Phật Học Online

Lột mặt nạ "nhà báo" rởm ở xứ Thanh

Kể từ khi nhà chùa bắt đầu kêu gọi lòng hảo tâm của phật tử bốn phương về xây dựng chùa, ông Lộc đã nhiều lần viếng thăm chùa, giới thiệu là nhà báo và gợi ý này nọ. Tuy nhiên, khi bị khước từ, ông ta liền nhanh chóng trở mặt và từ đó công khai chống lại nhà chùa

Với tấm danh thiếp được in màu chân dung và "chua" thêm chức danh "hoành tráng": Nhà văn, nhà báo, trợ lý tổng biên tập tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại, Vũ Xuân Lộc (SN 1940, trú tại thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nhiều năm qua đã can dự vào không ít vụ việc trên địa bàn huyện Thọ Xuân.

Càng làm nhiều, Lộc càng có tiếng và rất có "uy" tại địa phương. Thế nhưng mới đây nhất, trong một "phi vụ tác nghiệp" gây khó dễ cho quá trình tu tạo chùa Đông Nam (thị trấn Thọ Xuân), Lộc đã bị chính những phật tử và sư trụ trì ngôi chùa nhỏ bé này tương kế tựu kế bóc trần bộ mặt giả dối.

Đến chùa chiền cũng muốn... "can dự"

Theo các tài liệu còn lưu giữ, chùa Đông Nam nằm ở phía Đông Nam thị trấn Thọ Xuân và được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20. Trước kia, đây là miếu thờ Công chúa Liễu Hạnh và Thành Hoàng làng với kiến trúc chỉ là một ngôi nhà đơn sơ, được xây dựng bằng tranh, tre, nứa, lá… Đến năm 1937, với sự đóng góp của nhân dân trong và ngoài huyện Thọ Xuân, miếu được nâng cấp thành chùa và thờ thêm Đức Thánh Trần cùng Tam Bảo Phật. Năm 1992, chùa Đông Nam được tỉnh Thanh Hòa công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tình trạng dột nát của ngôi chùa Đông Nam trước khi được tu tạo

Đến năm 2002, chùa tiếp tục được tôn tạo và nâng cấp lập thêm Ban thờ Phật và mới bắt đầu đón một vị sư cao tuổi về trụ trì. Mọi việc diễn ra yên ổn cho đến năm 2010, khi ngôi chùa đón vị trụ trì mới, Đại đức Thích Nguyên Quang và vị Đại đức lúc ấy mới chỉ 23 tuổi này từ rất sớm đã thể hiện ước muốn được nâng cấp ngôi chùa thêm một lần nữa. Nói là làm, chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi về tiếp quản chùa Đông Nam, sư Quang một mặt kêu gọi lòng hảo tâm của phật tử cả nước một mặt gấp rút tiến hành quá trình xin phép được tu tạo xây dựng lại ngôi chùa. Xét thấy việc làm trên là cần thiết, ngày 15/4/2011, sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã ra công văn số 557 chấp thuận cho việc tu tạo và xây dựng lại chùa.

Thế nhưng không hiểu vì lý do hay động cơ cá nhân gì, ngay khi hay tin chùa Đông Nam sẽ được tu tạo lại, "nhà báo" Xuân Lộc bỗng đùng đùng xuất hiện, liên minh với hai người khác gồm một cựu thủ nhang của chùa (lúc chưa có sư về trụ trì) là ông Nguyễn Ngọc L. và một công dân thị trấn là ông Nguyễn Mạnh L. liên tục gây khó dễ cho nhà chùa. Kể từ khi chính thức ra mặt "can dự" vào việc tu tạo chùa Đông Nam, bộ ba này liên tục gửi đơn đi khắp các cơ quan chức năng bêu riếu sư trụ trì cũng như những phật tử có lòng thành muốn tu tạo ngôi chùa.

Tấm danh thiếp "hoành tráng" của ông Lộc

Lột mặt nạ "nhà báo rởm"

Cụ thể trong "đơn kiến nghị" được viết ngày 12/9/2012, ông Nguyễn Mạnh L. nói rằng, ngôi chùa nhỏ Đông Nam nằm trong một hệ thống "buôn thần bán thánh" do sư Thích Tâm Minh (trụ trì chùa Linh Cảnh Bái Thượng, cùng ở huyện Thọ Xuân) tổ chức. Ông Mạnh L. cho rằng, chính vì việc này, sư Quang đã đặt ra giá lễ rất cao và thu về những khoản lợi khổng lồ để có tiền cung phụng lên sư Minh.

Trước những thông tin hết sức bất cập này, đúng một tháng sau, ngày 12/10/2012, ban Tôn giáo - sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 238 gửi chủ tịch UBND tỉnh để báo cáo sự việc. Theo đó, sau khi làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng, ngày 24/9/2012, ông Mạnh L. đã thừa nhận toàn bộ nội dung "đơn kiến nghị" của ông là do người khác viết, ngoài chủ ý. Ông L. cũng đã tự nhận thấy việc làm của mình là sai và xin rút lại đơn kiến nghị.

Trước sự thất bại của "đồng minh", sau đó không lâu, "nhà báo" Xuân Lộc bắt đầu lộ diện với "giấy báo cáo" tự soạn cho rằng Đại đức Thích Nguyên Quang cùng các con nhang đệ tử của ông đang cố phá hoại một di tích lịch sử cổ kính. Không chỉ dừng lại ở đó, ông Lộc còn khẳng định nhà chùa vi phạm các quy định về xây dựng, an toàn giao thông và thậm chí, người đàn ông tự xưng là nhà báo này còn nói bị nhà chùa rắp tâm trù yểm mình… phải chết (?!).

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, Đại đức Thích Nguyên Quang cho biết: "Kể từ khi nhà chùa bắt đầu kêu gọi lòng hảo tâm của phật tử bốn phương về xây dựng chùa, ông Lộc đã nhiều lần viếng thăm chùa, giới thiệu là nhà báo và gợi ý này nọ. Tuy nhiên, khi bị khước từ, ông ta liền nhanh chóng trở mặt và từ đó công khai chống lại nhà chùa".

Là một người được ăn học từ nhỏ, thấy cách ứng xử và lối chữ nghĩa của ông Lộc không giống một người làm báo, từ khá lâu, sư Quang đã có cảm nhận bất ổn về tấm thẻ nhà báo số ITT01013 của ông Lộc. Âm thầm quan sát, sư Quang phát hiện ra tấm danh thiếp của Lộc ghi cơ quan là "tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại" (thậm chí còn bị viết sai chính tả) nhưng thẻ nhà báo lại ghi "tạp chí Nhãn Khoa". Và chính với hai loại giấy tờ này, nhiều năm qua, Lộc đã "làm mưa làm gió" tại địa phương khi lấy danh nghĩa nhà báo can dự vào không ít vụ việc phức tạp. Trong một lần đến "dọa vía" nhà chùa, khi bị chất vấn về sự khác biệt này, Lộc bối rối giải thích: "Tôi làm việc với tư cách công dân. Tôi có quyền!".

Nhận thấy cần làm rõ nghi vấn này càng sớm càng tốt, cuối năm 2012, Đại đức Thích Nguyên Quang đã gửi đơn đề nghị đến bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị xác minh lại chiếc thẻ nhà báo của ông Lộc. Ngày 1/4/2013, cục Báo chí - bộ TT&TT đã có công văn hồi đáp lại nhà chùa, xác định rõ "tạp chí Nhãn khoa không có ai tên là Đỗ Xuân Lộc" và "tạp chí này đã tự ý làm hồ sơ sai quy trình để cấp thẻ cho ông Lộc". Điều đó đồng nghĩa với việc tấm thẻ nhà báo ông Lộc có được không hề có giá trị pháp lý. Cục Báo chí cũng ngay lập tức thu hồi lại thẻ nhà báo của ông Lộc và chỉ đạo tạp chí Nhãn khoa Việt Nam tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và mức độ sai phạm của các cá nhân liên quan đến việc làm thẻ nhà báo cho ông Đỗ Xuân Lộc để có hình thức kỷ luật thích đáng.          

Tác giả: Long Nguyễn/Nguồn: www.nguoiduatin.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage