Tác giả Ngọc Mai (bìa trái) trong một chương trình từ thiện - Ảnh: P.B.C. (Giac Ngo)
Quan niệm sống được hình thành từ ý thức của mỗi cá nhân. Nó chịu sự
ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội và quan trọng nhất
là mức độ giác ngộ của mỗi con người.
Trở về với lịch sử mấy nghìn năm văn hiến, đại diện cho quan niệm
sống hiền - đẹp thời Lý - Trần có thể nói đó là đức vua Trần Thái Tông
(1218-1277). Là một vị vua ngự trị trên ngai vàng với quyền lực tối cao
nhưng ngài vẫn chuyên tâm sống nếp tu hành theo Phật pháp để định hướng
sống hiền - đẹp cho bản thân và hướng thiện cho dân chúng. Ngài đã
nghiêm túc thực hiện sáu thời lễ bái cúng dường Tam bảo hàng ngày để tu
tỉnh thân - khẩu - ý.
Điều này quả thật không dễ dàng với một thường dân Phật tử huống chi
là một vị vua. Định hướng sống hiền - đẹp của đức vua được duy trì và
bồi đắp mỗi ngày để giúp Ngài trở thành một thiền sư sau hơn 30 năm sống
ích nước lợi dân và trở thành một tấm gương cho hậu thế.
Nhận diện và thực tập
Là một hậu sinh mang dòng máu Lạc Hồng, thừa hưởng những tinh hoa mà
các bậc tiền nhân đã để lại. Mỗi con đường tôi qua, từng vùng đất tôi
đến đều cho tôi một sự hàm ơn: hàm ơn con người, muông thú và cả cỏ cây.
Tôi đã định hướng cho mình một quan niệm sống hiền - đẹp ở tuổi hai
mươi - cái tuổi mang nhiều ước mơ, hoài bão và cũng dễ bị cám dỗ nếu
không định hình một hướng đi đúng cho bản thân phấn đấu.
Rời trường Đại học Kinh tế, tôi được tuyển dụng vào làm kế toán cho
một công ty lớn. Tại đây tôi tham gia vào Ban chấp hành Đoàn Thanh niên
và phụ trách mảng công tác xã hội. Tôi dấy lên phong trào từ thiện trong
nội bộ công ty. Với một chút năng khiếu văn chương và một tấm lòng,
những tờ thư vận động của tôi được gửi đến tất cả các phòng ban và đến
cả những thủy thủ đoàn trên những chiếc tàu đang lênh đênh ngoài biển
cả. Với số nhân sự hơn 1.500 người đã tích lũy mức đóng góp không nhỏ
cho những chuyến cứu trợ, tiếp sức đến trường do tôi khởi xướng.
Ngoài mục đích chính là giúp đỡ người nghèo khó, việc từ thiện còn
mang một ý nghĩa khác là tạo sự ảnh hưởng để mọi người biết lắng lòng
chia sẻ tình thương cho nhau. Thử nghĩ xem cuộc sống sẽ ra sao nếu như
con người chúng ta mạnh ai nấy sống và sống không hiền không đẹp?
Khi tuổi Đoàn sắp hết, tôi biết miền hoạt động của mình sẽ thu hẹp.
Để duy trì quan niệm sống hiền - đẹp, tôi bắt đầu gầy dựng hoạt động từ
thiện bên ngoài công ty với một nhóm bạn học. Chúng tôi hoạt động thầm
lặng trong nhiều năm. Đến một hôm tôi nghĩ rằng nếu cứ duy trì hoạt động
kiểu đó thì sự chia sẻ chẳng là bao trong khi tinh thần “Nhường cơm xẻ
áo” như là một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt.
Thế là website Vườn Nhân Ái (www.vuonnhanai.org)
thuộc Nhóm Từ thiện Đồng Tâm ra đời như một sân chơi cho những ai chọn
cho mình quan niệm sống hiền – đẹp. Để tránh những nghi kỵ và tạo niềm
tin, chủ trương của tôi là minh bạch tài chính trên website cụ thể, chi
tiết cho từng chương trình một. Mọi người có thể kiểm soát và theo dõi
các hoạt động của nhóm.
Thế mà tôi vẫn không tránh khỏi sự đã kích của một vài người. Thạc sỹ
giảng viên đại học V.Đ mail cho tôi rằng việc mở website từ thiện là để
khoe thành tích, phô trương hoạt động, quảng bá hình ảnh, muốn làm từ
thiện chỉ cần đem ít tiền nộp cho tổ chức nào đó là xong, cần gì mở
website để lôi kéo người khác. Với tôi, một tổ chức từ thiện nó như một
hoạt động kinh doanh phi lợi nhuận. Nghĩa là nó cũng cần có chiến lược,
mục tiêu, kênh thông tin (marketing), khách hàng (đối tượng cần giúp),
nhà cung cấp (người tài trợ, nhà hảo tâm), chấp nhận rủi ro và thách
thức…nếu muốn giúp được nhiều người.
Ngay cả trong ý nghĩa của hai chữ từ thiện nhiều người còn hiểu một
cách lệch lạc. Nên nó không thể hiện được cái hiền - đẹp trong nghĩa cử
cho và nhận. Chẳng hạn người ta đem cho từ thiện loại tặng phẩm sắp hết
hạn sử dụng với số lượng lớn. Nếu không để ý thì tội cho người nhận vừa
mang ơn lại thêm bệnh.
Dấn thân và chia sẻ
1. Trên con đường thiện tôi đang dấn thân, tôi đã
chạm mặt với nhiều quan niệm sống khác nhau để lại trong tôi nhiều trăn
trở và suy ngẫm. Trong khuôn khổ bài viết này tôi không có ý khen, chê
hay phân loại mà chỉ nêu lên một hiện trạng về những hành động sống phát
xuất từ những quan niệm sống mà tôi đã tiếp xúc.
Xây nhà tình thương - Ảnh : Phó Bá Cường
Trong chuyến vận động quà tết cho người nghèo Trà Vinh, tôi được anh
trai một nữ giám đốc trẻ mời đến để đưa thư ngỏ cho cô em giám đốc bởi
anh ta tin rằng em gái sẽ ủng hộ vì là dân miền Tây.
Khi tôi đến, người anh mở cửa phòng thì thấy cô em đang ngồi đếm một
khối lượng tiền khá lớn trên bàn. Cô giám đốc nhận thư ngỏ với một thái
độ rất lạnh lùng trong khi bụng mang dạ chửa và kèm theo câu nói “Đến
xin tiền chứ gì?”. Tôi cười chào và vẫn vui vẻ ở lại dùng cơm trưa với
cả nhà họ theo lời mời của người anh. Sau ba tuần không thấy tín hiệu gì
từ cô ấy. Hôm đi tặng quà gặp lại người anh làm tình nguyện viên, anh
bộc bạch: “Em anh nằm viện tuần nay, không ngờ cái thai hơn sáu tháng
lại bị hư”.
Tôi quá bất ngờ nên hỏi: “Có phải cô em bị tai nạn à?” Người chị dâu
tiếp lời: “ Nhà nó có 4 ôtô, 2 giúp việc, có cực khổ gì chứ. Một tháng
đi sắm quần áo một lần, cái nào cũng bạc triệu, có cái chưa mặc đã bỏ
rác. Hễ nói tới từ thiện là mặt nó một đống. Phải chi nó biết tích phước
thì đâu đến nỗi”. Tôi cảm thấy buồn và tiếc nuối cho một hài nhi. Lắc
tay người chị dâu, tôi bảo: “Chị à, mỗi người một quan niệm sống, để
bụng làm gì cho phiền não”.
2. Một hôm tôi đến chùa Pháp Vân gặp Thầy trụ trì
gửi thư ngỏ xây nhà tình thương cho một chú thương binh, mấy cô gái trẻ
làm công quả thấy vậy xúm lại xin đóng góp. Bạch Huệ đại diện trao 1
triệu đồng. Tôi quá bất ngờ nên chuyện trò tìm hiểu cuộc sống các em
trước khi nhận tiền.
Huệ tâm sự: “Tụi em làm phục vụ ở nhà hàng bên Nơ Trang Long gần
đây. Sáng đến chùa tụng kinh, làm công quả, hai giờ tụi em đi làm tới 10
giờ thì nghỉ”.
Nghe qua làm lòng tôi chùng lắng, tôi nói với các em rằng tôi xin
nhận tấm lòng còn số tiền xin các em giữ lại trang trải cuộc sống. Huệ
lắc đầu bảo: “Tuy tụi em còn khó khăn nhưng không vì thế mà thiếu tình người. Xin chị nhận hết số tiền này!”.
Hay trường hợp em Nguyễn Văn Tốt chỉ đọc tin trên website đã tự
nguyện cầm 500.000đ đến tha thiết xin đóng góp dù em là sinh viên ra
trường đi làm chưa đầy năm. Tôi không thể chối từ và thầm chúc các em sẽ
được nhận nhiều hơn những gì đã cho.
3. Một lần khác tôi được mời đến nhà hàng dự tiệc
bởi mấy người bạn doanh nhân. Tôi nhận lời không phải vì món ngon nơi đó
vì tôi không ăn mặn mà chủ ý đến để trao thư vận động quà trung thu cho
thiếu nhi miền núi. Trong bàn tiệc ngập tràn bia rượu, một vị giám đốc
trẻ hô to rằng sẽ ủng hộ 5 triệu đồng còn các vị khác im lặng.
|
Quan niệm sống
hiền - đẹp ngẫm ra rất khó hình thành khi người ta chỉ thích nhìn lên
và ích kỷ cho riêng mình nhưng nó cũng rất dễ định hình với những ai
biết nhìn xuống và nghĩ đến người khác. Riêng bản thân tôi, để định
hướng, xác lập và duy trì được một quan niệm sống hiền – đẹp, tôi đã
phải tiếp cận, lĩnh hội những lời giáo huấn của các bậc ân sư, thẩm
thấu lẽ vô thường ngoài sự nỗ lực của bản thân. Có được quan niệm sống
hiền – đẹp đã khó nhưng giữ được nó lâu dài càng khó hơn. Nó đòi hỏi
thêm một chữ “nhẫn” và sự cải tiến liên tục trong việc thanh lọc tâm
hồn để ngày mai hiền và đẹp hơn ngày hôm qua. |
|
Tôi vốn không quan trọng việc họ tiếp nhận ra sao vì từ thiện là tùy
tâm. Nếu cánh cửa này không mở thì tôi sẽ gõ cánh cửa khác. Đó cũng là
cách để tôi luyện chữ Nhẫn cho mình.
Ba hôm sau, anh nhắn tin địa chỉ để tôi đến nhận tiền. Trưa nắng như
trút lửa trên mặt lộ, tôi vẫn chạy xe đến điểm hẹn. Tới nơi mới biết đó
là một khách sạn. Cái đầu rất tỉnh để tôi nhận diện cạm bẫy đang giăng
trước mặt. Tôi hiểu chỉ cần cái gật đầu thì tôi sẽ được nhiều hơn cái
tôi muốn. Anh đề nghị tôi lên giường với anh thì anh sẽ ủng hộ từ thiện.
Tôi khẳng khái với anh rằng: “Đồng tiền em giúp người nghèo là đồng tiền sạch. Nó được chia sẻ từ những con tim biết đồng cảm thật sự!” và quay về.
Tháng sau anh cũng mời tôi ăn tiệc và tôi cũng đến đưa thư ngỏ với hy
vọng anh sẽ thay đổi cách nghĩ. Mấy hôm sau anh cũng điện thoại đề cập
lại điều kiện cũ. Tôi cần nguồn tài trợ nhưng không thể chấp nhận một
thái độ sống như thế được.
Khi vận động từ thiện tôi không đòi hỏi một người giúp nhiều mà tôi
cần nhiều người góp sức để hiệu ứng tình thương được lan tỏa. Các vị
giám đốc ấy vẫn hay khoe các việc làm từ thiện của họ trong bàn nhậu mà
tôi nghe thấy như xây vài căn nhà tình thương gần dự án họ thi công…
Cái mà họ gọi là từ thiện đó là món quà lót đường để được cấp phép
đầu tư nơi địa phương họ đến chứ chưa phải là việc thiện xuất phát từ
việc cảm và thương…Khái niệm từ thiện tuy đơn giản mà không phải ai cũng
hiểu đúng và hành động đúng.
Nguyễn Ngọc Mai (GiacNgoOnline)