Phật Học Online

Ý nghĩa nhân bản của sự tự học

Dưới đây là Bài phát biểu của Giáo sư Phạm Phú Thành trong Lễ trao bằng tốt nghiệp lớp Trung Cấp II.B và Lễ tổng kết năm học thứ nhất, khóa IV (2004-2008) Trường Trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng do chính Giáo sư gửi tặng chúng tôi - cựu Tăng sinh khóa I (1990-1994) và học trò của Ông - qua đường bưu điện năm 2005.

Dưới đây là Bài phát biểu của Giáo sư Phạm Phú Thành trong Lễ trao bằng tốt nghiệp lớp Trung Cấp II.B và Lễ tổng kết năm học thứ nhất, khóa IV (2004-2008) Trường Trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng do chính Giáo sư gửi tặng chúng tôi - cựu Tăng sinh khóa I (1990-1994) và học trò của Ông - qua đường bưu điện năm 2005.

Đã 3 năm trôi qua, ngày nay đọc lại Bài phát biểu ấy, chúng tôi vẫn thấy nguyên tính thời sự, giá trị học thuật và tác dụng giáo dục của nó, - nhất là trong bối cảnh giáo dục nước ta nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng, khi mà xã hội đang gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng xuống cấp trong giáo dục.

Chính vì thế, chúng tôi phát tâm đánh máy nguyên văn và xin Giáo sư cho phép được phổ biến Bài phát biểu này đến chư vị Tăng – Ni sinh trong và ngoài nước. Chúng tôi hy vọng rằng, qua Bài phát biểu này, chư vị Tăng – Ni sinh sẽ nhận chân được ý nghĩa đích thực của sự học và sự tự học cũng như ý thức được bổn phận, trách nhiệm của bản thân, - đó là Duy Tuệ Thị Nghiệp.

Thích Minh Trí
Trụ trì chùa Phúc Lâm, Biên Hòa

**********

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Đại Đức
Kính thưa chư vị Khách Quý

Được sự ủy nhiệm của Ban giám hiệu và Ban giảng huấn nhà trường, tôi xin phép được trình bày cùng chư Tăng-Ni sinh quý mến về một vấn đề giáo dục. Ngưỡng xin chư Tôn Đức hoan hỷ chứng minh, kính mong các vị Khách Quý không nỡ tiếc thời gian quý báu.

Xin thưa, những gì tôi sắp phát biểu hẳn mang đậm màu sắc thế học; tôi tự xét không đủ tư cách và trình độ để nói về Phật Pháp mà chính tôi phải là người được nghe chứ không phải là người được nói. Nếu có ý tưởng nào liên hệ đến Phật Pháp, chẳng qua dù sao tôi cũng là một phật tử từng được hưởng ít nhiều Giáo Pháp của đức Thế Tôn, cảm kích mà thốt ra lời, - mong được thông cảm.

Sau đây là một vài suy nghĩ cá nhân về “Ý nghĩa nhân bản của sự tự học”.
Thật ra vấn đề tự học không có gì mới lạ. Ở trường thầy cô giáo nào mà chẳng quan tâm nhắc nhở; báo chí từng đăng tải những lời khuyên quý báu của các nhà giáo dục, tiến sĩ, giáo sư… - đã thành công rực rỡ, sáng danh nhờ tự học. Tôi từng phân vân tự hỏi: Ngoài cái giá trị thực dụng của nó là mang lại sự đỗ đạt, thành công và danh vọng, sự tự học còn có ý nghĩa gì khác, không gắn liền với lợi và danh?

Trước hết, như chúng ta đều biết “Con người là sinh vật thông minh nhất trên hành tinh này”. Khoa học xếp con người đứng đầu loài linh trưởng, tức loài động vật có trí khôn. Trên 2000 năm trước, sách Thượng Thư của Trung Quốc ghi: “Duy nhân vạn vật chi linh, -惟 人 萬 物 之 靈, - người là giống tinh khôn nhất trong muôn vật.” Đức Thế Tôn dạy rằng “Có được thân người là khó, - nhân thân nan đắc, -人 身 難 得”.

Một đặc tính nổi bật nơi con người là biết bắt chước hay học theo. Có thể nói: “Tự học là thuộc tính của trí tuệ gắn liền với bản năng sinh tồn”, mà ngay trong giới động vật cấp thấp cũng thấy biểu hiện khả năng này:

- Con chim mẹ làm tổ trên cao, đến khi chim con đủ lông cánh, chim mẹ tập cho chúng bay, nếu chim con không tự học theo cách vỗ cánh của chim mẹ thì làm sao biết bay, mẹ chúng đâu có cưỡng chế giáo dục như con người. Mẹ chúng chỉ dùng thân giáo, và tuyệt nhiên không áp đặt bằng kỷ luật. Trường hợp sớm mất cha mẹ, mà nếu chưa chết vì đói khát, con con cũng tự lực hành động theo bản năng, hoặc học theo bầy đàn để sinh tồn. Khi viết đến đây, tôi bỗng nhớ lại một bức tranh vui, đối với tôi có ý vị của một chuyện ngụ ngôn hay một lời dụ.

Tranh vẽ một đàn chim con tập bay theo mẹ từ cái tổ trên cây cao. Có một chú chim con run rẩy không dám bay, nhưng tình thế buộc nó phải đáp xuống bên kia, nó bèn tuột xuống thân cây, rốt cuộc nó cũng “đáo bỉ địa”, - sang bên kia theo đàn một cách an toàn. Tôi thú vị liên tưởng: Học theo là tốt nhưng không tự biết mình, không tự lượng sức là nguy.

Còn nơi con người?
-- Trẻ con hay bắt chước người lớn, dù có khi bị cấm.
-- Có những em bé nghèo khổ, mồ côi sống lang thang nếu chúng không tự lực tự cường, không tự tìm cách học hỏi thì làm sao sống nổi.

Triết gia Hy Lạp thời cổ đại ARISTOTLE cho rằng “Bản tính con người vốn hiếu tri, – All men by nature desire to know.” Triết gia Anh thời cận đại Francis BACON nói “Tri thức tự nó là sức mạnh, - Knowledge itself is power.”

-- Từ ngàn xưa, “tổ chức học”, tức “tổ chức giáo dục” đã trở thành định chế xã hội. Ngày nay, nước nào cũng đầu tư rất nhiều cho giáo dục; gia đình nào cũng tiêu hao tiền của cho sự học của con em. Trong bối cảnh như vậy, sự học buộc phải có giá trị thực dụng mang tính xã hội. Và sự tự học tất nhiên phải gắn liền với giá trị thực dụng đó.

Có thể đặt câu hỏi cho Tăng-Ni sinh của chúng ta: “Giả sử quý vị không đến trường để nâng cao tri thức, và có thể “tiến thân” bằng con đường học hành, thi cử, - chẳng hạn sẽ đỗ vào Học viện Phật giáo, đi du học, đỗ tiến sĩ, làm giảng sư v.v…, thì liệu ở chùa, ở trú xứ quý vị có nhu cầu tự học, tự tìm phương cách nâng cao trình độ, hoặc để khắc phục những khiếm khuyết nào đó của bản thân? Và sư phụ của quý vị có tạo điều kiện, hướng dẫn quý vị tự học, - nếu việc đó không gắn liền với nhiệm vụ ở trường lớp, gắn liền với thi cử?

Trong thế giới mà kinh tế không tương xướng với sự gia tăng dân số và sự hưởng thụ xa hoa của một bộ phận giàu có, quyền thế tham lam, thì sự học chủ yếu vẫn là nhằm trang bị cho mỗi cá nhân cái năng lực tranh sống và cầu danh; nói như người xưa: “tranh danh đoạt lợi”. Tình người ngày càng mờ nhạt, đạo đức ngày càng suy vi! --- Tôi đã rất xúc động và chua xót khi đọc mấy dòng sau đây:

“Trong cái xã hội hiện nay chúng ta buộc phải sống, xã hội xây dựng trên sự đối kháng giai cấp và sự thống trị giai cấp, khả năng có được những tình cảm thuần túy con người trong quan hệ của chúng ta đối với đồng loại vốn đã không còn được bao nhiêu nữa rồi, vậy chúng ta không có chút lý do nào để làm cho khả năng đó càng giảm bớt đi hơn nữa, bằng cách nâng những tình cảm ấy lên địa vị của một tôn giáo”, -- đó là lời của Ăng-ghen. (1)

Thử nghĩ, làm sao “có được những tình cảm thuần túy con người trong mối quan hệ với đồng loại” khi mà hố ngăn cách giữa giàu và nghèo ngày càng sâu rộng; và cái tâm lý ham danh, ham lợi, ham quyền lực, ham hưởng thụ là phổ cập. Người xưa từng nói: “Hai người cùng lo một việc thường thương yêu nhau, hai người cùng ham thích một việc thường ganh ghét nhau.”

Xét cho cùng, chỉ có người xuất gia tu hành chân chính, và ai thật sự trọng nghĩa khinh tài mới mong giữ được tình người. Nhưng biết thế nào là tình người thuần túy chẳng phải dễ, -- phải học, phải quán, và bản thân phải tự chứng nghiệm.

Đâu phải chỉ tìm hiểu, quan sát đối tượng bên ngoài, - như học toán, học sinh ngữ, học giáo lý v.v… mới gọi là học. Trong đạo Phật có từ ngữ “tự quán chiếu, - 自 觀 照”, Nho giáo có câu “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân, - 吾 日 三 省 吾 身, - mỗi ngày tôi tự phản tỉnh ba điều về mình”, triết gia Socrates khuyên “Hãy tự biết mình”, trong Tâm Lý Học cổ điển, phương pháp nghiên cứu ý thức quan trọng nhất là phương pháp “nội quan – introspection”.

Có một sự kiện đáng làm cho ta suy gẫm: Trong đại hội tôn giáo hoàn cầu tổ chức tại Chicago - Mỹ, năm 1993, người ta có trình chiếu cuốn phim “Lời cảnh báo của bậc Huynh Trưởng, - Elder Brother’s Warning”, do đoàn phóng viên đài BBC thực hiện, nói về đời sống của dân Kogi, một bộ lạc thiểu số tại Nam Mỹ, sống rất hạnh phúc, nhưng cách ly với thế giới văn minh vật chất của hành tinh này.

Sau đây là đoạn trích bài thuyết trình của ký giả Alan Ereira:
“Cách giáo dục thanh niên tại đây cũng hết sức lạ lùng, có một không hai. Khi được khoảng 20 tuổi, thanh niên được gởi đến học hỏi với các bậc trưởng lão trong những túp lều đơn sơ hay một hang đá. Tại đây, họ sẽ được tập ngồi yên, quay mặt vào vách tường trong bảy đến chín năm liền. Họ chỉ nhai một ít lá cây, uống một chút nước và chú tâm suy gẫm về những điều được giảng dạy. Mỗi ngày vào giờ giấc nhất định, các bậc trưởng lão có nhiệm vụ hướng dẫn sẽ bước vào trao cho họ một đề tài chi đó để suy gẫm.” – Tôi cho rằng đó là sự tự học chân chính nhất.

Sự tự học gắn liền với bản chất của con người, do vậy mà nó mang tính nhân bản sâu sắc. Sống ở đời, nếu không có ai dạy cho, con người cũng phải tự học mới có thể ứng xử tình huống một cách thích đáng.

Xét theo quan điểm tâm lý học và đạo đức học tôi nhận thấy rằng:

* Người thích tự học thường có lối sống theo lý tính hơn là sống theo cảm tính vốn thường gắn liền với các bản năng; họ nhận ra được cái giá trị của đời sống tinh thần, và mặc nhiên khẳng định sự hiện hữu độc đáo của mình. Nhà triết học kiêm toán học Pháp Descartes nói: “Dubito ergo cogito, cogito ergo sum, - Tôi hoài nghi nghĩa là tôi tư duy; tôi tư duy nghĩa là tôi hiện hữu”. Ta cũng có thể phát biểu na ná: “Tôi tự học nghĩa là tôi tư duy; tôi tư duy nghĩa là tôi hiện hữu”.

* Người tự học thường có niềm vui trí tuệ nội tại;như Khổng Tử nhận định: “Trí giả lạc, nhân giả thọ, -知(智) 者 樂, 仁 者 壽, -Người trí thì vui, người nhân từ thì sống lâu, (sống lâu có lẽ nhờ không bị stress)”. Đây là niềm vui lẫn tự hào vì dù muốn dù không nó cũng mang ý nghĩa “vô sư trí, 無 師 智” thế gian.

* Ai có khả năng tự học thường tự tin, tri túc và tự trọng. Thi hào Pháp thế kỷ XIX, Alfred de Musset nói một câu đầy ý vị:
“Cái ly của tôi không lớn, nhưng tôi uống bằng cái ly của tôi.-
Mon verre n’est pas grand, mais je bois dans mon verre”.

* Người tự học vì nhu cầu trí tuệ biết tự đánh giá mình nên tự chủ, dễ nhận ra rằng ‘càng học càng thấy mình dốt’ cho nên thường khiêm tốn.

Socrates, triết gia thời cổ đại, được phương Tây kính trọng như người Á Đông kính trọng Khổng Tử. Học giả Trung Hoa Lương Khải Siêu kể rằng, tại Nhật Bản, trong đền thờ các bậc Thánh Triết của nhân loại, người ta thờ trên hết là Thích Ca, kế đến là Khổng Tử, kế đến là Socrates, - người đã nói câu nói bất hủ: “Tất cả những gì tôi biết, ấy là tôi không biết gì hết – All I know is that I know nothing.” Về câu danh ngôn này, hồi còn là học sinh – sinh viên, tôi từng phân vân và cho rằng Socrates quá khiêm tốn, bậc như ông mà nói “không biết gì hết”, thật là khó hiểu; thiếu thành thực chăng, hay là như người đời nói “quá khiêm tốn cũng là một cách tự cao”?

Về sau tôi tìm hiểu Phật Pháp, hiểu được ý nghĩa của từ ngữ “Chánh biến tri- 正 遍 知”, - chỉ cái biết tận cùng rốt ráo của đức Phật:

Vũ Trụ Càn Khôn không có chỗ nào không soi sáng tận cùng;
Sắc Không Tướng Tánh không có gì không biết rốt ráo như thị.
宇 宙 乾 坤 莫 非 盡 照 , 色 空 相 性 無 不 了 然
Vũ Trụ Càn Khôn mạc phi tận chiếu;
Sắc Không Tướng Tánh vô bất liễu nhiên.

Và nhờ vậy mà tôi không còn thắc mắc về sự khiêm tốn chân thành của Socrates “Biết thì nói mình biết, không biết nói mình không biết, - Tri vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giả, - 知 為 知 之, 不 知 為 不 知, 是 知 者”, - nên càng kính phục ông.

Nhà bác học Anh Isaac Newton vĩ đại như thế, - trong từ điển Larousse Pháp ghi: “Ông đã trở thành bất tử nhờ khám phá ra các định luật hấp dẫn của vũ trụ và sự phân tích ánh sáng”, vậy mà tri thức vật lý vũ trụ của ông -- từng được xem là đỉnh cao nhất của tri thức khoa học – đã phải nhường chỗ cho “Thuyết tương đối” của Albert Einstein. Và Einstein còn vĩ đại hơn nữa mà cho đến khi chết vẫn chưa hoàn thành Lý Thuyết Đại Thống Nhất – Grand Unification Theory, - tức lý thuyết thống nhất các quy luật vật lý điều khiển toàn thể vũ trụ.

Các nhà khoa học hiện đại đang cố gắng thực hiện ý tưởng này của Einstein. Vậy thì xin hỏi có nhà tư tưởng nào, nhà triết học nào – mà triết học vốn dựa vào những thành tựu của các khoa học cụ thể, nhiều khi chỗ dựa đó chủ yếu là những thành tựu của Vật Lý Học – dám áp đặt tri kiến của mình lên nhân loại? Giả sử có người làm như vậy, liệu chúng ta có nhắm mắt tin theo? -- hay cho là ‘đại chủ quan’.

Tự học để tự “giải ngu”, “giải hoặc” ngõ hầu khỏi bị người mê hoặc và không mê hoặc người, - “Trí giả bất hoặc, - 知 (智) 者 不 惑”. Nhưng chúng ta không nhầm lẫn Trí Tuệ Bát Nhã trong phương châm “Duy tuệ thị nghiệp, - 惟 慧 是 業” với “Thế trí biện thông, - 世 智 辯 通” của một số nhà khoa bảng, giảng sư, giáo thọ v.v… Lại càng không nên nhầm lẫn với cái kiến thức thông tin dữ kiện mênh mông như biển trên mạng internet, - mà máy tính có thể tích lũy nhiều hơn bộ óc con người; và robot thông minh có thể ứng dụng nó rất hiệu quả, có khi còn chính xác hơn con người.

Mọi tri thức từ ngoài vào phải được tinh lọc.
Nếu không có khả năng tự tu, tự học, tự quán chiếu thì làm sao biết tinh lọc?

Nguyên tắc sư phạm “thầy chủ đạo, trò chủ động” được xem là tiên tiến, đang được áp dụng trong dạy và học hiện nay, đã được Khổng Tử dùng cách đây trên 2000 năm. Khổng tử nói: “Kẻ nào không phấn phát tìm hiểu thì ta không giảng cho, không rán lên để phát biểu ý kiến thì ta không khai phát cho, ta nêu ra một góc cạnh (của vấn đề) mà không tự suy nghĩ tìm ra ba góc kia, thì ta không dạy cho nữa.” (Bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát, cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã - Luận Ngữ, - 不 憤 不 啟, 不 悱 不 發, 舉 一 隅 不 以 三 隅 反, 則 不 復 也 – 論 語).

Đồng thời với Khổng Tử, ở phương Tây có triết gia Socrates cho rằng trong mỗi con người vốn có sẵn ý tưởng. Dạy không phải là đưa ý tưởng từ nơi mình sang người khác. Ông tự nhận là đã dùng phương pháp “đỡ đẻ” của “bà mụ”, giúp cho đứa con sẵn có trong lòng mẹ sinh ra. Khi dạy ai, ông đi từ câu hỏi này sang câu hỏi khác, kích thích người ta suy nghĩ và trả lời, cuối cùng người học hiểu ra bài học. Tương truyền, bằng lối dạy này, Socrates đã giúp cho một học sinh tự mình chứng minh được một bài toán hình học sơ cấp.

Thi sĩ Térence thời cổ đại có một câu bất hủ: “Tôi là người, tất cả những gì thuộc về con người không phải là không quan hệ đến tôi” Nguyên tiếng La Tinh là: “Homo sum, et humani nihil a me alienum puto”.

Tôi suy niệm, nếu có một vị Phật hay vị Bồ-tát từ cõi trời nào đó hóa thân làm người để cứu độ chúng sinh, Ngài hẳn mang trái tim người còn nhạy cảm hơn tim người của chúng ta hiện nay, - vì sao? – Vì chúng ta đang dần dần trở nên “vô cảm”, mà vô cảm thì không thể ứng. Không cảm ứng thì dù có linh cách mấy cũng không cứu được. Trong kinh Lăng Nghiêm có ghi chép: Đức Bồ-tát Quán Thế Âm bạch Phật rằng: “ Nếu có A-tu-la muốn thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân A-tu-la, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho họ được thành tựu.” -- Nếu A-tu-la không thành tâm cầu giải thoát, thì Bồ-tát đâu ứng hiện để cứu độ!

Tôi hay dùng một phương cách giản dị để theo dõi, đánh giá lòng từ bi của mình, và khi thật sự nhận ra, bao lần tôi cảm thấy lo buồn vì thấy lòng từ bi của mình đáng liệt vào hạng gần bét!

Số là có một câu triết lý tôi biết từ hồi còn trẻ, tôi cho rằng rất hay và vận dụng, câu đó là: “Về sự biểu hiện lòng nhân ái, tình cảm đầu tiên là quý nhất.” Chúng ta thường nói về từ bi, bác ái, đó là điều tốt, nhưng cái căn bản nhất là “cảm ứng tự nhiên ngay từ ban đầu”ta có không? -- Trước một nỗi khổ đau cực độ của người khác, nếu không phải là cha mẹ, bà con ruột thịt, bạn bè chí thân, sư phụ hoặc huynh đệ mình … thì lòng thương xót, lòng từ bi chỉ xuất hiện sau khi suy lý, dù sự suy lý chỉ can thiệp trong một vài sát-na. Mà hễ “chỉ thiên về tu lý thì trì trệ; chỉ thiên về tu trí thì không còn từ bi” (thiên tu lý tắc trệ tịch, thiên tu trí tắc vô bi, - 偏 修 理 則 滯 寂, 偏 修 智 則 無 悲). Tôi không thể tự biện minh bằng những câu như “mọi sự là vô thường”, “đó là do nghiệp báo” …, rằng tôi “biết chế ngự tình cảm”, “sống tự tại” v.v… Nhưng đồng thời tôi cũng không được nhầm lẫn “từ bi” với “bi lụy” hay với “tính đa cảm đa sầu”. Xin được ví von bằng hình tượng: trước một nỗi thống khổ của đồng loại, tim ta phải ‘nhói lên ngay’ như cơn địa chấn mà cường độ Richter chưa đến nỗi gây long trời lở đất hay sóng thần. Muốn được như vậy, ta phải thường xuyên tự phản tỉnh, tự quán chiếu về vấn đề này để nuôi dưỡng “lòng từ bi”.

Đức Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”.

Cái học của phàm nhân là cái học tiếp thu từ bên ngoài vào. Càng ngốn những thứ bên ngoài vào thì tâm hồn càng nặng trĩu tri kiến, - nói như câu thơ Huy Cận:
“Thân quá nặng nên hồn sa xuống thấp”.

Cái học để giải thoát là cái học phát huy từ bên trong ra, từ bản tâm chân như thanh tịnh hiển lộ ra thành một diệu hữu dưới dạng một con người, - một hiện thân Bồ-tát. Tự quán chiếu là tự học căn bản nhất.

Không biết mình thì làm sao biết người, giúp người? Ngôn ngữ Việt Nam có những từ ngữ như “cảm hóa”, “cảm động”, “tha thứ”, “xin bạn thông cảm cho tôi”, “tôi rất thông cảm bạn”, “xin hiểu cho hoàn cảnh của tôi”, “tôi rất hiểu hoàn cảnh của bạn” v.v… Một bên kêu gọi lòng từ bi, một bên phát ra lòng từ bi. Nếu hai vật thể không tương ứng thì làm sao mà cảm với thông. ---- Hồi nhỏ tôi cực kỳ sợ ma, bây giờ tôi vẫn còn sợ ma nhưng không cực kỳ. Cứ mỗi lần đi đêm ra ngoài là sợ đến gần loạn trí, hai tay bắt ấn (bây giờ tôi không còn nhớ đã bấm vào ngón tay nào), miệng niệm liên miên như máy: “Nam mô linh cảm Quan Thế Âm Bồ-tát”, hay “Nam mô cảm ứng Quan Thế Âm Bồ-tát”. Lúc bấy giờ tôi nghĩ, nếu niệm đủ “Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm Quan Thế Âm Bồ-tát” có lẽ linh nghiệm hơn, nhưng dài quá sợ niệm có khi lộn, (con nít mà), vả lại niệm không được nhiều lần. Lối suy nghĩ trẻ con đó, ngày nay người ta gọi là “lấy số lượng bù chất lượng”.

Xin thưa, sở dĩ tôi nhắc lại chuyện thời thơ ấu là để nhấn mạnh hai chữ linh cảm, cảm ứng.
Chữ “thứ - 恕” trong từ ngữ “tha thứ”, “dung thứ” gồm hai phần, phần trên chữ “như – 如” là giống như, phần dưới chữ “tâm – 心” là lòng; “tha thứ” có nghĩa là xem lòng mình như lòng người, xem người với mình như một, có như vậy mới thực sự hóa giải, bao dung được những gì người khác xúc phạm gây đau khổ cho mình; bằng không thì thái độ hay lời nói tha thứ chỉ là hình thức, - hoặc do tình thế bắt buộc, kiểu như nói “không tha thì sợ nó thù oán”, -- hoặc để được khen là rộng lượng.

Trên thế gian này, có tôn giáo nào? chủ thuyết nào? dạy cho loài người những lời đại trí đại bi, như đức Thế Tôn đã dạy chúng ta:

“Đừng tin điều gì
chỉ vì nghe người ta nói như thế

Đừng tin vào các truyền thống
chỉ vì chúng đã được lưu truyền qua nhiều đời

Đừng tin điều gì
chỉ vì đó là dư luận trong quần chúng

Đừng tin điều gì
chỉ vì thấy nó được ghi chép
trong kinh điển của tôn giáo mình

Đừng tin điều gì chỉ vì căn cứ vào uy tín
của các bậc thầy hay tiền bối của mình.

Nhưng sau khi quán sát và phân tích,
thấy điều gì phù hợp với lý trí
và đưa đến sự tốt lành,
đem lại lợi ích cho cá nhân và cho tất cả;
hãy chấp nhận điều đó và thực hành theo nó”.
- Kinh Tăng Nhất A Hàm – (2)


Kính lạy
Đấng Đại Từ Đại Bi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác

Ngài đã dạy chúng con “ Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Ngài đã chỉ cho chúng con biết hai thứ quý báu nhất trên đời là TRÍ TUỆ và TỰ DO.

Kính bạch Ngài, có những cộng đồng nhân loại đang sống tủi nhục vì mất tự do, hay sống trong cái tự do trên giấy tờ chữ nghĩa; đang quằn quại trong cảnh thịt rơi máu đổ vì các tà thuyết vô minh. Chúng con xin nguyện tinh tấn tu học, nỗ lực “tự tu, tự học, tự giác”, ngõ hầu có thể giúp tha nhân cùng giác ngộ.

Nguyện cầu hành tinh động loạn tràn ngập khổ đau này sớm trở thành một thế giới hạnh phúc an lành: MỘT PHÁP GIỚI DIỆU HỮU TRANG NGHIÊM THANH TỊNH.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Giáo sư Phạm Phú Thành

Chú thích:
(1) Chủ nghĩa Mác-Lênin, “Cơ sở phương pháp luận của Tâm Lý Học” do Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Viện triết học ấn hành 1977, trang 162.
(2) Dịch từ The Anguttara Nikaya:
“Do not believe in anything
simply because you have heard it.

Do not believe in traditions
because they have been handed down
for many generations.

Do not believe in anything
because it is spoken and rumored by many.

Do not believe in anything
simply because it is found written in your religious books.

Do not believe in anything merely on
the authority of your teachers and elders.

But after observation and analysis,
when you find that anything
agrees with reason
and is conducive to the good
and benefit of one and all,
then accept it and live up to it.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage