Phật Học Online

Mái chùa cho người có H

Không phải ngẫu nhiên mà trụ sở Phòng tham vấn truyền thông và hỗ trợ cộng đồng của chùa Pháp Bảo (quận Gò Vấp, TPHCM) được dựng từ một khung một nhà gỗ cổ.

Thầy Thích Đồng Nguyện phụ trách Phòng tham vấn tiết lộ là thầy đã cất công đưa ngôi nhà cổ từ Quảng Trị vào Sài Gòn. Gỗ mòn nhẵn gợi một không gian ấm cúng của ngôi nhà cổ truyền dân tộc, nơi đang đón nhận những con người lưu lạc.

Hạnh phúc thực tại

Nhiều người tò mò, không hiểu làm sao các nhà sư chay tịnh trong chùa lại hiểu biết và tham gia lĩnh vực nhạy cảm phòng chống HIV.

Thầy Đồng Nguyện cười kể: “Tôi tham gia phòng chống HIV từ năm 2006 khi còn học tại Học viện Phật giáo. Để làm công việc này, chúng tôi được đào tạo suốt một năm liền. Ngoài ra chúng tôi còn được hỗ trợ từ các phật tử”.

Ban điều hành của phòng tham vấn chùa Pháp Bảo gồm 8 người, có một bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, không thể quên đội ngũ đắc lực và hiệu quả là nhóm tự lực “Bạn, tôi, chúng ta” gồm những người từng nghiện nhưng cai thành công.

Hầu như không quảng bá, người tìm tới chùa vẫn đông. Họ cho biết: “Xã hội còn dị nghị với người nghiện và nhiễm HIV. Chúng tôi tới các sở y tế chuyên ngành thì dễ bị soi mói, lời ra tiếng vào. Khi tới chùa, cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài chùa ra không ai biết chúng tôi bị bệnh”.

Các bệnh nhân nói “Cũng là bệnh, người bị ung thư không bị phân biệt, riêng nhiễm HIV, không chỉ cộng đồng mà nhiều nhà cũng e ngại, thậm chí xa lánh”.

Chị N, một người mẹ có cả đàn con, bị nhiễm HIV nhiều năm, nhưng chị giấu kỹ, “đến giờ gia đình vẫn chưa ai biết gì”. Bạn H, xinh và ngoan, “gần ba mươi tuổi không chịu lập gia đình”. Bố mẹ không biết đằng sau cái lắc đầu của cô con gái rượu là một dòng máu trẻ trung đã nhiễm vi rút HIV. Cảm giác về sự cô đơn vô tận hiện hữu trong những con người trẻ trung.

Khi tới với nhà chùa, bệnh nhân không bao giờ bị hỏi: “Làm gì mà để nhiễm HIV?”. Nhà chùa đón họ bằng một khóa tu “Hạnh phúc thực tại”.

Khóa tu giúp người ta quên đi quá khứ để sống với hiện tại, một hiện tại không phải chỉ toàn màu đen của cái chết trong túng thiếu, mà chan chứa tình thương, lỗi lầm được bỏ qua, gian khổ được chia sẻ.

Một khóa tu cho người nghiện và nhiễm HIV tại chùa. Ảnh: T.L
Một khóa tu cho người nghiện và nhiễm HIV tại chùa. Ảnh: T.L

Tâm hồn tưởng chừng chai đá đã hồi sinh. Xuân, một người mẹ nhiễm HIV nói: “Một năm rưỡi vừa rồi tôi cứ để bệnh vậy, không đi chữa nữa. Qua khóa tu ở chùa, tôi thấy cuộc đời vẫn còn đó. Tôi chăm chỉ đi khám, uống thuốc đều”.

4 đứa con nhỏ của cô không thể ngờ mẹ chúng đã trải qua những ngày muốn buông xuôi tất cả trong vô vọng. Theo lời khuyên của chùa, cô đã đưa một đứa con đi xét nghiệm. Xuân vui mừng nói với tôi: “Con của em hoàn toàn khỏe mạnh”.

“Thầy ơi, con nóng”

“Hầu hết tất cả các trường hợp cai nghiện qua chùa đã thành công” - các sư nói với tôi.

Những lần cai nghiện trước, sự cô độc và đau đớn đã dìm họ xuống. Giờ đây, họ có những người bên cạnh, an ủi, chỉ dẫn, giúp đỡ. Họ là người anh người bạn đã từng cai thành công trong nhóm tự lực. Các sư cũng luôn bên cạnh họ.

Thầy Thích Đồng Nguyện nói: “Các bạn ấy cai, đến 2-3 giờ sáng thường gọi điện cho tôi, bảo: thầy ơi, con nóng quá. Tôi cứ kiên trì trò chuyện, động viên để các bạn ấy vượt qua những thời điểm quyết định đó”.

