Phật Học Online

Chuyện những nhà sư tham gia chữa cai nghiện

Họ là những nhà tu hành đã lánh xa bụi trần nhưng những việc làm của họ đã cứu rỗi biết bao mảnh đời bất hạnh thoát khỏi vòng vây ma túy ở trần thế. Bằng tình thương và nỗ lực của các nhà sư nhiều người nghiện đã sửa sai và từ bóng tối đã trở về với con đường sáng.

1. Đã từ lâu, chùa Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) không chỉ là chốn cửa thiền linh thiêng mà còn là mái ấm cứu rỗi những con người một thời lầm lỡ. Hàng ngày các bệnh nhân AIDS và người nghiện ma túy tới Câu lạc bộ Hương Sen do Đại đức Thích Thanh Huân phụ trách trong khuôn viên chùa sinh hoạt, cai nghiện, chữa bệnh để tìm nguồn vui, quên đi chuỗi ngày khủng khiếp của cuộc đời.

Sau 10 năm xuất gia tu hành cùng 5 chị em ruột, thầy Huân theo học các khóa đào tạo Phật học tại Đài Loan. Ưu thế nổi bật của Phật giáo các nước không chỉ khép kín trong phạm vi chùa mà còn có tinh thần nhập thế, tịnh hóa nhân gian, gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, đem lại cho chúng sinh cuộc sống tốt đẹp hơn.

Năm 2001, khi về nước, thầy Huân tích cực tham gia  động viên các phật tử, giúp họ tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Trong thời gian này, thầy Huân đã có nhiều dịp tới các nhà giam, tiếp xúc với hàng ngàn lượt tù nhân. Trong quá trình tiếp xúc và lĩnh hội  tinh thần Phật pháp, nhiều phật tử đã tìm đến thầy như người bạn tâm giao để trút nỗi lòng trắc ẩn trong những nghịch cảnh éo le phức tạp không biết tỏ cùng ai mong vơi bớt nỗi muộn phiền. Trong đó, nhiều bà mẹ có con nghiện, mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Câu lạc bộ Hương Sen ra đời với sự tham gia của người nhiễm, tu sĩ, cộng đồng và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ tư vấn cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy, thuyết pháp đạo Phật khuyên nhủ các thành viên tích cực làm điều thiện, tổ chức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, hướng dẫn tập thiền, tập dưỡng sinh nâng cao sức khỏe, tổ chức cai nghiện… Bước sang năm nay, câu lạc bộ đã thu hút hơn 100 thành viên ở thủ đô Hà Nội. Số người nghiện, bệnh nhân AIDS tới đăng ký tham gia câu lạc bộ càng đông, với khát khao tu tỉnh làm lại cuộc đời.

Người đầu tiên đến chùa nhờ thầy Huân cai nghiện là một thanh niên tên Dương quê ở Hải Phòng. Chỉ vì được nuông chiều, từ một học sinh chăm ngoan, Dương ngày càng ngỗ ngược rồi trở thành đại ca của một băng đảng có 60 đệ tử chuyên đâm thuê chém mướn có tiếng ở đất Cảng. Chìm sâu trong vũng lầy ma túy, anh ta mắc bệnh AIDS. Qua người thân mách bảo, hai mẹ con Dương lặn lội tới khẩn cầu thầy Huân xin được cai nghiện và chữa bệnh.

Cảm thông trước quyết tâm làm lại cuộc đời của anh ta và nỗi lòng của người mẹ, thầy nhận lời nhưng đưa ra điều kiện cai nghiện rất ngặt nghèo: không hút thuốc lá, không được ra khỏi chùa, không ngồi quán, không nói đến ma túy… và nhất thiết không được hỏi mượn và giữ tiền. Sau những ngày đầu vật vã, được thầy luôn gần gũi động viên, cảm hóa, Dương dần cắt cơn nghiện, ngày càng khỏe mạnh, tâm hồn thư thái hơn. Từ một thanh niên côn đồ hung hãn, cánh cửa hoàn lương dần rộng mở, giã từ cuộc sống giang hồ trở về làm ăn lương thiện.

Đại Đức Thích Thanh Huân giảng đạo cho các thành viên CLB Hương Sen.

2. Nhà gần chùa, nên từ nhỏ, cậu bé Hòa thường ra chơi ở ngôi chùa làng. Những câu chuyện sư cụ kể về Phật pháp, triết lý từ bi, hỉ xả chẳng biết từ bao giờ đã ngấm sâu vào cậu bé có căn duyên với chốn thiền. Năm 14 tuổi, Hòa quyết định vào tu ở chùa làng, dẫu biết con đường tu hành vốn khổ hạnh, lại lắm thử thách. Khi chuyển sang phụng sự việc nhà Phật ở chùa Thịnh Đại (Kim Bảng, Hà Nam), khó khăn bội phần. Những năm tháng tu hành gian truân giúp thầy Hòa càng thấu hiểu nỗi lòng chúng sinh.

Một lần, có phật tử tới chùa lễ tâm sự về nỗi khổ do đứa con nghiện và nhờ thầy giúp đỡ. Cứu vớt một sinh linh thoát khỏi lầm lạc là giảm bớt tai họa cho xã hội, gia đình họ yên vui, lòng mình thanh thản, thầy Hòa nhận lời không chút do dự. Bằng tình thương, bao dung độ lượng của người tu hành, với những việc làm cứu nhân độ thế, thầy đã thu phục nhân tâm, giúp đỡ nhiều thanh niên mắc nghiện thoát khỏi cơn u mê đắm chìm của ma túy. Người đến chùa cai đầu tiên là một chàng trai ở Hà Nội, thâm niên nghiện gần chục năm.

Tiếng lành đồn xa, càng nhiều thanh niên trót làm bạn với ả phù dung tới nhờ thầy giúp đỡ. Tự tay  thầy giã lá ngải, cạo gió, tẩm quất, đấm bóp, ân cần chăm sóc và lựa lời thuyết phục, an ủi, chỉ dạy cho họ thấu hiểu báo ân, đạo hiếu đối với bậc sinh thành. Đại đức Thích Việt Hòa trở thành chỗ dựa vững chãi, tiếp thêm nghị lực giúp người nghiện chiến thắng những cơn vật vã thèm thuốc, dũng cảm đứng dậy làm lại cuộc đời. Khi gia đình họ đến tạ ơn, thầy bảo: "Thí ân bất cầu báo. Thầy chỉ là hạt cát nhỏ trong bãi hà sa, mang lại hạnh phúc, làm dịu nỗi đau cho mọi người chính là niềm hạnh phúc vô biên bản thân mình".

3. Mặc dù đã xuất gia, không vướng bận trần ai, nhưng Đại đức Thích Thanh Dũng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương vẫn thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể; nhất là lực lượng Công an tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tác hại của ma túy cho các tăng ni, phật tử; từ đó để họ trở thành những nhà truyền thông, thuyết giáo về  phòng chống ma túy. Nhiều gia đình đến chùa giãi bày nỗi khổ tâm khi có con nghiện, bị nhiễm HIV/AIDS, Đại đức dùng triết lý đạo Phật lựa lời khuyên nhủ.

Một trong những người nghiện mà Đại đức Thích Thanh Dũng từng dày công giúp đỡ là anh Phương, nhà ở gần ga Hải Dương. Sau khi đi cai tại Trung tâm cai nghiện Hải Dương, bị mọi người coi thường, xa lánh, quá buồn chán anh tới chùa Linh Thông, phường Quang Trung (TP Hải Dương). Đại đức lựa lời động viên, khuyên can. Qua những lần tiếp xúc thân tình, mọi người thấu hiểu và dần xóa bỏ mặc cảm, giúp anh Phương chiến thắng những cơn vật vã thèm thuốc, dũng cảm đứng dậy làm lại cuộc đời.

4. Nhìn nét mặt hiền hậu của ni sư Thích Đàm Viên, chùa Phong Lộc, phường Cửa Nam, TP Nam Định, ít ai có thể nghĩ rằng, ẩn sau đó là một nghị lực can trường của một nữ tu bao năm nay luôn bền gan, sát cánh cùng những thanh niên mắc nghiện chiến đấu, giành giật từng giây phút ma túy lôi kéo, hành hạ. Thông qua các buổi khóa lễ, giảng pháp, ni sư đã mang giáo lý đạo Phật giảng giải, tuyên truyền, vận động nhắc nhở tín đồ phật tử sống thiện, lánh xa ma túy, xây dựng cuộc sống ấm no.

Mắc nghiện đã 3 năm, Trần Văn Minh ở 182 Đặng Xuân Bảng đã đốt không biết bao nhiêu tiền của của gia đình. Bố mất sớm, Minh là chỗ dựa duy nhất cho người mẹ góa. Xót con, khuyên can mãi không được, mẹ Minh chỉ biết cắn răng chịu đựng. Thấu hiểu nỗi khổ của mẹ Minh trong mỗi lần đến chùa lễ Phật, sư Viên lựa lời giáo hóa, động viên bà quyết tâm cai nghiện tại nhà cho con. Biết hoàn cảnh gia đình chẳng dư dả gì, ni sư thường xuyên quan tâm, động viên thăm hỏi, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần để Minh có thêm nghị lực đoạn tuyệt với ma túy. Tự tay Minh khóa cửa rồi vứt chìa khóa, giam mình trong nhà, quyết tâm làm lại cuộc đời. Sau 3 lần gian nan chống chọi với cơn nghiện, Minh đã chiến thắng chính mình.

Còn Phạm Văn Thiện ở đường Nguyễn Cơ Thạch cũng chỉ vì đua đòi bạn bè mà nhanh chóng bị ma túy hạ gục. Mẹ Thiện buồn rầu than thở và nhờ ni sư giúp đỡ trong nỗi tuyệt vọng. Bà gần gũi và bằng tấm lòng yêu thương, đả thông tư tưởng, giúp chàng trai ngỗ ngược trở nên biết vâng lời, không mặc cảm và tự giác cai nghiện. Thiện quyết tâm sửa sai, tình nguyện tự nhốt mình trong nhà để cai nghiện.

Cai nghiện xong, tin vui lại tới tấp. Thiện tìm được việc làm, lấy vợ và sinh được bé gái kháu khỉnh. Thỉnh thoảng đến ngày rằm, mùng một, cả nhà Thiện lại tới chùa. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng. Khi đó, ánh mắt của vị ni sư nhân từ lấp lánh niềm vui. Chính ngọn lửa nống ấm của tình người đã thắp sáng, xua tan đi những tăm tối trong cuộc đời những người lầm lỡ để họ tự tin sửa sai, vững bước trên hành trình hướng thiện

Theo Minh Tâm - CAND


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage