Phật Học Online

Viết Cho Con: 11- Bi Quan Để Làm Gì?

Nhiều lúc Ba nghĩ và nhớ lại đoạn đường Ba đã đi qua trong cuộc đời, Ba phải giật mình. Ba không thể ngờ rằng mình có được một sức chịu đựng, một ý chí, một quyết tâm mãnh liệt, và đồng thời có một sự trường kỳ chiến đấu gay go với định mệnh của mình như thế đó!


Con yêu quý,

Con có hiểu thế nào là bi quan không? Bi là buồn, buồn chán, thương xót. Bi quan là quan niệm nhìn các việc không có gì vui, cuộc đời đều đáng chán. Người bi quan lúc nào cũng có nét suy tư, đăm chiêu, nãn chí; có thái độ không muốn làm, mà cũng không thích chơi, họ trở nên thụ động. Như vậy để làm gì?

Con ạ! Khi sinh ra đời, ngoài thiên tư mình mang trong người, mọi con người đều có cái hoàn cảnh riêng. Cái hoàn cảnh ấy bao gồm tâm tính của cha mẹ; nếp sống, sinh hoạt trong gia đình; hoàn cảnh chung quanh kể cả bạn bè, hàng xóm, nhà trường và xã hội. Mọi hoàn cảnh ấy sẽ ảnh hưởng vào tâm tư, để từ đó người ta mới có cái quan niệm riêng về cuộc sống. Chung quy lại có hai quan niệm chính là bi quan và lạc quan. Lạc quan là quan niệm thoải mái, vui vẻ, chấp nhận các việc đi qua, đang tới hay sắp tới. Lạc quan là đối nghịch của bi quan.

Thực sự ra, làm con người không ai muốn mình là kẻ bi quan bao giờ! Vì kẻ bi quan hay khổ tâm lắm! Họ dành nhiều thì giờ trong cuộc sống để suy nghĩ, để sống về nội tâm, để tìm thấy sự kém may mắn của mình! Nói như vậy, có lẽ con hiểu được khái quát những người như thế nào mới mang các đặc điểm của bi quan. Họ thường là những kẻ được coi là "sinh ra dưới vì sao xấu". Họ có thể là đứa bé sinh ra trong gia đình bần cùng, phải làm việc vất vả, thiếu thốn mọi bề. Họ có thể là những đứa bé mồ côi, hoặc bị bỏ rơi. Họ cũng có thể là đứa trẻ ở trong một gia đình bình thường nhưng định mệnh an bài cho những điều kiện kém may mắn. Chẳng hạn như sự xung đột của cha mẹ; mọi người không có cảm tình với hắn, hoặc hắn phải chịu sự bất công đối xử, hay là những người chung quanh khinh khi hắn vì hắn nghèo, hắn xấu hay vì lý do nào đó.

Con ạ!

Trí khôn, suy nghĩ là lợi thế, là ưu điểm của con người. Nhưng ở đây, cũng chính sự suy tư sẽ giết lần giết mòn cuộc sống của người bi quan. Con có biết không? Những con người sinh ra đời trong hoàn cảnh xấu số thường hay suy nghĩ vẩn vơ, thường hay mơ ước. Nhưng rồi thực tế như vậy vẫn là như thế đó! Họ mang lấy mặc cảm thua sút, nhỏ nhoi vào mình (tự ti mặc cảm), do đó thường hay lẫn tránh đám đông, hay ít dự vào cuộc chơi chung. Để con dễ hiểu Ba lấy ví dụ: Giả sử bạn con sinh ra trong gia đình nghèo, hắn có thể đi học nhưng hắn không có tiền tiêu xài. Con và bạn con thường hay rủ hắn đi ăn uống. Sau một đôi lần thì hắn từ chối, hắn bảo hắn bận công việc nầy, công việc kia. Nhưng thực ra, hắn không dám đi tiếp tục, chỉ vì hắn không có tiền để "bao" trả lại cho con và bạn con. Hắn tránh né! Không phải chỉ một việc đó, mà còn trên nhiều vấn đề khác nữa.

Nhưng hôm nay với bài nầy, Ba sẽ cố gắng tập hợp kinh nghiệm của Ba cùng với của một số người Ba được biết để đúc kết lại, hầu con hiểu được sự bi quan rất tai hại đến cuộc sống con người như thế nào. Và từ đó, con có thể thấy bi quan không có lợi và tại sao ta lại phải bi quan? Bi quan để làm gì?

Con yêu dấu,

Con người ai cũng có hai yếu tố căn bản: Thể xác và tinh thần liên đới với nhau. Người bi quan thường bắt đầu trong hoàn cảnh thua kém, kém sút của mình; rồi e dè, sợ sệt, né tránh hoặc suy nghĩ đắn đo. Họ cố tìm hiểu lý do tại sao mình lại như vậy, và gắng tìm cách thức để vượt qua, để thoát khỏi điều kiện khổ ải hiện tại. Nội tâm của họ hoạt động rất mạnh. Con có biết không? Nếu một khi đã suy nghĩ thường xuyên thì họ đã có thói quen "hay suy nghĩ". Sự suy nghĩ ấy sẽ đưa đến tình trạng mất ngủ. Càng ngủ không được họ lại càng suy nghĩ nhiều hơn. Suy nghĩ từ các vấn đề thực tế, dần đi đến trừu tượng, siêu hình. Do nơi thiếu ngủ và suy nghĩ nhiều, nên con người của họ trở nên chậm chạp như người thiếu "thần sắc". Rồi tiến đến suy nhược thần kinh. Nếu họ tĩnh thức, họ ngưng ngang tình trạng nầy ở đây, thì họ có thể không bị quẩn trí. Còn nếu không, họ sẽ không tránh khỏi sự khủng hoảng hoặc sa sút tinh thần. Đồng thời cơ thể, sức khoẻ của họ trở nên yếu kém rất dễ bị những bệnh thông thường và hay tái đi, tái lại. Một khi sức khỏe, cơ thể yếu thì bệnh lao cũng sẽ rình rập, tấn công họ. Ba có người bạn đã lâm vào hoàn cảnh nầy rồi, sau thời gian trị bệnh, mặc dù là lao nhẹ thôi, nhưng đôi mắt của ông ta trở nên kém cho mãi đến sau nầy. Ông ta nói quả là số mệnh đã an bài, vì rằng ông ta cố tìm đủ mọi cách để "ngoi ra khỏi vũng lầy", nhưng cuối cùng ông ta cũng phải "đành chịu lặn hụp trong vũng lầy" mà thôi!

Nhiều lúc Ba nghĩ và nhớ lại đoạn đường Ba đã đi qua trong cuộc đời, Ba phải giật mình. Ba không thể ngờ rằng mình có được một sức chịu đựng, một ý chí, một quyết tâm mãnh liệt, và đồng thời có một sự trường kỳ chiến đấu gay go với định mệnh của mình như thế đó!

Ba cũng như bao nhiêu người cùng cảnh ngộ khác đã lấy suy nghĩ, nội tâm làm chính yếu để truy nguyên, cứu xét về một vài điểm trong định mệnh. Qua nhiều năm trường thiếu ngủ, hai lần bị "ác bá" ức hiếp, trí nhớ Ba đã kém, lúc ấy lại càng kém hơn. Ba cứ ngỡ trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vào năm ấy Ba sẽ bị rớt, nhưng rồi lại vượt qua được. Đầu óc thì nặng nề ưu tư; thiếu ngủ thì thân thể suy nhược; cảm thời tiết thường xuyên xâm nhập làm sức khỏe lại giảm đi, thì Ba lại càng bi quan hơn nữa.

Nhờ vào sự may mắn tình cờ: Một hôm nọ Ba đến nhà người bạn chơi, thấy cuốn "Quẳng gánh lo đi và vui sống" do Nguyễn Hiến Lê dịch, Ba mượn về đọc. Thấy có lý, từ đấy Ba bớt lo, suy nghĩ một phần nào. Rồi sau nầy Ba đọc vài mẫu chuyện trong sách "Trang Tử Nam Hoa Kinh" của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Ba hiểu được chút ít Triết lý Lão Trang, Ba không phải bận lòng nhiều về trong cuộc sống. Và Ba được "khai mở", bình tâm thêm chút nữa. Nhưng cuộc sống vẫn chưa hẳn là lạc quan, mà mới chỉ trở lại tình trạng của một sự bình thường.

Rồi cách nay mười năm, sau biến cố dồn dập tang thương trong cuộc đời của Ba, đã ảnh hưởng đến gia đình không nhỏ, Ba mường tượng thấy được "Định mệnh diễn ra trước mắt" mình, như một diễn tiến của vai trò trong vở kịch mà mình phải diễn. Thế Ba mới hiểu được câu nói của Tế Công trong phim "Tế Điên hòa thượng": "Cái gì đến nó sẽ đến, nó đến rồi nó sẽ đi". Đó là một sự tự nhiên của nhân quả! Một khi quả đã đến thì ta không thể né tránh; và nó đến rồi nó lại qua đi, mà ta còn sống tức là vai trò của ta trong cuộc đời nầy hãy còn có nhân duyên chưa dứt. Nếu dứt thì ta bị "triệt tiêu" (chết) rồi. Con có để ý không ? Nếu vai trò nào đó đã chấm dứt thủ diễn trên sân khấu, thì người kịch sĩ còn đứng trên sân khấu để làm gì? Từ chân lý ấy, Ba mới thấy cuộc đời giống như vở kịch mà mình là một vai trò. Con người kịch sĩ thật sự của mình là Phật tánh. Vậy thì trong đời nầy, mình chỉ là đóng kịch chơi cho vui thôi. Buồn vui sướng khổ; giàu có sang hèn; tranh giành chém giết; của anh của tôi; đạo anh đạo tôi; chủ thuyết anh, chủ thuyết tôi... Chung quy chỉ là những giả định, vô thường mà khi chết đi ta chẳng có được gì để mang theo, ngay cả bản thân ta. Chẳng qua chỉ còn lại: "Nghiệp" và "Nhân". Cho nên từ ấy, Ba thấy không còn buồn nữa và Ba cũng chẳng phải bận lòng về rất nhiều vấn đề, dù rằng Ba chưa hẳn là người lạc quan. Nhưng ít ra, Ba cũng hiểu được rằng: "Trong cuộc đời nầy vốn không có chuyện gì xảy ra" như Lão Tử đã nói "Thiên hạ vô sự" vậy!

Nguyên Thảo.

Source: daophatngaynay.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage