Một nhóm người hành hương đến thăm Ngài Ajahn Chah, hỏi Ngài
ba câu hỏi lớn:
1. Tại sao Ngài hành thiền?
2. Ngài hành thiền như thế nào?
3. Kết quả việc hành thiền của Ngài ra sao?
Nhóm người hành hương này là những vị đại diện cho một tổ chức tôn
giáo Âu Châu đã đến gặp nhiều thiền sư ở Á Châu để hỏi những câu hỏi
trên.
Nghe ba câu hỏi này, Ngài Ajahn Chah nhắm mắt, trầm ngâm một lát,
rồi trả lời bằng cách hỏi lại ba câu hỏi khác:
1. Tại sao quí vị ăn?
2. Quí vị ăn như thế nào?
3. Sau khi ăn xong quí vị cảm thấy ra sao?
Nói xong Ngài cười.
Về sau Ngài giải thích rằng: Những lời dạy của Đức Phật nhằm mục
đích hướng dẫn mọi người hãy trở về với Trí Tuệ nội tại của mình, trở về
với Giáo Pháp tự nhiên của mình. Bởi thế nên Ngài muốn nhắc nhở những
vị hành hương này không cần phải đi khắp Á Châu tìm kiếm lời giải đáp mà
hãy trở về tìm hiểu phần bên trong của mình.
Thiền trong mọi tác động
Chánh tinh tấn không phải là cố gắng làm cho một điều gì đặc biệt
phát sinh. Đó là cố gắng ý thức và tỉnh thức trong mọi lúc, cố gắng chế
ngự sự lười biếng và phiền não, cố gắng thực hiện trong tỉnh thức mọi
tác động hàng ngày của chúng ta.
Giữ rắn trong tay
Ngài Ajahn Chah nói với một nhà sư mới:
-- Việc hành thiền ở đây là không nắm giữ một thứ gì.
Nhà sư mới phát biểu:
-- Nhưng có vài thứ đôi khi cần nắm giữ chứ!
Ngài trả lời:
-- Đúng thế, nhưng bằng tay chứ không phải bằng tâm. Khi tâm nắm
giữ sự đau khổ thì chẳng khác nào bị rắn cắn. Và thích thú nắm giữ cái
gì với tâm tham ái chẳng khác nào nắm lấy đuôi rắn: ta chỉ nắm được một
thời gian ngắn thôi, vì sau đó không lâu, rắn sẽ quay đầu lại cắn ta.
Lấy chánh niệm và không luyến ái làm người canh giữ tâm mình, như
cha mẹ giữ con cái. Rồi thì yêu và ghét sẽ đến gọi tâm bạn như con cái
đến gọi cha mẹ: "Má ơi! Con không thích cái này!" "Ba ơi! Con muốn
nhiều hơn," "Được!" "Nhưng má ơi! Con thích có một con voi!" "Được!"
"Con muốn ăn kẹo! Con muốn đi máy bay!" Tất cả đều chẳng có gì quan
trọng nếu bạn để cho mọi sự vật đến và đi, một cách tự nhiên mà không
nắm giữ.
Khi giác quan tiếp xúc với sự vật thì yêu và ghét phát sinh, và si
mê đi liền theo đó. Nhưng với chánh niệm thì cũng với sự tiếp xúc đó,
nhưng trí tuệ phát sinh.
Khi bạn bị bắt buộc phải có mặt tại một nơi có nhiều chuyện quấy
rầy giác quan bạn, bạn đừng ngại, hãy tự nhiên, vì Giác Ngộ không có
nghĩa là điếc và mù. Chỉ cần chú tâm chánh niệm là đủ. Đừng khờ dại nghe
theo kẻ khác một cách mù quáng. Khi nghe ai nói "Cái này đẹp,"
hãy tự nhủ "Không phải thế." Khi nghe ai nói "Cái này tuyệt
diệu," hãy tự nhủ "Không phải thế." Đừng để dính mắc vào tham
ái của thế gian. Đừng để dính mắc vào những phán đoán của thiên hạ. Hãy
để mọi chuyện trôi qua một cách tự nhiên.
Một số người sợ sự bố thí. Họ cảm thấy sẽ bị bóc lột hay bị áp chế
khi phải cho ai một cái gì. Họ nghĩ họ cần phải lo cho chính họ. Muốn
phát triển tâm bố thí, chúng ta cần phải đè nén tính tham ái và dính
mắc. Nhờ thế bản chất thực sự của chúng ta sẽ tự hiển lộ, trở nên nhẹ
nhàng hơn và giải thoát hơn.
Theo: Mặt Hồ Tĩnh
Lặng
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ
Aggasami Trần Minh Tài
Nguồn: Buddha Sasana