Phần lớn các bạn tìm đến chùa chữa bệnh đều còn trẻ. Thầy Thích Đồng Nguyện cũng khá trẻ, sinh năm 1980, thầy hiểu khát khao sống và làm việc của cả một thế hệ.

Những bạn trẻ tìm đến chùa cai nghiện đều trong tình trạng khó khăn về kinh tế không thể xoay xở được.

“Cai mười ngày đầu đã tốn 10 triệu đồng, chưa kể tiền ăn, tiền thuốc linh tinh, kéo dài vài tháng thì tiền đâu ra?” - những bạn cai nghiện ở các trung tâm tư nhân cho biết.

Nhà chùa phải tổ chức cai cho họ tại gia đình, đỡ tốn kém. Một số trường hợp cần gửi vào trung tâm cai nghiện cắt cơn gấp, nhà chùa phải tìm kinh phí để hỗ trợ. Ngay sau khi cắt được cơn, ổn định, thì đem ngay về chùa.

Người nhiễm HIV còn khó khăn hơn. Nhiều người nhiễm bệnh, sức khỏe xuống rất nhanh, nhưng họ không dám cho ai biết, không dám đến bệnh viện để điều trị và truyền thuốc bổ vì sợ bị phát hiện nhiễm HIV. N, cô gái 25 tuổi, khá xinh đẹp, sống với bố mẹ, khi đến chùa cô không thể đi được vì đã bị teo cơ, người gầy guộc, phải có người ra dìu.

Một số người khác, do sức khỏe kém, không đi làm được, vợ hoặc chồng đã chết vì HIV, tiền bạc trong nhà cạn kiệt, chùa vừa giúp họ chữa bệnh vừa cho họ gạo để ăn.

Công ty Thái An Sinh đang hỗ trợ thực phẩm chức năng cho 13 bệnh nhân HIV tại chùa Pháp Bảo. Các nhà sư cho biết: “Lượng thực phẩm chức năng không đủ, sức khỏe của ai khá hơn thì tự nguyện nhường bớt thuốc cho những người mới”.

Nhà chùa liên hệ mật thiết với các cơ sở y tế để cấp thuốc miễn phí, thăm khám khi cần thiết. “Chúng tôi cấp kinh phí để người bệnh xét nghiệm thường xuyên, theo dõi sức khỏe của họ, ứng cứu kịp thời”. Sắp tới, nhà chùa dự tính sẽ tổ chức truyền nước biển và thuốc bổ cho bệnh nhân ngay tại chùa.

Chiếc xe hương

Hầu hết những người tìm tới chùa Pháp Bảo đều đang khá lạc quan. Chị Xuân nói: “Tôi qua chùa nhận thuốc luôn, được chùa giới thiệu đi khám và lĩnh thuốc ở nhiều nơi. Sau mấy tháng được điều trị, tôi khỏe ra nhiều, ăn được, ngủ được”.

Người nhiễm HIV, được chăm sóc cả thuốc thang lẫn tinh thần, qua điều trị bệnh và qua các khóa tu, sức đề kháng cải thiện rõ rệt. Có người khi vào chùa chỉ số tế bào T CD4 chỉ còn là 46/mm3 máu (người bình thường là hơn 1.000/ mm3), nhưng giờ đây tất cả họ đều đạt các chỉ số khá an toàn, ổn định.

N, cô gái bị teo cơ mừng rỡ nói: “Thầy ơi! chỉ số tế bào T CD4 của con được 464/mm3 rồi!”. Cô cùng các bạn tổ chức giúp đỡ những người bệnh mới.

Sau khi cai nghiện, học viên cần việc làm, vì không có việc dễ mắc nghiện trở lại.

Chị Xuân tâm sự: “Tôi muốn xin chùa một cái máy may. Bố các cháu đã chết vì HIV, tôi không đủ tiền nộp cho các cháu đi học”.

Một nhà hảo tâm đã giúp chùa một cái máy may, tuần sau chị sẽ nhận được. Tin vui là vậy, nhưng các sư cũng than thở: “Cô may quần áo rồi, chúng tôi không biết đem bán ở đâu. Sản phẩm này khó tiêu thụ quá”.

Nhà chùa chỉ có thể bao tiêu một sản phẩm là hương. Nhưng mỗi xe làm hương (đạp bằng chân) giá 2,5 triệu đồng. Thỉnh thoảng, nhà chùa mới vận động được 1 chiếc xe hương như thế.

Tháng 6 - 2012

Trần Nguyễn Anh (Tiền Phong Online)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage