Phật Học Online

Vào mùa Vu Lan, việc ăn chay cũng là cách báo hiếu, báo ân.
Ăn chay báo hiếu

Tuy nhiên, không nhất thiết phải ăn chay cả tháng mà chỉ cần ăn một ngày, vài ngày, hoặc ăn chay đúng ngày Rằm đều được. Đại đức Thích Giác Như - Hải Hòa (chùa Phúc Khánh, Hà Nội) cho biết.

Món nem chay ăn trong mùa Vu Lan. Ảnh: H.D

Đi ăn cơm chay ngoài phố

Ở Sài Gòn, muốn ăn chay hạng sang, thực khách tới đường Nguyễn Trãi, quận 5, có "ăn chay máy lạnh", khu cơm chay Hiền Vương (đường Võ Thị Sáu).
 
Ở Hà Nội, quận Hoàn Kiếm tập trung nhiều nhà hàng cơm chay và hàng nào cũng có sắc thái riêng: Cửa hàng Nàng Tấm (Trần Hưng Đạo), quán Thành Tâm (Phó Đức Chính) nấu ăn kiểu nhà hàng (cơm cỗ), có cơm suất 20-30 nghìn. Quán chay A di đà (270 Nghi Tàm) có nhiều món ngon, không gian lịch sự và mang đậm chất dân tộc. Quán chay Ly Ly (Trần Duy Hưng) có buffet chay. Quán ăn chay Âu Lạc (đường Láng) có món phở chay khá ngon.

Ngoài ra còn có các quán cơm chay bình dân khá ngon như Nam An (phố Linh Lang, Hà Nội) nấu ăn theo trường phái dưỡng sinh Ohsawa, cơm gạo lức, đồ ăn chay sẵn rất thu hút giới trẻ.
 
Cơm chay Hà Thành (ngõ 166, Kim Mã), ăn chay thường nhật, rất thu hút khách văn phòng. Để phục vụ tại gia, còn có nhiều địa điểm đặt cỗ chay, thực phẩm chay phục vụ gia đình như quán Hương Thuỷ (khu tập thể Trương Định), Cơm chay Hà Thành (Kim Mã)...

Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, các món chay ngoài thị trường đều được đầu bếp chế biến theo ngã mặn, rất giống thật. Chẳng hạn: Món canh dưa có vài miếng tóp mỡ (nhái), món bánh bèo có tôm (nhái) rắc lên... Trung bình một suất cơm chay ngoài tiệm có giá từ 30.000-50.000đ.

Theo Đại đức Thích Giác Như  - Hải Hòa, các món chay giả mặn ở các tiệm cơm chay hiện nay là hình thức làm cho đẹp, biến tấu cái này thành cái kia giúp trẻ em, người mới tập ăn chay có cảm giác dễ ăn. Thường thì không nên, nhưng đó là tư tưởng bước đầu, "như trẻ con không muốn uống thuốc thì phải tìm cách làm cho nó uống. Hoặc mua đồ chơi cho trẻ để hướng dẫn trẻ học hành tốt hơn"- Đại Đức Hải Hoà ví dụ.
 

Lễ Vu Lan ở chùa Quán Sứ (Hà Nội). ảnh: Trà Giang

Ăn chay ở nhà

Làm cơm chay ở nhà thường là những món dễ làm, dễ ăn, nhưng cũng rất tốn công chế biến, sáng tạo để rau củ quả trở thành những món ăn sinh động.
 
Chị Nguyễn Thuý Quỳnh - người chuyên nấu cỗ chay ở gần chùa Ba Tháp (Hà Nội) tư vấn một mâm cỗ chay như sau: Món gà cúng với nguyên liệu làm từ đỗ tương. Canh mướp đắng nhồi thịt được làm từ mộc nhĩ, nấm hương, su hào sẽ giúp cả nhà ăn không ngấy mà lạ miệng. Chả trứng chay xào củ cải rất hấp dẫn. Sườn nướng được làm bằng nguyên liệu cùi dừa rồi xiên que nướng. Canh dưa chua với nấm hương tươi giả chân giò. Các loại xôi gấc, xôi lạc, xôi đậu xanh, bánh nếp nhân đậu xanh, nhân vừng đen với dừa... là có thể có một mâm cỗ chay thịnh soạn.

Hiện ở siêu thị và các chợ đều bán đủ món chay như: Mề chay, giò, các loại nấm tươi, đậu phụ, lạc, phù trúc... có thể giúp các bà nội trợ chọn lựa để làm một mâm cỗ chay tại nhà rất thuận tiện.

Đại đức Thích Giác Như - Hải Hòa cho biết, theo giáo lý nhà Phật, tất cả chúng sinh đều mang kiếp luân hồi. Vì vậy, không sát sinh mà ăn chay trong mùa Vu Lan cũng là cách báo hiếu, báo ân cho cha mẹ, ông bà tổ tiên. Dù ăn chay trong chùa hay ngoài đời đều như nhau, cũng là làm việc thiện. Tuy nhiên, nếu mọi người mỗi tháng tập ăn chay tại gia một vài lần thì sẽ rất tốt, hợp khoa học, hợp văn hóa tâm linh, bảo vệ sự sống, môi trường sống,  giảm bớt độc hại, độc tố vào cơ thể.
 
Ăn chay ở chùa
 
Mùa Vu lan, nhiều chùa đãi cơm chay từ đầu tháng 7. Ở TP Hồ Chí Minh có những chùa lớn như chùa Viên Giác (Q. Phú Nhuận) cơm chay được dọn ra như tiệc buffet, các món đựng trong chảo vuông inox như nhà hàng, khách đễn vãn chùa muốn ăn món nào, cứ tự lấy đĩa đi lấy món đó. Chùa Quán Sứ (Hà Nội) nấu cỗ chay rồi dọn thành từng mâm đãi thực khách. Món chay ở chùa đạm bạc, theo tôn chỉ hạn chế sát sinh, hướng đến mỹ thực.

Hà Dương (Gia Đình)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage