Phật Học Online

Thiếu Lâm Tự ngày nay

Không nơi đâu trên thế giới có một ngôi chùa mang nội hàm văn hóa - võ công đồ sộ, được giới võ lâm mệnh danh là ngôi sao Bắc Đẩu danh trấn thiên hạ như Thiếu Lâm Tự. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, Thiếu Lâm Tự vẫn sừng sững, uy nghi trong tâm thức của mọi môn đồ võ thuật trên thế giới, như mời gọi một cuộc hành hương tới nơi cội nguồn…

 Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Huyền thoại Đạt Ma

 

Ngôi cổ tự có tuổi đời 1.515 năm tính từ ngày thành lập năm Thái Hòa thứ 19 đời Bắc Ngụy, ẩn mình trong bóng núi Thiếu Thất thuộc dãy Tung Sơn, một trong Ngũ đại danh sơn được mệnh danh là núi thiêng của Trung Quốc. Từ thủ phủ Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam đi về trấn Đăng Phong dẫn đến nơi tọa lạc Thiếu Lâm Tự là con đường cao tốc rộng thênh thang. Phố xá được xây dựng bề thế, nhà cao tầng san sát, khách sạn ba, bốn sao mọc lên như nấm sau cơn mưa. Mấy ai hình dung được chỉ hơn chục năm trước, đây là một vùng đất đìu hiu. “Sự phát triển ở đây đều ăn theo danh tiếng Thiếu Lâm Tự cả đấy” - Vương Lâm, một hướng dẫn viên của Công ty du lịch Bát Nhất giải thích. Anh còn giơ mấy ngón tay minh họa dòng người đổ về đây du lịch, tham quan, chiêm bái, học võ… lên đến con số mấy chục vạn, làm nên sức sống thị trấn Đăng Phong.

 

Nói đến Thiếu Lâm Tự là ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh Bồ Đề Đạt Ma từ nơi Thiên Trúc xa xôi vượt biển đến Quảng Châu, sau đó hội kiến và giảng pháp cho Lương Võ Đế tại Kim Lăng, thấy không hợp cơ duyên liền bỏ đi về phương bắc. Truyền thuyết nói Bồ Đề Đạt Ma vượt sông Trường Giang trên một cọng cỏ lau (cước đạp lô diệp quá giang). Và bức tượng tinh xảo minh họa cho truyền thuyết này được đặt tại điện Tây Phương nơi thờ vị tổ sư. Bồ Đề Đạt Ma thực hành thiền pháp "bích quán" tức tĩnh tọa nhìn vào vách đá suốt 9 năm (cửu niên diện bích). Gương mặt của Đạt Ma đã in hằn lên đá và tảng đá ấy đã được đem lồng kính trưng bày trong điện Quan Âm. Đạt Ma được tôn là Sơ tổ thiền tông Trung Hoa (truyền thừa qua các đời tổ Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn và Huệ Năng). Thiền tông đã đem lại sự đổi thay lớn lao trong đời sống tinh thần phương Đông, ảnh hưởng sâu xa tới Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Thiền sư Lê Mạnh Thát kể có lần ông nghe đài Quảng Đông (Trung Quốc) mới biết một trong những cuốn sách gối đầu của Chủ tịch Mao Trạch Đông chính là Pháp bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng. Với kiến thức uyên bác, ông cho rằng vai trò của Huệ Năng trong lịch sử xã hội Trung Quốc phải xếp ngang hàng với Khổng Tử.

 

 

 


Ông Putin viếng Thiếu Lâm Tự

 

Nói về việc tu tập thiền định, do ngồi xếp bằng lâu ngày nên tăng đồ rất dễ lâm vào chứng hôn trầm nên Đạt Ma mới đem phép luyện Dịch cân kinh, Tẩy tủy kinh truyền dạy. Đây cũng là cơ sở hình thành nên các môn La Hán thập bát thủ, Đạt Ma kiếm và sau này kết tập lại thành 72 tuyệt kỹ, mới có câu Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm là vậy. Thật ra các phương pháp chiến đấu đã có từ trước đó rất lâu, nhưng chỉ đến khi xuất hiện Bồ Đề Đạt Ma, võ thuật mới đạt đến độ quyền -thiền hợp nhất để nâng tầm lên hàng võ đạo. Các môn võ có xuất xứ từ châu Á như Karatedo, Taekwondo, Nga Mi, Bạch Hạc… đều suy tôn Đạt Ma là bậc tổ sư võ thuật. Cũng tương truyền cho rằng trong lúc thiền quán để chống lại cơn buồn ngủ, Đạt Ma đã nhổ những sợi lông mi ném xuống đất, từ đấy mọc lên cây trà, tăng chúng hái lấy nấu nước uống để tinh thần luôn tỉnh thức. Nghệ thuật trà đạo cũng từ đó ra đời.

 

Thương hiệu toàn cầu

 

Cùng với sự phát triển giao thông lên đến Tung Sơn, công nghệ truyền thông cũng len lỏi vào mọi ngóc ngách Thiếu Lâm Tự. Các cao tăng ngày nay vẫn vận áo cà-sa, ăn chay trường và tụng kinh niệm Phật, nhưng nhiều vị có xe hơi bóng lộn và biết tự lái, trong người lúc nào cũng kè kè điện thoại di động, sử dụng laptop và lướt web thành thạo. Với sinh hoạt như vậy trông họ không có vẻ gì là bậc chân tu đắc đạo (!). Có thể nói kể từ khi phương trượng Thích Vĩnh Tín làm trụ trì, dưới sự dẫn dắt của vị hòa thượng phương trượng còn rất trẻ và có bằng thạc sĩ quản trị này, Thiếu Lâm Tự đã từ từ thay da đổi thịt. Đầu tiên là việc thành lập Công ty Thiếu Lâm Tự, đệ đơn đăng ký bản quyền như một thương hiệu độc đáo ở trong nước và cả nước ngoài. Các đoàn biểu diễn kung-fu Thiếu Lâm được phái đi khắp thế giới, tạo nên tiếng vang lớn. Đây là việc làm chính đáng để lấy lại danh dự cho Thiếu Lâm Tự, vì lắm kẻ ngụy tạo đã xâm phạm thô bạo uy tín của danh môn chính phái này. Thống kê sơ bộ trên thế giới có hàng trăm sản phẩm mang nhãn, mác Thiếu Lâm Tự. Xóa bỏ sự mạo danh này là mục tiêu hết sức khó khăn.

 

 

 


Đâm yết hầu

 

Có lắm lời ca tụng sự "lột xác" của Thiếu Lâm Tự, song cũng không ít sự lên án cho rằng các cao tăng Thiếu Lâm ngày nay đã rời xa chính đạo, làm hư hỏng hình tượng mang tính biểu trưng của văn hóa Trung Quốc. Võ tăng Thích Kế Hào dẫn chứng lịch sử phát triển của Thiếu Lâm Tự luôn gắn kết chặt chẽ với các triều đại cầm quyền. Ví như việc trụ trì Chí Tháo biết nắm bắt thời cơ, đem đội tăng binh kịp thời hỗ trợ Lý Thế Dân dẹp loạn, lập được công lớn. Hoặc nhân vật Triệu Khuông Dẫn vốn lấy võ công Thiếu Lâm Ngoại gia quyền định được thiên hạ lập nên nhà Tống. Các triều đại cầm quyền vì vậy luôn ủng hộ và cho phép Thiếu Lâm Tự duy trì đặc quyền xây dựng tăng binh vũ trang, nhờ vậy quyền thuật Thiếu Lâm không ngừng hoàn thiện đến mức thượng thừa. "Việc Thiếu Lâm Tự ngày nay biết sử dụng sức mạnh thời đại để làm phong phú nội lực chính là sự kế thừa đúng đắn", vị võ tăng nọ kết luận.

 

 

 


Biểu diễn ngạnh công

 

Dưới chân núi Thiếu Thất ngày nay có chừng 60 học viện, đại võ đường mang tên khác nhau nhưng đều dạy võ Thiếu Lâm. Hơn 40 ngàn võ sinh từ khắp mọi miền đất nước Trung Quốc tụ tập về đây nuôi giấc mơ trở thành cao thủ. Trong số các võ sinh tập luyện có không ít bóng hồng. Đặc biệt có cả trăm võ sinh đến từ các nước phương Tây… Trong lúc đi lướt qua tham quan một số học viện, chúng tôi cố tìm xem có võ sinh người Việt nào không nhưng không thấy. Có biết bao môn sinh mơ mình trở thành những Thành Long, Lý Liên Kiệt… nhờ thân mang tuyệt kỹ? Hoặc đợi một ngày "xuống núi" sẽ đầu quân vào một cơ quan an ninh hay các công ty vệ sĩ coi như một nghề mưu sinh? Dù với mục đích gì, những gương mặt đến đây đều toát lên một niềm tin về con đường mình đã chọn. Một chàng trai người Mỹ thi triển bài  Tiểu Hồng Quyền xong, nhìn thấy chúng tôi liền cúi chào rất cung kính. Miệng cười rất tươi, anh ta giới thiệu mình tên Steven, đã thọ giáo công phu ròng rã 3 năm. Steven nói rằng khi về nước sẽ ghi danh học ngành triết học phương Đông, và tin rằng với vốn sống phong phú đã trải nghiệm, sẽ hiểu sâu sắc hơn tinh thần và tư tưởng Trung Quốc.

 

Rời thị trấn Đăng Phong, bỏ lại phía sau dãy Tung Sơn mờ xa, nhưng hình ảnh và tinh thần Thiếu Lâm Tự vẫn còn nguyên vẹn. Võ thuật đem lại cho con người sức mạnh tự tại, tự chủ; võ đạo mang đến tâm hòa, khí bình cho quan hệ giữa người với người. Và như bao người yêu mến võ thuật khác, chúng tôi luôn mơ đến một tổ đường, một "Thiếu Lâm Tự" của võ cổ truyền Việt Nam.


Theo: thanhnien.com.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage