Phật Học Online

Năm giới cấm căn bản của Phật tử tại gia
Admin

Năm giới cấm là những điều đạo đức căn bản ban đầu của người Phật tử tại gia, là bước khởi đầu khi phát tâm thọ trì Tam Quy và cũng là đặt những dấu chân căn bản đầu tiên trên con đường học Phật và tìm cầu giải thoát. Người hành trì năm giới sẽ đem lại lợi lạc cho chính mình cũng như gia đình và xã hội.

Giới Thứ Nhất: - Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, người Phật tử học theo hạnh đại bi của chư Phật để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Phật tử không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của mình.

Giới Thứ Hai: - Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, người Phật tử học theo hạnh đại từ của chư Phật để đem lại niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia xẻ thời giờ, năng lực và tài vật của mình với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Người Phật tử không lấy làm tư hữu cho mình bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Người Phật tử nên tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, và nên ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của người khác và của muôn loại.

Giới Thứ Ba: - Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, người Phật tử học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Cư sĩ tại gia không nên ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng. Phải ý thức được rằng những hành động bất chính sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính mình. Cư sĩ tại gia muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Người Phật tử tại gia làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.

Giới Thứ Tư: - Ý thức được những khổ đau đo lời nói thiếu chánh niệm gây ra, Phật tử tại gia học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho đời và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, Phật tử tại gia chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Phật tử tại gia không nên nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Phật tử tại gia không loan truyền những tin mà mình không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều mình không biết chắc chắn. Người Phật tử không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.

Giới Thứ Năm: -Ý thức được những khổ đau do việc sử dụng rượu, ma túy và độc tố gây ra, người Phật tử học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Phật tử tại gia chỉ nên tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm, và cho thân tâm gia đình và xã hội. Phật tử tại gia không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm từ truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh, internet, v.v. Người Phật tử nên biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Phật tử nên chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ, cho gia đình và cho xã hội. Phật tử nên biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage