Phật Học Online

Phật giáo trong biến đổi xã hội Đài Loan
Minh Thạnh

Công trình “Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á về những biến đổi xã hội” của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam do TS Trần Thị Nhung chủ trì, được giới thiệu qua loạt bài viết về Phật giáo trong biến đổi xã hội ở các nước và lãnh thổ Đông Bắc Á của chúng tôi, tuy có đề cập đến nhiều mặt biến đổi xã hội ở Đài Loan, nhưng hầu như không nói đến biến đổi tôn giáo ở Đài Loan.


Phải chăng tôn giáo ở Đài Loan không có biến đổi lớn cho nên không được nghiên cứu.

Đài Loan tuy không trải qua những biến đổi tôn giáo mạnh mẽ, làm đảo ngược vị trí các tôn giáo, nhưng biến đổi tôn giáo vẫn có.

Không có biến đổi lớn về vị trí các tôn giáo xét theo số lượng tín đồ như ở các nước khác, nhưng không vì thế mà hoạt động tôn giáo ở đây bất động, trầm lắng, lực vận động của các tôn giáo không mạnh.

Trái lại, do lực vận động của các tôn giáo đều mạnh, nên một tình thế ổn định tạm thời được hình thành.

Chúng tôi cho rằng không xét đến biến đổi tôn giáo ở Đài Loan là một thiếu sót lớn của công trình nghiên cứu dẫn trên. Và vì vậy, dưới đây là nội dung cố gắng tìm hiểu của riêng chúng tôi, nhằm giới thiệu với bạn đọc về biến đổi tôn giáo ở Đài Loan, hình thành bức tranh tương đối đầy đủ về biến đổi tôn giáo ở Đông Bắc Á.

Biến đổi tôn giáo ở Đài Loan là một bức tranh phức tạp, nhiều vẻ. Ở đó, không chỉ xét trên thông số số lượng tín đồ, dù đây vẫn là yếu tố cơ bản.

Xét về số lượng tín đồ, thì ở Đài Loan, Phật giáo là tôn giáo đa số, nhưng cũng chỉ 35,1% dân số (theo từ điển bách khoa mở Wikipedia).

Con số này đã trải qua nhiều biến đổi.

Trước đây, khi cư trú trên đảo Đài Loan phần lớn là cư dân bản địa thì đã có đến 64% dân số dân địa phương theo Cơ đốc giáo. Ngày nay, sau cuộc di tản của Quốc Dân Đảng năm 1949 tín đồ Cơ đốc giáo Đài Loan vào khoảng 4,5% dân số, với Tin Lành và Ca tô La Mã chia đôi con số đó.

Vấn đề biến đổi tôn giáo ở Đài Loan không nằm ở con số tỷ lệ tín đồ. Các tổng thống Đài Loan, kể cả người được coi là khai sinh “Trung Hoa Dân Quốc”, hầu hết là tín đồ Cơ đốc giáo. Các ông Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc là tín đồ Tin Lành Methodist, Lý Đăng Huy là tín đồ Tin Lành Trưởng Lão. Còn tổng thống đương nhiệm dù nói không xác định tôn giáo nhưng cũng được ghi nhận là đã rửa tội theo Ca tô La Mã.

Ảnh hưởng của Cơ đốc giáo tại Đài Loan không hề tương xứng với con số 4,5% dân số, mà thực chất là mạnh hơn rất nhiều với khả năng tài chính, cơ sở vật chất sở hữu (đất đai kiến trúc), các hoạt động y tế, giáo dục, truyền thông, từ thiện xã hội và cả tác động chính trị. Đài Loan có các trường đại học và đại chủng viện rất lớn phục vụ đào tạo thần học cho cả châu Á, phục vụ cho những nước có số tín đồ Cơ đốc giáo nhiều hơn, như Việt Nam chẳng hạn.

Phật giáo Đài Loan, vì vậy, phải nỗ lực rất nhiều trên các hoạt động xã hội tương ứng, và có thể nói là cộng đồng Phật giáo có hoạt động mạnh hàng đầu trên các lãnh vực y tế, giáo dục, từ thiện xã hội, truyền thông. Một phần của kết quả này là do áp lực từ phía Cơ đốc giáo. Nếu không có những hỗ trợ mạnh mẽ trên những lãnh vực nói trên, có lẽ Phật giáo Đài Loan đã bị cải đạo sâu rộng, không còn giữ được vị trí tôn giáo đa số, có số lượng tín đồ đông đảo hơn cả dù là một sự dẫn đầu khá mong manh. Đây là điểm Phật giáo Việt Nam có thể tham khảo. Không nên quan niệm Phật giáo không cần bắt chước Cơ đốc giáo trên các lãnh vực như giáo dục, y tế. Phật giáo Đài Loan, nổi bật là hội Từ Tế, là một kinh nghiệm lớn và đáng quý.

Cạnh tranh tôn giáo căng thẳng ở Đài Loan vừa bộc lộ ở chính hoạt động của các tôn giáo, vừa bộc lộ ở những hoạt động ngoài tôn giáo, cận tôn giáo như y tế, giáo dục, từ thiện, xã hội, văn hóa. Cuộc lễ Phật đản ở Đài Loan mà chúng ta xem qua video có đại diện của các ban ngành đủ sắc áo đồng phục cũng là vì vậy khái niệm  hoạt động tôn giáo ở Đài Loan đã được mở rộng đến mức tối đa, dưới áp lực mở đầu từ phía Cơ đốc giáo. Nó tạo nên một biến đổi quan trọng đối với Phật giáo các tông phái ở Đài Loan, là từ Phật giáo xuất thế, chuyển đổi thành Phật giáo nhập thế ở mức cao nhất.

Từ Phật giáo xuất thế chuyển sang Phật giáo nhập thế còn ở thái độ chính trị. Đây cũng là một biểu hiện của biến đổi tôn giáo. Các tông phái hội đoàn Phật giáo ở Đài Loan đã dần dần bộc lộ tinh thần dân tộc cao, phát triển mối quan hệ với đại lục, và thiên về khuynh hướng chỉ có một nước Trung Quốc. Trong khi đó, các giáo phái Cơ đốc giáo lại có tinh thần địa phương (chúng ta lưu ý con số 64% dân bản địa Đài Loan theo Cơ đốc giáo). Do tinh thần địa phương này, khi quan điểm Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) là đại diện duy nhất hợp pháp cho nước Trung Hoa bị lung lay (cuối thập niên 1970), thì Cơ đốc giáo Đài Loan ngã về phía xu hướng Đài Loan độc lập. Sai khác chính kiến là một phần của sai khác chính trị. Phật giáo Đài Loan có vẻ gần gũi hơn với Đảng Quốc dân cầm quyền với chủ trương một Trung Quốc, còn phía Cơ đốc giáo lại nghiêng về đảng Dân Tiến chủ trương Đài Loan độc lập (tất nhiên trừ những trường hợp tín đồ và tu sĩ cá biệt).

Như vậy, điều chúng ta có thể rút ra ở đây là Phật giáo Đài Loan luôn có tinh thần dân tộc cao hơn so với các tôn giáo đến từ phương Tây.

Nét biến đổi tôn giáo quan trọng ở Đài Loan được thể hiện qua sự phát triển các tôn giáo mới. Có lẽ không đến mức lộn xộn và nguy hiểm như ở Nhật Bản, nhưng tôn giáo mới Đài Loan phát triển khá mạnh và nó ảnh hưởng mạnh đến Phật giáo. Nhiều tôn giáo mới ra đời từ đạo Phật, vay mượn của đạo Phật, có một số hình thức tương tự như đạo Phật và lấy tín đồ từ đạo Phật.

Ở Đài Loan, có thể kể đến các tôn giáo mới như Nhất Quán Đạo, Di Lặc đại đạo, Thiên đế giáo, Thiên Đức giáo, Lý giáo, Thiên Lý giáo, Đạo Vũ trụ Di Lặc Đức Tin, Pháp luân công Hài tử đạo, Huang Zhong… Đạo Thanh Hải Vô thượng sư cũng được coi bắt nguồn từ Đài Loan. Những đạo này tạo nên những lỗ thủng đối với số tín đồ Phật giáo. Tôn giáo mới có cơ sở từ phương Tây cũng có những số tín đồ không đáng kể so với số tín đồ tôn giáo mới lấy từ Phật giáo. Chính phủ Đài Loan đã công nhận 26 tôn giáo. Một số tôn giáo mới hoạt động bất hợp pháp có tín đồ phát triển rất nhanh, như Nhất quán đạo, trong vài thập niên đã trở thành tôn giáo lớn thứ ba ở Đài Loan. Theo Wikipedia tiếng Anh, thì một cuộc khảo sát năm 2002 cho thấy Nhất quán đạo có tới 3100 đền thờ, 845.000 tín đồ.

Bức tranh phức tạp về tôn giáo ở Đài Loan còn thể hiện ở chỗ có nhiều thống kê rất khác biệt về tín đồ, đặc biệt là đối với Phật giáo.

Wikipedia tiếng Anh, ngoài thống kê của Bộ Nội vụ, năm 2005, cho thấy tín đồ Phật giáo ở Đài Loan là 8.086.000 người (Đạo giáo tính riêng), lại có một số liệu khác là 94% dân số Đài Loan theo Phật giáo (gồm cả yếu tố Đạo giáo trong Phật giáo). Một thống kê khác ghi nhận Phật giáo chỉ có 4,9 triệu người.

Phật giáo Đài Loan được ghi nhận là tham gia mạnh mẽ hoạt động xã hội nhiều hơn (y tế, giáo dục, từ thiện, truyền thông), tích cực nâng cao trình độ Phật học trong tăng ni Phật tử. Đó là điều chắc chắn. Hệ quả là sự gia tăng tín đồ, tu sĩ. Theo một số tài liệu, Đài Loan được mệnh danh trung tâm Phật giáo của Trung Hoa (gồm 2 bờ eo biển).

Bức tranh Phật giáo trong biến đổi xã hội ở Đài Loan được coi như là sáng sủa hơn cả trong số các nước và vùng lãnh thổ Bắc Á.

Tuy nhiên, vị trí tôn giáo hàng đầu của Đài Loan không phải là chắc chắn tuyệt đối. Một thống kê khác, cũng đăng trên Wikipedia, cho thấy từ 7-15% dân số Đài Loan theo Phật giáo. Bản thân con số này cũng hàm chứa sai số co giãn quá lớn. Và cách tính ghép tín đồ Phật giáo và tín đồ Đạo giáo cũng là một vấn đề khác.

Một ý kiến khác cho rằng sức mạnh giáo dục, y tế của Phật giáo Đài Loan có đối trọng đáng kể từ phía Cơ đốc giáo. Giá trị bằng các trường đại học Phật giáo Đài Loan không cao. Vì vậy, vị thế của Phật giáo là tôn giáo lớn nhất của Đài Loan đang đối mặt với những thách thức từ nhiều mặt khác, từ các tôn giáo khác.

Đài Loan không có một giáo hội Phật giáo thống nhất, mà có nhiều tổ chức, hội đoàn, tông phái tách biệt, độc lập. Phật giáo Đài Loan vẫn phát triển như vậy. Các hội đoàn, tông phái lo việc riêng mình và dường như việc không thống nhất không tạo ảnh hưởng tiêu cực gì lớn, không cản trở gì đến sự phát triển chung mà trái lại, tạo nên một tổng số thành những đóng góp. Qua hơn nửa thế kỷ, Phật giáo Đài Loan vẫn tiếp tục như  thế. Chắc chắn, giữa các tập đoàn, tông phái không tránh khỏi sự cạnh tranh, nhưng sự cạnh tranh đó lại tạo động lực cho sự phát triển. Hiện nay, vẫn chưa thấy một sự biến đổi nào khác ở khía cạnh này.

MT


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage