Nói đến Nghi Lễ thường thì ta liên tưởng ngay tới nghi thức
hành lễ tụng niệm mang tính tín ngưỡng thờ phụng của một tôn giáo thông
qua khoa Ứng phó đạo tràng.
Xin
thưa, nghĩ như thế thì đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, nghi lễ bao trùm cả
hành vi, thái độ, tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ, phong cách của con
người và xã hội.
Bằng
chứng là hình ảnh đức Phật, chư vị Tổ sư, quý ngài không hề có bằng cấp
cao, hay tán tụng giỏi, nhưng trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, quý
ngài đã cảm hóa vô số quần chúng chỉ bằng hình ảnh thân giáo qua nếp
dung nghi trang nghiêm giải thoát.
Ví
như ngài Xá Lợi Phất, người lãnh đạo giáo phái Bà la môn thời bấy giờ,
một hôm nhìn thấy đệ tử đức Phật Thích Ca là tỳ kheo Mã Thắng
(A-thuyết-thị) đắp y và cầm bình bát đi vào thành Vương Xá khất thực
trông rất trang nghiêm, với thần sắc tự tại, trong lòng không khỏi thầm
phục, liền lên tiếng hỏi đạo. Ngài Mã Thắng đem giáo lý Vô ngã trả lời
cho Xá Lợi Phất nghe hết sức ngắn gọn qua mấy câu kệ: “Các pháp nhân duyên sanh. Các pháp nhân duyên diệt...”.
Nghe xong, tức khắc, ngài Xá-lợi-phất chứng Sơ quả giữa đường phố… Và
ngay sau đó ông tìm đến Phật xin xuất gia và trở thành bậc trí tuệ đệ
nhất thuộc một trong mười vị đệ tử lớn của đức Phật…
Hay
như trong thời hiện đại, có rất nhiều người tìm đến với đạo chỉ vì kính
ngưỡng nét đẹp xuất trần, phong thái uy nghiêm, ánh mắt từ hòa… của
hàng Tu sĩ Phật giáo.
Thế
nên, lược qua những khoa nghi cúng kiến thường nhật, bài viết này chỉ
tập trung đi vào ý nghĩa sâu rộng của nghi lễ. Đó chính là oai nghi tế
hạnh, là giới luật, thanh quy của người tu Phật.
Thật
vậy! Có thể nói rằng, ngay khi đức Phật tuyên chế giới luật, sau 12 năm
Ngài thành đạo, thì vấn đề nghi lễ được chính thức hình thành. Bởi vì,
giới luật là những phép tắc, quy định, là nếp sinh hoạt trong chốn tòng
lâm giúp hàng đệ tử Phật tịnh hóa thân tâm, trang nghiêm giáo đoàn. Khi
đó, nghi lễ được nhìn nhận thông qua giới luật. Và những nếp uy nghiêm
có được từ việc giữ gìn giới luật được xem là nghi lễ.
Rồi
khi đạo Phật truyền vào Trung Quốc, nghi lễ chính thức được thiết lập
trên cơ sở giới luật để tạo lập nên những quy chế, thanh quy trong thiền
viện. Dù rằng, nghi lễ lúc này có hơi chú trọng về phần khoa nghi ứng
phó, nhưng vẫn không rời hình ảnh trang nghiêm của một vị Tăng trong khi
làm pháp sự.
Phật
giáo Việt Nam chịu sự ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa nên nghi lễ có phần
nghiêng về nghi thức hành lễ. Tuy nhiên, phép tắc thanh quy để giữ gìn
và phát triển Tăng đoàn vẫn được chư vị Tổ sư chú trọng nghiêm cẩn thực
hiện trong nhà chùa. Thế mới biết, nghi lễ nơi oai nghi giới luật mới
thật sự là gường cột xây dựng ngôi nhà đạo Pháp.
Vậy nghi lễ là gì?
Theo
Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh và của Thiều Chửu: “Nghi là dáng vẻ
bên ngoài như oai nghi. Lễ là khuôn mẫu, phép tắc, cung cách như lễ
bái”.
Trong Sa di luật nghi yếu lược tăng chú
quyển hạ, ghi: “Oai nghi giả, vị hữu oai khả úy, hữu nghi khả kính”.
Bởi lẽ, “có oai khá sợ, có nghi đáng kính” và “nghi tại tướng, lễ tại
tâm”.
Người
xưa cũng đã nói: “Dân sở do sinh, lễ vi đại”. Những điều cần cho dân
yên mà sống thì Lễ là hơn hết. Vì thế cũng có câu: “Hiếu, Để, Trung, Tín
nhân chi bổn. Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ nhân chi căn”. Cho nên Kinh Lễ là một
trong Ngũ kinh của Nho giáo. Trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử đã nói:
"Không học Kinh Lễ thì không biết cách đi đứng ở đời".[1]
Tóm lại, Nghi là cung cách, oai nghi, dung mạo thể hiện bên ngoài.
Lễ là lề lối cư xử, cách thức thực hiện quy tắc tỏ lòng cung kính ẩn náo bên trong.
Nghi là phép tắc, khuôn mẫu bên ngoài mà mọi người nương theo để bày tỏ cái Lễ bên trong.
Lễ là cách thể hiện sự kính trọng, giao tế tốt đẹp mà nếp Nghi định sẵn.
Nghi là nghi thức, nghi lễ, nghi dung, hình dáng đoan nghiêm, đỉnh đạc.
Lễ là lễ nghi, lễ nhạc, lễ giáo, lễ bái, tôn thờ, cúng tế.
Như
vậy nghi lễ có ý nghĩa rất rộng, bao trùm hành vi, thái độ, tín ngưỡng,
văn hoá, ngôn ngữ, phong cách của con người và xã hội. Trong nghĩa hẹp,
nghi lễ chỉ cho nghi thức hành lễ tụng niệm mang tính tín ngưỡng thờ
phụng của một tôn giáo mà thôi.
Tuy nhiên, theo nghĩa rộng thì:
-Nghi Lễ là Oai Nghi Tế Hạnh Của Người Tu Sĩ:
Bước đầu vào đạo, người tu sĩ được "huấn luyện" oai nghi tế hạnh theo
“Tỳ Ni nhật dụng” và phát nguyện tuân thủ theo giới luật. Đó là những
cách thức sinh hoạt ở chùa, là phương pháp thanh lọc thân tâm, trao giồi
đức hạnh, là nhu yếu để giữ gìn bản thể Tăng già, hoằng dương Phật
pháp.
-Nghi Lễ Là Hạnh Nghi Của người Cư Sĩ:
Dù sống đời tại gia, nhưng người Phật tử vẫn duy trì nếp sinh hoạt hàng
ngày theo lời Phật dạy qua “Tam quy ngũ giới”, cũng như cách thức đối
nhân xử thế mà Trong Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt đã dạy: “Ở
trong gia đình thì Phật hướng dẫn cách thức dạy dỗ con cái phải hiếu
thảo với ông, bà, cha, mẹ, phải kính trên nhường dưới. Bổn phận trách
nhiệm chăm sóc thương yêu dạy dỗ của cha mẹ đối với con cái. Phép tắc
của chồng đối với vợ và ngược lại bổn phận của vợ kính trọng yêu thương
chồng. Ngoài xã hội thì Phật dạy phương pháp đối nhân xử thế giữa người
trên và kẻ dưới v.v…”[2]
-Nghi Lễ Là Pháp Hành Của Người Tu Học Phật:
Nghi lễ bắt nguồn từ giới luật mà có. Cho nên, bất luận là Phật tử tại
gia hay xuất gia, nếu vâng giữ hành trì giới luật đều mang lại những lợi
ích thiết thực trong hiện tại cũng như trong tương lai, nơi tự thân và
những người xung quanh.
Trong kinh Trường Bộ có nêu ra 5 lợi ích của việc giữ gìn giới luật như sau:
1. Người có giới đức sẽ hưởng được gia tài pháp bảo nhờ tinh tấn.
2. Người có giới đức được tiếng tốt đồn xa.
3. Người có giới đức không sợ hãi rụt rè khi đến các hội chúng đông đúc.
4. Người có giới đức khi chết tâm không rối loạn.
5. Người có giới đức sau khi mạng chung được sinh về thiện thú, thiên giới.
Mặt
khác, nhờ giữ Giới mà sanh Định, nhờ Định mà sanh Tuệ. Hay nói rõ hơn,
Giới-Định-Tuệ là pháp tu căn bản giúp hành giả an lạc giải thoát giác
ngộ.
Không những thế, Nghi lễ Phật giáo còn có những công năng thiết thực như:
- Tịnh Hóa Thân Tâm:
Nhờ nghi lễ mà Tu sĩ Phật giáo dễ dàng gột rửa những thói quen, tập khí
xấu để dần trở nên đỉnh đạc, trang nghiêm trong đi đứng nằm ngồi. Trong
sinh hoạt hàng ngày, cũng như trong khi hành pháp sự thì việc ứng dụng
nghi lễ sẽ giúp cho một tu sĩ trở nên “đường đường tăng tướng, dung mạo
khả quan”, thân an tâm lạc.
- Trang Nghiêm Tăng Đoàn: Sự chu toàn đạo đức của mỗi cá nhân sẽ trang nghiêm cho đoàn thể. Mỗi Tỷ Tỳ kheo hay Tỷ Tỳ kheo ni sống đúng như Pháp, như Luật sẽ là nguồn năng lực vô biên cho sự lớn mạnh của Tăng-già.
Và một khi Tăng đoàn đã thực sự thanh tịnh hòa hợp thì không một thế
lực nào có thể lấn áp hay phá hoại được. Phật pháp nhờ đó mà ngày càng
vững mạnh tỏa sáng. Cuộc sống chung quanh cũng nhờ đó mà được ảnh hưởng
tốt đẹp.
- Phát Triển Đạo Pháp:
Cũng vậy, vận mệnh của Phật pháp hoàn toàn tùy thuộc vào sự tồn vong
của giới luật. Mà giới luật được biết đến thông qua nghi lễ. Cho nên,
nghi lễ có được tồn tại lâu dài để làm hưng thịnh cho Tăng đoàn, làm
xương minh cho Phật pháp và đem lại lợi ích cho thế gian hay không là do
ở nơi chính đệ tử Phật, nhất là những người được xem là “thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự” có thiết tha nghiêm trì giới luật, khép mình trong thanh quy hay không.?
- Cảm Hóa Quần Chúng:
Không gì lay động lòng người bằng hình ảnh một nhà Tu uy nghiêm thanh
thoát, một đoàn thể Tăng già hòa hợp, trang nghiêm, thanh tịnh. Cho nên,
sự đi đứng nằm ngồi nói năng động tịnh của người Tu sĩ có sức cảm hóa
mạnh đối với quần chúng xung quanh.
Nói
chung, nghi lễ là hình thức, là dung nghi biểu đạt, là công phu tu tập
của một Tu sĩ; là kỷ cương Tăng đoàn, là quy chế thiền môn, là nếp sinh
hoạt chốn tòng lâm Phật tự.
Thành
ra, bất luận một quốc gia nào, nghi lễ Phật giáo luôn mang giá trị
thiết thực giúp tăng trưởng hạnh lành, trang nghiêm thân tướng cho Tu
sĩ, đồng thời giữ gìn đoàn thể thanh tịnh hòa hợp, xương minh đạo pháp,
rộng độ quần sanh. Bằng sự thể nghiệm giáo lý Phật đà nơi tự thân, trong
tứ oai nghi luôn chánh niệm tỉnh giác sẽ là bài pháp không lời dẫn dắt
mọi người quay về chánh đạo.
Ngoài
ra, trong tiến trình truyền bá, giao lưu và tiếp biến, Nghi lễ Phật
giáo nói chung và Nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng đã thực sự trở
thành điểm tựa tinh thần cho nhân sinh, góp phần định an nhân quần xã
hội, kết nối truyền thông giữa đạo và đời qua những nhu yếu thiết thực
sau:
-Nghi Lễ Phật Giáo Trong Đời Sống Tâm Linh:
Thường
thì trong đời sống tâm linh, nghi lễ được nhìn qua phương cách cúng
kiến khoa nghi ứng phó đạo tràng. Vì sự thật mà nói đại đa số quần chúng
đến với đạo Phật bằng những nhu cầu tín ngưỡng như cầu an cầu siêu, ma
chay, giỗ quảy…, các nghi lễ tôn giáo và lễ hội truyền thống như rằm,
tết, ngày vía…
Do
đó, nếu người hành pháp sự mà không nhận ra đây chỉ là phương tiện độ
sanh thì sẽ dễ dàng rơi vào việc mê tín dị đoan, mưu cầu lợi dưỡng.
Ngược lại, biết tận dụng cơ hội này để hướng người vào đạo thì mới không
cô phụ hoài bão xuất gia “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” và
công ơn giáo dưỡng của chư Tôn đức.
Đồng
thời, thông qua nhu cầu nghi lễ, người Tu sĩ tạo được mối quan hệ gắn
bó giữa đạo và đời, giữa nhà chùa và thôn xóm, giữa người tu hành với
quần chúng nhân dân. Qua đó ta có thể giúp họ chuyển hóa tâm thức, bỏ ác
làm lành sống đời đạo đức, dần dần nhận hiểu ra nghi lễ không chỉ hạn
hẹp trong vấn đề khoa nghi bái sám đó.
-Nghi Lễ Phật Giáo Gắn Liền Với Nền Tảng Đạo Đức:
Người
tu sĩ không thấy mình xa rời quần chúng là nhờ có công phu tu tập, tịnh
hóa thân tâm, sống đời mô phạm. Bởi lẽ, từ bao đời nay “tiên học lễ,
hậu học văn” là tiêu chí của người mới bước vào trường học. Điều này tỏ
rõ, phép tắc, lễ nghi là điều tất yếu để hoàn thiện cuộc sống. Một xã
hội văn minh phải là một xã hội có lễ giáo.
Cho
nên tinh thần tu Phật đã hòa quyện dung nhiếp vào đời sống người dân
thông qua nếp sống lễ nghi phép tắc của mình. Từ đó, làm nên một sắc
thái hài hòa giữa đạo và đời.
-Nghi Lễ Phật Giáo Phù Hợp Với Bản Sắc Văn Hóa Dân Tộc:
Từ
xưa chư Tổ đã vận dụng giáo lý Phật đà một cách phong phú vào nền văn
hóa Việt Nam, phù hợp với tâm lý con người Việt Nam bằng các hình thức
nghi lễ.
Tuy
nghiên, từ nghi lễ ứng phó, chư Tổ hướng người dân trở về với chánh
pháp bằng hình ảnh thân giáo của mình. Thực tế cho thấy, một buổi cúng
lễ được cử hành trang nghiêm, người hành lễ giữ gìn oai nghi tế hạnh,
thân khẩu ý thanh tịnh… thì pháp sự được thành công, giúp người hoan hỷ
hướng tâm Phật pháp.
Nhưng
vì để phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc nên buộc chư Tổ phải tận dụng
phương tiện khoa nghi ứng phó với các tiết tấu thi kệ, âm thanh nhạc
điệu mà cảm hóa lòng người hầu mở bày pháp tu giải thoát. Với tôn chỉ,
nhằm giúp chúng sanh tin sâu nhân quả, một lòng quy ngưỡng Tam bảo mà
chư Tổ đã đem đạo vào đời qua hình thức thực hành pháp sự khoa nghi.
Dù
vậy, việc giữ gìn giới luật, tuân thủ thanh quy luôn được các ngài đặt
lên hàng đầu trong đời sống tu tập nên phương tiện độ sanh mãi mãi không
mất đi ý nghĩa.
Ngày
nay, vì nhiều lý do mà người tu Phật đã vô tình đánh mất đi chính mình,
làm ảnh hưởng mối đạo, ít nhiều gây mất tín tâm trong lòng quần chúng.
Nói tóm lại,
thời Phật còn tại thế, vị Tỳ kheo muốn thưa thỉnh điều gì đều phải đến
trước Phật, trịch bày vai áo bên phải, đi quanh ba vòng rồi quỳ xuống
chắp tay đảnh lễ, rồi thưa thỉnh. Hay khi tụng kinh phải đảnh lễ. Đi
đứng nghiêm trang, ăn nói đàng hoàng…Đó chính là sơ khởi của nghi lễ
Phật giáo.
Từ
những quy tắc ban đầu, nghi lễ được chú ý thông qua giới luật, là những
phép tắc giữ gìn thân tâm, thanh tịnh đạo tràng. Khi lưu truyền qua các
nước thì Phật giáo như một dòng chảy hiền hòa, uyển chuyển qua mọi thác
ghềnh, thấm sâu vào mỗi quốc độ. Nghi lễ nhờ đó mà dung nhiếp, tan biến
vào tín ngưỡng dân gian.
Dẫu
vậy, tính “bất biến” vẫn còn nên nghi lễ dù với hình thức nào thì việc
trang nghiêm giới thể vẫn luôn được xem là điều thiết yếu nhất của người
tu Phật.
Cuối
cùng, xin được nhắc lại, như những gì đã bộc bạch trong bài viết, vì
kiến thức còn hạn chế nên chúng tôi chỉ triển khai một phần ý nghĩa theo
chiều rộng của nghi lễ thông qua oai nghi tế hạnh, nếp sinh hoạt hàng
ngày của Tăng chúng và công phu tu tập thể hiện qua hình tướng của bậc
xuất trần thượng sĩ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1998.
2. Thích Minh Thông, Theo dấu chân xưa, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2003.
3. Thích Minh Thông, Đại cương giới Tỳ kheo, lưu hành nội bộ.
4. Viên Trí, Ý nghĩa giới luật, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2004.
5. Thích Thiện Siêu, Cương yếu giới luật, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2002.
6. Thích Phước Sơn, Một số vấn đề giới luật, Nxb Phương Đông,Tp. HCM, 2006.
[1] Trí Bửu, Âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam, Đạo Phật Ngày Nay, tập 5, tháng 1,2-2011.
[2] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, tập II, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991.