A/ DẪN NHẬP :
"Hoa nghiêm suối ngọc thậm thâm
Vườn Nai vang dội Pháp âm buổi đầu
Linh sơn Diệu pháp vô cầu
Ta la biểu thị một mầu Pháp thân"
Thuyết pháp hay giảng pháp là hình thức sử dụng ngôn ngữ chuyển tải giáo pháp của Phật. Thông qua phương tiện ngôn ngữ giáo pháp sẽ thâm nhập vào tâm chúng sinh, vào tri thức của thính chúng, phát khởi tín tâm, khơi nguồn trí tuệ, tỏ ngộ chân lý, chứng quả giải thoát. Thế nên, khế kinh nói: “Đức Như Lai xuất hiện ở thế giới Ta bà, sự giáo hóa chân chính của cõi này là âm thanh và sự nghe thanh tịnh. Muốn thể nhập chánh định đều do sự nghe mà thể nhập” (Như Lai xuất Ta bà, thử phương chơn giáo thể, thanh tịnh tại âm văn, dục thủ Tam Ma Đề, thật tùng văn trung nhập). Nói khác hơn, Cổ đức nói : “Hoa thiền gió lộng tỏa ngàn phương, trăng sang năm xưa ngập dặm đường, hoa lòng đã nở từ thuở ấy, nương pháp âm về tận cố hương”.
Mặt khác, thuyết pháp hay pháp thuyết đều hàm ẩn 2 biểu từ của 1 vấn đề là trình bày giáo pháp Phật hay Pháp tánh. Hai biểu từ là : chủ ngữ và tân ngữ. Chủ ngữ, chính là Pháp sư, Giảng sư, tân ngữ chính là giáo pháp. Ngược lại, nếu là Pháp thuyết thì hiện tượng vật lý là chủ ngữ mà giáo pháp hàm ẩn hay được biểu thị chính là tân ngữ. Vì vậy dù ở phạm vi nào người hay vật cũng đều có một số quy định cơ bản, sự quy định ấy trong Kinh Bát Nhã gọi là : Các vị Bồ tát khi thuyết giảng Bát Nhã Ba-la-mật, không được điên đảo thuyết pháp, mà phải tuần tự thuyết pháp, không sai Thánh giáo. Thuyết pháp không điên đảo, tất nhiên phải theo 4 quy trình :
- Thuyết pháp về Giáo pháp
- Thuyết pháp về Lý pháp
- Thuyết pháp về Hành pháp
- Thuyết pháp về Quả pháp
Thế nên, Kinh Tâm Địa quán nói : "Bốn pháp Giáo, Lý, Hành, Quả như thế có khả năng, dẫn dắt chúng sanh thoát ly sanh tử, đến bờ giải thoát, 3 đời Chư phật, đều y cứ theo đây tu hành, đoạn trừ tất cả chướng ngại, chứng quả Bồ đề....".
B/ NỘI DUNG :
1/ Thuyết pháp về Giáo pháp (hình thức giáo lý):
Giáo pháp hay giáo lý, là hình thức chân lý được biểu hiện qua Pháp, hay giáo pháp. Giáo pháp ấy chính là ngôn nhữ, văn tự, được chuyển vận bằng 3 sự khởi động: Pháp tánh, Tâm tánh và Ngữ tánh. Qua đó, hình thức giáo lý chính là 12 phần giáo, (Khế kinh … luận nghị) hay 9 phần giáo (khế kinh …) hoặc 9 hình thức khế kinh là Hữu tình sự (5 uẩn), Thọ dụng sự (12 xứ), An trú sự (4 thức ăn), Sinh khởi sự (12 nhân duyên và duyên khởi); Nhiễm Tịnh sự (4 đế), Sai biệt sự (18 giới, vô lượng giới), Thuyết giả sự (Phật), Sở thuyết sự (Pháp), Chúng hội (Tăng).
Mặt khác, giáo pháp còn gọi là giáo pháp pháp thân. Chính giáo pháp này là thọ mạng của Phật Pháp, của Như Lai. Giáo pháp ấy được biểu hện qua 2 mặt, biểu tượng và tiềm ẩn.Như kinh A Hàm nói: “Như Lai ra đời thọ mạng quá ngắn. Nhục thân tuy mất, Pháp thân còn. Do đó Chánh pháp không mai một. Đấy là Pháp bảo nên kết tập”.
Cũng từ giáo pháp Pháp thân này, có thể hình thành Trí thân. Tại sao? Vì Pháp Phật là biểu tượng, là kết tinh trí tuệ của Phật. Do đó, một triết gia đã nói: “Trong Pháp thân Đức Phật đã bắt đầu. Cái gì đó sáng rỡ hơn muôn ngàn mặt trời. Chính là Trí tuệ tuyệt vời tiềm tàng trong Pháp bảo vô biên ấy”.
Từ đó suy ra, ngoài giáo pháp Pháp thân, Trí thân, còn có nghĩa là Pháp thân. Vì Pháp thân là nền tảng của các pháp, trong đó có giáo pháp. Nói khác đi, các pháp không vượt ngoài dòng chảy của Tâm pháp. Thế nên kinh Hoa Nghiêm nói: “Từ pháp giới Pháp thân, lưu xuất vô lượng từ ngữ, vô lượng nghĩa lý, vô lượng giáo pháp v.v…” Và cũng để xác lập thêm vấn đề, Ngài Huy Sơn Đại sư nói “Không một pháp nào không từ dòng chảy pháp giới mà phát xuất, cũng không có một pháp nào cuối cùng không trở về pháp giới ” (Vô bất tùng thử pháp giới lưu, diệc bất hoàn quy thử pháp giới).
Thế nên, có thể nói giáo pháp Phật được bao hàm một chữ Pháp, Pháp là quy luật đạo đức, là pháp vô lậu và hướng thượng, dù có phân chia như thế nào đi nữa thì vấn đề vẫn là một. Một nhưng là tất cả, tất cả nhưng là một. Do đó, Cổ Đức nói: “Kính lạy Pháp lời vàng cao cả. Bốn chín năm Phật đã chỉ bày. Ba thừa, Quyền, Thật không hai. Căn cơ thuần thục nói ngay nhất thừa”.
2/ Thuyết pháp về lý pháp (Ý nghĩa, nội dung, bản thể của hình thức giáo lý): Nếu vấn đề thứ nhất là giáo pháp được xem như hành thức giáo lý, là phần biểu tượng ngoại trương, thì phần lý pháp là nội dung, ý nghĩa, bản thể của Pháp. Do đó, Đức Phật dạy: “Các vị Bồ Tát không những biết khế kinh (hình thức giáo lý) mà còn phải biết nghĩa lý của khế kinh (nội dung, ý nghĩa) thì mới thành tựu phạm hạnh, làm lợi ích cho mình và người …”(Kinh Niết Bàn).Nói như thế cũng có nghĩa là phải biết giáo lý, ý nghĩa giáo lý, mới có đủ khả năng giảng kinh, thuyết pháp…
Thế nên lý pháp là ý nhĩa, là bản thể chân như là pháp thân hàm tàng trong các pháp hữu vi, vô vi v.v… bao gồm 7 vấn đề chính, nhưng bao quát tất cả như Kinh Giải Thâm Mật đề cập đó là :
1. Lưu chuyển chân như (12 nhân duyên, duyên khởi, 5 lớp duyên khởi).
2. Thật tướng chân như (Ngã không pháp không, loại trừ phân biệt, thấy rõ pháp duyên sinh).
3. Duy thức tánh chân như (Muôn pháp do thức, tâm sinh).
4. An lập chân như, kiến lập chân như (Khổ đế)
5. Tà hạnh chân như (Tập đế)
6. Thanh tịnh chân như (Diệt đế)
7. Chánh hạnh chân như (Đạo đế) (37 phẩm trợ đạo).
Từ 4 đến 7 hình thành 4 thứ bình đẳng đó là do Lưu chuyển chân như tà hạnh, an lập chân như, nên chúng sinh bình đẳng. Do Thật tướng và Duy thức tánh chân như mà các pháp bình đẳng. Do thanh tịnh chân như mà Bồ Đề bình đẳng. Do chánh hạnh chân như mà tu hành bình đẳng.
Và cũng từ 4 đến 7 mà hình thành 4 đế đại pháp: Sinh diệt Tứ đế. Vô sinh Tứ đế. Vô lượng Tứ đế. Vô tác Tứ đế (Kinh Niết Bàn). Và đại nguyện: Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ (khổ đế), Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn (tập đế), Pháp môn vô lượng thệ nguyện học (đạo đế), Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành (diệt đế) (Kinh Hoa Nghiêm – P. Phổ Hiền).
Tóm lại như Cổ Đức nói: “Bồ đề tâm tự thuở nào. Xưa nay thanh tịnh làu làu gương xưa. Muốn tu chứng đạo chân thừa. Bồ đề tâm nguyện sớm trưa tu trì”.
3/ Thuyết pháp về hành pháp (phương thức thực hành):
Hành pháp là phương thức tu tập theo giáo pháp sau khi đã tin và đã hiểu giáo pháp đó là Tín và Giải đã xong, theo sau là Hành và Chứng quả. Do đó, hành pháp bao hàm các pháp thực hành, nhưng không ngoài Tam học Giới Định Huệ hay Chỉ Quán tực Thiền định, hoặc Phúc đức và Trí tuệ tư lương. Như Luận Đại thừa Khởi Tín nói: “Tất cả chúng sinh đều có sẵn chân như, nhưng nếu suốt ngày chỉ ngồi nói chân như, thì không bao giờ chứng được chân như. Vì thế, do tu tập theo chân như nên chứng được chân như”.
Vấn đề cơ bản như sau :
Giới :
Không thực hành các điều ác
Thực hành các điều thiện
Ba Nghiệp thanh tịnh.
Định :
4 loại Thiền định, 3 môn tam muội (Không, vô tướng, vô tác), 4 môn tam muội (Từ, bi, hỷ, xả), Thập niệm (Niệm Phật, Pháp,Tăng, Giới, Thí, Thiên, Niết Bàn, Sổ tức, Thân,Tử),
c. Huệ :
Tứ Niệm xứ
Ngũ Đình Tâm quán
QuánTứ đế
12 nhân duyên
Quán 5 uẩn
Quán Tâm
Quán Pháp thân, pháp giới
Ví dụ: Như kinh Lăng Nghiêm nói : “Với Pháp tu thiền định này, thật là rất đặc thù. Đường dẫn đến Niết Bàn, của 10 phương chư Phật. Chỉ tu trong chốc lát, siêu việt bậc vô học (Thử A Tỳ Đạt Ma, Thập phương Bạc già phạm. Nhất lộ Niết Bàn Môn. Đàn chỉ siêu vô học)”.
3/ Thuyết pháp về Quả pháp (kết quả do tu tập theo Giáo pháp):
Kết quả của Giác ngộ, thành quả của giáo pháp không dành riêng cho ai, mà cho tất cả chúng sinh. Thế nên, Đức Phật đãtừng xác định “Quả vị vô thượng Bồ đề, đạo lý giác ngộ giải thoát, không bao giờ dành riêng cho Đức Như Lai, mà cho tất cả mọi người, nếu ai nổ lực tu tập theo giáo pháp (Kinh A Hàm” và càng sáng tỏ,ý nghĩa phổ quát hơn Đức Phật xác lập tiếp “Từ miệng Phật sinh ra. Từ Pháp Phật hóa sinh. Chứng được Pháp thân như Phật. Nên gió là Phật tử” (Kinh Tăng Nhất A Hàm, Pháp Hoa).
Do đó, vấn đề quả pháp được cô động như sau :
Vô vi :
Hư không vô vi
Trạch diệt vô vi
Phi trạch diệt vô vi
Bất động diệt vô vi
Thọ tưởng diệt vô vi
Chân như vô vi
Niết Bàn :
Tự tánh thanh tịnh Niết bàn
Vô trụ xứ Niết bàn
Hữu dư y Niết bàn
Vô dư y Niết bàn
Trí tuệ :
Bồ đề
Phật tánh
Tri kiến Phật
Viên giác tánh
Thật trí v.v…
Tóm lại, theo tinh thần Pháp vô biệt và loại vô biệt chân như, thì kết quả của giáo pháp không khác, khác chăng là do chúng sinh phân biệt và trình độ cảm nhận của từng thành phần. Do đó, Đức Phật dạy : “Tam thừa Thánh quả đều vào Vô dư Niết bàn” (Kinh Hoa Nghiêm).
Nói khác đi: “Giáo pháp của Ta nói, thì bình đẳng nhất vị, không có cao thấp, nhưng qua giáo pháp ấy, có người nghe và tu chứng đến bậc Thánh, và cũng có người nghe và tu chứng đến bậc Hiền ” (Kinh Kim Cang).
KẾT LUẬN :
Thuyết pháp hay giảng pháp là một nghệ thuật, cũng là một quy trình và quy trình ấy được định hình theo Giáo pháp. Tại sao? Vì thế nếu không theo một quy trình nào thì nó sẽ trở thành điên đảo thuyết pháp và sai Thánh giáo. Thế nên Đức Phật xác định: “Đối với giáo pháp phải tin, nghĩa lý thì phải hiểu, chánh pháp thì phải tu, chân lý thì phải chứng” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Nói cách khác phải đầy đủ 16 tâm như Kinh Đại thừa Thiện Sanh đã đề cập :
1. Nói pháp hợp thời
2. Nói thành tâm
3. Nói thứ lớp
4. Nói hòa hợp
5. Nói tùy theo nghĩa
6. Nói một cách say sưa
7. Nói tùy ý
8. Nói không khinh thính chúng
9. Nói không trách đại chúng
10. Nóí đúng chánh pháp
11. Nói lợi mình lợi người
12. Nói không lộn xộn
13.Nói đúng nghĩa lý
14. Nói chân thật
15. Nói rồi không kiêu mãn
16. Nói rồi không mong đền ơn.
và đầy đủ 8 trí :
1. Trí biết pháp
2. Trí biết nghĩa
3. Trí biết thời tiết nhân duyên
4. Trí viết đủ
5. Trí biết mình biết người
6. Trí biết đại chúng
7. Trí biết trình độ đại chúng
8. Trí biết trình độ cao hay thấp.
(Kính Ưu Bà Tắc Giới)
Tóm lại, ở mặt phổ quát hay cá biệt, thì vấn để thuyết pháp hay giảng pháp đều thống nhất theo một quy trình nhất định về: Trình bày giáo pháp, chỉ rõ nghĩa lý, hướng dẫn tu tập và định hướng kết quả. Như Đức Phật dạy: “Tông thông thuyết cũng thông, Duyên tự tướng để nói pháp, khéo nói khéo phân biệt, không chạy theo vọng tưởng” (Kinh Lăng Già). /.