Phật Học Online

Tâm lý học trong giáo lý nguyên thủy
Thích Viên Giác

 I. DẪN NHẬP:

Giải quyết vấn đề thoát khổ, Đạo Phật lấy tâm thức của con người làm trọng tâm, bất cứ hệ tư tưởng Phật giáo nào nếu tách rời tâm thức của con người thì Phật giáo không còn đất đứng. Đạo Phật chú trọng vào yếu tố tâm thức của con người bởi lẻ: một là con người là chủ nhân của chính nó, chứ nó không phải là sản phẩm sáng tạo của thượng đế. Hai là tâm thức có tác dụng chi phối rất lớn đối với đời sống con người và xã hội,vì tâm thức là động lực của ngôn ngữ và hành vi .

Triết học phương Tây thường đưa ra những lập luận như tâm có trước hay vật có trước, tinh thần là trên hết hay vật chất là quyết định ..v..v.. Đó là những vấn đề của sự tranh luận, mà Đạo Phật không màng đến. Chú trọng khảo sát tâm lý, Đạo Phật nhận thức rằng tâm thức con người đóng vai trò chính trong việc kiến tạo đời sống hạnh phúc hay khổ đau, như tronh kinh Pháp Cú Đức Phật dạy :" Trong các pháp,tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm để nói năng hay hành động thì quả báo đau khổ sẽ đi theo như bánh xe lăn theo con vật kéo xe. Ngược lại nếu đem tâm thanh tịnh để nói năng hay hành động thì quả tốt đẹp đi theo như bóng theo hình". Nói tâm dẫn đầu, tâm làm chủ không có nghĩa là chủ trương tâm có trước vật hay là tinh thần quyết định vật chất, như trong triết học phương Tây quan niệm, Đức Phật muốn nói đến động cơ của hiện tượng khổ đau hay hạnh phúc, tức là cái điều kiện chính của hiện tượng khổ vui. Đây là một kinh nghiệm thực tiển chứ không phải là một hệ thống triết lý .

Sự khác nhau của Tâm lý học Phật giáo và Tâm lý học phương Tây ở chổ phương Tây phân tích các hiện tượng tâm lý chứ không đi sâu vào bản chất của tâm lý, nhận thức giá trị của tâm lý , củng cố phát triển chúng , mục đích là thỏa mãn các nhu cầu tâm lý như là một phương thức thể hiện sự hạnh phúc .

Tâm lý học Phật giáo cũng phân tích các hiện tượng tâm lý nhưng đánh giá phân loại rồi định hướng chúng và vấn đề quan trọng là chuyển hóa tâm lý trở thành trong sạch để đạt đến mục đích hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc chân thật ấy phải là từ bỏ các tâm lý ô nhiễm, vốn thuộc về bản năng và gây đau khổ cho con người vàtha nhân . Như vậy Tâm lý học Phật giáo không thuần tuý là vấn đề tâm lý mà còn là vấn đề của luân lý học,đạo đức học và giải thoát học.

II. TÍNH THỰC TIỂN CỦA TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO

Trong kinh Pháp Cú Phât dạy :

" Đừng làm các điều ác

Hãy làm các điều lành

Giữ tâm ý trong sạch

Là lời chư Phật dạy"

Lời Phật có 3 điều : một là không làm các điều ác, tức là không thực hiện các hành động về thân thể hay ngôn ngữ làm tổn hại đến mình và tha nhân, nghĩa là không làm tổn thương về thân thể, về tâm lý hay tình cảm…của con người . Mới nhìn qua ta thấy đây là vấn đề của luân lý nhưng nếu nhìn sâu ta sẽ thấy đây là vấn đề cơ bản của giải thoát .Làm điều ác xuất phát từ tâm lý ô nhiểm như tham,sân si…khi đình chỉ được điều ác thì có nghiã là sự ô nhiểm của tâm đã được kiểm soát.Chế ngự được tâm ác là bước đầu của lộ trình thoát khổ .Hai làlàm các điều lành ,xuất phát từ tâm lý tích cực và thanh tịnh,làm lành là vấn đề đạo đức, đạo đức cũng là cơ sở của giải thoát hay của hạnh phúc.Điều ác không được đoạn trừ,điều lành không được phát triển thì vấn đề thanh lọc tâm thức không thể thành tựu.

Tính thực tiển của Tâm lý học Phật giáo rất rõ qua phát biểu của điều thứ 3 là giữ tâm ý trong sạch, nguyên lý thứ 3 là hệ quả của hai nguyên lý : đình chỉ các điều ác và làm các điều lành. Không có hành vi ổn định con người không có tâm lý ổn định, ngược lại tâm lý không ổn định thì hành vi tiếp tục không ổn định. Như vậy Đức Phật không cho rằng tâm lý là tất cả mà tâm lý là nhân tố chính trong quá trình xây dựng hạnh phúc. Sự ức chế về mặt tâm lý là động lực sản sinh khổ đau, ngược lại sự giải phóng áp lực của tâm là nguồn sống vui tươi giải thoát. Giữ tâm ý trong sạch là kiểm soát các động lực ô nhiễm đừng để chúng tự do tàn phá và gây rối loạn và cũng là thiết lập một cơ chế cho hành vi và ngôn ngữ được chuẩn mực. Một khi tâm lý được thanh tịnh hoàn toàn thì mọi áp lực của tâm lý sẽ hoàn toàn bị triệt tiêu, đó là sự giải thoát .Như vậy Tâm lý học Phật giáo không thuần lý,không tách biệt với những kinh nghiệm sống của con người.

III. TÂM LÝ HỌC TRONG GIÁO LÝ CƠ BẢN

1 . Tứ Diệu Đế

Tâm lý học Phật giáo là Tâm lý học ứng dụng, nhất là Tâm lý học được trình bày trong Kinh Tạng và qua các giáo lý căn bản. Giáo lý Tứ diệu đế được coi là giáo lý nền tảng của hệ thống tư tưởng Phật học, phân tích về tâm lý đã nói lên tính hai mặt của tâm lý : Một là tính ô nhiễm. Hai là tính thanh tịnh. Sau này các luận thư về tâm lý đều nêu bật hai tính nhiễm và tịnh của tâm lý một cách chi tiết. Tâm lý ô nhiễm là những hoạt động tâm lý đưa đến đau khổ phiền muộn, ngược lại tâm lý thanh tịnh thì đưa dến đời sống hạnh phúc an vui.

Khổ là một thực trạng của đời sống nhưng nổi khổ ấy không phải do tự nhiên mà có, không phải do ngẫu nhiên, không phải do thượng đế áp đặt như là một sự trừng phạt con người, mà khổ là kết quả của tâm lý ô nhiễm, nghĩa là sự khổ do con người tạo nên và phải gánh lấy .Năng lực tâm lý ô nhiễm được biểu hiện qua tâm lý tham lam, sân hận và si mê, sự khổ hiện hữu do 3 loại tâm lý ô nhiễm này hiện hữu ; lập luận kế tiếp là sự khổ sẽ không có mặt nếu 3 loại tâm lý này không tồn tại. Vì vậy phân tích tâm lý qua giáo lý Tứ diệu đế để đưa đến một thái độ : đoạn trừ các tâm lý bất thiện và phát triển những tâm lý thiện. Ở đây cái không nên làm và cái nên làm được nêu rõ : mười điều ác là không nên làm và Bát chánh đạo là điều nên làm. Vậy Tâm lý học Phật giáo có sắc thái đạo đức học và giãi thoát học.

Tính hai mặt của tâm lý, đối ứng với hai mặt khổ đau và hạnh phúc của đời người, vì vậy Tứ diệu đế chú trọng đến đoạn trừ tâm ô nhiễm, tịnh hoá tâm thức, không đi sâu vào tâm lý mang tính trừu tượng như các luận thư về sau. Các trạng thái tâm lý thiền định được khảo sát là những kinh nghiệm thực tiển chứ không phải là các trạng thái tâm lý nằm ngoài khả năng của con người

2 . Thập Nhị Nhân Duyên

Tâm lý được phân tích qua giáo lý 12 nhân duyên, nói đến quá trình tâm lý ô nhiễm, tức là khảo sát một cách sâu hơn bản chất của tâm ô nhiễm và đưa đến nhận định rằng cơ cấu của tâm thức con người là ô nhiễm, nhận thức của con người phần lớn là sai lầm . Tâm lý được vận hành bởi động lực là vô minh, một trạng thái mê muội bản năng, nó chi phối mọi hoạt động của tâm lý ô nhiễm, nó như là nền tảng của nhận thức, hay nói cách khác nhận thức là vô minh .

Khổ là một cảm giác, cảm giác ấy bao gồm nhiều điều kiện, vô minh là một điều kiện trong những điều kiện. Vô minh là điều kiện nguồn của dòng sông tâm lý. Nói Vô minh sinh ra Hành là chưa đủ và dễ hiểu lầm rằng chu trình 12 nhân duyên chỉ diễn ra theo chiều thời gian, chiều dọc. Về mặt tâm lý, cảm thọ khổ không phải là kết quả của một quá trình tâm lý đơn giản mà là một sự tổng hợp đồng thời của các điều kiện khác nhau. Do vậy, Tâm lý trong 12 nhân duyên phải được phân tích theo chiều ngang, là chiều của không gian. Vô minh là điều kiện của Hành. Hành là lực vận động của tâm lý và vật lý ( thân hành, khẩu hành, ý hành ) nếu không có động lực thì không có sự tồn tại, động lực tồn tại của chúng sinh được coi là Vô minh. Hành là biểu hiện của Vô minh, Vô minh nuôi dưỡng Hành và Hành làm cho Vô minh tăng sức mạnh. Tâm lý tồn tại nhờ có động lực mà động lực ấy là động lực ô nhiễm, cho nên dòng sông tâm lý là ô nhiễm.

Thức là khả năng phản ánh thế giới hiện tượng, là khả năng phân biệt, là cái biết, và cái biết ấy cũng là biểu hiện của Vô minh. Cho nên các luận thư về sau đồng nhất Thức với Vô minh, và khi đề cập đến cái biết không bị Vô minh tác động thì dùng từ Trí ( Trí tuệ ) như nói :" Chuyển thức thành Trí" ( Chuyển 8 thức thành 4 trí ). Bản chất của thức là Vô minh và lực vận động của Hành làm cho Thức trở thành mê lầm. Vì vậy dưới sự biểu hiện của thức trở thành 2, đó là thế giới của chủ thể và đối tượng, diễn tiến tâm lý bao giờ cũng phải có chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, do vậy thế giới hiện tượng là thế giới của tâm lý chứ không là thế giới khách quan. Chủ thể ở đây là Danh ( tinh thần ). Đối tượng ở đây là Sắc ( vật chất ), tinh thần và vật chất là biểu hiện của thức.Luận thư Duy Thức về sau dựa trên cơ sở này mà xây dựng học thuyết Duy Thức của mình. Cơ sở của chủ thể và đối tượng sinh khởi là 6 giác quan ( lục nhập ) tiếp xúc với đối tượng của chúng (xúc ), sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng mới nhìn như là một sự tiếp xúc thuần vật lý, nhưng thực ra đây còn là một kích thích của tâm lý nữa.

Thọ là cảm giác, đây là một yếu tố tâm lý quan trọng vì cảm giác là sự biểu hiện rõ nét của tiến trình tâm lý mà ai cũng tự cảm nhận được. Thọ được trình bày trong Kinh Tạng có 3 loại : cảm thọ khó chịu, cảm thọ dễ chịu, và cảm thọ trung tính.Tuy nhiên Thọ trong tiến trình 12 nhân duyên nghiêng về khía cạnh dễ chịu ( lạc thọ, hỷ thọ ) có lẽ muốn nói đến bản năng hưởng thụ hay bản năng hướng đến hạnh phúc của đời sống con người. Hạnh phúc là nhu cầu tối hậu của con người, hạnh phúc mà con người tìm kiếm là sự cảm xúc dễ chịu của tâm lý thọ. Như đã nói, sự vận động của dòng sông tâm thức xuất phát từ động lực Vô minh nên mọi diễn biến đều nhuộm màu đen tối, ước vọng hạnh phúc hay cái được coi là hạnh phúc thực chất là mặt khác của khổ đau. Tiếp theo sau cảm giác vui sướng là sự hài lòng, sự thỏa mãn gọi là ái. Đối với tiến trình tâm lý thì ái là tâm lý biểu hiện mạnh mẽ và kết thúc chu trình của tâm thức, nó trở thành một năng lực tổng hợp để tạo thành một tác dụng trong tâm thức hay trong hành động của con người và tất nhiên Vô minh được biểu hiện trong ái là mạnh nhất .Trong 12 nhân duyên A? được coi là then chốt cho vòng tròn sinh tử .

Thủ là sự vướng mắc, sự nắm bắt, sự giữ gìn bảo thủ hay sự ghi nhận một kinh nghiệm, tâm lý này chỉ là một hệ quả của A? mà thôi . Phân tích các yếu tố tâm lý trong 12 nhân duyên có vẻ như là một diễn biến tâm lý theo thứ tự và có thời gian nhưng trên thực tế thì chúng diễn ra rất nhanh gần như đồng thời, có thể nói trong một ý niệm là có đủ 12 nhân duyên . Tâm lý chấp thủ là sự biểu hiện của A? hay là của sự thỏa mãn, đây là yếu tố tâm lý mang tính ích kỷ mà về sau luận thư Duy Thức phân tích sâu hơn căn nguyên của chúng và thức Mạt na là cội nguồn của sự chấp thủ này. Sự chấp thủ, về mặt nổi là hệ quả của A? nhưng nó cũng là biểu hiện của động lực Vô minh, nó hình thành một bản năng sinh tồn và bản năng hưởng thụ, bảo vệ cái hạnh phúc từ chối cái khổ đau.

Tóm lại, xuất phát từ sự không thấy, không biết rõ ( Vô minh ) về chính mình, về tha nhân và về thế giới mà trong đó mình sống .Trên cơ sở không thấy rõ, và thái độ tự vệ con người nhận thức thế giới chung quanh như là đối tượng tách rời với chính mình. Do tự vệ con người xô đẩy các đối tượng bất lợi, không vừa ý càng xa càng tốt và nắm bắt các đối tượng có lợi và vừa ý càng chặt càng hay. Do vậy con người liên tục xô đẩy và nắm bắt suốt cuộc đời của mình một cách khốn khổ, thế giới như vậy như là một biển khổ mênh mông.Khi thương một người thì bạn luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để tiếp cận người ấy, dụ dỗ và chinh phục người ấy. Vì bạn cho rằng đây là đối tượng đem đến cho mình niềm vui và hạnh phúc, bạn không muốn ai chia xẻ tình thương của người ấy, người ấy là của bạn, bạn phải giữ gìn bảo vệ cái của bạn. Như vậy có hai vấn đề xảy ra: Một là bạn phải đấu tranh, xô đẩy những ai và những gì có khả năng cướp mất đối tượng của bạn,do vậy bạn có thể chống cả thế giới. Hai là bạn phải đấu tranh với tính khí của người ấy vốn luôn luôn muốn thoát ra ngoài sự trói buộc của bạn. Ba là bạn phải đấu tranh với chính bản thân của mình, nghiã là về tâm lý bạn vẫn bị những cảm giác mất mác, chán chường làm cho niềm vui của bạn bị pha loảng , chúng ta sẽ phải tiếp tục chịu đựng sự rối loạn bất an còn niềm hạnh phúc thì vẫn chập chờn phía trước, như vậy tâm lý luôn bị khủng hoảng, luôn bị áp lực. Sự giãi phóng áp lực tâm lý là điều kiện của hạnh phúc hoàn toàn, là mục tiêu của mọi đường lối tu tập.

3 . Ngũ Uẩn

Phân tích tâm lý theo giáo lý 5 uẩn, chúng ta nhận thấy con người được phân tích thành năm lĩnh vực, hay nói cách khác con người là hợp thể của 5 yếu tố : yếu tố vật lý và yếu tố tâm lý. Yếu tố tâm lý có 4 khía cạnh : cảm giác, tri giác, ý chí và nhận thức. Có nhiều cách phân tích về 4 yếu tố tâm lý này, tuỳ theo cái nhìn của các trường phái tư tưởng Phật giáo, có nơi phân tích tâm lý theo chiều dọc thời gian như cảm giác đến trước rồi tri giác, rồi các xử lý của ý chí, rồi đến sự ghi nhận và giữ gìn trong tâm thức chiều sâu. Có nơi phân tích theo chiều không gian cảm giác phần cạn, tri giác sâu hơn ý chí và thức đi vào vi tế sâu sắc hơn nó ẩn kín bên trong .

Trước hết chúng ta thấy rằng tâm lý và vật lý là mối quan hệ bất khả phân, điều này xuyên suốt lịch sử Tâm lý học Phật giáo bất cứ thời kỳ và trường phái nào, sắc pháp bao giờ cũng hiện hữu bên cạnh tâm pháp. Sắc uẩn bao gồm mọi yếu tố vật lý thân thể và môi trường sống. Diễn biến tâm lý được phân tích là những nhóm tâm lý cùng tính chất : nhóm cảm giác bao gồm những cảm xúc bởi thế giới bên ngoài và thế giới bên trong, nếu nhìn riêng lẽ thì cảm giác thuần tuý không đưa đến một tác dụng tích cực nào, chỉ đơn giản là một phản ứng có điều kiện, nhưng nếu nhìn cảm giác trong mối quan hệ chung thì trong cảm giác có đầy đủ 4 yếu tố vật lý, tri giác, ý chí, và nhận thức. Nếu như vậy thì cảm giác có một tác dụng tích cực đối với dòng sông tâm thức con người, thậm chí nó đóng vai trò chủ yếu trong đời sống con người, vì con người sống với mục đích hướng đến cảm giác hạnh phúc.

Nhóm Tri giác bao gồm những nhận biết các đối tượng bên ngoài hay bên trong chính là những kinh nghiệm, nếu không có kinh nghiệm con người sẽ không nhận ra được cái gì cả. Nhận biết là sự đối chiếu những tướng trạng đã có với cái đang có, nếu đặt Tri giác trong mối quan hệ chung thì có lúc Tri giác có mặt trước cảm giác, và có lúc thì sau cảm giác. Ví dụ, như khi thấy ấm nước bốc hơi biết là nước sôi một cảm giác hài lòng vì sẽ có tách trà nóng, đó gọi là Tri giác đến trước ; còn nếu như ta sờ tay ấm nước cảm giác nóng và động của ấm nước làm ta khó chịu và ta biết nước sắp sôi, đây là trường hợp cảm giác có trước. Nếu chỉ là tri giác thuần tuý thì chúng không đưa đến một tác dụng tích cực nào, nếu chúng liên hệ với các yếu tố tâm lý khác thì mới đủ khả năng tạo nên một tác dụng ( tạo nghiệp ).

Trong Tâm lý học phổ thông cảm giác và tri giác được gọi là nhận thức cảm tính và cho rằng Tri giác là nhận thức cao hơn cảm giác. Giáo lý 5 uẩn cho rằng trong mối quan hệ của chúng, cảm giác và tri giác dựa vào nhau tuỳ theo điều kiện cụ thể mà chúng có tác dụng mạnh hay yếu .

Yếu tố tâm lý thứ 3 là Hành, tức là hoạt động của tư duy, bao gồm các hoạt động tâm lý mạnh mẽ, xác định,có tính chủ ý,tính quyết định như các tâm lý ham muốn, giận dữ, thương yêu, ghét bỏ... những tâm lý này có năng lực để tạo ra hậu quả, tức là tạo nghiệp. Hành là loại tâm lý có tác dụng thúc đẩy tạo nên hành vi và ngôn ngữ, do vậy trong kinh Phật dạy Hành có tâm hành, khẩu hành, và thân hành. Nếu nói một cách dễ hiểu thì hành là những tâm lý tính toán, quyết định có tính cách ý chí, nghĩa là vẫn ở phạm vi mặt nổi của tâm lý. Tuy nhiên nếu nói một cách tế nhị thì Hành là động lực sâu kín, là sự vận động của hệ thống tâm thức theo xu hướng và tính chất đã được tích luỹ. Do sự vận động của tâm Hành sâu kín mà ta có những biểu hiện nằm ngoài kiểm soát của ý thức, chúng thuộc bản năng và tự phát. Tuỳ thuộc vào tính chất của Hành mà con người có những biểu hiện khác nhau ; mỗi người là mỗi thế giới, chúng ta rất khó phán đoán động cơ của hành vi con người, ví dụ như một người có một nghĩa cử cao đẹp như cứu giúp một người khốn khổ động cơ mà anh ta làm điều tốt ấy đôi khi chỉ là do xúc động bởi một ánh mắt của đối tượng. Tại sao có sự xúc động ấy ? Đó là tác dụng sâu kín của Hành .

Yếu tố tâm lý thứ 4 là thức. Thúc là khả năng phản ánh mọi đối tượng bên ngoài hay bên trong, chức năng của thức là nhận ra sự có mặt của đối tượn, là nền tảng chung cho mọi hoạt động tâm lý. Những tâm lý thuộc về cảm giác, tri giác, ý chí đều nương vào nền tảng là thức. Nói cách khác Thúc là bản thể tâm lý còn cảm giác , tri giác, ý chí ... là hiện tượng tâm lý . Sau này các luận thư tâm lý học Phật giáo gọi thức là Tâm vương và các hiện tượng tâm lý là tâm sở . Thức phải có mặt thì các tâm lý khác mới có cở hoạt động, mối quan hệ giữa thức và những hiện tượng tâm lý khác là bất khả phân ly. Chức năng của thức tương tự như một tấm kiếng phản ánh tất cả những đối tượng đi ngang qua nó, tuy vậy không nên hiểu thức là một thực thể cứng đơ như tấm kiếng, mà thức thì rất sinh động vì mối tương tác giữa các diễn biến tâm lý .

Phần tâm lý được phân tích thành 4 phần là một cách chia để dễ khảo sát, rất gượng ép và dễ hiểu lầm rằng mỗi phần có một ranh giới riêng. Thực ra khi một đối tượng được nhận thức thì mọi tâm lý đều sinh khởi, tuỳ theo sự kích thích của đối tượng mạnh hay yếu và tuỳ theo sự nhạy cảm của các quan năng mà nhận thức là nhận thức thuần tuý hay là nhận thức có tác dụng thúc đẩy hành vi .

Phân tích tâm lý của con người dựa trên nền tảng, một năng lực Thức phổ quát, là một phát hiện độc đáo trong lịch sử tâm lý học, đó là cơ sở để các luận thư tâm lý học Phật giáo về sau phát triển và giải quyết các vấn đề nhu yếu của tâm thức.

Tóm lại phân tích tâm lý qua giáo lý 5 uẩn cho thấy 2 mặt của tâm lý : bản thể và hiện tượng. Thấy rõ các mối quan hệ bất khả phân của các hiện tượng tâm lý. Mặt khác sự bất khả phân giữa tâm lý và vật lý, nội dung hoạt động tâm lý không có một chủ thể độc lập, cố định, giá trị riêng tư nào. Do vậy con người là một tổng hợp vủa các hiện tượng tâm lý , vật lý. Không phải tồn tại như một đối tượng của tư duy, khái niệm mà là của thực tại vô thường , khổ, vô ngã.

IV. KẾT LUẬN

Tâm lý học Phật giáo qua giáo lý Nguyên thuỷ là tâm lý học ứng dụng vào thực tiển của đời sống chứ không phải là những lý luận khô khan,siêu hình, mục đích là :

- Cung cấp phương pháp nhận thức về con người chính mình.

- Tìm cách thay đổi tình trạng đau khổ do rối loạn tâm lý .

- Giúp con người định hướng tư duy và hành động để đem đến sự chân thiện cho đời sống .

- Giúp con người đi sâu vào đời sống nội tâm để giãi phóng những ức chế tâm lý, những kết tụ của các năng lượng khổ đau và vô minh .

Source: quangduc.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage