Phật Học Online

Đạo Phật & Vấn Đề Nhập Thế (Phần I)

Xem hình

Vừa bước đến thiền môn lòng trần khách tục buông xả việc đời, mọi ý niệm không còn nặng những tham sân si của đêm dài vô tận. Ngoài bổn phận và trách nhiệm bảo trì ngôi Tam Bảo, phụng sự xã hội, người Phật tử còn phải lắng đọng tâm tư với ý vị về thiền, sự lắng đọng luân lưu trong mỗi người con Phật, không còn là ảo vọng, nghi ngờ và bước đi khoan thai dưới những tàng cây hay dáng đứng của bóng bồ đề râm mát. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Đạo Phật là như thế. Đức Phật ta là như vậy ! Nhớ lại khi xưa, sau khi Bồ tát Siddharta chuyển pháp, thọ nhận bát sửa của người tín nữ Sujata, và dùng xong, thân tâm tĩnh táo, tay cầm bát vàng đến gần rạch Neranjara phát nguyện: “Nếu ta đắc thành Phật trong ngày nay thật sự, xin cho cái bát nầy trôi ngược dòng…” - Rồi ngài thả bát vào trong rạch. Lạ thay cái bát trôi ngược dòng nước, đấy là biểu hiện “tuệ toàn giác” mà Sỉ Đạt Ta đã hài hoà được giữa vũ trụ và nhân sinh xuyên suốt cuộc hành trình của con người từ lúc ra đi và khi trở về, đi ngược lại dòng sông sanh tử luân hồi, sự tiến hoá trong sanh diệt, vòng luẩn quẩn của thế giới quan, những mạch sống của hữu cơ, hữu thể.

Con đường mà Phật tử chúng ta đi cũng không tách rời sự kiện cãm ứng tùy hình hảo trên, dù đó là con đường tiếp hiện nhập thế, phụng sự chúng sanh. Tiếp hiện là Đạo Phật hóa vạn hữu, chớ không thể để hữu hình lôi cuốn ta đi theo sự sinh diệt, bất cứ ở một công danh nào, dù là lục độ vạn hạnh, con đường Phật tử chúng ta đi là ngược dòng sanh tử, chớ không thể để lưới phù phiếm xa hoa treo lủng lẳng chúng ta giữa cuộc đời, mà nhận hiện tượng nầy là nhập thế, vì chúng ta là Phật tử, là “Sứ giả của Như Lai”.

Một Nhà Sư nhập thế chính là biểu tưởng của những công hạnh Bồ Tát, người đang giác ngộ và tập hợp mọi người cùng giác ngộ, đi về nguồn, hoặc là tạo điều kiện cho mọi người cùng an hưởng một nguồn hạnh phúc vô biên “tri túc thường lạc”. Vì vậy một lịch trình sửa đổi về đạo Phật để đem đạo Phật vào cuộc đời, vẫn là con đường chơn thường , chơn lạc, sống ngược lại sự tiến hóa sinh diệt của vật chất, thế mới gọi là phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật, mới xứng đáng là “Phật pháp không xa rời thế gian”.

Nói thế, không phải là bảo thủ, cũng không phải để nâng cao hình thức giá trị của Đạo Phật bằng “hư danh”, dù bảo thủ hay nâng cao hay không, Đạo Phật vẫn có một chân giá trị tuyệt nhiên của nó, không một sức mạnh nào có thể lay chuyển khi chúng ta tách rời việc “nặng nề về thờ phượng, giãm bớt lần việc cúng bái”, đừng xem Đức Phật như một thần linh, một đấng sinh thành, một quyền uy ban phước giáng họa, khiến cho con người không thầm hiểu, hoặc hiểu không tường tận, thì cho rằng Đạo Phật là chổ dựa vững chắc đối với tín ngưỡng “nhất thần” (Đức Phật) hay “đa thần” (chư vị Bồ Tát).

Tôi có một người học trò cũ hồi năm 1968, khi còn dạy Phổ Thông ở một ngôi trường trong chùa cũng tại Biên Hòa nầy, nay Nhà Sư ấy đã trưởng thành và dấn thân vào con đường nhập thế độ đời, và con đường độ thế thành công mỹ mãn … nhưng không phải là một Phật sự “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, mà chung quanh Nhà Sư chỉ toàn là vật chất cung phụng, hầu hạ, khiến cho Nhà Sư không giờ phút nào rảnh trí rảnh tay, vì phải làm Phật sự tế độ những thứ vật chất mà dáng vẻ của nó hài hoà với nếp sống xa hoa trào lộng, trong khi đó vật chất chỉ là những của sản dư thừa đối với sinh hoạt của Nhà Sư. Đã vậy thì thôi đi, nhưng mặt khác Nhà Sư lại bảo là “hòa hợp với thời đại”

- Cấp tiến như thế nào cho Phật giáo sống còn ?

- Hoà hợp ra sao để được viên mãn đạo nghiệp độ thế ?

Tất cả những phương tiện vật chất dùng để phụng sự đạo pháp và xã hội của Nhà Sư có được hôm nay, đó chỉ là những trợ duyên nhất thời, giả hợp, nếu dùng phương tiện vật chất đó coi như sự thật là của riêng, ta tạo, ta sắm, tự cố thủ, hữu sản hoá của đàn việt, của thường trụ đem về cho cá nhân mình thì cái ước nguyện “tre tàn măng mọc” sẽ tiêu tan theo mây khói, khó tìm lại và rất ít người tồn tại trong lực lượng kế thừa chánh pháp trong muôn một.

Trong khi các Trường Phật Học Cơ Bản là nơi đào tạo những lực lượng kế thừa đang phát triển khắp các Tỉnh, Thành Phố trong cả nước, những lớp Giáo Lý Cơ Bản, những lớp Gia Giáo Phật Học trong các Tự, Viện, Tịnh Xá đang cần sự phát bồ đề tâm yểm trợ cho cơ sở, cũng như Tăng, Ni sinh đang cần sự ủng hộ của các Phật tử đàn việt tín tâm, hằng tâm, hằng sản cung dưỡng nhu cầu vật chất cho vừa đủ nếp sinh hoạt bản thân tòng học tại trường.

Để cho họ có tinh thần an tâm tu học, và một số dụng cụ học hành, phải được sự phát tâm của các Phật tử có ý thức hiện thực đúng đắn, làm cho tinh thần của Tăng - Ni sinh không còn để mắt đến âu lo, thiếu trước hụt sau trong thời gian nội trú tu học (phải là nội trú). Những Tăng – Ni tại các tự Tự, Viện không có phương tiện theo học trong các trường Phật Học, hoặc vì luống tuổi, nhưng vì có phương tiện hành đạo, có cơ ngơi vững vàng, dư thừa, cần chia sẽ những lợi dưỡng, tứ sự cho Tăng – Ni sinh thiếu thốn vật chất, để cho họ càng theo học càng phấn khởi, tạo niềm tin yêu, lòng trung thành của họ trong tương lai không bị sứt mẻ. Đây cũng là việc làm của Phật giáo tiến bộ và phù hợp với hiện tại.

Ngoài bổn phận trên, còn có rất nhiều phương tiện nhập thế, giúp nhiều lối thoát cho Tăng – Ni như:

1/- Tất cả những của sản sẳn có, dư thừa, ta nên tạo điều kiện làm kinh tế một cách vô tư, để tự túc giúp cho Đạo pháp.

2/- Thể hiện lòng từ, làm việc từ thiện, ta đem những của sản dư thừa đó giúp cho những gia đình gặp khó khăn trong nhất thời, hoặc đóng góp thiết thực vào những đoàn công tác ủy lạo, cứu trợ những địa phương gặp thiên tai, bảo lụt.

3/- Hay là tạo điều kiện cho bản thân tòng học ở các trường Trung, Đại Học theo khả năng của mình, hoặc ở các trường chuyên nghiệp, tự tục, mở rộng để tương lai giúp ích cho chính mình và Giáo Hội.

4/- Với một tấm lòng thành kính, tin tưởng ngôi Tam Bảo ủng hộ, cúng dường các Tự, Viện, Tịnh Xá, hộ tập thể có nuôi Tăng, Ni chúng tu học đông.

5/- Hoặc là phát bồ đề tâm ủng hộ cúng dường cho các Tự, Viện, Tịnh Xá được phép trùng tu bản tự.

Trên đây là những điều kiện nhập thế, cấp tiến, là hòa hợp với thời đại mới của con người Phật Giáo, nhất là Đạo Phật Việt Nam, đã từng gắn bó với dân tộc từ những năm đầu của Tây Lịch.

Vào mùa An Cư năm nay (năm Tân Mùi, 1991). Tăng – Ni chúng tôi được an cư tại chổ Đồng Nai, và tôi được đề cử Giáo Thọ Sư trong ba tháng để giảng giáo lý cho Tăng – Ni sinh Quan Âm Tu Viện mỗi tuần vào ngày thứ sáu (thứ năm thì giảng tại Chùa Thanh Long). Buổi chiều nọ có một Phật tử bác sĩ, học giáo lý tại Ấn Độ, thọ tam quy ngũ giới cũng tại Ấn Độ, ghé qua thăm Tu Viện và tôi tiếp xúc, với những bài bản thảo luận về giáo lý rất tâm đồng ý hợp, coi như vị Phật tử nầy có nghiên cứu học hỏi nhiều về giáo lý nhà Phật, và rất uyên bác thậm thâm. Tuy nhiên với tinh thần tiến bộ học đạo tại Ấn Độ, vị Phật tử rất ca tụng Phật giáo Ấn được phục hồi, đang phát triển rộng lớn, mặc dù Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo đang chiếm ưu thế vị trí của nó tại đất Ấn.

 Vị Phật tử trên kể: “Hiện nay các Nhà Sư Ấn Độ tiến hoá vượt bậc, ngoài sứ mệnh tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự, các Nhà Sư còn là một nhà trí thức của thế học (nhân minh, thanh minh) và đi làm việc tại các cơ quan, ban ngành ngoài xã hội v.v… Vì vậy nếp sống của Chư Sư rất thoải mái, phóng khoáng, không bị ràng buộc bởi những nội quy, chương điều cứng ngắt…”, điều nầy không đúng, thật ra người tu tâm không trong sạch, vọng niệm hay phát sanh, thì thấy giới luật Phật là những chương điều cứng ngắt, ràng buộc, kềm kẹp mình. Nhưng nếu người tu đã dứt hẳn vọng niệm, đang đi trên con đường phụng sự cho Đạo giải thoát thì không còn thấy giới luật là giáo điều ràng buộc nữa, mà chính giới luật là tàu, thuyền để đưa ta ra khỏi cái phóng khoáng “sanh, trụ, di, diệt”. Ví tính năng động của Chư Sư trong thế đế lẽ tất nhiên phải có nhiều sinh hoạt đồng với người thế gian, gần thế tục, trong những ngày, giờ nghĩ lễ làm việc ở cơ quan cần phải tạo điều kiện giải trí cho tinh thần bớt căng thẳng như tham quan thắng cảnh, tắm biển, nhảy đầm v.v… (có thật không ? xin miễn phê bình !).

Dữ kiện trên nếu là thật ? Thì không hiểu các Nhà Sư đó có đắc Đạo chưa ? cởi mở được lòng trần hay chưa ? nhưng với cuộc giải trí như nói ở trên thì Chư Sư rất là hài hoà nhập thế trên một mãnh đại lục, mà nơi đó cách đây trên 20 thế kỷ, nền giáo lý chính chân đã ra đời ? Thế thì tôi đồng ý và rất hoan hỷ qua sự ca tụng sinh hoạt Phật Giáo Ấn Độ, rất giải thoát và phá chấp ? Và vị Phật tử cũng mong muốn Phật giáo Việt Nam, chư Tăng, Ni cũng phải tiến bộ như thế - tôi rất cãm ơn lòng tốt của Đạo hữu, vì Tăng, Ni Việt Nam trong đó có tôi…

Lúc bấy giờ tôi có giải đáp: “Đấy là tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Độ, có thật sự những sinh hoạt trên phù hợp với Đạo Phật hay người dân Ấn không ? chiếu theo tinh thần tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự nhiếp) thì việc phụng sự xã hội hợp ý Phật Thánh, cộng thêm sự hiểu biết về hành động của ngũ minh thì rất hợp với ý của Bồ Tát, của hiện tiền giáo phẩm chư Tăng, của Phật tử thế giới, của Phật tử Việt Nam. Nhưng liệu cái việc giải trí ở vũ trường, ở bãi biển, ở quán giải khát có phù hợp với cộng đồng Phật Giáo không ? Tôi khẳng định chắc chắn là không, nhưng nếu có phù hợp với Phật Giáo Ấn, thì cũng không thể phù hợp với các Quốc Gia Phật Giáo khác, nếu có thể phù hợp với các Quốc Gia Phật Giáo khác, cũng không thể phù hợp với Phật Giáo tại Việt Nam, vì Phật Giáo Việt Nam ở trong ba đời sẽ không bao giờ có những cuộc giải trí lành mạnh theo thế tục. Vã lại, Tăng – Ni, Phật tử Việt Nam rất phóng khoáng, cũng rất phong phú về tác phong, mà đạo hạnh của Tăng, Ni Việt Nam không cho phép họ vượt tầm vóc của dân tộc Việt Nam, và vì kia là Phật Giáo Ấn, đây là Phật Giáo Việt Nam, chúng ta không thể đóng khung Phật Giáo Việt Nam trong khuôn khổ tổ chức Phật Giáo Ấn…”
Cũng như ta ngộ giải về Thiền, tức là trở về thực tại của chúng ta, hay trở về với cuộc diện những lúc chưa sinh, chớ chúng ta không thể chui vào cái lồng kín “một ngàn bảy trăm công án của chư Tổ” để được gọi là ta đã giác ngộ về thiền, trở về thực tại về thiền, rồi tự xưng mình khế hợp với tâm tông của chư Tổ “Thật là lấy đá mà lọc quặng để thành vàng, rồi xem vàng lại bảo là đá, mù quáng với việc ta, mà sáng việc của người. Vì một ngàn bảy trăm công án là của chư Tổ, còn thực tại mới chính là của chúng ta.

Tôi đưa ra một vài sự việc trên là để nói lên sự trung thành của mình với công cuộc nhập thế của Phật Giáo Việt Nam đã vạch hướng, mà chính tôi lại là người của Tịnh Độ Tông, chính tôi đang đi theo con đường đã được mở ngỏ và tiến độ nhập thế do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lãnh đạo rất nhanh, rất vững chắc, phù hợp với tính nhân văn dân tộc Việt Nam, không rập khuôn tổ chức Giáo Hội các quốc gia khác. Nhưng ước nguyện rằng cuộc nhập thế của Tăng – Ni chúng ta không phải dẫm chân trên những việc phi lý, phi dân tộc, khiến những phiền não, ngũ uẩn, ngũ ấm lôi cuốn Tăng, Ni tiêm nhiễm vô cùng đau đớn !

Muốn cứu một người sắp chết đuối ở biển cần phải có một thợ lặn giỏi, tài ba, đồng thời có đủ dụng cụ như bình hơi, chân vịt, khí giới tối thiểu phòng thân, nhiều năm tôi luyện thành thạo trong sự nghiệp bơi lặn và nhất là phải có đủ đức tính can đãm, hi sinh, nhẫn nại v.v… thì người thợ lặn mới có thể xông pha vào biển nước mênh mông cứu người. Tu sĩ Phật Giáo cũng thế, muốn cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển mê, người tu Phật phải có những công cụ để làm sức mạnh, làm đòn bẩy trong công cuộc hoằng pháp lợi sinh, sức mạnh ấy là: TÍN LỰC (sức mạnh phá tan những tà niệm, dối trá, tráo dời) - TẤN LỰC (sức mạnh phá tan những tà niệm không thực tế) ĐỊNH LỰC (sức mạnh phá tan những điên đảo thế đế, vọng niệm) - HUỆ LỰC (sức mạnh phá tan những mê hoặc, những thứ phiền não không phù hợp với thực tại của chính mình trong tam giới). Như thế người tu Phật mới có thể bước vào đời, độ chúng sanh không bị tổn hoại.

Một khi người tu Phật biết chọn lựa một pháp môn nào phù hợp với trình độ căn cơ của chính mình và cho người, cho chúng sanh, thì chúng ta cũng không ngần ngại tùy hình, tùy phương tiện, tùy xứ sở, quốc độ mà độ tha cho phù hợp với chúng sanh xứ sở ở quốc độ đó, khiến cho chúng sanh không bị đánh mất niềm tin đối trước những phân thân của Thích Ca Mâu Ni, đó là sứ mệnh của Tăng, Ni đứng trước sự tồn vong của chánh pháp.

Như vậy, chính Tăng, Ni chúng ta là những tàng cây là những cội bồ đề, là biểu tượng của lòng tín ngưỡng vô biên đối với hàng hàng lớp lớp Phật tử Việt Nam, không những thế, mà còn là những bóng mát vạn niên vững vàng chốn thiền môn đáng tôn kính trong tâm hồn người con Phật “thiên nhơn chi đạo sư”.

(CÒN TIẾP....)

Đại Đức THÍCH GIÁC QUANG
Giảng tại khoá ACKH Thanh Long Tự, năm Tân Mùi
Phật lịch 2535 – DL 01.08.1991
(Ban Hoằng pháp & In ấn, lược trích băng cassette)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage