Tình thương và hạnh phúc chân thực? Phải chăng những điều này
chỉ có trong chuyện cổ tích mà thôi? Không, hoàn toàn không phải vậy -
đó là lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh, một vị thầy 87 tuổi và cũng đồng
thời là một nhà hoạt động xã hội can trường, người đang ngồi thật an
nhiên trong tư thế kiết già trên bục giảng kia.
Tôi đang sắp sửa nhận được từ Thầy những lời khuyên giản dị và thiết
thực làm thế nào để có được tình thương và hạnh phúc chân thực. Nhưng
ngay lúc này đây, tôi thực sự không hạnh phúc chút nào. Tôi hết sức mệt
mỏi và phải thú thật là đầu óc tôi lúc này chỉ toàn nghĩ đến chuyện trục
trặc vừa mới xảy ra trong gia đình tôi. Tất nhiên là chuyện này xảy ra
trước khi khóa tu tại đại học Brock bắt đầu.
Khi hào hứng quyết định tham gia khóa tu sáu ngày để học hỏi từ vị
thầy được coi là một trong số ít những nhân vật huyền thoại còn sống về
phong trào bất bạo động trên thế giới, tôi không hề tính đến chuyện phải
thức dậy từ lúc 5 giờ rưỡi sáng và ăn toàn thức ăn chay được phục vụ
trong căn-tin của trường đại học. Tôi cũng không hình dung rằng mình sẽ
ngồi hàng giờ liền trong im lặng với 1300 người. Cả một gian phòng lớn -
nguyên là phòng thể dục của trường đại học đều chật kín người, thật là
ấn tượng. Trong khóa tu, mọi người đều thực tập im lặng hùng tráng từ
tối hôm trước cho đến sau giờ ăn trưa của ngày hôm sau, cũng như trong
suốt các bữa ăn.
Thực lòng khi đến khóa tu, tôi chỉ tò mò muốn được trực tiếp cảm nhận
sự có mặt sống động của vị thầy nổi tiếng thứ hai thế giới trong lĩnh
vực Phật giáo. Nhưng không hiểu vì nhân duyên gì, hay là vì thấu hiểu
được tâm lý rất “con người” của tôi nên hôm đó Thầy đã dạy cho tôi làm
thế nào để có thể có mặt thực sự trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở
đây, chỉ khi đó tôi mới có thể thực sự cảm nhận được sự có mặt của người
khác.
Cũng như Đức Đạt Lai Lạt Ma, lập trường tranh đấu bất bạo động cho
hòa bình và hòa giải dân tộc của Thầy Nhất Hạnh được hun đúc và rèn giũa
trong lò lửa chiến tranh với bạo động chính trị, đàn áp và biết bao đau
thương không thể nói thành lời. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam,
Thầy là người sáng lập phong trào “đạo Bụt dấn thân” (“Engaged
Buddhism”), tạo cảm hứng cho hàng ngàn xuất sĩ trong cả nước đi về các
vùng nông thôn để giúp xây dựng lại những làng quê bị chiến tranh tàn
phá và giúp những người dân đang sống trong cảnh nghèo đói. Tất cả những
người đi theo phong trào này đều cam kết kêu gọi hòa bình bằng phương
pháp bất bạo động. Và sứ mệnh của Thầy là đi ra nước ngoài để kêu gọi
hòa bình cho Việt Nam và từ đó phong trào tranh đấu bất bạo động cho hòa
bình và hòa giải dân tộc đã lan rộng ra các quốc gia và vẫn còn đang
được tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Năm 1966, sau hai thập niên dấn thân cho phong trào hoạt động xã hội,
mở ra một hướng đi mới cho thế hệ trẻ lúc bấy giờ đang bị bế tắc và gặp
nhiều thách thức, Thầy Nhất Hạnh đã bị chính quyền Việt Nam ngăn cấm
không được trở về quê hương. Mặc dù vậy, Thầy vẫn không ngừng nỗ lực vận
động người dân Mỹ cũng như người dân khắp nơi trên thế giới ủng hộ việc
chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Vì những nỗ lực đó, Thầy đã được Mục
sư Martin Luther King đề cử giải Nobel Hòa bình. Mục sư Luther King đã
hoàn toàn cam kết đấu tranh cho hòa bình và chấm dứt chiến tranh ở Việt
Nam sau cuộc nói chuyện với Thầy Nhất Hạnh – vị Hoàng tử Hạnh Phúc đang
ngồi an nhiên trước mặt tôi đây.
Thầy không hề để lộ tuổi tác qua dáng vẻ của mình. Trong chiếc áo
tràng nâu, Thầy hơi có vẻ giống nhân vật Spock trong bộ phim nổi tiếng
Star Trek, với cặp lông mày rậm và đôi mắt sâu thẳm luôn có tia sáng lấp
lánh. Thầy đang chuẩn bị giảng về cái mà Thầy gọi là nghệ thuật khổ
đau. Và dĩ nhiên là tôi sẽ phải bận rộn với trái tim đang tan vỡ của
mình.
Có lẽ bất kỳ ai dù chỉ mới đọc một xíu thôi trong hơn 80 đầu sách của
Thầy - chưa kể đến các CD, video và những thứ khác – cũng biết rằng
những gì Thầy Nhất Hạnh dạy đều bắt đầu bằng một cách rất đơn giản, đó
là theo dõi hơi thở vào. Thầy nói rằng chỉ cần một hơi thở vào là ta có
thể trở về và tiếp xúc với một sự thật mầu nhiệm là ta đang còn sống
trong giây phút hiện tại và đây là giây phút hạnh phúc.
Tôi thử làm theo lời Thầy dạy, và quả nhiên hơi thở vào giúp tôi kết
nối với thân thể của mình ngay lập tức. Wow! Tôi thật sự cảm nhận được
điều này! Tôi thở vào và lần này tôi theo sát hơi thở xuống dưới bụng
(trong khi thở vào tôi nhủ thầm “Con đã về”), rồi tôi theo dõi hơi thở
ra từ đầu cho đến cuối, trọn vẹn và thoải mái (đồng thời nhủ thầm câu
“Con đã tới”). Thầy gọi đó là hơi thở có ý thức, hay hơi thở chánh niệm.
Mặc dù trái tim khổ đau của tôi vẫn bắt buộc tôi phải dành gần như
toàn bộ tâm ý cho nó, nhưng phải thừa nhận rằng phương pháp làm cho thân
tâm hợp nhất này thật là thâm sâu và có hiệu quả ngay tức thì.
Trong khi theo dõi hơi thở từ đầu cho đến cuối, tôi đã đi ra khỏi
những ồn ào huyên náo trong đầu và bước sang một trạng thái tỉnh thức
khác lạ. Bây giờ tôi mới hiểu thế nào là giây phút hiện tại. Tôi không
thể nào tin được rằng sau hàng chục năm nghiên cứu và tìm tòi, tôi lại
khám phá ra được một cách kết nối thân tâm nhanh chóng và giản dị đến
thế.
“Nghệ thuật khổ đau” cũng đòi hỏi ta phải chế tác năng lượng chánh
niệm bằng hơi thở ý thức. “Ai trong chúng ta cũng có ít nhiều khổ đau”,
Thầy nói một cách nhẹ nhàng. “Và với năng lượng chánh niệm, ta có thể
trở về với chính mình và ta có thể nhận diện được khổ đau đang có mặt
trong mình”. Đúng vậy, tôi đã làm được bước đầu tiên rồi!
“Nhiều người trong chúng ta thường sợ phải đối diện và bị nhấn chìm
trong khổ đau của chính mình, vì vậy mà ta thường có xu hướng trốn chạy
hoặc khỏa lấp nỗi cô đơn, buồn giận, sợ hãi hay tuyệt vọng trong lòng
mình. Chúng ta làm mọi cách để bận rộn, để không phải trở về với chính
mình và tiếp xúc với niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Nhưng với năng
lượng chánh niệm, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để trở về nhà, trở về với
chính mình. Ta có thể ôm ấp niềm đau của mình với tất cả sự dịu dàng như
một người mẹ đang ôm đứa con của mình trong lòng.”
Được rồi, vậy thì tôi sẽ cố gắng thở và nhẹ nhàng ôm ấp niềm đau trong tôi như ôm một em bé.
“Chúng ta mang theo cả những khổ đau của cha, của mẹ, của ông bà tổ tiên trong ta” Thầy giải thích thêm.
Trong giây phút này, tôi thực sự cảm nhận được sự có mặt rất rõ ràng
của tổ tiên ở trong tôi và tôi muốn dừng lại cái vòng luẩn quẩn mà tôi
đang mắc kẹt vào.
Tôi càng có động lực hơn khi nghe Thầy dạy: “Khi ôm ấp khổ đau trong
lòng mình, chúng ta sẽ đi đến một cái thấy về bản chất và gốc rễ của khổ
đau đó. Và khi đã hiểu được gốc rễ của khổ đau rồi thì tình thương và
lòng từ bi trong ta sẽ phát khởi một cách rất tự nhiên. Từ bi là một
loại năng lượng có khả năng chữa trị cho chúng ta và cho cả thế giới
này.”
Tôi đã thực sự thực tập đúng theo lời Thầy dạy và phải mất khoảng 24
giờ. Tôi không hề nhận ra rằng cảm giác đau khổ trong lòng tôi đã tan
biến, tôi chỉ thấy mình bỗng nhiên nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều.
Tuy nhiên, chìa khóa của thành công nằm ở chỗ: nếu anh chưa thực tập
được đến mức không còn muốn trừng phạt bất kỳ ai - những người đã làm
anh khổ đau - thì anh vẫn chưa thực sự thành công. Nếu anh chỉ thực tập
nửa vời thì không bao giờ có thể thành công được.
Phương pháp bất bạo động của Thầy Nhất Hạnh có vẻ quá khác lạ so với
cách tư duy thông thường, vì vậy mà nó làm cho ta khó chấp nhận. Nhưng
bù lại ta sẽ nhận được những phần thưởng thật xứng đáng, đó là tự do,
hạnh phúc, tình thương chân thực và Niết bàn. Tất cả những điều này đều
chờ đợi ta ở địa chỉ: bây giờ và ở đây, đó là lời của Thầy Nhất Hạnh.
Thầy nói rằng: “Không có con đường đi đến Niết bàn, Niết bàn chính là
con đường”.
Chỉ đến khi kết thúc khóa tu tôi mới hiểu ra vì sao sự có mặt của
Thầy có thể gây xúc động và ảnh hưởng lớn với tôi như vậy. Đó là vì Thầy
luôn an trú trong giây phút hiện tại, Thầy luôn ở trong Niết bàn.
Alice Klein
Nguồn: Làng Mai