Phật Học Online

Từ bi hỷ xả với sự việc “Quỳnh Anh Got Talent”

Dư luận đang có nhiều ồn ào về phần thi Vietnam’s Got Talent của cô bé Quỳnh Anh, 15 tuổi. Chia sẻ với PV, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó tổng thư ký Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng cần lấy tâm và đức để định hướng xã hội.

Sự việc nhỏ thành scandal

Câu chuyện của cô bé Quỳnh Anh trong cuộc thi Vietnam’s Got Talent đang trở thành tâm điểm của dư luận xã hội. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra và sự tác động của dư luận ảnh hưởng không nhỏ đến một cô bé 15 tuổi.

Nhìn nhận về vấn đề này Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng thông qua internet, thầy có biết việc cô bé Quỳnh Anh trong cuộc thi Vietnam’s Got Talent và có đọc những phản ứng của dư luận đối với sự việc này trên các phương tiện truyền thông.

Hòa thượng cho rằng sự việc tuy nhỏ nhưng vô tình dư luận xã hội và truyền thông đang đẩy câu chuyện đến mức căng thẳng.

Phản ứng của dư luận ở đây có hai mặt: về mặt tích cực, đó là có nhiều người đã chia sẻ, động viên và an ủi Quỳnh Anh cũng như gia đình. Nếu an ủi mang tính xây dựng và làm cho mọi việc ôn hòa thì tốt, còn “đứng xa ném đá” thì chỉ làm sự việc càng trở nên phức tạp và căng thẳng.


“Cuộc thi hát của Quỳnh Anh, vụ việc nhỏ nhưng bị đẩy lên mức quá căng thẳng” (ảnh: Thu Hiền)

Còn tiêu cực ở đây là có nhiều phản ứng mang tính chất “ác tâm”. Như thế là không nên vì theo nhà Phật thì phải luôn mang lòng từ bi, tình thương đầy trí tuệ để giải quyết mọi việc. Chỉ có như vậy mọi việc mới trở nên nhẹ nhàng và ôn hòa.

Ngoài ra bà Ngọ (mẹ của Quỳnh Anh) không phải là nhạc sĩ, là người có thể không có chuyên môn âm nhạc mà lại phản ứng như thế thì không hay.

Hình ảnh bà Ngọ ra sân khấu “cướp diễn đàn” và bảo vệ con gái một cách công khai như thế dễ gây phản cảm tới mọi người. Nếu như bà Ngọ bình tĩnh và thẳng thắn góp ý với BTC, BGK sau khi cuộc thi thì chắc không có điều gì xảy ra.

“Không thể phủ nhận là bà Ngọ đang thương con gái nhưng tình thương ấy “vô tình” đẩy Quỳnh Anh vào hoàn cảnh như bây giờ, gần như nó đã trở thành lòng thương hại. Nếu cứ như thế thì càng làm cho mọi việc trở nên rắc rối hơn”, Hòa thượng đánh giá.

Cần đem tình thương, lòng từ bi để xử lý

Là một người xuất gia, Hòa thương Thích Gia Quang cho rằng cách giáo dục lúc nào cũng “bênh vực” và “chiều chuộng” con gái như bà Ngọ có thể sẽ dễ gây ra cho con trẻ mất sự tinh tiến (vươn lên - PV), làm tăng bản ngã (cái tôi trong bản thân).

Nó là tình thương thiếu trí tuệ và làm cho con trẻ không phát huy những năng khiếu bẩm sinh mà đứa trẻ vốn có.

“Chúng ta cần phải đưa tình thương, lòng từ bi kèm với trí tuệ vào để xử lý công việc, nếu không những việc muốn làm sẽ (có thể) không đúng và càng trở nên phức tạp hơn. Điển hình như vụ việc này” - Hòa thượng nhấn mạnh.


Gia đình bé Quỳnh Anh nên bình tĩnh hơn để giúp Quỳnh Anh vượt qua cú sốc này.

Xét một góc độ nào đó, cô bé Quỳnh Anh cũng chỉ là nạn nhân của câu chuyện này. Chính vì thế cuộc sống ngày nay, con người sống phải yêu thương, có lòng từ bi và ôn hòa với mọi người trong cộng đồng.

Theo giáo lý đạo Phật thì cần phải lấy “Từ - bi - hỷ - xả” (tứ vô lượng tâm) áp dụng vào trong đời sống. Có như thế thì cuộc sống của con người nói riêng và của giới trẻ nói chung mới tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Hòa thượng cho rằng: Việc giáo dục cho giới trẻ hiện nay cần có phương pháp phù hợp và đúng đắn. Cần áp dụng đầy đủ giáo dục tâm lý đạo đức và giáo dục kiến thức.

Chỉ có như vậy, tuổi trẻ mới có thể phát huy mạnh mẽ về tài năng, kiến thức, nhân cách, đạo đức và tiềm năng vốn có của chính mình nhằm hướng đến sự hoàn thiện về 3 phương diện: tài, đức và trí.

Gia đình bé Quỳnh Anh bây giờ nên bình tĩnh và có hạnh nhẫn (chịu đựng - PV) hơn. Hãy ôm ấp và chăm sóc bé Quỳnh Anh vượt qua cú sốc này. Không nên cố gắng “đáp trả” mọi dư luận của cộng đồng.

Còn về phía xã hội theo Hòa thượng không nên thổi phồng mọi chuyện lên, cũng không nên “tô hồng” hoặc “bôi nhọ” sự việc hay con người. Hãy nhìn mọi việc dưới con mắt: hiểu và thương để mọi điều trở nên nhẹ nhàng hơn.

Theo Bùi Hiền - Hoài Lương - KH&ĐS


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage