I. Dẫn nhập:
Kinh Ðại Bổn Di Ðà nói: Một hôm Ðức Phật Thích Ca dung
nhan khác lạ, ngài A Nan mới hỏi có nhân duyên gì mà Ðức Thế Tôn hoan hỷ như
vậy? Ðức Phật nói có pháp môn niệm Phật Di Ðà rất thích hợp với chúng sanh, đặc
biệt vào thời mạt pháp khi căn cơ chúng sanh bị giới hạn đi nhiều và bất cứ ai cũng
có thể trì niệm được. Ðây là nguyên do đầu tiên.
Bà Vaidehy cùng vua Bimbisara có sanh một vị hoàng tử tên
là A Xà Thế, người con này vô cùng ngỗ nghịch, không bao giờ nghe lời chỉ dạy
của phụ vương cũng như mẫu hậu. Ông nghe lời Ðề Bà Ðạt Ða (y nói rằng trong Ðạo
có Phật Thích Ca là lớn nhất, ngoài đời có vua Tần Bà Sa La là uy quyền hơn cả)
về nhà bắt giam vua cha vô cớ. Hay tin này, bà Vaidehy rất đau khổ mới xin
những người gác ngục vào thăm vua. Ðể có thể mang đồ ăn thức uống vào cho vua
đang bị giam, bà lấy trái Ampala lớn như trái ổi (loại trái cây này chỉ có bên
Ấn Ðộ) giả như mang một xâu chuổi, trong đó hoàng hậu để các đồ cần dùng no
lòng. Cứ thế nhiều ngày trôi qua, tuy nhiên, sự việc này cuối cùng bị A Xà Thế
phát giác và điều tra, sau đó bắt và hạ ngục luôn bà mẹ của mình.
Trong ngục tối của thành Vương Xá dưới chân núi Linh Thứu,
mỗi đêm bà đều hướng lên Linh Sơn để cầu nguyện với Ðức Phật: «Làm sao Thế Tôn
cho con sống trong một thế giới nào không có những đứa con ngỗ nghịch!». Ðức
Phật ở trên núi Linh Thứu mới phóng quang cho bà thấy cả 10 phương thế giới. Từ
đó bà mới chọn cảnh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, có Phật Di Ðà đáng kính đáng
về (đây là theo nhân duyên cảm nhận, thực sự 10 phương Phật, phương nào cũng là
cực lạc, cõi Phật nào cũng đều nên về cả). Bà phát nguyện khi xã báo thân này
là sẽ về cõi Phật A Di Ðà. Ðây là nguyên do thứ hai.
Trong kinh nói rằng, Ðức Phật Di Ðà luôn luôn chờ đợi để
tiếp đón chúng sanh lên 9 phẩm sen vàng, phần còn lại là ở nơi chúng sanh có
muốn về cõi Phật hay là không.
II. Ðịnh nghĩa, Đại nguyện, và cảnh giới:
Namo Amitàbha Buddha hay Nam Mô A Di Ðà Phật nghĩa là Vô
Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Công Ðức.
Namo nghĩa là quy mạng, nương về ở đây dịch âm từ tiếng
Bắc Phạn, Tàu dịch là Nam Vô, người Việt đọc là Nam Mô; Amitàbha là Vô Lượng
Thọ (mạng sống lâu không thể lường), Vô Lượng Quang (sáng suốt vô cùng tận), Vô
Lượng Công Ðức (ngài tu hành không biết bao nhiêu kiếp nên công đức không thể
nào lường được); Buddha là Phật hay Phật Ðà (là tự giác, giác tha, giác hạnh
viên mãn, người nào có đủ ba hạnh đều gọi là phật cả). Trong mỗi chúng ta có
sẵn những đức tánh vừa nêu trên, nhưng từ nhiều đời nhiều kiếp trở lại đây nó
đã bị bụi trần vô minh che lấp, nên không thấy được. Ðức Phật dạy ta pháp môn
niệm Phật Di Ðà nhằm hướng dẫn ta trở về con đường nầy, hơn nữa sự trở về này
dù cho có Phật Di Ðà làm trợ duyên tốt, nhưng trước tiên chính là mỗi người trong
chúng ta cần phải đầu tư thật nhiều cố gắng, thì mới có thể về được cõi Phật.
Cõi Phật Di Ðà hay là Tịnh Ðộ có nhiều tên gọi khác nhau
như Cực Lạc, Tây Phương, An Dưỡng Quốc, An Lạc Quốc. Cảnh trí cõi Tịnh cho
chúng ta thấy rằng chánh báo nào thì y báo nấy. Chánh báo là chỉ cho Ðức Phật Di
Ðà, Y báu là cõi nước. Chánh báu là phước báu chánh của vị đó, còn Y báu là
phước báu nương theo vị đó. Khi ta đã biết được cảnh trí Tịnh độ rồi (diễn tả
chi tiết trong Kinh A Di Ðà), thì mới hết lòng cầu về cõi Tịnh.
Nguyện về tịnh độ một nhà
Hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình
Hoa nở rồi biết tánh linh
Các ông Bồ Tát bạn lành với ta.
Khi chúng sanh chưa giác ngộ thì các vị Bồ Tát là cao, còn
khi ta ngộ (sinh về Tịnh độ) thì các ngài là người bạn lành của chúng ta. Chúng
ta muốn thật sự gia đình được đoàn tụ (không phải sau khi chết rồi, mỗi người
mỗi nẻo luân hồi), thì chỉ nên đi một đường này. Tất cả chúng ta nên tu theo
pháp môn niệm Phật, ai có nhân duyên về Tịnh độ trước thì lo chuẩn bị tiếp rước
người đến sau. Nếu chí thành theo con đường niệm Phật Di Ðà cầu sanh tịnh độ
thì dứt khoát sau nầy cả gia đình, ngay cả dòng họ sẽ gặp nhau cả (Cửu phẩm
liên hoa vi phụ mẫu – chín phẩm hoa sen là cha mẹ). Khi chúng ta bắt đầu niệm
Phật tại đây thì trong Ao Thất Bảo bên Tịnh độ hiện lên một hoa sen ghi danh
hiệu của ta ở trên đó. Khi niệm Phật phải phát tâm Chánh Tín rằng chư Phật
không bao giờ nói dối chúng sanh; hơn nữa phải tin tưởng giáo pháp của Phật đã
chỉ dạy trong các kinh điển, và quan trọng hơn cả là phải tự tin nơi chính bản
thân của mình. Còn nếu có người vẫn niệm Phật nhưng lòng còn nghi, thì sau khi chết
sanh về nghi thành, và ở đó trong nhiều tháng, đây là lời trong Kinh Ðại Bổn Di
Ðà đã ghi. Do đó nhất định không thể nào nghi được, phải có một ý chí sắt đá
tin tưởng vào sự trì niệm danh hiệu Phật Di Ðà và cầu sanh Tịnh độ. Muốn về
Tịnh độ phải trang bị tư lương thật đầy đủ. Tư nghĩa là thực hành các loại công
đức khác nhau, như làm lành lánh dữ (thọ Tam Quy trì ngũ giới), giúp đỡ kẻ yếu
binh vực người ngay (ở đây cần hiểu rộng ra là người Phật tử ngoài chuyện tụng
kinh niệm Phật, còn phải đóng góp tâm trí vào việc cứu vớt dân tộc Việt ra khỏi
ách nạn cộng sản); Lương nghĩa là hành trang niệm Phật tụng kinh một cách chí
thành khẩn thiết. Ngài Huệ Viễn là vị Tổ sư của pháp môn Tịnh độ dạy rằng: «Thà
về Tịnh độ ở Hạ phẩm, còn hơn lên các cõi trời, vì lên trời còn bị đọa sau khi hết
phước». Khi về Tịnh độ thì thần thức ta ở trong hoa sen, hoa nở mới gặp được
Phật A Di Ðà, tại đây sẽ được bậc Bất thối chuyển, không có thân tướng nam nữ
khác biệt.
Còn về cảnh trí Tịnh Ðộ thì mỗi nơi chốn tiêu biểu cho số
7. Cho nên mới nói về đến Tây phương Tịnh độ được tắm ao thất bảo. Tắm ao thất
bảo này để trừ thất bất khả tỵ (bảy việc không thể tránh khỏi) như: 1/ Sanh
(theo nghiệp lành dữ), 2/ Già (tuổi lần xế chiều), 3/ bịnh, 4/ chết, 5/ tội (khổ
quả tội nghiệp), 6/ phước (khổ quả thiện nghiệp), 7/ nhơn duyên (hòa hợp sanh
ra, họa phước giàu nghèo). Ngoài ra còn có hương ngũ phận, lưu ly có đất sáng
ngần, ma ni có nước trong ngần chảy quanh, thất trân có 7 lớp thành, 7 hàng cây
báu 7 hàng lưới châu, có ngân các có kim lầu, có chim nói pháp nhiệm mầu dễ
nghe; Nghe rồi tỏ đạo bồ đề các ông Bồ tát bạn lành với ta. Do đó ta thấy rằng
cõi chúng ta ở là Ta bà đầy cảnh khổ đau, dầu có phước đức như thế nào đi nữa
thì cũng không thoát khỏi sanh, lão, bịnh, tử.
Trong tất cả các pháp hội khi Ðức Thế Tôn còn tại thế, tất
cả các bộ kinh ngài thuyết đều do có người hỏi cả; đặc biệt bộ Kinh Di Ðà thì
ngài đã vô vấn tự thuyết (không hỏi mà nói), như trong kinh tiểu bổn Di Ðà, Ðức
Phật kêu ngài Xá Lợi Phất mà nói về công đức của bộ kinh này. Pháp môn Tịnh độ
chỉ cho chúng ta đi về con đường an vui, sự trình bày của tôi hôm nay để cùng
nhau đi về thế giới thanh tịnh an vui mà chư Phật, chư vị Tổ sư đã đi trước
chúng ta một thời gian khá dài. Thế giới Tịnh độ thực ra không xa nơi chúng ta
đang cư ngụ, nếu ta giác ngộ thì thế giới đó ở ngay chính trong ta, nên có một
câu nói là Duy Tâm Tịnh Ðộ (nghĩa là muốn trở về cõi Tịnh thì trước nhất Tâm
của ta phải Tịnh, vì Tâm tịnh tức Phật độ tịnh), là ở ý nghĩa đó. Ðức Phật Di Dà
rất từ bi, ngài phát 48 lời Đại nguyện và lúc nào cũng đưa tay sẳn sàng tiếp
đón thần thức của ta về với quốc độ của ngài, nhưng nếu tâm ta chưa thanh tịnh
thì chưa thể nào về cõi Tịnh được.
Do vậy người niệm Phật phải luyện tập hằng giờ, hằng ngày,
hằng tháng cho được thuần thục và nhất tâm. Trong các bài sám có câu «Một lòng
mỏi mệt không nài, cầu về tịnh độ ngồi đài liên hoa, cha lành vốn thiệt Di Ðà,
soi hào quang tịnh chói lòa thân con…». Nếu niệm Phật không tinh tấn thì không
thể nào về được cõi Tịnh, và mọi người đều biết rằng ai ai cũng đều phải chết,
có một vị Tổ sư nhắc rằng «Chớ đợi đến già mới niệm Phật, thiếu chi mồ trẻ đã
qua đời». Khi chết ta phải tìm con đường để đi, điều cần yếu là đừng trở lại chốn
này. Trong chúng ta đây là những người có được phước, so với đồng bào ta ở
trong nước đang phải sống rất khổ cực dưới chế độ cộng sản, cho dù đủ ăn đủ mặc
nhưng vẫn phải chịu những cái khổ khác không sao tránh khỏi, vì đây là thế giới
đầy sự đau khổ, trong đó chúng sanh lấy khổ cho là vui, thân chịu trong cảnh
khổ không tìm cách thoát ly. Về với Phật Di Ðà là để có cơ duyên thuận tiện để
tu hành chứ không phải về tới Tịnh độ là được thành Phật ngay, cho nên có 3
phẩm hóa sanh (thượng, trung và hạ) là ở nơi công đức tu trì của hành giả mà
thôi.
Ðức Phật thuyết giảng hơn tám muôn bốn ngàn pháp môn,
nhưng ngài nói pháp môn niệm Phật Di Ðà và cầu sanh Tịnh độ là Bất Nhị Pháp Môn
(nghĩa là pháp môn có một không hai), các pháp môn khác đều phải tự lực trước;
riêng pháp môn này khi bắt đầu trì niệm hồng danh Ðức Phật Di Ðà, thì người trì
niệm đã được an trụ trong hào quang, cũng như sự che chở của ngài, sự việc này
đến do nơi 48 Đại nguyện phát ra trước đây. Lời nguyện thứ 18 nói rằng: «Có
chúng sanh nào, muốn sanh đến thế giới của ngài, chí thành tâm thiện chí thành
tâm niệm danh hiệu của ngài 10 lần. Nếu người đó không sanh về cõi ngài thì ngài
không chứng bực chánh giác». Do đó ta thấy pháp môn nầy nhờ vào Đại nguyện của
đức Phật Di Ðà và các bực thánh chúng, đặc biệt là rất phổ cập và không khó để
hành trì, hàng Phật tử dù tại gia hay xuất gia, gặp nhau nơi nào đi nữa, câu nói
đầu tiên thoát ra từ cửa miệng là A Di Ðà Phật!
III. Tư lương, điều kiện và kết luận:
Dưới đây là một vài điều kiện căn bản để làm tư lương trên
đường về cõi Phật A Di Ðà:
1/ Sự kiện trên có ý nghĩa đặc biệt nhằm gợi lại Phật tánh
sẳn có nơi mỗi người (bản tánh của ta vốn sáng suốt, nhưng bị vô minh che lấp
từ nhiều đời nhiều kiếp trở lại ); thứ hai nhắc nhở tới bình đẳng Phật tánh
giữa tất cả mọi loài cùng mười phương chư Phật. Cho nên trì niệm danh hiệu đức
Phật A Di Ðà tức là tưởng nhớ tới danh hiệu của 10 phương chư Phật. Nhưng muốn
thành tựu công đức này, một điều không thể nào quên được, đó là phải có niềm
tin. Vì có niềm tin nên mới trì niệm, có niềm tin nên thực hành, và có niềm tin
mới đi đến kết quả sau cùng. Cho nên mới nói rằng: Tín vi đạo nguyên công đức
mẫu, Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn, Tín năng siêu xuất chúng ma lộ, Tín
năng đắc nhập tam ma địa, Tín năng giải thoát sanh tử hải, Tín năng thành tựu
Phật bồ đề. Bởi thế cho nên Nhân Vô Tín Bất Lập. Người tu niệm tin Phật không
bao giờ nói dối chúng đệ tử vì thân khẩu ý của ngài đã thanh tịnh; tin Pháp là
chơn lý không bao giờ dời đổi; tin sức mạnh của bản thân sẽ được đi về Tịnh độ.
Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, tiềm ẩn tự tánh Di Ðà, và tâm Tịnh độ, cho
nên, ta phải chí thành tin tưởng và trì niệm mỗi ngày để ngày nào khi tắt thở,
thì thần thức này đương nhiên sẽ đi về cõi Tịnh độ mà thôi.
2/ Về mặt phát nguyện phải hết sức thành khẩn, kinh Di Ðà
nói chúng sanh mong muốn về cõi Tịnh độ để thấy Phật Di Ðà cũng như con mong
muốn được gặp mẹ. Cho nên có câu trong bài sám tụng như sau: «…đã sanh về chín
phẩm sen, mấy tai cũng xẩy, mấy duyên cũng tròn, Phật như thể mẹ tìm con, con
mà gặp mẹ lại còn lo chi, lầu vàng đài các thiếu gì, ăn thời cơm ngọc, mặc thời
áo châu, không ơn không oán không sầu, không già không chết có đâu luân hồi…».
Qua đó ta thấy rằng Ðức Phật giống như một bà mẹ hiền lúc nào cũng muốn đưa
chúng ta về cảnh giới an lành, còn về hay không là tùy ở nơi mỗi người chúng
ta. Chư vị thiền đức đã nhắc chúng ta rằng nơi
cõi chúng ta đang sống là một cảnh chiêm bao lớn. Trong giấc chiêm bao lớn này,
sống chết là chiêm bao nhỏ, khi giác ngộ rồi thì Đại địa vô thốn thổ (cả trời đất
bao la này không còn gì cả), vì chúng ta chưa ngộ nên cho tất cả mọi chuyện
chung quanh đều là thật cả. Phải phát tâm mong muốn hết lòng, cầu về gặp cho
bằng được bà mẹ hiền (Ðức Phật Di Ðà) đã chờ ta từ vô lượng kiếp tới nay.
3/ Mỗi ngày cần siêng năng niệm Phật để chuẩn bị tư lương
đường về cõi Phật. Tư lương này ví như là công đức của ta cần tích lũy cho mai sau
khi ta nhắm mắt lìa trần. Khi xa lìa thế gian chỉ có tư lương này là có thể đem
theo ta vĩnh viễn, còn tiền bạc mà ta tạo dựng hay dành dụm khi còn sống thì
không thể nào đem theo được; như Kinh Pháp Hoa có phẩm Thí Dụ ghi lại câu
chuyện ông nhà giàu vì muốn cứu các người con mê muội quây quần chơi giỡn trong
nhà lửa nên dùng các thứ xe làm phương tiện để cứu các con thoát chết. Khi các người
con được ra khỏi nhà lửa (tam giới) thì người cha bảo đó chỉ là phương tiện để
cứu các con mà thôi. Ở nơi đây cũng thế, pháp môn niệm Phật mà Ðức Phật thuyết
giảng là phương tiện để cứu vớt chúng sanh ra khỏi luân hồi (tam giới) và về cõi
Tịnh. Về sự thực hành thì tôi đề nghị như sau: «mỗi ngày đêm 24 tiếng đồng hồ
để lo toan việc đời cũng như ngũ nghĩ, cần để riêng 30 phút hoặc tối hay sáng
tùy theo hoàn cảnh, ai đủ thời giờ thì trì niệm cả hai thời sáng và tối càng
tốt.Trong nhà thờ Phật Di Ðà, sau khi vào kinh tụng tiểu phẩm Di Ðà, đến khi hồi
hướng thì nguyện con tên…pháp danh…phát nguyện trì niệm danh hiệu Ðức Phật A Di
Ðà khi xả báo thân này được sanh về tây phương cực lạc thế giới. Lưu ý là nên
thực hành đều đặn, không nên hôm làm hôm nghĩ và cần có một xâu chuổi để niệm
Phật. Trong kinh còn nhắc nhở rằng tu hành mà không phát nguyện thì khó mong
thành tựu đạo quả.
Có 4 phương pháp thực hành:
1/ Trì danh niệm Phật: gìn giữ danh hiệu đức Phật, cũng
như suy nghĩ về sự sáng suốt của ngài, vì không niệm Phật thì sẽ niệm chúng
sanh. Ðây là phương pháp niệm Phật ra tiếng (Sự niệm Phật).
2/ Quán tưởng niệm Phật: quán tưởng hình tượng Ðức Phật Di
Ðà phóng quang mà niệm. Chú ý nên để hình tượng Phật Di Ðà trước mặt để niệm
Phật (Sự niệm Phật).
3/ Tham cứu niệm Phật: niệm một câu Nam Mô A Di Ðà Phật phải
tham khảo cứu xét mà niệm. Quan niệm rằng niệm Phật là niệm Tâm, niệm Tâm là
niệm Phật. Vì Tâm, Phật, cập chúng sanh ba việc đó không có sai khác. Vì không
sai khác nên mới tham cứu, niệm từ nơi tâm, tâm ta là Phật. Phật tức tâm, tâm
tức Phật. Chính ta có Phật, vì niệm Phật ở ngoài là niệm Phật ở trong (Lý niệm
Phật). Ở phần này cho ta thấy không khác sự tham cứu thoại đầu ở thiền tông,
đưa đến kết luận rằng Thiền và Tịnh không khác gì nhau cả. Nếu có khác là do
tâm phân biệt của người tu hành mà ra, hễ có tâm phân biệt như thế thì chưa
đúng là người tu thiền thật sự. Khi xưa, Bồ tát Khương Tăng Hội, vị Tỵ Tổ của
Thiền tông Ðông độ cũng như của Việt Nam đã cho rằng giữa thiền và tịnh độ thực
ra không có gì khác biệt cả.
4/ Thật tướng niệm Phật: Trong khi niệm Phật quán sát
tướng vũ trụ nhân sanh chỉ có một, không có nhiều. Khi còn mê muội thì thấy
chúng nó có thiên hình vạn trạng (pháp giới trùng trùng duyên khởi), còn khi giác
ngộ rồi thì sơn hà Đại địa vô thốn thổ. Quán sát tướng chân thật đó, thấy ra
tất cả chúng sanh đều như ta không khác - ở đây Ðức Phật nói Ðồng Thể Ðại Bi - người
đau khổ tức là mình bị khổ đau. Do đó Bồ Tát Thấy Dân Kêu Ca, Do Vậy Gạt Lệ,
Xông Mình Vào Nơi Chính Trị Hà Khắc Để Cứu Dân Khỏi Nạn Lầm Than mà cách đây
2000 năm đã được ghi trong Lục Ðộ Tập Kinh làm phương pháp hành đạo cứu nước
cứu đời của các vị trí thức, nhân sĩ Phật giáo nước ta dùng làm phương châm
chống lại sự xâm lăng của người Tàu phương Bắc. Truyền thống này còn lưu truyền
và phổ biến cho tới mãi bây giờ. Trở lại phương pháp thứ tư Thật Tướng Niệm
Phật cho ta thấy là thượng chí nhất tâm bất loạn, hạ chí thập niệm thành công.
Bồ đề vừa nắm trên ta
Bao nhiêu phiền não trần lao dứt liền
Phật hiệu Di Ðà gắng sức tinh chuyên
Luân hồi sanh tử không còn từ đây
Những điều cần lưu ý khi sắp lìa trần.
1/ Trên vấn đề hộ niệm: Thực hành Vô úy thí bằng cách
khuyên nhũ nhẹ nhàng người sắp chết đừng suy nghĩ những chuyện thế gian nữa,
hãy bỏ hết, chỉ suy nghĩ duy nhất một việc đó là con đường trở về cõi Tịnh của
đức Phật A Di Ðà. Cần nên nhớ rằng, trước khi sắp chết người bịnh rất yếu về
mặt tinh thần giống như con cua bị bỏ trong nồi nước nóng (thí dụ như nghĩ ngợi
đủ chuyện, rồi tùy theo tâm niệm lúc đó mà vào địa ngục hay là lên Tịnh độ
v.v…). Chúng ta phải dặn những người tới trợ niệm khuyên người bịnh phải dũng
mãnh, và luôn nhớ Phật Di Ðà.
2/ Cách bày biện trong căn phòng: cần tôn trí một hình Phật A Di Ðà đang phóng
hào quang tiếp dẫn, nơi để hình Phật khiến cho người bịnh được trông thấy dễ
dàng nhằm gia tăng chánh niệm, cũng như hộ niệm dễ dàng.
3/ Hạn chế sự khóc lóc: Trong việc này phải cố gắng kềm
chế sự xúc động, vì càng xúc động, càng khóc lóc nhiều sẽ không lợi lạc cho sự
hộ niệm, mà ngược lại cản trở cho công cuộc hộ niệm cho người sắp chết cầu sanh
Tây phương cực lạc. Trong những tình huống như thế này, theo quan niệm tổng
quát, khi thân nhân sắp lìa trần những người còn ở lại khóc lóc thương tiếc
nhiều chứng tỏ có sự thâm tình hoặc là có hiếu đối với cha mẹ. Nhưng đối với
người tu niệm Phật Di Ðà, TUYỆT ÐỐI KHÔNG ÐƯỢC KHÓC, vì khóc sẽ là chướng ngại lớn
cũng như làm tiêu tan công đức niệm Phật của người sắp chết. Sau khi hộ niệm
xong, người thân đã lìa trần một cách êm ái, lúc đó, hãy ra nơi khác mà khóc mà
bày tỏ tình thương. Dù cho người sắp chết suốt đời tu niệm Phật, nhưng lúc lâm
chung mà không được hộ niệm một cách tốt đẹp, thì sẽ mai một công đức của họ,
thật tiếc vô cùng. Xin hãy thận trọng ở điểm này.
Lợi ích của sự niệm Phật:
1/ Khi niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh để cho tâm
hồn chúng ta được sáng suốt; 2/ Niệm Phật tội chướng được tiêu trừ, gia tăng
tín tâm với Phật Pháp; 3/ Trì niệm danh hiệu đức Phật Di Ðà sẽ được sanh về cõi
Tịnh độ, chứng được bậc vô sanh bất thối, sau đó tùy tiện trở lại chốn này hóa
độ chúng sanh.
Công đức của việc trì niệm danh hiệu đức Phật Di Ðà được
ghi lại trong các bộ kinh tiểu bản Di Ðà, Đại bản Di Ðà, Thập Lục Quán, Kinh
Hoa Nghiêm v.v… Hội Liên Xã ở Tàu có ngài Huệ Viễn Đại sư là người hành trì
pháp môn niệm Phật cũng là vị Tổ của pháp môn Tịnh độ, ngài đã biết trước ngày
giờ chết của mình trước bảy ngày và thông báo cho Đại chúng. Tới ngày thứ bảy,
ngài Huệ Viễn ngồi an nhiên thị tịch giữa ba hồi bát nhã tiễn đưa. Tại Việt Nam
chúng ta thường đề cập tới trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Ðức, đây
cũng là một minh chứng hùng hồn về sự niệm Phật vãng sanh tịnh độ. Xin kể hầu
quý vị liên hữu một câu chuyện vãng sanh mà chúng tôi được biết. Số là vị Sư tổ
của tôi là Hòa thượng…(xin được miễn nêu danh tánh vì sự an toàn của thầy tôi)
từ Bình Ðịnh vào Sài gòn tu hành ở những năm 30-40. Ngôi chùa mà vị Sư tổ trụ
trì, khởi đầu được xây trên một nghĩa trang (sau khi được thỉnh về trụ trì, sư
tổ mới biết được điều này), nên hằng đêm thường bị các linh hồn về quấy phá. Có
một đêm, Sư tổ trông thấy con quỷ một giò rất lớn hiện lên và đứng nhìn vào
chùa. Ngài không chút sợ hãi, đã bình tĩnh niệm Phật Di Ðà một hồi lâu thì con
quỷ nọ biến mất hẳn từ đó về sau. Nhờ chuyên trì kinh Pháp Hoa cũng như thành
tâm niệm Phật Di Ðà nên lần lần Phật tử chung quanh về hộ đạo rất đông đảo.
Trước ngày thị tịch, Sư tổ bảo với Thầy tôi rằng, vào giờ ngọ trưa mai ta sẽ
theo Phật, con ở lại lo liệu mọi chuyện. Quả nhiên như vậy, đúng ngọ ngày hôm
sau lúc Sư tổ đang tụng kinh trên chánh điện thì chung quanh tự nhiên thoảng
lên mùi hương rất nhẹ nhàng và thanh thoát, thì chính ngay lúc ấy, ngài đã quy
Tây phương. Lúc đó thầy của tôi ngồi cạnh vẫn không hay, tay vẫn đều tiếng mõ,
đến khi hồi kinh chấm dứt, không thấy Sư tổ đứng dậy lễ Phật thì mới biết đã
viên tịch. Sau khi hỏa táng có nhặt được xá lợi, trong đó tôi có giữ một chiếc
răng của Sư tổ mà thầy tôi đã cho cách đây hơn 20 năm khi rời khỏi Việt Nam. Chiếc răng
xá lợi này hiện tôi vẫn còn tôn thờ cẩn thận.
Thưa quý liên hữu vừa rồi chúng tôi đã trình bày một cách
khái quát phương pháp cũng như nguyên nhân mà Ðức Từ Phụ của chúng ta đã từ bi ban
bố cho chư Phật tử pháp môn niệm Phật Di Ðà có một không hai này. Ðể khỏi phụ
lòng của ngài, và cũng để thoát khỏi cảnh khổ sanh tử luân hồi, chúng ta hãy cùng
nhau phát nguyện cầu sanh Tây phương cực lạc thế giới của Ðức Phật A Di Ðà vì:
Ái hà thiên xích lãng
Khổ hải vạn trùng ba
Dục thoát luân hồi khổ
Tảo cấp niệm Di Ðà
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Ðại Từ Ðại Bi Tiếp Dẫn
Ðạo Sư A Di Ðà Phật tác Đại chứng minh
Cư sĩ
Trúc Lâm Lê An Bình cẩn kính.
Hoằng
pháp thị gia vụ - Trí tuệ vi sự nghiệp