Phẩm I. PHẠM THIÊN THỈNH PHÁP
Chính tôi được nghe: Một thời Đức Phật ở nước Xá Vệ, tại đạo tràng Thiện Thắng. Cũng do lòng bi thiết cứu thế, hoằng pháp độ sinh, đã mất bao công gian khổ tu tập. Khi mới thành Phật, thấy vấn đề trên đối với tất cả chúng sinh khó, nên Ngài tự nghĩ rằng: "Tất cả chúng sinh mê tối thâm độc qúa, lòng dạ đảo điên, kiến thức hẹp hòi, chỉ mê theo những lối tà đạo, rất khó giáo hóa, ta có ở đời cũng vô ích, chi bằng ta vào cõi Vô Dư Niết Bàn là hơn".
Khi đó ông vua cõi trời Phạm Thiên biết Ngài tự nghĩ như vậy, liền từ trên trời bay xuống tận nơi, tới trước làm lễ, rồi qùy gối chắp tay cung kính thưa với Ngài rằng:
- Kính lạy Ðức Thế Tôn! Vừa đây con được biết ý niệm của Ngài, vì thấy chúng sinh điên đảo khó giáo hóa, nên Ngài muốn vào Niết Bàn, vậy con tới đây xin cầu thỉnh Ngài ở lại truyền Pháp cho đời, khiến ánh sáng chân lý lan tràn khắp cõi nhân gian thiên thượng muôn loài được thấm nhuần đức hóa, thoát qua khỏi luân hồi sinh tử trong sáu thú, đời đời được an vui tự tại nơi Phật Quốc. Kính xin Ngài hoan hỷ nhận lời thành kính cầu thỉnh của con.
Phật dạy: - Ông có lòng vì tất cả chúng sinh vậy cũng tốt, song tôi nhận thấy chúng sinh bị trần cấu che tối, say mê, tài sắc, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ, tham dục, sân si, lòng dạ đen tối không có chút trí tuệ gì, vì thế tôi có ở đời cũng chỉ luống công thôi! Nên tôi muốn vào Niết Bàn là một sự an vui hơn.
Ông lại thưa rằng: - Kính lạy Ðức Thế Tôn! Xin Ngài nhủ lòng thương đến con và tất cả chúng sinh trong cõi trời, cõi người, đương bị màn vô minh che tối, tìm ra không biết lối, ngày nay biển Pháp đã đầy, cờ Pháp đã dựng, thời đã tới, những chúng sinh có thể độ được, con xem số đó cũng khá đông nhiều. Vậy kính mong Ngài thi ân tế độ hoằng pháp lợi sinh.
Kính lạy Ngài! Con nhớ cách đây vô số kiếp, cũng vì lũ chúng con nên Ngài từng góp nhặt, một bài kệ, cho đến một câu đạo, đến nỗi quên mạng sống, bỏ cả vợ con yêu dấu, hy sinh vì Phật pháp, một cách rùng mình sởn gáy, tất cả không ai làm nổi, được những hạnh của Ngài đã thực hiện, giờ đây Ngài đã thành tựu trên công cuộc tầm đạo giải thoát, chúng sinh như những áng cỏ trên mặt đất bao la bị sương mù phủ đậy đã lâu năm đương ngóc ngó ánh thái dương phản chiếu, để biến thành những bông hoa tươi đẹp. Kính lạy Ngài, xin chớ bỏ lũ chúng con để vào Niết Bàn.
Con lại nhớ kiếp qúa khứ cách đây đã khá lâu xa có một ông vua tên là Tu Lâu Bà ở Châu Diêm Phù Đề, cai trị tám mươi bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám mươi ức Tụ Lạc, hai vạn bà Phu nhân và một vạn quan Đại thần.
Đối với thời ấy, phúc đức và thế lực của vua Tu Lâu Bà không ai bì kịp, nhân dân thuở đó đức vua, được an lạc thái bình, mưa hòa gió thuận, vui sướng vô cùng vô tận!
Một hôm vua tự nghĩ rằng: - "Đối với vật chất ta đã giúp dân được đầy đủ, nhưng về tinh thần giải thoát cho con người chưa có. Nếu con người chỉ sống theo vật chất, sống theo tình dục, tâm như gỗ đá, tâm như cát sỏi tha hồ cho bốn tướng sinh, già, bệnh, chết lôi quanh, thì không khác chi thú vật, ăn no nằm mát, phơi mình trên đám phân tro, cho qua ngày đoạn tháng. Nhưng lẽ đó là lỗi ở ta, ta có trách nhiệm tìm đường giải thoát cho họ".
Nghĩ thế rồi Ngài ra yết thị và báo cho thiên hạ biết rằng: "Nếu ai biết đạo giải thoát của Phật dạy nói cho ta hay, muốn dùng gì ta sẽ cung cấp cho đầy đủ".
Tuyên lệnh đã lâu, nhưng không thấy ai đến nói, nhà vua luôn luôn mong mỏi, và tâm ý lúc nào cũng không được vui!
Sau đó ông Tỳ Sa Môn, là một ông vua cõi trời Tứ Thiên Vương thấy vậy bèn đến thử Ngài như sau.
Ông biến hình làm một con qủi Dạ Xoa, mặt xanh lè, mắt đỏ như huyết, răng to như quả chuối măn, mọc chìa ra ngoài, tóc dựng ngược, mồm phun lửa đến cung vua giựt lấy bảng rồi nói: - Các ông vào báo cho nhà vua biết, tôi có Phật Pháp, nhà vua muốn nghe, tôi sẽ giảng cho.
Quan Môn Giám nhận lời, vào tâu vua rằng:
- Tâu bệ hạ ngoài thành có một người hình thể khá sợ, tự nói có Phật Pháp, và xin nói cho bệ hạ nghe, việc đó thế nào xin cho hạ thần được rõ?
Nhà vua nghe nói, vui vẻ đội mũ mặc áo chỉnh tề, tự ra đón tiếp mời vào chánh điệ? và nhường ngồi trên ngai vàng, thiết đãi một cách rất trọng hậu.
Sớm ngày mai nhà vua bày một tòa cao đẹp, trà nước xong xuôi, đánh trống ca nhạc rước Pháp sư thăng tòa thuyết pháp, Pháp sư lên tòa ngồi yên tĩnh. Lúc đó có đông đủ quan quân, dân chúng, nhà vua ra lễ bái Pháp sư, rồi quỳ xuống xin Pháp sư thuyết pháp.
Pháp sư nói:
- Học pháp rất khó, ông muôn được nghe không phải dễ.
Nhà vua thưa rằng: - Kính thưa Pháp sư! Thương đến chúng tôi là kẻ ngu si, việc nghe Pháp phải đúng lễ thế nào, xin cho chúng tôi được rõ.
Pháp sư nói: - Nếu nhà vua đem vợ yêu con quí cho ta ăn, thì ta sẽ nói cho nghe.
Nghe xong nhà vua vui vẻ thọ giáo, bái tạ lui ra trở về cung gọi vợ con nói:
- Tôi xin nói để các người hay: vợ chồng cha con, yêu nhau trong vòng sinh tử, ân ái có ngày biệt ly, tôi muốn tìm con đường giải thoát, cho tôi và lũ ngươi, vì thế tôi muốn đem thân mạng của lũ ngươi dâng Pháp sư để cầu thành Phật; ý thế nào cho tôi được rõ?
Nghe xong hoàng hậu và thái tử liền quỳ xuống, xin tuân lời chỉ giáo.
Được sự đồng ý rồi nhà vua liền đem vợ con dâng Pháp Sư. Pháp sư nhận rồi, ngồi trên tòa cao, giữa đám hội đông người nghiểm nhiên ngồi ăn, nháy mắt đã ăn hết, mọi người thấy thế đều lắc đầu, lè lưỡi, kinh sợ hãi hùng.
Khi đó quần thần, dân chúng, thấy nhà vua hành động như vậy, ai nấy đều không bằng lòng, và cho nhà vua qúa ư mê chấp. Song họ có biết đâu nhà vua làm những việc mà người đời không ai làm được. Họ như con ếch nằm trong đáy giếng, chưa bao giờ nhìn thấy biển Đông. Sự nhìn xa trông rộng không phải kẻ phàm ngu có thể so sánh.
Tiếp đến Pháp Sư đọc bài thơ như sau:
Nhất thiết hành vô thường.
Sinh giả giai thị khổ!