Phật Học Online

Tu hành như kẻ đào giếng

Hình ảnh một kẻ đi trên cao nguyên khô cằn khát cháy, không có nước uống, cố tìm nước bằng cách đào giếng… là một ảnh dụ hết sức tài tình và thơ mộng. Đức Phật đã vận dụng hình ảnh này trong kinh Pháp hoa (1), nhằm hướng đạo cho một hành giả phát tâm tu học cần phải nhiệt tâm, bền bỉ và kiên nhẫn thì mới có thể vượt qua được bể khổ sanh tử muôn trùng khắc khoải và khổ lụy bi thương. Hình ảnh này, cho chúng ta thấy rằng, tính chất khẩn cấp của việc tu hành cũng hết sức khốc liệt không thua kém gì một chiến sĩ xung trận mà mạng sống ở đó thật mỏng manh, nhanh tựa như mũi tên được bắn ra khỏi cung, lẹ như chuỗi đạn rời khỏi nòng súng, cũng giống như người đứng giữa một lằn ranh sống và chết, sự sống còn đang bị thôi thúc, cạn kiệt, chỉ một sự chậm trễ và thiếu ý thức chuẩn mực thì mạng người khó có thể giữ lại được.

PHẬT HỌC 1.jpg

Sự vô thường của tâm và vạn pháp trong muôn vàn sai biệt vẫn luôn trôi chảy không ngừng, nhưng sự ý thức về dòng chảy vô thường trong tâm ý của con người thì luôn mang khuynh hướng giậm chân và an bài tại chỗ. Sự thỏa mãn và tự đắc trong niềm tịnh lạc, chợt còn chợt mất, lúc có lúc không của hành giả tu tập luôn rỉ rả hoặc tuôn trào như dòng nước đi theo men suối. Hành giả đôi khi không nhớ đến rằng, trong thế giới nhứt thể vạn biến, hoàn cảnh thực tế sẵn sàng mang đi ý thức vô thường của vạn pháp mà chúng ta đã học được. Do vậy, Đức Phật và các bậc giác ngộ đã thiết lập phương cách giáo dục lặp đi lặp lại, trong mỗi giờ, mỗi ngày một cách tài tình không thua kém và đồng hành các hệ thống giáo dục có từ cổ xưa cho đến hôm nay. Ở vào thời đại khoa học tân tiến và văn minh số luôn thay đổi theo bản chất của nó, phương pháp giáo dục này vẫn được cộng đồng làm giáo dục xác nhận là phương pháp tối ưu, và càng được ứng dụng để đánh thức bản tính thường quên lãng của con người:

Ngày nay đã qua,

mạng sống cũng bớt,

như cá thiếu nước,

đâu có vui gì?

Đại chúng,

phải siêng tinh tiến

như cứu đầu cháy,

chỉ nhớ vô thường,

không nên phóng dật (2).

Thật vậy, sự vô thường luôn luôn có mặt trong niềm hỷ lạc hay khổ đau, trong sự nắm giữ hay buông bỏ. Trong mỗi ngày, ý thức về vô thường giúp chúng ta tháo gỡ được những gì mà từ lâu chúng ta nắm giữ dẫn đến hệ luỵ và vô vàn niềm đau. Đó là một lộ trình thức tỉnh, nhưng lộ trình này không phải lúc nào cũng như thế và luôn có mặt trong ta. Nếu ý thức này luôn có mặt trong ta thì đó là hạt giống của sự giác ngộ, và hạt giống này cũng phải được vun trồng cho đến khi trổ quả, đây mới thật sự là hoa trái của sự ngộ đạo, dạt dào trí tuệ giải thoát.

Tuy nhiên, trong dòng chảy thực tế của nghiệp thức, trong tâm địa chúng sanh sự màu mỡ để vun trồng hạt giống thiện lành rất hạn chế, mạch nước tỉnh thức luôn bị khô cạn, do đó hành giả cần phải luôn tạo ra những nguồn năng lượng này thì mới hy vọng có ngày gặt hái được bông hoa của sự giác ngộ. Sự tu học còn hạn chế, niềm khát khao chưa trọn vẹn, công phu chưa ân cần, và sự an tĩnh không đồng nhất mà mong cầu sớm có được kết quả giải thoát thì không bao giờ xảy ra, mặc dầu sự giải thoát không ở đâu xa, trước mặt, xung quanh ta và ngay hiện tại. Cũng thế, chúng ta không thể dập tắt được cơn khát nước khi chỉ mới đào thấy được một chút đất ẩm (3). Hành giả tu học cần phải nỗ lực và tinh cần hơn nữa, cho đến khi nào thấy được mạch nước phun trào không hề cạn kiệt, thì đó mới thật sự có sự giác ngộ trong lộ trình tu chứng.

Hãy lắng nghe đoạn kinh này: “…Dược Vương! Có rất nhiều người tại gia làm đạo Bồ-tát, nếu chẳng có thể thấy nghe, đọc tụng, biên chép thọ trì, cúng dường được kinh Pháp hoa này, phải biết người đó chưa khéo tu đạo Bồ-tát. Nếu có người được nghe kinh điển này, mới là khéo tu đạo Bồ-tát. Có chúng sanh nào cầu Phật đạo hoặc thấy hoặc nghe kinh Pháp hoa này, nghe xong tin hiểu thọ trì, nên biết người đó được gần đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Dược Vương! Thí như có người khát tìm nước ở nơi gò cao kia xoi đào tìm đó, vẫn thấy đất khô biết rằng nước còn xa, ra công đào không thôi, lần thấy đất ướt rồi thấy đến bùn, tâm người đó quyết chắc biết rằng nước ắt gần.

Bồ-tát cũng lại như thế, nếu chưa nghe chưa hiểu chưa có thể tu tập kinh Pháp hoa này, phải biết người đó cách đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác còn xa…” (4).

Niềm tin và thâm tín là yếu tính căn bản của người tu đạo. Cuộc sống thiếu niềm tin thì đã không sống được, huống hồ đạo lý không có niềm tin tựa như đi đường thiếu bản đồ chỉ dẫn: “Phật pháp như biển cả, phải có lòng tin mới vào được” (5). Có niềm tin sâu sắc thì mới có khả năng tìm hiểu giáo pháp, hiểu được giáo pháp thì mới có thể thọ trì giáo pháp, khi thọ trì giáo pháp thì lòng tin được củng cố và tăng trưởng, không mê đường lạc lối. Đi vào trong biển Phật pháp bao la mà lòng tin nông cạn thì không thể vững chãi, bám trụ trong ngôi nhà đạo lý, mà nơi đó nước pháp luôn được tưới tẩm. Mục đích của người đào giếng là để có được nước và tâm niệm chắc chắn như vậy. Công phu tu tập cũng thế, thực tập để thể nhập vào Phật tánh của chính mình, đến khi có nước rồi thì tha hồ thọ dụng, thấy được Phật tánh của chính mình thì niềm an lạc tràn đầy trong thân tâm và cứ thế lưu xuất trong mọi hoàn cảnh.

Dòng nước mà người khát nước đi tìm kiếm chính là dòng nước cam lồ siêu thoát, con đường an lạc tự tâm, dòng nước pháp chính là nguồn an lạc này. Ai chưa có được dòng nước này, cũng như người đi giữa sa mạc nắng cháy, và dễ dàng phơi xác trên sa mạc. Ngược lại, ai tìm được nước chính là sự tu tập của họ có được nguồn xác tín, mỗi chúng sanh đều có tánh giác, đều có khả năng thành Phật.

Người Phật tử nếu không tin tưởng vào khả năng chính mình, hoặc tự khinh chúng ta không có khả năng thành Phật, thì đó là hành động làm thiêu rụi hạt giống Phật, không tin vào lời dạy của Đức Phật. Bởi lẽ: “Những người thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói kinh Pháp hoa, Phật nói những người đó không phải là người thường” (6).

Bản tính tự cao và tự khinh mình là bản tính cố hữu và cố chấp sâu xa của con người, tại sao chúng ta có thể tự cao được mà lại đi tự khinh với chính mình, những bẩm tính này chính là hạt giống của phiền não, khi chúng được cởi bỏ, tháo gỡ thì bồ-đề quả lộ diện và tánh Phật tròn đầy.


Huệ Giáo (GNO).



1 Kinh Pháp hoa (HT.Thích Trí Tịnh dịch)

2 Hai thời công phu, Trí Quang dịch

3 Kinh Pháp hoa

4 Kinh Pháp hoa

5 Luận Trí độ

6 Kinh Pháp hoa


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage