Nam Mô Bản
Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư tôn đức Tăng, Ni
Kính Thưa các quý vị đại biểu, các vị
khách quý, các Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ phật tử.
Đạo Phật truyền vào Việt Nam
trên 2000 năm lịch sử, đầy những thăng trầm, có lúc tưởng chừng như sắp biến mất,
nhưng Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển rộng rãi khắp đất nước. Hiện nay, sự
thành tựu vượt bậc của khoa học cùng với tư tưởng tiến hoá của nhân loại đòi hỏi
thẩm định lại giá trị của nhiều tư tưởng triết học xưa nay và lẽ đương nhiên những
tư tưởng mang tính phi lý, lạc hậu, phản khoa học đều phải tự đào thải trước những
văn minh tiến bộ của loài người.
Xuyên qua mọi thời gian và không gian tòa nhà
cổ Phật giáo vẫn tồn tại vững bền cùng với năm tháng thời gian, sừng sững như
cây đại thụ giữa núi rừng trùng điệp và ngày càng phát triển sâu rộng, vững chắc
hơn. Điều này chứng minh rằng phật giáo đã toát ra một sức sống mãnh liệt bắt
nguồn từ một giá trị tinh thần phong phú, tinh thần ấy chính là sự thể hiện
giáo pháp trong mỗi đời sống con người, thể hiện qua tính nhân bản, bình đẳng,
từ bi và vô ngã của Phật giáo. Và chính những thật tính ấy rất thích hợp với
hàng thanh thiếu niên. Sự thích hợp ấy bởi những điểm sau:
Thứ nhất:
là thanh tịnh
Đạo phật luôn dạy và rèn luyện tâm hồn con người hoàn
toàn trong sạch, sa thải những tính: tham, sân si …. Tuổi thanh thiếu niên tâm
hồn còn trong trắng, những tính xấu nếu có cũng chỉ là rất ít. Nếu họ sớm biết
thức tỉnh quyết tâm tẩy trừ thì rất dễ dàng. Vì thế tuổi thanh thiếu niên rất
thích hợp với đức thanh tịnh của đạo Phật.
Thứ hai là
chân thật
Người tu theo đạo Phật phải
xa lìa những điều giả dối để trở về với sự thật. Tuổi trẻ ngây thơ, chất phác,
nghĩ sao nói vậy, nên ít biết dối trá xảo quyệt, nhiều thành thật. Do đó, tuổi
trẻ rất gần với đạo Phật.
Thứ ba là
tinh tiến
Để đến Phật quả, phải lắm
công phu nhọc nhằn khổ sở, với thời gian dài đằng đẵng, đâu phải tu một sớm một
chiều mà chứng được, trừ các bậc Bồ tát thị hiện. Tuổi trẻ là tuổi máu nóng đang
lên, nhựa sống căng tràn, đời sống còn dài, nên tu tiến rất tốt. Nếu đợi đến
già mới tu thì khó có thể đạt được thành quả cao
Thứ tư là
trí tuệ
Đức Phật là đấng đã giác ngộ.
Người tu theo đạo Phật là noi theo con đường sáng suốt của Ngài đã qua để đến
thành trì giác ngộ. Muốn được giác ngộ thì cần phải có trí tuệ, vì trí tuệ là
ánh sáng quét sạch màn đêm và soi tỏ mọi vật, khiến chúng hiện bày chân tướng
dưới mắt người. Tuổi trẻ rất dễ phát khởi trí tuệ, người già yếu trí tuệ cũng bị
già, lão hóa theo thời gian. Bằng chứng cùng một bài học người già học rất lâu, người trẻ học
nhanh thuộc do đó tuổi trẻ là tuổi rất hợp với đạo phật.
Chính vì những thật tính trên mà giới trẻ hiện nay
thích tìm hiểu đạo Phật, tu tập nhiều hơn và các câu lạc bộ ngày một nhiều hơn.
I. Về thực trạng các câu lạc bộ hiện nay:
- Nguồn quỹ hoạt động rất hạn hẹp.
- Có nơi khi mới sinh hoạt thì số lượng thành viên nhiều,
sau một thời gian số thành viên giảm dần do nhiều nguyên nhân như:
+ Các em thấy chán vì sinh hoạt
đơn điệu không thật sự lôi cuốn hấp dẫn.
+ Chủ quan: Ban chủ nhiệm
không phân công cụ thể cho từng tổ trưởng hoặc các thành viên nòng cốt. Nhiều vị
còn quá dễ dãi với chính bản thân mình, thiếu tinh thần trách nhiệm, lý tưởng
phục vụ mờ nhạt, ban chủ nhiệm có nơi mất đoàn kết, thu chi tài chính thiếu
minh bạch, nguồn quỹ có nơi không được quản lý chặt chẽ, có nơi mạnh ai nấy mượn,
khi có việc cần chi tiêu thì không thu hồi được.
+ Hoạt động không đồng đều.
+ Chưa có sự phối hợp với chính quyền sở tại, do đó các
hoạt động hoằng pháp gặp không ít khó khăn. Bởi “Câu lạc bộ phật tử” là
phong trào mới, xã hội còn ngỡ ngàng với cụm từ: “Câu lạc bộ phật tử”. Đây
lại là vấn đề nhạy cảm của tôn giáo nhất là trong thời mạt Pháp này. Những câu
hỏi như: “Câu lạc bộ phật tử” là tổ chức nào? mục tiêu tôn chỉ hoạt động
như thế nào?
Tổ chức nào sinh ra nó và tổ chức nào chịu trách nhiệm quản lý? Liệu
đây có phải là tà giáo mượn danh để hoạt động mê tín dị đoan, phá hoại đạo Phật
không?... Khi chưa rõ, chưa hiểu nên nhiều khi chính quyền nghĩ sai lạc, gây
khó khăn hoặc cản trở các hoạt động của “Câu lạc bộ Phật tử”.
II. Định hướng
phát triển Câu lạc bộ:
- Cần xây dựng tạo môi trường thật tốt để hình thành
lên một phong cách sinh hoạt. Cần công khai trên các phương tiện thông tin đại
chúng để xã hội hóa các hoạt động của mô hình “Câu lạc bộ Phật tử” cũng như mục đích, tôn chỉ hoạt động
- Củng cố nhân sự: Ban chủ nhiệm phải thật sự là lực
lượng nòng cốt, là những người có năng lực, trình độ, nhiệt tình và đầy tâm, huyết
với phong trào. phải bồi dưỡng cho họ kỹ năng hoạt động, biết quản lý, điều
hành câu lạc bộ như: Lập kế hoạch hoạt động từng tháng, quý, năm, thiết lập các
tài liệu về các lĩnh vực mình phụ trách, nắm vững tư tưởng và hoàn cảnh của từng
thành viên, tuyên truyền để kết nạp thành viên mới, liên hệ chặt chẽ với chính
quyền, lãnh đạo giáo hội, các Tăng Ni, người phụ trách, phân công đôn đốc và
giám sát các hoạt động của các câu lạc bộ. Chăm lo xây dựng, tạo nguồn kinh
phí, trao đổi kiến thức với các thành viên, tổng kết mô hình hoạt động của các
câu lạc bộ theo định kỳ 6 tháng một lần, đề xuất khen thưởng cho các thành
viên, phát huy khả năng sáng tạo tính tự nguyện của các thành viên.
- Mở rộng giao lưu học hỏi, rút kinh nghiệm các CLB
khác trong và ngoài tỉnh để nâng cao chất lượng hoạt động.
- Nghiên cứu thu nhập, biên soạn tư liệu về việc đổi mới
các mặt sinh hoạt trong CLB
- Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn đàm thoại, góp
ý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kết nối trí tuệ của mọi tầng lớp
trong xã hội từ Chư |Tôn Đức giáo hội, đến các cư sĩ, nhà khoa học……những người
quan tâm đến phật giáo nói chung, Câu Lạc Bộ nói riêng để xây dựng chuyên mục
này.
- Tăng cường sự thiết thực và hấp dẫn trong sinh hoạt,
phong phú thể loại, rộng mở về chủ đề hoạt động như: hình thức lễ lạy, tụng
kinh, các kỹ năng chuyên môn, âm nhạc, kịch, thảo luận các đề tài nhỏ (gia
đình, học đường, xã hội,…), các trò chơi đố vui phật pháp, vệ sinh đường phố,
trồng cây xanh, cứu trợ thiên tai, giúp người cơ nhỡ, tiếp sức mùa thi …
- Có kế hoạch định kỳ tổ chức buổi gặp mặt chung của
phụ huynh các thành viên, để chia sẻ ý kiến đóng góp tạo không khí đầm ấm và sự
ủng hộ mạnh mẽ về phía gia đình (vì nhiều bạn phải đi giấu kín gia đình).
- Để tạo cho thanh thiếu niên kiên trung giữ đạo phật
thì bốn yếu tố đó là:
+ Tôn kính Phật: tức là làm cho hình ảnh đức Thế Tôn
luôn ngự trị trong tim mỗi người
+ Luôn nghe pháp
+ Gần gũi Tăng
+ Sống hội đoàn
- Đem ánh sáng Phật pháp đến thanh thiếu nhi qua tranh
vẽ, truyện hoạt hình phật giáo
- Ngoài ra phải tu tập theo định kỳ, sinh hoạt theo chủ
điểm, hoạt động ngoại khoá
- Nên lập một ban (chuyên biên soạn tài liệu tu học huấn
luyện, đổi mới phương cách sinh hoạt). Nhiệm vụ của ban là:
+ Nghiên cứu các vấn đề cần bổ sung như: thêm đề mục mới
hoặc mở rộng nội dung những đề tài đã có.
+ Nghiên cứu tập hợp các tư liệu, phác thảo tài liệu,
đồng thời xem xét bài biên soạn của các chủ nhiệm, phó chủ nhiệm (đã phân công)
để chọn lọc những ưu điểm bổ sung cho tài liệu hoàn chỉnh
+ Biên soạn phần hướng dẫn phương pháp soạn giáo án hướng
dẫn việc tu học cho ban chủ nhiệm và cho thành viên dựa vào tài liệu đã biên soạn
hướng cải tiến
+ Ra một bản tin lưu hành nội bộ (đăng trên trang Web)
hàng tháng để phổ biến tài liệu tu học mới được soạn thảo để ban chủ nhiệm áp dụng,
rút kinh nghiệm, có ý kiến đề nghị điều chỉnh bổ sung.
+ In ấn phát hành tài liệu, tổ chức các khoá bồi dưỡng
để hướng dẫn ban chủ nhiệm cách áp dụng tài liệu mới vào việc soạn giáo án, hướng
dẫn tu học sinh hoạt dựa theo tài liệu.
+ Biên soạn tài liệu cho ban chủ nhiệm: Tài liệu đảm bảo
đúng, đủ nội dung kiến thức, theo một trình tự diễn giải hợp lý. Chú trọng soạn
các đề tài mới, triển khai nhiều hơn phần thực hành, vận dụng vào việc tu tập tự
thân vào cuộc sống, vào nhiệm vụ của mình. Cần nghiên cứu sáng tạo để vận dụng
tinh thần định hướng giới định tuệ xuyên suốt các bài học và bài thực hành của
ban chủ nhiệm, của thành viên. Cần tăng thêm nội dung kiến thức và thời gian thực
tập bài học liên quan đến tổ chức điều hành, hướng dẫn việc tu học sinh hoạt
trong các CLB
- Cần vận dụng các phương tiện giáo dục mới như các
phương tiện thính thị, vừa phát huy tình cảm trí tuệ lành mạnh, linh mẫn.
III. Vai trò của
công tác hướng dẫn phật tử trong tình trạng hiện nay:
- Tuổi trẻ hiện nay về vấn đề đạo đức đang xuống cấp
nghiêm trọng, bởi đức tính kiêu căng, ngã mạn, không làm chủ chính mình, tham
sân si,…. Do đó, trong tình trạng hiện nay người hướng dẫn phật tử phải hướng
tuổi trẻ làm lành, tránh ác như: học hạnh nhẫn nhục, hạnh từ bi, vấn đề trí tuệ,
vấn đề giải thoát, biết hổ thẹn khi sa ngã, làm việc xấu (biết tàm, quí), không
tham bất chính như tiền, tài, danh, sắc (thiểu dục và tri túc). Hướng cho giới
trẻ con đường lập nghiệp chính đáng, gian lao không nhụt chí.
Trên đây là những ý kiến, thực trạng của các CLB mà
tôi vừa trình bày. Trước khi dừng lời, xin kính chúc Chư Tôn đức pháp thể khinh
an, tuệ đăng thường chiếu, thân tâm an lạc, phật sự viên thành.
Chúc các quý vị
đại biểu, các vị khách quý, các ban chủ nhiệm an lạc, cát tường, an vui trong
tình đạo vị.
Chúc buổi tham luận thành công tốt đẹp.
Nam mô Thường
Tinh Tiến Bồ Tát Ma Ha Tát!
T/M
BAN CHỦ NHIỆM CLB PHẬT TỬ PHỔ QUANG
CHỦ
NHIỆM
Cư sĩ Minh Thiện - Đặng Văn Dân
Tham luận của Cư sĩ Minh Thiện - Đặng Văn Dân gửi Hội thảo "Phương hướng phát triển các CLB Thanh thiếu nhi phật tử phía Bắc"
Hội thảo sẽ được tổ chức vào Thứ bảy - ngày 23 tháng 4 năm 2013 (nhằm ngày 12 tháng 3 năm Quý Tỵ. Địa điểm: Giảng đường Tùng lâm Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, Q.Hoàn Kiếm, Tp.Hà Nội.