Phật Học Online

Am Mây Ngủ: Những bài học về sự giác ngộ
Nguyễn Minh

Đã từ lâu chúng ta vẫn biết đến Thích Nhất Hạnh như một thiền sư với đóng góp to lớn trong việc phát triển Phật giáo thiền tông trên phạm vi toàn thế giới. Vị thiền sư còn là một diễn giả danh tiếng về Phật học và các vấn đề văn hóa xã hội.

Ngót gần nửa thế kỷ qua, Thiền sư đã chia sẻ cùng Phật tử và công chúng khắp nơi những suy niệm Phật pháp cũng như về cuộc sống, con người, về giới trẻ… trong những tác phẩm văn xuôi đã nhiều lần được xuất bản trong và ngoài nước, có khi dưới dạng truyện dài, có khi là những bài bút ký, tản văn.

Am mây ngủ tập hợp một số tác phẩm truyện và ký đã được biết đến từ rất lâu, phần lớn kể chuyện tu tập của nhà sư trẻ trên con đường dẫn vào thiền môn. Với phạm vi đời sống như thế, những tưởng tác phẩm sẽ làm ngại lòng công chúng nào chưa am hiểu về Phật giáo.

Thế nhưng càng lắng mình vào từng câu chuyện nhỏ, độc giả càng như được gợi mở những trầm tư về con người, về đời sống hàng ngày ở góc nhìn giản dị nhất. ở đó ta thấy việc cố gắng tìm hiểu một pháp ý Phật học của một nhà sư cũng không khác gì việc lĩnh hội kiến thức như một sinh viên; chân lý tưởng chừng cao vời không thể nắm bắt hóa ra nằm ngay ở chính những suy niệm đơn giản, và sự thiền không chỉ những lúc ta ngồi tĩnh tâm trong một tư thế đầy học thuật mà còn trong từng sinh hoạt đời thường.

Nhân vật trong các câu chuyện phần lớn là các vị thiền sư trẻ tuổi và được tác giả giới thiệu như những con người rất đời, cũng có những tinh nghịch của tuổi trẻ. Đằng sau mỗi tình huống ấy lại là một bài học đáng chiêm nghiệm về sự giác ngộ, và đơn giản hơn là về xử sự với anh em, với chính bản thân trong quá trình học sống. Bởi lẽ  được tác giả gọi là ký, nên ta có thể hình dung đấy là hình ảnh của chính người viết trong những buổi đầu đến với Thiền.

Nằm ở cuối tập sách là hai tác phẩm có lẽ được công chúng biết đến nhiều nhất, đó là tản văn Bông hồng cài áo và truyện dài Am mây ngủ.

Bông hồng cài áo là cuộc nói chuyện giữa bậc đại đức với chúng ta về tình mẫu tử. Bài viết là một áng văn nổi tiếng với những câu chữ đã đi vào tâm trí của đông đảo độc giả từ hơn 30 năm về trước: Chiều nay khi đi học về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. […] Em sẽ hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” […] Mẹ có biết là con thương mẹ không?

Hay như Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi. Anh hãy sung sướng đi, câu nói đơn sơ mà hình như chưa bao giờ dễ thực hiện trong cuộc đời chúng ta, và mãi mãi là một khát khao trần thế. Bông hồng cài áo từ một bài văn đã trở thành ca khúc cùng tên nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mà chắc hẳn bạn chưa quên mỗi khi muốn hát về mẹ.

Chiếm vị trí đặc biệt trong tập sách là truyện dài Am mây ngủ. Bằng việc tiểu thuyết hóa cuộc đời của Huyền Trân công chúa trong cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị với Chế Mân, vua Chiêm Thành, tác giả đưa ta vào sự trầm tư về một giai đoạn lịch sử nhuốm màu huyền thoại.

Ở đây, ta gặp lại hình ảnh các thiền sư trong những nhân vật lịch sử Việt Nam: vua Trần Nhân Tông xuất gia quy ẩn rồi trở thành khởi phát của Phật giáo Thiền tông nước Việt, các phi tần của vua rồi cũng xuất gia tu hành, trước là để thờ vua, sau là để an phận cuộc đời sau tháng ngày nhung lụa.

Lồng trong bối cảnh thiền ấy là cả một thiên tình sử giữa Huyền Trân và vua Chế Mân, một cuộc tình “ngoại giao” ở buổi đầu, nhưng thâm trầm sâu sắc đến mức là vấn đề sống còn giữa hai con người mang khát vọng hòa bình, khát vọng yêu đương thuần khiết. Tiếc thay, người đời và cả triều đình nhà Trần không mấy ai nhìn thấy cái ẩn ý nhiệm màu ấy trong từng động thái chính trị của Trần Nhân Tông - giờ đã là Trúc Lâm đại sỹ.

Để rồi bao ước vọng hòa bình và cuộc tình lịch sử phút chốc vụt tan như mây khói nghìn năm trên đỉnh Phù Vân Yên Tử. Như thế, tác giả đã nhìn một giai đoạn lịch sử dân tộc với con mắt nhà thiền, và dùng tấm lòng thiền để cảm thông với một thiền sư - hoàng đế.

Ngòi bút tài hoa và thoát tục của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có lẽ sẽ khiến ta phân vân, và mọi lời phê bình của các bậc thức giả có nguy cơ trở nên sáo rỗng, trần tục. Dọc suốt câu chuyện là những trầm tư miên man theo sóng nước Ngọa Vân am về cảnh dâu bể của chính trường, của thân phận con người.

Điều thú vị, như đã nói, là ở chỗ một đề tài lịch sử “nặng ký” dường ấy lại được kể bằng giọng văn trong sáng, hiền hòa của một tu sĩ, đồng thời cũng là một cá nhân trong sự xoay vần của lịch sử.

Am mây ngủ với bìa sách cũng đậm chất thiền, dày 265 trang, do Nhà xuất bản Thuận Hóa và Công ty văn hóa Phương Nam ấn hành. 

Theo: ANTĐ


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage