Thượng tọa Thích Tâm Ân, trụ trì
chùa Phổ Tịnh (Tp Nha Trang) đã truyền trao giới pháp cho các hành giả tham dự
khóa tu. Thượng tọa giới sư đã hướng dẫn đại chúng khóa lễ sám hối cho ba
nghiệp được thanh tịnh trước khi chính thức truyền trao 8 giới. Thượng tọa sách
tấn: “Giả sử có người nào phát tâm dùng y phục, ẩm thực, thuốc men, giường nằm
cúng dường cho chúng sanh trong khắp bốn phương, như vậy cho đến cả trăm năm
trường kỳ cúng dường, công đức người này tất nhiên không thể nghĩ bàn. Nhưng
cho dù công đức có nhiều đến đâu đi nữa, cũng không bằng công đức thọ trì Bát
Quan Trai Giới trong vỏn vẹn một ngày đêm”. Cho nên các giới tử cần phải lãnh
thọ và giữ gìn để công đức thọ Bát quan trai được tròn đầy rốt ráo.
Trong chương trình pháp thoại,
BTC đã cung thỉnh TT.Thích Viên Trí, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại
TPHCM, trụ trì Chùa Từ Mãn, huyện Củ Chi, Tp HCM về thuyết giảng. Với đề tài: “Cách
hành xử của những người tu tập”. thông qua những câu chuyện kể của
thầy, đại chúng đã hiểu được: Người tu cần phải xem lại nội tâm, tu là sửa
thân-lời-ý. Nhìn vào cách hành xử của một người, chúng ta có thể đoán biết
người đó có tu hay không. Người tu cần tập cho mình 4 đức hạnh:
1/ Phải biết quan tâm đến mọi
người, trước là những người trong gia đình mình sau đó đến những người láng
giềng, những người bạn đạo và tất cả chúng sanh.
2/ Phải biết tha thứ vì không ai
là không mắc phải sai lầm, sai lầm là bản chất của cuộc sống. Khi có lỗi mình
muốn được mọi người tha thứ thì tại sao lại khắt khe với người khác.
3/ Phải chuyển hóa tâm sân hận,
làm chủ được cơn sân giận.
Kinh Tương ưng ghi lại
rằng sau khi trực tiếp nghe pháp và tu tập dưới sự giảng dạy của Đức Phật,
Bà-la-môn nữ Bhannanjani thật sự kính ngưỡng Ngài và thường ca ngợi Ngài trong
các hội chúng Bà-la-môn. Việc làm ấy đã khiến cho một bậc trí giả ngoại
đạo là Bà-la-môn Bhadavada ganh tỵ, tức tối. Bhadavada mắng nhiếc bà
Bhannanjani là ti tiện, ngu dốt vì buông lời tán thán lão Sa-môn đầu trọc
Gotama (Cù-đàm) và tuyên bố sẽ luận phá đạo sư của bà. Để thỏa mãn cơn bực tức
ấy, Bà-la-môn Bhadavada đến gặp Đức Phật và vặn hỏi Ngài rằng: “Giết vật gì
được lạc, giết vật gì không sầu. Có chăng một pháp gì, Ngài tán đồng giết hại!
Thưa Tôn giả Gotama”. Thay vì phải đón nhận sự phản hồi tiêu cực theo cách
thường tình của một người bị đụng chạm tự ái, xúc phạm tự ngã, Bà-la-môn
Bhadavada lại được Đức Phật vui vẻ trả lời: “Giết phẫn nộ được lạc, giết phẫn
nộ không sầu! Pháp ấy bậc hiền thánh, tán đồng sự giết hại; giết pháp ấy không
sầu”. Cung cách truyền giáo đầy trí tuệ và hòa nhã ấy đã khiến Bà-la-môn ngạc
nhiên, thán phục, khởi lòng ngưỡng mộ và phát tâm xin làm đệ tử tại gia của Đức
Phật.
4/ Phải có lòng từ bi như câu
chuyện của Ngài Xá-lợi-phất: Có một vị tỳ kheo trẻ do sanh tâm ganh tỵ nên bạch
với Phật rằng Xá-lợi-phất đã xô vị ấy té ngã nhưng không đỡ dậy cũng không xin
lỗi. Khi Phật hỏi, thầy Xá-lợi-phất trả lời: Thưa Thế tôn, con xin sống hạnh
như đất từ khi con gặp được Ngài, đất không lên tiếng phản đối cho dù
người ta đổ lên ấy các chất thơm tho hoặc hôi thối. Tâm con vẫn an tịnh trước
mọi hoàn cảnh thưa Thế tôn.
Để kết thúc bài pháp, Thượng tọa
giảng sư đã nhấn mạnh: Phật-chúng sanh-Thánh chỉ khác nhau ở cách hành xử của
mình. Mọi việc tùy thuộc vào nghiệp lực, vào thân-khẩu-ý. Hãy cẩn trọng khi suy
nghĩ vì suy nghĩ sẽ sanh ra lời nói.
Hãy cẩn trọng về lời nói vì lời
nói sẽ sanh ra hành động.
Hãy cẩn trọng về hành động vì
hành động sẽ sanh ra thói quen.
Hãy cẩn trọng với thói quen vì
thói quen sẽ hình thành nhân cách và nghiệp lực quyết định tái sanh của chúng
ta sau này.
Bài pháp của thượng tọa giới sư
tuy mộc mạc, bình dị song lại thâm thúy chân thành như được lưu xuất từ một
phẩm hạnh tinh sạch, một nội tâm có bề dày công phu tu tập đã giúp cho chúng
con hiểu được mình phải tinh tấn thực hành 4 đức hạnh để trong bước đường tu
nhân học đạo được thăng hoa.
Sau đây là một số hình ảnh:
\