Phật Học Online

Hoằng pháp với đồng bào dân tộc Mường & Ê Đê
Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang Thích nữ Khánh Đức

1. Đặt vấn đề:

Phật giáo là có một nền giáo dục, nền giáo dục đó đđược chứa đựng trong ba Tạng kinh điển, nền giáo dục Phật giáo cụ thể từ tư tưởng, mục tiêu đến phương pháp giáo dục. Đó những giá trị tư tưởng đặc sắc trong nền giáo dục Phật giáo, nền văn hóa ấy đã len lỏi vào những vùng Tây Nguyên xa xôi được thể hiện trong các công tác Phật sự ở vùng Tây Nguyên.

Trước hết, muốn đi vào nội dung chính của công tác giáo dục Phật giáo ở vùng Tây Nguyên thì chúng ta cũng nên khái quát sơ qua về phong tục tập quán đặc thù tiêu biểu của địa phương có những nét thuận lợi, khó khăn trong việc hoằng pháp tại nơi đây.

Việt Nam có tất cả 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm 90% dân số cả nước, còn lại 10% là 53 dân tộc thiểu số sống rải rác trên khắp mọi miền đất nươc. Daklak là vùng đất Tây Nguyên tập trung người dân tộc bản xứ là Êđê, bên cạnh đó còn có Mường, M’Nông, Tày, Nùng, Giao, Thái…  vấn đề tâm linh mỗi dân tộc nhìn chung là xoay quanh vấn đề thờ cúng theo phong tục, tập quán với tín ngưỡng thờ thần là chính. Người dân tộc thiểu số họ sống rất gần gũi với thiên nhiên. Đối với người Tây Nguyên – Rừng không chỉ là tài nguyên, không chỉ là môi trường sinh thái, mà rừng còn là bản sắc văn hoá thiêng liêng cao quý đối với người Tây Nguyên và nó đã ăn sâu vào trong tâm hồn của ho. Do đó đến với Tây Nguyên nhà sàn hay nhà rông là biểu tượng văn hoá đặc thù của Tây Nguyên. Họ xem rừng là một sinh vật sống thiêng liêng có đầy đủ cảm xúc, vui mừng, đau khổ, không chỉ riêng rừng mà tất cả những gì thuộc về thiên nhiên họ đều coi trọng. Một khi họ trồng được cây gì hay vụ mùa thu hoạch họ đều làm lễ ăn mừng, tạ ơn thần đã ban bố cho họ những thành quả như vậy. Chính vì thế mà thiên nhiên là nguồn cội tâm linh, cội nguồn của bản sắc văn hóa, do đó vấn đề đưa đạo Phật vào Tây Nguyên nếu như chúng ta không cùng sống, cùng ăn, cùng thở… với thiên nhiên núi rừng cùng với họ thì chúng ta khó có thể đi sâu vào lĩnh địa tâm linh của người dân tộc Tây Nguyên được. Trong phạm vi đề tài tham luận này người viết chỉ muốn đề cập đến một lĩnh vực nhỏ trong vấn đề giáo dục Phật giáo thông qua công tác hoằng pháp tại vùng Tây Nguyên đối với đồng bào Mường và Êđê.

2. Nền giáo dục Phật giáo qua lăng kính giáo dục tâm linh:

Trước hết chúng ta biết rằng tư tưởng giáo dục Phật giáo phải tùy theo trình độ và đối tượng tiếp nhận giáo dục. Ở nay, sự giáo dục ấy lại phải bắt đầu từ niềm tin tuyệt đối trong lĩnh vực tâm linh cúng tế.

Tỉnh Daklak của chúng con với đặc thù là dân tộc bản xứ Êđê, còn có Mường, Thái, Giao, M’Nông mà thủ tục thờ cúng thì rất đơn giản, nhưng vấn đề ma chay của họ rất rườm rà. Đối với họ chết nghĩa là hết và không còn tái sanh nữa do đó họ coi người chết như là một lần ra đi không bao giờ trở lại. Bởi vậy, họ thực hiện các thủ tục chia của như là một thành viên trong gia đình và những thứ vật dụng đó được chôn theo trong nhà mồ. Bên cạnh đó, ma chay của họ có một lễ nghi rất rườm rà, giết hại rất nhiều sinh vật để cúng te và hình thức gọi hồn do các thầy cúng thực hiện, xem đó là yếu tố cần thiết để được lên với “Giàng”. Đó là biểu tượng thần linh mà họ tôn thờ, như thế giáo lý từ bi không sát hại chúng sanh dù là con vật nhỏ bé nhất cho đến con vật lớn nhất rất khó có thể áp dụng ngay được đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, muốn đưa đạo Phật thâm nhập vào họ thì phải đi từng bước chứ không giống như những người Phật tử dân tộc Kinh thuần tuý. Trong khi đó nền giáo dục Phật giáo trước tiên phải nói là nền giáo dục lấy con người làm đối tượng và cứu cánh cũng ở con người. Bên cạnh đó, các nhà giáo dục xưa nay khi đề cập đến phương pháp giáo dục, thường quan tâm ba lĩnh vực như là:

1. Phương pháp soạn thảo chương trình.

2. Phương pháp tổ chức học đường và các tiện ích giáo dục.

3. Phương pháp giảng huấn và học tập.

Một nhà giáo dục của ta ngày xưa đã từng tuyên bố: “ Học như nghịch thuỷ hành chu, phi tiến tắc thoái” , nghĩa là việc học như người đi thuyền trên dòng nước ngược không tiến ắt sẽ thoái lui. Như thế thì chắc chắn sẽ không có một phương pháp giáo dục nào gọi là tối ưu có thể áp dụng cho tất cả mọi người, mọi đối tượng ở khắp mọi nơi và tồn tại mãi mãi.

Đối với đồng bào dân tộc, cuộc sống của họ gắn liền với các lễ hội, nào là lễ hội đâm trâu, lễ hội lúa mới…. Bên cạnh những phong tục tập quán của từng dân tộc, ví dụ dân tộc Mường, từ ngày mồng 3 đến 15 tháng Giêng ÂL hàng năm là lễ hội cúng tế đầu năm cầu nguyện một năm bình an, sau khi cúng tế là có lễ hạ niêu. Nếu đạo Phật biết áp dụng dung hòa giữ đạo và đời thì chúng ta có thể áp dụng tín ngưỡng tâm linh của đồng bào để đưa họ vào tín ngưỡng Phật giáo, vì đầu năm ai cũng muốn mọi sự đều được an lành, khỏe mạnh, lễ đàn Dược Sư cầu an đầu năm là điều kiện tốt nhất gần gũi với tín ngưỡng cầu cúng thần linh mong được bình an. Điều này dễ dàng thu hút đồng bào qua việc cúng cầu an, dâng sao thay vì họ vào đình miểu và từ đó dần dần hướng họ đến với đạo Phật một cách dễ dàng thông qua nghi thức cầu cúng, lễ bái. “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, đó là phương châm của những ai làm công tác hoằng pháp, nhưng đường đến giải thoát thông qua nhiều con đường nhỏ, có thể bằng sự chia sẽ cảm thông những khó khăn về vật chất, đôi khi cũng từ nghi thức lễ nghi cúng bái trong những dịp tang ma, hiếu sự, chính những dịp này là cơ hội để chúng ta giáo hóa đạo lý làm người, đạo hiếu thông qua lời kinh, tiếng kệ để xoa dịu nỗi đau mất mát người thân và cũng từ tấm lòng muốn làm điều gì đó cho người thân mình khi chết được thanh thản vì thế mà cơ hội đến chùa cầu siêu cho người thân xuất phát từ đó. Những lúc như thế mỗi một vị Tăng Ni trụ trì chính là một vị hoằng pháp tốt nhất để đưa giáo lý đức Phật đến với đồng bào dân tộc thông qua thuyết nhân quả, nghiệp báo, luân hồi.

Bên cạnh đó, đạo Phật rất gần gũi với đạo thờ cúng tổ tiên do đó dễ dàng tiếp cận với đồng bào đây là điểm thuận tiện vì đồng bào dân tộc rất chú trọng việc lễ nghi cúng bái, nhưng như thế chỉ mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải đòi hỏi thêm nhiều yếu tố khác nữa.

Thật vậy, đối với một tỉnh Tây Nguyên như Daklak bao gồm nhiều sắc thái dân tộc thiểu số và tư tưởng phong tục, vậy công tác hoằng pháp của Tăng Ni và Phật tử là một điều hết sức nan giải. Bên cạnh đó đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đa phần rất khó khăn về vật chất, ý thức tinh thần thì còn nông cạn, vì vậy trách nhiệm hoằng pháp của chúng ta phải đặt điều gì làm đầu?

3. Phương pháp hoằng pháp đối với đồng bào dân tộc:

Trước hết, chúng ta cũng thường nghe câu dân gian truyền miệng: “Có thực mới vực được đạo”. Theo bản thân chúng con là người tiếp cận với đồng bào dân tộc Mường và Ê Đê, thì rõ ràng điều này phải là vấn đề cần được quan tâm, bởi vì khi họ chưa đến chùa, chưa am hiều Phật pháp đăc biệt khi đời sống của họ còn quá thiếu thốn thì không thể nào chúng ta nói niệm Phật, tụng kinh, tham thiền với họ được. Do đó, trước tiên công tác hoằng pháp ở các tỉnh Tây Nguyên phải luôn được sự hỗ trợ của Ban từ thiện bằng cách ủy lạo từ thiện phát quà xe lăn cho người tàn tật, xe đạp, học bổng cho những em hiếu học, quà tặng cứu trợ v.v….

-  Phương pháp thứ nhất: Hoằng pháp kết hợp với từ thiện.

-  Phương pháp thứ hai: Vì đa phần đồng bào dân tộc chưa thể hiểu hết các thuật ngữ Phật học cũng như những âm từ Hán Việt trong kinh điển do đó Ban Hoằng pháp trung ương đặc biệt là tiểu ban phụ trách dân tộc thiểu số phải soạn thảo một nghi thức Việt hóa hoàn toàn và đơn giản dành riêng cho người dân tộc nói chung cho cả các vùng Tây nguyên bởi vì Phật dạy: “Không có có loại ngôn ngữ nào có thể khiến cho người bản xứ có thể hiểu thấu lời Phật dạy bằng chính ngôn ngữ của địa phương nước đó”. Bên cạnh đó các tỉnh Tây nguyên Ban hoằng pháp các tỉnh thành cần mở lớp đào tạo dạy các thứ tiếng dân tộc cho Tăng Ni, Phật tử để dễ dàng tiếp cận giáo hóa đồng bào dân tộc.

- Phương pháp thứ ba: Chúng ta dùng pháp môn lợi hành và đồng sự trong “Tứ nhiếp pháp” để tiếp cận sinh hoạt, tìm hiểu đời sống của đồng bào, phong tục tập quán của họ có những gì gần giống với Phật giáo thì chúng ta phát huy, những gì còn mang nặng tập tục cổ hủ đặc biệt không đem lại lợi ích đạo đức, giáo dục tâm linh thì chúng ta tìm cách hóa giải, muốn được như vậy mỗi một thành viên của ban hoằng pháp phải có chí nguyện hòa mình vào cộng đồng người dân tộc, đôi lúc có thể cùng ăn, cùng làm, cùng sinh hoạt… với họ thì mới có hiểu được tường tận cuộc sống của họ.

-  Phương pháp thứ tư: Công tác hoằng pháp còn phải kết hợp với việc xây dựng chùa văn hóa mang đậm nét dân tộc bản xứ. Ví dụ: Có thể chúng ta tìm cách xây dựng một ngôi chùa hay Niệm Phật đường ngay tại trong buôn mang dáng vẻ như một ngôi nhà rông, nhà sàn… bởi vì: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”. Muốn được như vậy Ban hoằng pháp cần được sự hổ trợ tuyệt đối của TW Giáo hội can thiệp đến các cấp chính quyền các tỉnh tây nguyên. Gần đây, chúng con có biết được một mô hình hoằng pháp của chùa Di Đà ở Huyện Dam B’ri thị xã Bảo Lộc, thầy trụ trì đã tiếp nhận các em khó khăn kinh tế không có điều kiện đi học, tạo điều kiện để các em được tiếp tục cắp sách đến trường và sau đó phát tâm đi xuất gia, chính những em này sau khi được đào tạo đầy đủ qua các trường lớp thế học và Phật học thì chính họ sẽ là người trực tiếp về giảng đạo cho đồng bào của mình thành công nhất.

3. Kết luận:

Trên đây chúng con chỉ xin mạo muội trình bày một số ý kiến thiển cận trong công tác hoằng pháp, truyền bá Phật pháp ở vùng Tây nguyên, đặc biệt tại trú xứ của chúng con có cả dân tộc Mường và Ê Đê. Tuy nói ra tưởng chừng như là đơn giản nhưng thực tế thì không dễ dàng được như vậy. Do đó chúng con muốn được làm tròn hạnh nguyện “ tác Như lai xứ, hành Như lai sự” thì cần được sự trợ duyên rất nhiều từ các ban ngành như: Ban từ thiện, Ban văn hóa, ban nghi lễ… bên cạnh đó cần có sự quan tâm tuyệt đối của TW giáo hội, các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện thì chúng con mới hoàn thành được sở nguyện hoằng pháp đối với các dân tộc. Vấn đề hoằng pháp đối với người Kinh thuần túy đủ mọi lứa tuổi là vấn đề nan giải, huống gì đối người dân tộc khi mà tất cả bị ngăn cách bởi nhiều khía cạnh như ngôn ngữ, phong tục tập quán, trình độ văn hóa, cũng như nếp sinh hoạt trong đời sống… với khả năng, tài trí, điều kiện và hoàn cảnh thực tế của chúng con còn rất nhiều hạn chế.

Vì địa phương chúng con gần gũi với dân tộc Mường, Eđê sinh sống, vì vậy việc phát triển Phật pháp trong khối cộng đồng người dân tộc là một niềm thao thức trăn trở của chúng con, muốn đem ánh sáng Phật pháp đến vùng đồng bào dân tộc bản xứ, bởi vì giáo đoàn của đức Thế Tôn không hề có sự phân biệt nào về chủng tộc, giai cấp, màu da cho nên đồng bào dân tộc cũng được dự phần vào ánh sáng Phật pháp để chuyển hóa nghiệp lực, thăng hoa đạo đức và bước đến con đường giải thoát giác ngộ, giải thoát luân hồi như bao nhiêu kiếp người khác./.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage