Phật Học Online

Tự tin vào phút hiện tại
Nguyễn Duy Nhiên

     Bước đầu trên con đường tỉnh thức là trở về có mặt trọn vẹn với giây phút hiện tại. Nhưng có một điều cản trở khiến chúng ta khó trở về được với những gì đang thật sự có mặt, đó là những mong cầu của mình.

Một sự trở về trọn vẹn
     Chúng ta thường nghĩ rằng, khi mình thấy biết được những gì đang xảy ra, là ta đang trở về với bây giờ và ở đây.  Nhưng thật ra, nếu như ta thấy biết với một sự mong cầu nào đó, muốn sự việc được khác hơn như nó đang là, thì đó không thể là một sự trở về trọn vẹn.
    Thường thì, nếu như trong giờ phút này ta đang có những lo lắng muộn phiền, thay vì trong sáng nhìn thấy rõ điều ấy, ta lại chỉ muốn làm sao cho nó được khác đi. Và nếu như giây phút này đang là dễ chịu, an vui, ta sẽ muốn giữ cho nó được dài lâu. Nhưng có một điều chắc chắn là mỗi khi ta mong muốn thực tại này phải được như thế nào đó, thì nó sẽ mang lại cho ta những khổ đau không cần thiết.
    Chúng ta thường tiếp xúc với những gì đang có mặt, dựa trên ký ức (memory) và những kinh nghiệm sẵn có của mình. Nhưng muốn có được một sự tỉnh giác, và hạnh phúc thật sự, ta phải thấy rõ được thực tại như nó đang là, và không để những kinh nghiệm trong quá khứ làm lu mờ đi những gì đang có mặt.
       Tự tin vào giây phút hiện tại
      Theo thầy Shyalpa Tenzin Rinpoche, tác giả quyển Sống trọn vẹn (Living Fully), thì thật ra vấn đề sống với thực tại cũng không khó như ta tưởng, nếu như chúng ta biết tin vào khả năng và sự trong sáng sẵn có của mình, vì nó có khả năng ứng phó với mọi vấn đề mà không cần đến sự can dự của ta.
    Shyalpa Rinpoche có chia sẻ với bà Marsha Lucas, một bác sĩ tâm lý học, rằng những ký ức, kinh nghiệm trong quá khứ có thể là một trở ngại không cho phép ta tiếp xúc được với những gì đang xảy ra. Theo ông thì chúng ta chỉ cần biết tự tin vào sự trong sáng sẵn có của mình, và nó bao giờ cũng có mặt trong giờ phút hiện tại.
Shyalpa Tenzin Rinpoche:Trước và quan trọng hơn hết, chúng ta phải tiếp xúc được với tất cả những gì có mặt bên ngoài, chung quanh ta. Vì vậy, cho dù đó có là do ở những gì ta thấy, ta nghe hay cảm nhận, ta phải liên kết chúng được với lại những gì đang xảy ra ngay trước mặt mình. Nhưng đối với những gì xảy ra, chúng ta lại thường có khuynh hướng chồng thêm lên trên đó một cái gì khác nữa. Vì thế những gì ta nghĩ là đang biểu hiện, nhưng thật sự lại không hẳn là như thế.
   Và trong giây phút ta nghĩ rằng, “Có lẽ đây chỉ là một phóng tưởng (projection) mà thôi”, thì lập tức ta có cơ hội để tiếp xúc lại được với những gì đang thật sự có mặt. Và nó sẽ không còn có khả năng gây phiền não hay làm ngăn trở ta.
    Sự bất an phát sinh là do một nỗi sợ hãi. Và ký ức (memory) được đặt trên nền tảng của sự bất an. Nếu như ta không có sự bất an, ta sẽ không cần đến ký ức. Nếu như ta có tự tin 100% là mình có khả năng xử lý bất cứ một việc gì, trong bất cứ lúc nào, ta sẽ không cần đến ký ức.
     Marsha Lucas: Tôi có thể hiểu được rằng chúng ta không cần ký ức, trí nhớ, thu thập những tin tức và dữ kiện, để tỏ vẽ như mình là một người biết nhiều và thông minh. Nhưng còn những ký ức giúp cho ta nhớ lại được những gì đã mang cuộc đời mình đến nơi đây, ngày hôm nay, trong giờ phút này thì sao?
    Như ông và tôi, mỗi người chúng ta đều có một quá khứ về nơi mình sinh ra, những kinh nghiệm về được nuôi dưỡng, lớn lên như thế nào, lập gia đình, và còn nhiều thứ nữa. Tất cả những kinh nghiệm ấy đều đang tàng chứa trong mỗi chúng ta.
    Shyalpa Tenzin Rinpoche: Nhưng những ký ức đó không hề giúp cho chúng ta có hạnh phúc. Chúng lại còn khiến cho ta buồn phiền nữa.
     Marsha LucasTôi phải bất đồng ý kiến với ông về điểm này. Tôi nhớ lại những ký ức đẹp và đầy hạnh phúc tôi có khi tôi và chồng tôi làm lễ thành hôn với nhau. Làm sao những việc ấy lại có thể khiến cho tôi thêm buồn phiền được?
   Shyalpa Tenzin Rinpoche: Vì khi cô nhớ đến kỷ niệm đó, cô muốn được trở lại kinh nghiệm giây phút ấy, muốn giữ được nó mãi mãi.
    Marsha Lucas: À, thì ra vì có một sự mong cầu, một sự dính mắc vào với cảm giác ấy. Tôi liên tưởng đến những thiền sinh khi mới bắt đầu học thiền. Họ có một thời gian mà họ bắt đầu cảm thấy rất an lạc, hạnh phúc, và rồi họ trở nên bức xúc và nản chí khi họ không có lại được cảm giác ấy mỗi khi ngồi thiền.
     Shyalpa Tenzin Rinpoche: Điều đó cũng rất thông thường. Người Tây tạng chúng tôi gọi đó là nyam, kinh nghiệm nhất thời. Nyam cũng giống như sương vậy. Nó không hiện hữu dài lâu.
    Nhưng tôi không hề nói là có gì sai lầm với ký ức hết. Điều mà tôi muốn nói là có một cái gì đó sâu sắc hơn. Thật ra, không có một điều gì mà ta không thể hiểu được, chỉ cần ta có sự tự tin vào tự tánh trong sáng của mình.
    Có mặt với thực tại đòi hỏi nơi ta một niềm tin và một dũng lực rất lớn. Và cũng nhiều khi vì ký ức của mình, mà chúng ta thiếu tự tin vào sự có mặt trong giờ phút hiện tại.

nguon:http://nguyenduynhien.blogspot.com/


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage