Hòa thượng Ghosananda,
Tăng Thống Campuchia
Thích Nguyên Tạng
Một nhà sư
với những hoạt động hòa bình (Bangkok Post, 27/02/96)
Bất cứ ai có dịp gặp và tiếp xúc với
Hòa Thượng Tăng Thống Campuchia Maha Ghosananda thì có thể tìm thấy được an lạc
nơi nụ cười hiền hậu và từ ái toát ra từ ánh mắt của ngài. "Tôi đã tha thứ
cho họ", ngài nói về những du kích quân Khmer Ðỏ, những kẻ đã từng giết
hại cả gia đình ngài, đem đến những khổ đau khôn tả cho nhân dân Campuchia và
ngài đã đọc lại lời Phật dạy: "Hận thù không bao giờ dập tắt được hận thù,
chỉ có tình thương mới có thể loại bỏ được hận thù. Ðó là định luật từ ngàn
xưa".
Và đó cũng là luật tắc mà HT
Ghosananda đã dùng để thương thuyết với các nhà lãnh tụ Khmer Ðỏ và binh lính
của họ. "Chúng ta phải có lòng từ bi và trí tuệ", ngài nói
"chúng ta chỉ lên án hành động của họ chứ chúng ta không ghét họ. Với tình
thương, chúng ta sẽ thiết lập được nền hòa bình, ngoài tình thương và sự tha
thứ ra, không có con đường nào khác để chọn".
Trong lúc tiếp chuyện với chúng tôi
(phóng viên nhật báo Bangkok Post), ngài kể chuyện về Angulimala, một người đã
từng sát hại hàng ngàn người, rồi chặt ngón tay của nạn nhân xâu thành vòng
hoa. Sau đó ông được Ðức Phật cảm hóa và trở thành một tu sĩ. Tuy nhiên, mọi
người đều biết được quá khứ tội lỗi của ông nên đã ném đá trả thù khi ông đi
khất thực vào mỗi buổi sáng. Cuối cùng ông đã chết nhưng ông đã đắc quả
A-La-Hán.
"Angulimala có thể làm được
điều đó, vì vậy du kích quân Khmer Ðỏ cũng có thể làm được" HT. Ghosananda
nói. Gần đây các phương tiện truyền thông phát đi các lời dạy của Ngài để mở
đường cho các lãnh tụ Khmer Ðỏ và binh lính của họ sớm ra đầu thú.
Ngày nay, Ngài tin chắc rằng Phật
Giáo Campuchia sẽ mang lại sức sống, hòa bình và thịnh vượng cho quê hương của
Ngài. "Hòa bình chỉ hiện hữu khi nào chúng ta chấm dứt được xung đột với
kẻ thù". Ngài nói. Hiện nay, có khoảng 40,000 tu sĩ và 3,000 ngôi chùa ở
trên khắp cả nước Campuchia. Ðây là một hình ảnh được hồi sinh kể từ cuộc tàn
sát của Khmer Ðỏ (1975-1978), lúc ấy chùa tháp gần như bị phá hủy hay sử dụng
để làm nhà giam hoặc nơi để tra tấn và chỉ còn 3,000 tu sĩ sống sót trong số
50,000 vị.
Hòa Thượng Ghosananda sinh năm 1929
tại tỉnh Takeo, 14 tuổi xuất gia và theo học các trường Ðại học Phật Giáo ở
Battambang và Phnom Penh. Sau đó đi du học và đậu bằng tiến sĩ tại Ðại học
Nalanda, bang Bihar, Ấn Ðộ. Ngài tự xem mình là đồ đệ của Hòa thượng người Nhật
Nichidatsu Fujii, vị tổ sáng lập Hội Nipponzan Myohoji, hoạt động vì hòa bình
theo đường lối bất bạo động của Mahatma Ghandi. Năm 1965, Ngài phát nguyện ẩn
tu 13 năm tại một ngôi chùa trong rừng thuộc miền nam nước Thái Lan.
Ðến năm 1978, khi người tỵ nạn
Campuchia đổ xô sang Thái Lan, ngài quyết định xuống núi và bắt đầu hoạt động
vì hòa bình. Ngài phát truyền đơn kêu gọi người tỵ nạn phát khởi lòng từ bi và
tha thứ cho kẻ đàn áp. Ngài tiến hành xây dựng chùa ở khắp các trại tỵ nạn ở
dọc biên giới Thái - Miên, kể cả các trại dưới quyền kiểm soát của Khmer Ðỏ.
Ngài cũng tổ chức những khóa giảng dạy giáo lý cho các cộng đồng này để giúp họ
giảm bớt sự sợ hãi và suy sụp tinh thần do chiến tranh gây ra. Ngài an ủi họ
rằng hòa bình sẽ sớm được thiết lập bởi sự giúp đỡ của quân đội Việt Nam vào
năm 1979.
Năm 1980, ngài thành lập Hội Liên
Tôn Giáo tại Campuchia với sự giúp đỡ của một hội đoàn ở phương Tây. Hội này đã
xây dựng hàng trăm ngôi chùa trên khắp thế giới cho người tỵ nạn Campuchia ở
nước ngoài. Hiện nay, ít nhất có khoảng 30 ngôi tự viện ở Mỹ và Canada. Cũng
trong năm 1980, ngài đã làm cố vấn cho một tổ chức kinh tế và xã hội của Liên
Hợp Quốc tại Campuchia, ngài đã đưa ra nhiều sáng kiến về các chương trình phát
triển kinh tế và xã hội giúp cho người dân Campuchia thoát khỏi cảnh đói nghèo
và khổ đau.
Năm 1992, ngài tổ chức cuộc đi bộ vì
hòa bình (Dhammayatra) lần thứ I, từ biên giới Thái Lan về tới Phnom Penh. Ði
theo Ngài là người dân Campuchia trở về quê hương sau 12 năm tỵ nạn. Cũng trong
năm này, Ngài được vua Norodom Sihanouk ban tặng danh hiệu Tăng Thống Phật Giáo
Campuchia. Sau đó Ngài cũng nhận được một giải thưởng nhân quyền do Hội Rafto
Na Uy trao tặng.
Năm 1993, ngài lại dẫn đầu hàng trăm
người đi bộ lần thứ II băng qua các tỉnh bị chiến tranh tàn phá ở Campuchia.
Năm 1995, ngài dẫn đầu một phái đoàn đi bộ hòa bình qua các nước ở châu Á để
vận động cho hòa bình thế giới, (phái đoàn này đến Việt Nam vào đầu tháng
6-1995).
Ngày nay, ngài rất nổi tiếng về các
cuộc Dhammayatra hàng năm. "Cuộc đi bộ hòa bình của chúng tôi bắt đầu từ
hôm nay và mỗi ngày", ngài nói, "mỗi bước đi là một lời cầu nguyện,
một sự mặc niệm và bắt thêm một chiếc cầu". Năm nay (1996), ngài sẽ hướng
dẫn một đoàn đi bộ qua các tỉnh Takeo, Kampot và Kompong Som. Ðoàn sẽ bắt đầu
vào ngày mùng 10 tháng 5.
HT Ghosananda rất lạc quan về tương
lai của Campuchia: "Campuchia đã quá mệt mỏi với chiến tranh, có khổ đau
chúng ta mới thấy được ánh sáng của Chánh pháp ". Năm nay (1996), ngài
được đề cử trao giải Nobel Hòa bình lần thứ hai (lần thứ I năm 1994 do Thượng
Nghị Sĩ Mỹ C. Pell đề xuất).
"Lần đầu Yasser Arafat đã
thắng" ngài nói với một nụ cười hiền hậu. Khi hỏi "Ngài cảm thấy thế
nào khi nghe tin mình được đề cử nhận giải lần thứ hai này?", ngài cười và
nói : "Không có gì".
Theo BANGKOK POST, 27/ 2/ 1996
(1) Trích
từ trang nhà Quảng-Ðức, http://www.eisa.net.au/~quangduc/ , Melbourne, Australia.
(2) Xin
xem thêm bài viết Chánh Niệm và Niết Bàn của HT Ghosananda.