Phật Học Online

Tượng đài Thánh Gióng xứng tầm nghìn năm

Tượng đài Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương thăng thiên hóa Thánh) được đặt trên đỉnh núi Đá Chồng, đỉnh cao nhất của Khu du lịch tâm linh thuộc quần thể đền Sóc - chùa Non - Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội). Đây là công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mang dấu ấn của thời đại mới, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Ý  tưởng xây dựng tượng đài Thánh Gióng được ấp ủ từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước và đã nhiều lần trưng cầu, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và các nhà khoa học. Năm 2003, lễ phát động cuộc thi mẫu thiết kế tượng đài Thánh Gióng được tổ chức, và mẫu tượng Thánh Gióng bay lên trời theo thế thẳng đứng của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân đã được lựa chọn. Theo đánh giá của giới chuyên môn, mẫu tượng đài toát lên thần thái và hình tượng của đức Thánh theo truyền thuyết. Chân tượng được tạo hình từ sự cách điệu của mây, hào quang và những cây tre đằng ngà, Thánh Gióng cầm tre, thúc ngựa hướng về trời.

Mẻ đổ đồng đầu tiên khởi dựng tượng đúng thời khắc cửu trùng, lúc 9 giờ 9 phút 9 giây ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Sửu. Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất theo phương pháp thủ công có tổng trọng lượng khoảng 85 tấn và chia làm năm thớt để đúc. Thớt đầu tiên đúc phần người và ngựa tượng Thánh Gióng. Thớt có trọng lượng lớn nhất vừa hoàn thành là phần đế tượng nặng khoảng 30 tấn.

Tượng đài Thánh Gióng có chiều cao tới đỉnh là 11,07m, độ vươn ra 16m, mô phỏng hình ảnh vị Thánh trẻ tuổi, thúc ngựa hướng về trời xanh đưa tay vẫy chào quê hương. Đỉnh Đá Chồng, nơi đặt tượng, có chiều cao 297m so với mặt nước biển (khoảng 3.500 bậc thang bộ). Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội cho biết: “Tính đến công đoạn lắp dựng, trọng lượng của tượng đài đã lên tới trên 85 tấn, vượt con số dự kiến ban đầu là 75 tấn. Nguyên liệu đúc tượng là đồng nguyên chất được nhập khẩu 100%. Do trọng lượng tượng được xem là lớn kỷ lục nên phần móng trụ và bệ đã được làm bằng bê tông, cốt thép có diện tích 200m2. Xuyên suốt từ phần móng trụ lên đến đỉnh là 1 khối sắt hình chữ L nằm trong lòng tượng đài để đảm bảo cho công trình sự vĩnh cửu lâu dài”.

Nghệ nhân đúc đồng Vũ Duy Thuấn, Giám đốc Cty TNHH Nam Đại Phong (Ý Yên, Nam Định), đơn vị trực tiếp đúc tượng Thánh Gióng cho biết, tượng Phật thường đúc ở tư thế ngồi, với phương thẳng đứng nên không cần chú tâm đến vấn đề chịu lực. Còn bức tượng Thánh Gióng cao tới 11,07m, vươn ra 16m lại ở thế bay, với góc nghiêng 35 độ nên việc tính toán kết cấu, chịu lực phải thật chính xác và khoa học. Mặt khác, do bức tượng được đặt trên đỉnh núi cao 297 mét so với mặt nước biển nên chịu tác động rất lớn của gió, bão. Do đó, cần phải bảo đảm độ an toàn cũng như tính bền vững của bức tượng. Theo đánh giá của Viện Khoa học hình sự, đơn vị giám sát tượng đài Thánh Gióng thì sau khi đúc xong, khuôn mặt của Ngài vẫn giữ được các đường nét chạm khắc như thiết kế ban đầu. Điều này cho thấy quá trình thi công đảm bảo sự nhuần nhuyễn về khuôn, vững về kết cấu. Đặc biệt, việc đúc hoàn thành tượng đài Thánh Gióng cũng góp thêm nhân tố tôn vinh di sản hội Gióng đang được đệ trình UNESCO công nhận là di sản phi vật thể.

Tượng đài Thánh Gióng là dự án trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với tổng dự toán công trình khoảng 50 tỷ đồng, trong đó riêng phần đúc tượng hơn 30 tỷ đồng. Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tham gia giám sát và kiểm định trong suốt quá trình đúc, đảm bảo chất lượng và thần thái đẹp của tượng. Tượng được khởi công từ tháng 7/2004 (giai đoạn 1) với việc xây dựng đường lên và đường xuống xung quanh khu vực Thánh tượng. Tháng 10/2007, UBND TP Hà Nội đã quyết định chuyển giao Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN làm chủ đầu tư dự án xây dựng tượng Thánh Gióng theo phương thức xã hội hóa.
Hiện nay, công việc gần như cuối cùng trong quá trình dựng tượng - đúc tim tượng, đang được chuẩn bị tiến hành. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty ATS, người phát tâm công đức tới gần 30 tỉ đồng để đúc tượng Thánh Gióng, cho rằng: “Cty ATS hoàn toàn đủ khả năng để cung tiến đúc một quả tim tượng bằng vàng nguyên khối nhưng chúng tôi không cho phép mình làm thế bởi đức Thánh Gióng là của toàn dân tộc. Việc yểm tâm tượng và đúc tim tượng thể hiện việc làm đồng tâm hiệp lực của nhân dân. Do đó, sự đóng góp công của dù ít hay nhiều của mọi tầng lớp nhân dân vào công việc này là một yếu tố cần thiết thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc”.

Cũng theo bà Thoa, lúc dự tính ban đầu thì giá nguyên liệu chưa tăng so với thực tế khi mua, nên Cty đã phát tâm công đức số tiền lên tới 30 tỷ đồng để đúc tượng. Mặt khác, để kịp lễ yểm tâm tượng, lễ hô thần nhập tượng và khánh thành tượng đài Thánh Gióng được đúng nghi lễ, Cty ATS đã phát tâm đúc 1 bát hương, 1 đỉnh hương (khoảng 3,5 tấn đồng nguyên chất chưa kể chì và thiếc) đặt dưới chân tượng để mọi người dân đến dâng hương. Về bản quyền tượng đài Thánh Gióng, Cty ATS mong muốn tượng Thánh phải là duy nhất linh thiêng nên đã thống nhất với nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân nhượng lại bản quyền mẫu tượng.

Trường Giang  (Nông Ngjiệp Việt Nam)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage