Con yêu dấu,
Trong loạt bài Ba viết cho con, đa số
đều nhắm vào giai đoạn niên thiếu của con cả. Mục đích của Ba chỉ nhằm
hướng dẫn, chỉ cho con thấy những gì cần thiết, những gì cần trang bị
trong một giai đoạn cuộc đời của con người để con có thể có được một
cuộc sống thoải mái, có ý nghĩa, không những cho bây giờ mà còn cho cả
mai sau. Và nó cũng có thể là một số tư liệu, kinh nghiệm để dành cho
con, sẽ giúp thêm ý kiến trong việc dạy con của con sau nầy.
Nhưng với bài nầy nó không bị giới hạn
trong khuôn khổ ấy. Nó bao trùm hầu hết các giai đoạn của con người. Ba
cố gắng vận dụng, sắp xếp lại những ghi nhận, nhận xét riêng của Ba
trong cuộc sống từ trước đến nay, để chứng minh cho con thấy: Dù cuộc
đời mỗi con người có những chi tiết, tình tiết khác nhau; nhưng tất cả
đều có những điểm chung theo các qui luật nhất định; mà lứa tuổi thanh
niên của các con chưa có thể biết được. Chính vì điều đó, nên hầu hết
các đứa con không tin vào những điều dạy dỗ, hướng dẫn của cha mẹ. Đôi
khi còn coi những điều ấy là xưa cũ, cổ lổ xĩ, hay là lẩm cẩm. Đến khi
con hiểu được thì nó đã quá muộn màng! Con đi trở lại đường cũ của cha
mẹ mà con cứ ngỡ là con khám phá được con đường mới thênh thang!
Lúc Ba còn ở vào lứa tuổi của các con,
Ba cũng có những ý nghĩ như vậy. Nhưng càng ngày càng có tuổi, càng già
thêm, thì thấy đó chỉ là những biến chuyển tình cảm, tư tưởng của con
người trong một giai đoạn nào đó mà thôi! Chứ thực ra rồi mình cũng đi
theo những giai đoạn mà cha mẹ mình đã đi qua rồi!
Con ạ!
Qua những năm tháng Ba lặn lội trong
nghề nông trên xứ người: Trồng cà, dưa, ớt, zuccini. Rồi có một lúc ngồi
chợt nhớ, Ba ngẫm nghĩ mà tức cười một mình. Vì tất cả những loại cây
ấy đời sống có ngắn dài hơn nhau chút ít; nhưng khi con đặt cây giống
hay bỏ hạt xuống đất, thì trong vòng tuần lễ, chúng mới bắt đầu mọc lên,
hoặc bén rễ và cây phát triển. Chúng vẫn hãy chưa tốt. Mãi đến tuần lễ
thứ ba nếu vào mùa hè, hay tuần lễ thứ tư, thứ năm vào mùa đông chúng
mới phát triển nhanh chóng một cách lạ kỳ. Cây xem ra rất mạnh, có vẻ
tràn đầy sức sống. Rồi tới giai đoạn ra bông vàng hực vào tuần thứ năm
(mùa hè) hay thứ sáu, thứ bảy (mùa đông). Đến các tuần kế tiếp ta có thể
hái trái. Thời kỳ còn nhỏ đến lúc cao nhất là thời kỳ tơ, sau đó là
thời kỳ già đến khi phá bỏ. Các giai đoạn của cây cối nầy, khiến Ba "tức
cười" vì nó giống giai đoạn của con người. Từ lúc bỏ hạt hay cây xuống
đất y như con người từ lúc sinh ra cho đến tuổi dậy thì. Nếu trẻ thơ
sống trầm lặng, hồn nhiên, không buồn phiền, ưu tư, không lo nghĩ thì
các cây con ấy nó chỉ cần cho uống nước, chăm sóc, coi chừng sâu rầy,
cho ăn chút ít phân thôi. Đến giai đoạn từ tuần thứ ba, tư trở đi nó
phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đầy tràn sinh lực, nhựa sống, giống như
các con đến thời kỳ "dậy thì" hay "trổ mã" hoặc "nhổ giò" để biến con
từ một thiếu niên phát triển thành chàng thanh niên, hay một cô thiếu
nữ. Các con bắt đầu vào thời biết yêu thương nhung nhớ; biết tranh cãi,
biện luận, biết phản kháng; biết "nhìn đời bằng nửa con mắt" vì con
tưởng con có đủ khả năng để làm mọi việc. Ba nhìn vào lứa tuổi thanh
xuân của các con, giống như Ba bước vào nhà dưa hay cà lúc trổ bông vàng
hực. Đẹp lắm con ạ! Chắc có lúc con bước vào nhà dưa nhưng con không để
ý đó thôi! Nếu ở vùng có ong, lúc đó ta có thể nhìn hoa nở, tai nghe
ong bay vo ve với cánh run động rất nhanh. Cảnh ấy giống mùa xuân hoa
nở, bông khoe sắc thắm, bướm bay chập chờn như thanh niên nam nữ các con
cũng đang rộn ràng những "nét" tình yêu. Rồi sau đó hoa tàn, kết trái.
Lúc Ba thu hoạch vụ mùa cũng là lúc mà các con thành lập gia đình, sắp
có con. Cuộc đời của người đi trước sẽ tái lập cho người đi sau. Cũng
nuôi con, cũng chững chạc, cũng già đi dần. Và một ngày nào đó, sáng
thức dậy sớm uống nước trà hay cà phê mà ôn lại sự đời. Đó là giai đoạn
của cây và của con người, hay theo nhà Phật đó là lẽ: Sinh, bệnh, lão,
tử vậy.
Con ạ!
Điều chính của bài nầy mà Ba muốn nói,
không phải ở chỗ đó; mà là cái tinh tuý, cái cốt tủy của từng giai đoạn.
Đấy là những vấn đề con cần lưu ý.
Con có biết thời gian nào trong cuộc đời
của con trở thành quan trọng nhất không? Người lực sĩ dự cuộc đua Thế
vận hội không phải luyện tập trước đó một, hai năm; mà người ta phải học
kỹ thuật, mánh lới bộ môn và luyện tập rất lâu dài. Nhất là các cô bé
của bộ môn gymnastics phải học và luyện tập từ lúc còn thật nhỏ. Khi họ
đã được khả năng thì cũng rất khó mà mai một cái khả năng ấy. Nên với
cuộc sống, thời gian chuẩn bị cho con là lúc con còn bé, lúc con còn
trong nhà trường. Điều nầy Ba đã viết cho con rất nhiều qua các bài
trước, ở đây Ba chỉ nhắc lại cùng con về sự lựa chọn. Hãy chọn cho mình
là một con người có khả năng, có ý chí quyết tâm, có lý tưởng để từ giờ
phút ấy trở đi con sẽ sống xứng đáng với kiếp người, đem lại hạnh phúc
cho gia đình và cống hiến nhiều cho xã hội. Và cũng với khả năng đó,
cuộc đời con sẽ được sung sướng hơn, không những cho chính con mà cả về
con cháu ở mai sau.
Đó là thời gian thanh niên! Nhưng đến
khi lấy vợ, lấy chồng, hai vợ chồng cưới nhau, sau những thời gian rỗi
rảnh để đi đây đi đó, du lịch xứ người, xứ ta thì tới lúc cần có con.
Tuổi có con thì khoảng trên dưới ba mươi vài năm. Nếu vợ chồng quá trẻ
có con sớm thì sẽ chưa đủ kinh nghiệm hoặc sự nghiệp vững vàng để lo cho
con cái. Còn tuổi lớn có con nhỏ thì cái cảnh "cha già, con muộn" cũng
lỡ làng, hoặc là sự sanh đẻ trở nên khó khăn. Con có biết cái cảm giác
của đôi vợ chồng khi muốn có con mà được có con không? Sự mừng rỡ, hớn
hở đó rất khó diễn tả bằng bút mực lắm! Nó nhẹ nhàng, nó hồi hộp, nó
phảng phất trầm lặng và thâm thuý. Còn có những cặp vợ chồng không may
hiếm muộn, họ phải đôn đáo, phải nhờ đến y học để giúp họ được có con.
Họ thèm mong được bồng trên tay, được chăm sóc đứa con của chính mình.
Rồi tới lúc sanh đứa con ra đời: Nuôi con lớn, dạy con khôn, con ngoan,
con học giỏi, con thành danh là điều mơ ước của những bậc cha mẹ. Và cha
mẹ cũng sẽ bạc đầu, rầu rĩ, gầy héo vì con ngỗ nghịch, hay bị sa ngã
vào tệ nạn xã hội. Tới lúc ấy, con mới hiểu được nỗi lòng của mẹ cha:
"Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ" hay con mới hiểu tại sao là:
Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư.
(Tục ngữ)
Khi con thấy thấm thía được những điều
ba mẹ mình dạy mình lúc trước, thì lúc ấy có lẽ ba mẹ đã mất đi rồi! Con
có muốn nói một lời ngắn ngủi để tạ lỗi hay cám ơn, con sẽ không bao
giờ còn có diễm phúc nữa!
Con yêu dấu,
Thường con người tạo dựng sự nghiệp từ
lúc tuổi 30 và trong những năm 40. Đến tuổi gọi là 50 thì chỉ còn làm
công việc cho qua ngày tháng; là tuổi truyền thụ kinh nghiệm, làm cố vấn
lại cho con cái, cùng bắt đầu thời kỳ ngồi uống nước trà ngẫm lại sự
đời để "Tri thiên mệnh". Nhìn cuộc đời ai cũng phải đi qua, tâm lý con
người biến chuyển trong các giai đoạn cũng như nhau. Mình tưởng là khác,
nhưng chỉ khác chút chút thôi, chẳng qua vì hoàn cảnh mỗi người mỗi
khác. Rồi 61 gọi là "Đáo tuế"; 70 là "Thọ"; 80, 90 trở lên là "Thượng
hay Thượng thượng thọ". Sống lâu gọi là "Phước" hay chỉ là mệt cho mình,
cho người!? Ba cũng không hiểu phải nhìn trên khía cạnh nào cho đúng!
Có lẽ tùy theo quan niệm của mỗi người và cũng tùy theo số thọ của mình
hay xa hơn nữa: Tuỳ theo "nhân duyên" và "quả kiếp" thế thôi!