộc tỉnh Sơn Tây. Ngài sinh tại
Thạch Triệu, năm Giáp Ngọ, vào niên hiệu Diên Hy đời vua Thành Đế nhà
Tấn. Cả song thân đều khuyết danh.
Thuở
ấy, còn gọi là thời Ngũ Hồ, mặc dù có nhiễu nhương, nhưng các tư tưởng
học thuyết Thánh Hiền lan rộng đã lâu, nên từ bé Ngài đã thấm nhuần nề
nếp thuần phong đạo đức.
Niên
hiệu Hàm Hoa thứ 9, Ngài lên mười ba tuổi, được song thân cho du học ở
miền Hứa Lạc. Không bao lâu, từ Nho giáo đến các học thuyết Lão, Trang
cùng Bách gia chu tử, Ngài đều đã thông biện đến mức siêu quần.
Trong
niên hiệu Cảnh Bình, vừa 21 tuổi, cảm thấy các học thuyết sở đắc của
mình không thể giải quyết được vấn đề sống chết luân hồi mà trong tâm
hằng thao thức, Ngài cùng ẩn sĩ Phạm Tuyên Tử định du phương tìm đạo
nhưng lúc ấy vì có loạn Thạnh Hồ, đường giao thông bị trở ngại nên ý
nguyện không thành.
Thời
gian sau, có Đạo An pháp sư trú tại chùa Nghiệp Trung ở núi Thái Hằng
thuộc dãy Hằng Sơn, vân tập Tăng chúng giảng dạy kinh điển, các hàng đạo
tục, vua quan, sĩ thứ đều cảm hóa hướng về. Ngài nghe danh mến đức, tìm
đến xin quy y, nương theo tu học.
Sau
khi nghe Pháp sư giảng xong kinh Bát-nhã, Ngài suốt thông tỏ ngộ than
rằng: “Phật Pháp quả thật cao diệu bao la, xét lại học thuyết của Khổng,
Mạnh, Lão, Trang là rất khác!”. Từ đó, Ngài chuyên tâm hôm sớm tụng
đọc, suy nghĩ, tu tập. Đạo An thấy biết khen ngợi: “Về sau Phật Pháp lưu
thông ở Đông Độ, âu là do Huệ Viễn này chăng?”.
Niên
hiệu Thái Nguyên thứ 6, Đại sư du hóa đến Tầm Dương, thuộc tỉnh Giang
Tây. Xa trông cảnh Lô Sơn rộng rãi thanh tú, phải nơi hành đạo, mới đến
lập Tịnh xá nương ở. Thấy chỗ đó thiếu nước, vả lại bấy giờ, tại bản xứ
gặp cơn nắng hạn, các dòng suối đều cạn khô, Ngài phát tâm từ bi đến khe
núi, tụng kinh Hải Long Vương: Cầm tích trượng dộng xuống đất khấn
nguyện, bỗng có con bạch long từ dưới đất bay vọt lên hư không. Giây
phút mưa to xối xả, mực nước các nơi đều trở lại bình thường, tại đó
xuất hiện dòng suối mát mẻ trong xanh, quanh co tuôn chảy. Vì hiện tượng
này, Ngài lấy hiệu Tịnh xá là Long Tuyền. Lúc ấy, Pháp sư Huệ Vĩnh, một
bạn đồng môn, trước đã trụ chùa Tây Lâm bên phía Tây Lô Sơn, muốn mời
Ngài cùng ở. Nhưng pháp duyên của Huệ Viễn đại sư thạnh, học giả nương
về Ngài càng ngày càng đông, cảnh Tây Lâm đất hẹp không thể lập đạo
tràng dung chúng. Quan Thái Sử Hoàn Y thấy thế, phát tâm cất chùa cho
Ngài bên phía Đông Lô Sơn. Do uy đức của Đại sư, khi sắp khởi công kiến
tạo, vào một đêm nọ, bỗng có cơn mưa giông to lớn, sấm sét vang trời.
Sáng ra, đại chúng thấy vật liệu xây cất, như các thứ to quý và cát đá
chất thành đống. Bởi nhờ sức thần linh vận chuyển giúp công như thế, nên
ngôi chùa ấy có tên Đông Lâm Thần Vận Tự.
Khi
ngôi Lan-nhã hoàn thành, Đại sư đốc xuất chúng ngày đêm tinh tấn hành
đạo. Trước thời gian ấy, tại Quảng Châu có các ngư dân vào buổi hoàng
hôn, thấy ánh sáng xuất hiện trên mặt biển, họ cùng đến tìm xem, và vớt
được một tôn tượng Văn-thù Bồ-tát rất đẹp, liền đem trình với quan thái
thú sở tại là Đào Khản. Tượng này được tôn trí tại chùa Hàn Khê. Sau đó,
vị trụ trì nhân có việc đến Hạ Khẩu, ban đêm mộng thấy ngôi bản tự bị
hỏa hoạn, chỗ thờ đức Văn-thù có nhiều lòng thần ủng hộ vây quanh. Ông
vội vã trở về, quả thật ngôi chùa đã bị lửa thiêu tàn trụi, chỉ có pho
tượng là còn nguyên. Về sau, Đào Công sắp đi trấn nhậm nơi khác, nhân
thấy tôn tượng rất linh thiêng muốn đem theo, nhưng dùng đủ mọi cách mà
vẫn không di chuyển được. Nghe danh đức của ngài Huệ Viễn, ông đến viếng
thăm, nhân tiện thuật lại mọi việc, và nhờ Đại sư chú nguyện để cung
thỉnh về thờ tại chùa Đông Lâm. Lần này, khác hơn trước, Long Thiên đều
ủng hộ, một cơn gió nhẹ thổi đến, làm cho tôn tượng bỗng dưng lay động,
cuộc di chuyển rất thuận tiện dễ dàng. Tượng được tôn chí một nơi trang
nghiêm riêng biệt tại Đông Lâm, gọi là Văn-thù Các.
Trước
chùa, để cảnh trí thêm phần trang nhã và muốn phân định thời khắc, Đại
sư cho đào ao trồng hoa sen trắng, trên mặt nước thả mười hai cánh sen
gỗ, dẫn nước suối ra vào. Cứ mỗi giờ nước chảy đầy qua cánh sen gỗ. Đại
chúng y theo đó định thời khóa tu hành, gọi là Liên Lậu.
Lần
lượt các vị cao Tăng, những hàng danh sĩ, mến đạo phong của Huệ Viễn đại
sư, đến xin dự chúng tu tập, mỗi ngày thêm nhiều, trong đây, có những
vị lỗi lạc tài hoa. Như nhóm ông Tạ Linh Vận, trước kia thường nhìn
thiên hạ bằng đôi mắt trắng, nhưng khi gặp Đại sư, bỗng liền đổi thành
thái độ khiêm cung trước đạo phong an điềm giải thoát, và lời luận biện
cao nhã thông suốt của Ngài.
Khu
vực Lô Sơn có rất nhiều rắn độc, từ trước đã làm nguy hại đến tánh mạng
dân cư ở vùng ấy. Nhưng từ khi có chùa Đông Lâm, các loài rắn dữ đều trở
nên hiền lành, ngày lẫn đêm thường vây quanh Đại sư để nghe giảng kinh.
Bởi trường hợp này, Đại sư được người đương thời tôn hiệu là “Bích Xà
Thánh Giả”.
Thỉnh
thoảng, lại có những danh tài bá lâm tìm đến vấn nạn Ngài. Trong ấy,
đại để như Pháp sư Huệ Nghĩa, cho đến quan thái úy Hoàn Huyền. Nhưng khi
tiếp kiến, gương mặt rộng rãi uy nghiêm, phong thái trầm tĩnh tự tại
của Đại sư, các vị ấy bỗng nhiên mất tự chủ xuất hạn đầm đìa, rồi rút
lui không dám tranh biện. Ra ngoài họ đều kinh ngạc than thở: “Huệ Viễn
đại sư có uy lực, nhiếp chúng rất lạ lùng thật đáng nể phục!”.
Niên
hiệu Long An thứ 3, và đầu năm Nguyên Hưng đời Đông Tấn, quan phụ chính
Hoàn Huyền lần lượt gởi cho Ngài hai văn kiện bãi đạo và thanh lọc hàng
ngũ xuất gia. Nội dung của văn kiện gồm nhiều lý lẽ đề cập đến việc
không lợi ích cho quốc gia và sự hoang đường thiếu thiết thực của Phật
giáo. Thời gian ấy, Tăng chúng trong toàn quốc bị đạo luật này chi phối,
nhiều vị phải hoàn tục. Đại sư đều tuần tự phúc đáp bằng lời lẽ vững
mạnh thích đáng, khiến cho đạo luật đó không ứng dụng được tại tỉnh
Giang Tây.
Trong
niên hiệu Nghĩa Hy, An Đế từ Giang Lâm xa giá đến Giang Tây, chấn nam
tướng quân Hà Vô Kỵ yêu cầu Ngài đích thân tiếp Vua. Đại sư lấy cớ đau
yếu từ khước không bái kiến. Đến năm Nguyên Hưng thứ Hai, Hoàn Huyền lai
gởi văn thơ cho Ngài, với nhiều lý luận bắt buộc hàng Sa-môn phải lễ
bái quốc vương. Đại sư soạn văn thư phúc đáp, và quyển Sa Môn Bất Kính
Vương Giả Luận gồm năm thiên để hồi âm. Triều đình đều nể trọng và phải
chấp nhận quan điểm của Ngài.
Đạo
đức, sự linh cảm, và công hộ trì Phật pháp của Đại sư còn rất nhiều, nơi
đây chỉ thuật lại phần khái quát. Những điểm này trong vô hình đã khiến
cho tỉnh Giang Tây biến thành trung tâm Phật hóa tại miền Nam.
Nhân
khi rỗi rảnh, Đại sư họp chúng lại bảo: “Chư vị đến đây niệm Phật, phải
chăng đều cùng quyết chí gieo nhân lành cầu về Tịnh độ ư?”. Nhân cơ
duyên đó, Ngài cùng đại chúng cho mời thợ khéo chiếu y theo kinh điển,
tạo tượng Tây Phương Tam Thánh. Ba tôn tượng A-di-đà, Quán Thế Âm, Đại
Thế Chí khi tạo thành rất cao lớn tươi đẹp, có đủ nét tướng uy đức trang
nghiêm. Tượng Tam Thánh ấy được phụng cúng ở Bát-nhã Đài ở Đông Lâm.
Vào
tiết Mạnh Thu năm Mậu Thìn, nhằm ngày lạc thành tôn tượng, Đại sư cùng
tất cả chúng kết lập Bạch Liên Xã, nguyện đồng sinh về cõi Liên bang.
Khi ấy, ông Lưu Di Dân làm bài văn phát nguyện khắc vào bia đá. Các danh
sĩ như nhóm ông Vương Kiều Chi lại viết thành tập thơ, lấy tên Niệm
Phật Tam-muội để tỏ bày ý chí. Đại sư vì làm lời tựa như sau: “Tam-muội
là thế nào? Chính là nhớ chuyên, tưởng lặng vậy. Nhớ chuyên thì chí một
tâm đồng, tưởng lặng thì khí thanh thần sáng. Khí thanh thì trí soi ngộ
đến lý nhiệm mầu, thần sáng thì không chỗ u vi nào chẳng thấu. Hai điểm
này tự nhiên thầm hợp nương về, mà phát sinh ra diệu dụng.
Lại
các môn Tam-muội, danh mục rất nhiều, công cao dễ tu, niệm Phật là
thắng. Tại sao thế? Vì cùng nơi huyền tịch, mới hiệu Như Lai, thể hợp
với thần, mười phương ứng hiện. Thế nên, khi vào Tam-muội, lặng lẽ vong
tri, trí sáng chiếu cảnh duyên, gương lòng bày muôn tượng. Chỗ mắt tai
không đến được mà vẫn thấy vẫn nghe, nơi linh trí lặng sáng thanh nên
hằng thông hằng suốt. Nếu chẳng phải bậc căn cơ linh mẫn, thì làm sao
được cảnh diệu huyền?
Hôm
nay, cùng chư Hiền tu tập, đồng nương kết pháp duyên, rửa lòng cửa Phật,
những e còn kém duyên sen. Chuyên ý sớm hôm, cảm nỗi tháng ngày chẳng
lại. Chí nguyện ba thừa thông suốt, bước đạo tiến cao, lòng mong dìu dắt
người sau, lối tranh tẩy sạch. Xin xem thiên bài mà thấu ý, đừng theo
văn vịnh để vui tâm”.
Đại
sư vì thấy miền Đông Nam kinh tạng còn thiếu nhiều, nên sai đệ tử là
Pháp Tịnh, Pháp Lĩnh cùng nhiều vị khác vượt ngọn Thông Lãnh sang Tây
Thiên, tìm thỉnh các thứ kinh Phạn bản. Trải nhiều năm vượt suối băng
ngàn, dãi nắng dầm sương, chịu đủ mọi nỗi khó khăn trở ngại, đoàn thỉnh
kinh từ Tây Vức mới trở về, mang lại nhiều kết quả mong muốn. Tuy nhiên,
nguyên bản còn là chữ Phạn, Huệ Viễn đại sư phải cho người đến Trường
An thỉnh Tôn giả Phật-đà-bạt-đà-la họp cùng những vị khác đến Lô Sơn
phiên dịch các kinh điển ấy. Đại sư lại viết thư thỉnh cầu Tôn giả
Đàm-ma-lưu-chi người Tây Trúc dịch thành bộ Thập Tụng Luật. Thời ấy,
những kinh luật lưu hành từ Lô Sơn, có gần đến trăm thứ.
Tuy
xiển dương Tịnh độ, Đại sư vẫn lưu tâm đến các pháp môn khác, viết nhiều
bài tựa về kinh luận, và hoàn thành mấy tác phẩm như sau:
-
Đại Trí Luận Yếu Lược (20 quyển).
-
Pháp Tánh Luận.
-
Sa Môn Bất Kính Vương Giả Luận.
-
Đại Thừa Nghĩa Chương (3 quyển).
-
Thích Tam Bảo Luận.
-
Minh Báo Ứng Luận.
-
Sa Môn Đản Phục Luận.
-
Biện Tâm Thức Luận.
-
Phật Ảnh Tán.
-
Du Lô Sơn Thi.
-
Lô Sơn Lược Ký.
-
Du Sơn
Ký.
Ngoài ra, còn nhiều văn thư biện luận về
Phật pháp giữa Đại sư với ngài Cưu-ma-la-thập, cùng các ông Lưu Di Dân,
Đới An và những hàng tấn thân, đều được người đương thời truyền tụng.
Trong bộ Pháp Tánh Luận, Đại sư phát minh lý Niết-bàn thường trú. Khi bộ
luận này truyền đến Quan Trung, Pháp sư Cưu-ma-la-thập xem được, khen
rằng: “Lành thay! Huệ Viễn đại sư cư ngụ vùng biên phương, chưa đọc kinh
Đại Niết-bàn, mà lời luận lại thầm hợp với chân lý. Đây chẳng phải là
điều kỳ diệu hay sao?”.
Bạch Liên Xã do Đại sư thành lập, quy tụ
hơn ba ngàn người, trong đây có 123 vị được tôn là Hiền. Trong 123 vị
Hiền này, lại có 18 bậc thượng thủ gọi là Đông Lâm Thập Bát Đại Hiền,
gồm các Ngài như sau:
1. Huệ Viễn đại sư.
2. Huệ Vĩnh pháp sư.
3. Huệ Trì pháp sư.
4. Đạo Sinh pháp sư.
5. Phật-đà-gia-xá tôn giả.
6. Phật-đà-bạt-đà-la tôn giả.
7. Huệ Duệ pháp sư.
8. Đàm Thuận pháp sư.
9. Đạo Kính pháp sư.
10. Đạo Bính pháp sư.
11. Đàm Tiên pháp sư.
12. Danh sĩ Lưu Di Dân.
13. Danh sĩ Lôi Trình Chi.
14. Danh sĩ Lôi Thứ Tôn.
15. Danh sĩ Tôn Bính.
16. Danh sĩ Vương Dã.
17. Danh sĩ Vương Thuyên.
18. Danh sĩ Châu Tục Chi.
Đại sư ở Lô Sơn hơn ba mươi năm, chân
không bước ra khỏi núi. Ngài khước từ mọi sự liên lạc không cần thiết
với đời, nguyện giải quyết vấn đề sinh tử ngay trong kiếp hiện tại. Khi
có khách đến viếng, lúc ra về Đại sư chỉ tiễn chân tới cầu suối Hổ Khê
trước chùa rồi trở vào. Có một lần, hai danh nhân là nho sĩ Đào Uyên
Minh và đạo gia Lục Tu Tĩnh tìm đến yết kiến. Vì cơ luận khế hợp, khi
dưa khách ra về, bất giác Đại sư bước ra khỏi cầu suối hồi nào không
hay. Vừa lúc ấy, ánh tịch dương chợt rọi đến, in bóng người bên vách
núi. Cả ba như bừng tỉnh, đứng lại nhìn nhau cả cười, rồi chia tay tạm
biệt. Người sau dựng Tam Tiếu Đình tại nơi đây để lưu niệm. Trong Tây
Phương Bách Vịnh, Nhất Nguyên đại sư có biên ký điều trên như sau:
“Tây Phương cổ giáo
Thế Tôn Tiên
Đông Độ khai tông hiệu Bạch Liên
Thập Bát Đại Hiền vi thượng thu
Hổ Khê Tam Tiếu chí kim truyền”.
Tạm dịch:
“Tây
Phương Phật dạy trước tiên
Truyền
sang Đông Độ Bạch Liên mở đàng
Mười
Tám Hiền, học hạnh toàn
Hổ
Khê dường hãy còn vang tiếng cười”
Đại sư hôm sớm hằng lặng lòng quán
tưởng, chuyên chí về Tịnh đô, đã ba phen thấy Thánh tướng mà im lặng
không nói ra.
Năm Nghĩa Hy thứ mười hai, đêm ba mươi
tháng bảy, Ngài ngồi tịnh nơi Bát-nhã Đài. Lúc vừa mở mắt xuất định,
bỗng thấy Phật A-di-đà thân sắc vàng đầy khắp hư không. Trong áng viên
quang hiện vô số hóa Phật, mỗi vị đều có Quán Âm, Thế Chí hầu hai bên tả
hữu. Lại thấy nước chảy chia thành mười bốn ngọn quanh lộn lên xuống,
phóng ra những tia sáng đẹp, diễn nói các pháp: khổ, không, vô thường,
vô ngã. Đức Phật bảo Ngài: “Ta dùng sức bản nguyện đến đây an ủi ngươi.
Sau bảy ngày, ngươi sẽ được sinh về Cực Lạc!”. Đại sư lại thấy bạn đồng
tu ở Liên Xã đã viên tịch trước, như các ông: Phật-đà-da-xá, Huệ Trì,
Huệ Vĩnh, Lưu Di Dân... đều đứng phía sau Phật. Các vị ấy bước đến
trước, chấp tay chào và nói: “Ngài phát tâm sớm hơn chúng tôi, nay sao
lại về muộn như thế?”.
Hôm sau, Đại sư cảm bệnh nhẹ, gọi đệ tử
là Pháp Tịnh, Huệ Bảo đến thuật lại, và nói: “Ta ở Lô Sơn này, trong
mười một năm đầu, đã ba lần thấy Thánh tướng cùng các kỳ tích. Nay lại
có điềm như thế, tất duyên sinh Tịnh độ đã đến thời kỳ!”. Rồi dặn bảo
các việc, soạn quy chế để răn nhắc đại chúng
cùng nhau sách tiến tu tập.
Trong thời gian Đại sư lâm bệnh, chư
Tăng khuyên Ngài phương tiện dùng thuốc rượu để điều trị. Đại sư khước
từ, bảo: “Thân người như huyễn, nguyện giữ giới luật hoàn toàn thanh
tịnh”. Các Đại đức lại thỉnh Ngài dùng nước cơm, Đại sư bảo hãy mở luật
tìm xem có đề cập đến điều này hay không? Các luật sư tra cứu chưa xong,
Ngài đã viên tịch. Lúc ấy, nhằm ngày mùng 06 tháng 08 năm Bính Thìn,
niên hiệu Nghĩa Hy thứ mười hai. Đại sư thọ 83 tuổi.
Quan Thái Thú Tầm Dương là Nguyễn Bảo
cùng đại chúng làm lễ an táng và xây tháp Ngài tại phía Tây Lô Sơn. Vua
An Đế nhà Tấn hay tin rất thương tiếc, sắc phong cho Đại sư thụy hiệu
“Lô Sơn Tôn Giả, Hồng Lô Đại Khanh, Bạch Liên Xã Chủ”. Các Vua đời sau
đều có phong tặng để cảm niệm công đức hộ pháp an dân của Ngài.