Khả năng nhìn sự vật dưới một
khía cạnh khác có thể giúp ích chúng ta rất nhiều. Tập thay đổi nhãn quan,
chúng ta có thể phát triển được cái tâm bình an ngay trong các nghịch cảnh mà
ta gặp phải. Ai cũng cần hiểu rằng mỗi sự việc có nhiều khía cạnh. Mọi sự đều
có một bản chất tương đối. Tỷ dụ như trường hợp của riêng tôi: Tôi mất quê
hương. Nhìn như thế thì rất thảm. Tệ hơn nữa, xứ tôi bị hủy hoại rất nhiều,
thật đáng buồn vô cùng. Nhưng khi nhìn chuyện này với một nhãn quan khác, tôi
nhận thấy sống đời lưu vong lại có nhiều điểm hay: Là dân tỵ nạn, tôi không cần
nhiều lễ nghi, hình thức, thủ tục gì mấy. Nếu mọi sự bình thường, thì nhiều lúc
bạn sẽ hành động như phải đóng kịch vậy. Nhưng trong tình trạng tuyệt vọng, thì
không cần gì phải giả vờ nữa. Dưới khía cạnh đó, thảm kịch là chuyện có ích cho
tôi. Cũng vậy, khi làm dân tỵ nạn, tôi có nhiều cơ hội để gặp gỡ thêm nhiều
người. Họ từ các tôn giáo hay xứ sở khác, từ những nẻo đường xa lạ, mà chắc tôi
không thể gặp nếu tôi còn sống trong xứ tôi. Theo nghĩa đó, thì sống lưu vong
lại là chuyện hay.
“Bình
thường khi có vấn đề, hình như cái nhìn của ta bị thu hẹp lại. Mọi chú tâm của
ta đều dồn vào nỗi khó khăn đó, và có thể ta sẽ có cảm tưởng rằng ta là người
duy nhất có vấn đề. Ðiều này khiến cho ta bị chìm đắm vào đó và các khó khăn
thành ra nặng nề. Trong trường hợp này, nếu bạn có thể thay đổi cách nhìn, thì
tôi nghĩ chuyện sẽ khá hơn. Chẳng hạn như bạn nhận ra là có nhiều người cũng
gặp cảnh khó khăn như mình, có khi còn tệ hơn nữa. Phép thay đổi cái nhìn cũng
có ích khi bạn bị bệnh hay đau đớn. Khi cơ thể bị đau, khó mà ngồi thiền, tĩnh
lặng được. Nếu bạn chỉ chăm chắm vào vấn đề của mình, thì bạn sẽ thấy nó càng
ngày càng lớn, và nặng nề hơn. Nhưng nếu bạn so sánh nó với một chuyện gì quan
trọng hơn, hoặc lùi ra xa mà nhìn nó, thì mỗi lúc bạn có thể thấy nó nhỏ hơn,
không còn quá tệ hại nữa.
Khi một
người làm cho bạn nổi giận, nếu bạn nhìn họ ở một góc độ khác, bạn chắc chắn sẽ
thấy người kia có nhiều điểm tích cực. Và chính vì họ làm cho bạn giận, mà bạn
có cơ hội để nhìn thấy những điểm tích cực này... Tuy nhiên, bạn cần kiên nhẫn
và nhìn dưới các khía cạnh khác một cách kỹ lưỡng. Không thể nhìn phiến diện mà
thấy được. Hãy quán chiếu về cái nhìn 100% tích cực hay 100% tiêu cực của chúng
ta về một người khác. Cái nhìn tuyệt đối đó không thực tế chút nào. Chẳng hạn
như một người mà bạn quý mến, một khi họ làm hại bạn trong một trường hợp nào
đó, thì bạn thấy ngay người đó không còn tốt 100% nữa. Hay người thù oán bạn,
một khi họ biết ăn năn, xin lỗi và cư xử tử tế thì bạn cũng không còn thấy họ
xấu 100%... Sự thực là không ai tốt hay xấu 100% hết. Trong người rất xấu, thế
nào bạn cũng tìm được điểm tốt của họ... Nói chung, khi gặp khó khăn, chúng ta
không dễ gì thay đổi cách nhìn, nếu như chúng ta không thực tập trước.
NHÌN KẺ
THÙ VỚI CON MẮT KHÁC?
Hãy xét
coi chúng ta thường có thái độ nào đối với người mà ta coi là chống đối ta? Dĩ
nhiên, thường thì chúng ta không muốn họ được may mắn, tốt đẹp chi cả. Nhưng khi
làm cho kẻ thù của bạn đau khổ, thì vì lý do gì mà bạn lại cảm thấy thấy sung
sướng? Nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ không thể hiểu vì sao mình lại tồi tệ đến thế.
Làm sao bạn lại có thể mang trong người các ý xấu xa như vậy được? Và sự thực,
bạn có muốn là người tệ hại như vậy chăng?
“Khi
chúng ta trả thù người nào, là ta đã tạo ra một cái vòng luẩn quẩn rồi. Khi bạn
tấn công, người kia sẽ không thể chấp nhận như vậy, cũng sẽ kiếm cách trả thù
bạn, và bạn lại kiếm cách trả đũa, và câu chuyện cứ như thế mà tiếp diễn. Nếu
chuyện thù hằn xảy ra cho cả một cộng đồng, thì mối thù đó có thể truyền từ đời
này qua đời kia. Kết quả: Cả hai phía đều đau khổ! Và mục tiêu của đời sống bị
hủy hoại. Bạn có thể thấy chuyện thù hận giữa các nhóm người trong một trại tỵ
nạn. Ngay từ khi còn bé thơ, trẻ đã thù hận nhau rồi! Thật rất đáng buồn! Thù
hận giống như một cái móc câu. Chúng ta nên rất cẩn thận để đừng bị mắc vào đó.
Ngày
nay, có người cho rằng lòng thù hận cao độ có ích cho quốc gia! Tôi nghĩ,
chuyện này thật là tiêu cực và thiển cận. Chống lại tư tưởng đó là tinh thần
bất bạo động và hiểu biết.
Trong
Phật pháp chúng tôi chú ý rất nhiều tới thái độ của mình đối với những người
đối nghịch hay kẻ thù. Lý do vì thù hận là trở ngại lớn nhất khiến cho lòng từ
bi và hạnh phúc không phát triển được. Khi bạn học hỏi để biết kiên nhẫn và bao
dung đối với kẻ thù, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn - lòng từ ái của bạn đối
với mọi người sẽ tuôn chảy tự nhiên.
Vậy thời
trong phép tu tập, kẻ thù có một vai trò rất quan trọng. Lòng từ bi là cốt tủy
của đời sống tâm linh, và muốn tiến bộ thực sự trong sự phát triển tình thương
và lòng từ bi, thì chúng ta phải thực tập kiên nhẫn và bao dung. Không có gì
quý hơn đức tính kiên nhẫn và cũng không có gì hại hơn lòng sân hận. Vì vậy,
chúng ta cần phải cố gắng hết sức để không giận ghét kẻ thù, mà coi đó la cơ
hội để ta tập tánh kiên nhẫn và bao dung.
Thật
vậy, kẻ thù là điều kiện cần thiết để ta thực tập tánh kiên nhẫn. Không có họ,
chúng ta không phát khởi được tánh kiên nhẫn và độ lượng. Bạn bè không giúp
chúng ta cơ hội như thế. Ta nên coi kẻ thù là các ông thầy tốt, và ta cần kính
trọng họ đã mang cho ta cơ hội.
Có rất
nhiều người trên thế giới. Nhưng chúng ta chỉ tiếp xúc với một số ít thôi, và
số người có thể gây khó khăn cho ta lại càng ít hơn. Vậy khi nào có cơ hội thực
tập kiên nhẫn và bao dung, ta nên có lòng biết ơn. Giống như bất ngờ tìm được
kho tàng trong nhà mình, ta nên vui vẻ và sung sướng, biết ơn kẻ thù đã tạo cho
ta hoàn cảnh tốt để thực tập. Vì khi bạn thành công, tập được tánh kiên nhẫn và
bao dung, thì bạn đã có những dụng cụ thiết yếu để vượt thắng được các cảm xúc
tiêu cực rồi. Ðó là cố gắng của bạn, mà cũng là cơ hội kẻ thù tạo ra cho bạn.
Dĩ nhiên
sẽ có người nghĩ “Vì sao tôi lại phải biết tới sự đóng góp của kẻ thù, vì họ đâu
có ý tốt giúp tôi tu tập đâu?” Không những không giúp, họ còn có ý hại tôi nữa.
Vậy nên, thù ghét họ là đúng, làm sao lại kính trọng họ được? Thực ra, tâm thức
sân hận của kẻ thù ta, ý muốn làm hại ta của người đó, mới là điều độc nhất vô
nhị, giúp ta có cơ hội thực tập tánh kiên nhẫn..