Đại sư Ajahn Buddhadasa
Bhikkhu (1906-1993) - tên gọi có nghĩa là "người tỳ kheo phục vụ cho Đức
Phật" - xuất gia khi vừa hai mươi tuổi và tu học trong một ngôi chùa tại thủ
đô Bangkok, Thái Lan. Thế nhưng không lâu ngay sau đó ông đã nhận thấy sự sinh
hoạt trong chùa cũng như bối cảnh nơi đô thị không thích hợp với ông nên bèn trở
về quê ở miền nam Thái Lan. Tìm được một ngôi chùa hoang phế, ông chỉnh trang lại
ngôi chùa này và tự tu tập một mình.
Năm 1956, ông mở một khóa
học dành riêng cho một số luật gia người Thái đang được đào tạo để chuẩn bị trở
thành các quan tòa. Các buổi thuyết giảng của ông được ghi chép và lưu lại. Hai
năm sau thì có một người Thái tên là Pun Chongprasoed gom các bản ghi chép này thành
một tập sách nhỏ. Đến năm 1961 thì có một vị tỳ kheo người Úc tu học tại Thái
Lan tên là Roderick S. Bucknell (Rod Bucknell), pháp danh Ariyananda Bhikkhu, dịch
sang tiếng Anh và lấy tựa đề là The Handbook
for Mankind. Hiện ông là giáo sư giảng dạy về khoa tôn giáo tại đại học Queensland
(Úc Châu). Gần đây hơn thì có một nữ đệ tử thân cận của nhà sư quá cố Ajahn
Chah (1918-1992) là bà Jeanne Schut dịch sang tiếng Pháp với tựa đề là Manuel pour l'Humanité. Hiện nay bà là một
người tham gia rất tích cực vào việc hoằng Pháp và là một nhà dịch thuật rất hăng
say các kinh sách của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Quyển sách của Ajahn
Buddhadasa chỉ là một tập sách nhỏ thế nhưng lại được các người khác gán cho
một cái tựa thật khá quan trọng là "Quyển
Sách cho Nhân Loại". Thế nhưng sau khi đọc xong thì chắc hẳn chúng ta
cũng sẽ đồng ý rằng quyển sách này rất xứng đáng để mang cái tựa đề ấy. Cách nay nhiều năm mà ấn bản tiếng Thái cũng đã
được phát hành trên 100.000 cuốn và đã trở thành quyển sách "gối đầu
giường" cho nhiều người dân trên quê hương đó. Đồng thời quyển sách này cũng
đã được dịch sang rất nhiều thứ tiếng và đặc biệt rất được ưa chuộng tại các
nước Tây Phương. Thật vậy những lời thuyết giảng của đại sư Buddhadasa thật đơn
giản và minh bạch, cô đọng và chính xác, vượt thoát khỏi một số thuật ngữ cũng
như một vài khái niệm quen thuộc của Phật Giáo. Những lời thuyết giảng thật
thâm sâu và trong sáng của ông đôi khi có thể khiến chúng ta phải bàng hoàng.
Quyển sách không nhằm vào
chủ đích phân tích những gì trong kinh điển mà đúng hơn là để nhắc nhở chúng ta
hãy nên nhìn thẳng vào bản chất của chính mình và của mọi vật thể chung quanh hầu
giúp chúng ta biết ứng xử thích nghi hơn với cái bản chất ấy của chúng và để giúp
chúng ta trở thành những con người sáng suốt, hoàn hảo và an vui hơn. Bản dịch sang
tiếng Việt này được dựa vào ấn bản tiếng Anh của Rod Bucknell và tiếng Pháp của
Jeanne Schut trên đây.
Ấn bản tiếng Việt: 04-2012
Nhà xuất bản Phương Đông
Phát hành: Nhà sách Văn Thành
60/116 Lý Chính Thắng,
P. 8, Q. 3 TP. HCM
ĐT. 38 482 028 - 0908 585 560
Email: thanhnguyen1@hcm.vnn.vn
VÀI NÉT VỀ DỊCH GIẢ:
Nguyễn
Đức Tiến
Bút
hiệu : Hoang Phong
Sinh
năm : 1939
Về
hưu năm : 1999
Hội
viên Hội Thiền Học Quốc tế AZI (Association Zen Internationale)
Cựu
Giảng sư Đại học Khoa Học Saigon
Cựu
Địa chất gia và Kỹ sư tầm khảo công ty dầu khí TOTAL
Tiến
sĩ Khoa học
Hiện
đang sống tại Pháp Quốc