Theo Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo và Ban Tôn Giáo, hiện Việt
Nam có khoảng 7 đến 8 triệu tín đồ Phật Giáo, tức khoảng 10% dân số; 6 đến 7 triệu
tín đồ Thiên Chúa Giáo; Phật Giáo Hòa Hảo 1,3 triệu, Cao Đài 1,1 triệu và Tin
Lành khoảng 1 triệu tín đồ. Đối với Phật giáo, cũng theo viện này cho biết, số
lượng tín đồ Phật giáo nêu trên có thể là cao nếu chỉ giới hạn vào những người
nào quy y hay tu tại gia theo giới luật nhà Phật; và có thể là thấp nếu căn cứ
vào những người đi chùa, có niềm tin vào cái thiện cái ác, thuyết nhân quả luân
hồi, ăn chay vào các ngày rằm và mồng một và có thể treo ảnh Phật hay bàn thờ Phật
trong nhà. Riêng về hàng tu sĩ Phật Giáo, theo báo cáo tổng kết của Đại hội đại
biểu Phật Giáo toàn quốc lần thứ IV năm 1997 thì toàn nước có 54.074 Tăng Ni,
tức không đầy nửa phần trăm số tín đồ đạo Phật. [1]
Dù con số ước tính trên không
chính xác, nhưng chúng cũng có thể cho chúng ta một khái niệm tổng quát về số
lượng tín đồ các tôn giáo lớn tại Việt Nam và hiển nhiên là số lượng tín đồ của
các đạo giáo phương Tây, chỉ trong một thời gian ngắn so với sự có mặt của đạo
Phật, đã bằng hay cao hơn số lượng tín đồ Phật Giáo.
Trong những năm qua, Phật giáo
Việt Nam
đã phát triển khá mạnh mẽ, đã hội nhập vào cộng đồng xã hội bằng cách xây dựng
phong trào tu học và thể hiện Phật pháp trong cuộc sống. Về hàng Tăng lữ, các vị
tôn túc không ngừng nỗ lực đào tạo giới Tăng Ni trẻ qua việc tổ chức các Phật
học viện từ sơ cấp đến cao cấp và gửi Tăng Ni sinh ra nước ngoài học Tiến Sĩ. Về
hàng cư sĩ tại gia, đa số các chùa trên toàn nước thường tổ chức định kỳ các
khoá tu học dưới hình thức tu Bát Quan Trai và các lớp học giáo lý phổ thông. Điểm
nổi bật nhất là các khóa tu Phật thất do chùa Hoằng Pháp tọa lạc tại quận Hóc Môn
được tổ chức thường xuyên và các Đạo Tràng Pháp Hoa do Hòa thượng Trí Quảng
sáng lập và lãnh đạo được thành lập tại nhiều nơi trên cả nước. Có thể nói
phong trào học Phật hiện nay đang nở rộ tại Việt Nam.
Đó là những điểm tích cực, chúng
ta cần ghi nhận và trân trọng. Bên cạnh đó cũng có những điểm tiêu cực mà chúng
ta cũng nên ghi nhận và lưu ý:
(1) Về hàng Tăng Ni sinh, đã có
những chỉ dấu cho thấy sự yếu kém về kiến thức Phật học và thiếu phẩm chất về
giới học. Nhiều vị đi học nhằm trốn tránh nhiệm vụ công việc ở trụ xứ, chỉ cần
lấy được văn bằng tốt nghiệp (Cử nhân Phật học) [2]; nhiều vị bị sức mạnh vô
hình của cái học vị, bằng cấp cao (Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học) đẩy vào dòng xoáy
tìm cầu tri thức, biến tu học thành học lấy bằng, biền phương tiện thành cứu
cánh. Và vô hình chung tạo nên “một suy nghĩ lệch hướng cho việc xuất gia và
người tại gia cũng đánh giá trị của một vị tu sĩ qua bằng cấp mà quên đi giá
trị thực cao cả nhất của người xuất gia là phẩm hạnh đạo đức…” [2]. Ngoài ra, bản
ngã của một số quý Tăng Ni sinh lớn dần theo học vị đạt được, thậm chí có vị
còn đề học vị Ph.D trước pháp hiệu của mình thay vì chỉ khiêm nhường đề Tỳ Kheo
như trước khi có bằng Tiến sĩ. Theo báo Giác ngộ, có một số vị sau khi đậu bằng
Thạc sĩ hay Tiến sĩ, bỗng thấy mình trở nên nhân vật quan trọng, cứ muốn trở về
làm việc cho tổ chức giáo hội, cấp trung ương hay cấp tỉnh thành mà không muốn
trở về chùa Tổ của mình để phục vụ cho Phật tử địa phương. Thật ra địa bàn hoạt
động tức đối tượng phục vụ chúng sinh của các vị Tăng Ni sau khi học xong là về
với quần chúng Phật tử nơi trú xứ của mình, những người gần nhất, gắn bó với
chùa của mình của thầy tổ mình lâu ngày nhất. Ở đấy họ đang cần được học những
bài học Phật pháp mà họ chưa biết. Lâu nay theo cha mẹ đến chùa nhưng họ không
biết Tam quy, Ngũ giới là gì, Tứ Diệu Đế là gì... Họ không biết những điều hay
của đạo Phật và theo đạo Phật được lợi lạc gì trong đời sống hiện tại và tương
lai…
(2) Về hàng Phật tử tại gia,
chiếm đến 99.5% tín đồ đạo Phật, một lực lượng đông đảo, nếu được giáo dục đúng
mức sẽ là một tiềm năng đáng kể trong việc giữ đạo và phổ đạo. Mặc dầu quý vị
lãnh đạo giáo hội có nhiều nỗ lực giáo dục Phật tử rất đáng trân trọng nhưng tiếc
thay trong số 8 triệu người Phật tử mộ đạo, thường xuyên thực hành Phật pháp,
“hầu như chỉ có những bà lão hoặc trung niên xấp xỉ 40 tuổi, chứ người trẻ rất
ít. Mà những người lớn tuổi này đa số không được học giáo lý đàng hoàng, hoặc
không còn thời gian và sức lực để học nữa, khi đến chùa thường chỉ đem theo
những lời cầu xin và những tập quán hủ tục như cúng sao giải hạn, đốt vàng
mã…không thay đổi được. Chưa kể, họ còn những thói quen rất nặng nề khác. Một
nghệ sĩ nổi tiếng thường xuyên tổ chức công tác từ thiện than thở: “Mấy vị đi
chùa mà cứ lo đếm tiền, kể chuyện cô này lấy ông kia, chuyện tranh chấp gia
tài, toàn những chuyện thị phi, rồi còn nói tục nữa.” Thật tình mà nói, quý
thầy muốn hoằng pháp giáo dục Phật tử đúng mức cũng rất khó. Khó vì tập quán hủ
tục lâu đời khó bỏ. Khó vì cái khó bó cái khôn. Chúng ta hãy đọc tiếp báo Giác Ngộ:
“Cho nên về các chùa, thấy hầu như chỉ có lễ lạc, đám sám, tụng kinh… là chính,
thậm chí còn phải xem ngày giờ, cúng sao, đốt vàng mã để chìu Phật tử. Một
người bạn của chúng tôi (nhà báo) đã nổi giận bảo rằng: “Chính vì phải chiều
chuộng họ mà Phật giáo tệ hơn”. Thật ra cái lỗi không phải nơi họ, ai bảo quý
thầy chiều họ, nhưng khổ nỗi không chiều họ thì thì chùa sẽ vắng hoe vì họ là
lực lượng chính của chùa, không có họ ai sẽ cúng dường, lo đám…”. [2] Thế còn
tuổi trẻ, sao lại thiếu vắng nơi các chùa? Thực sự họ không đến chùa thường
xuyên. Thỉnh thoảng vào ngày Tết lễ họ theo cha mẹ đến chùa như đi dự lễ hội
hay thăm viếng mộ phần, hài cốt ông bà ký gửi tại khuôn viên chùa. Họ khó có
thể tụng kinh lễ bái như các ông bà già hàng giờ hay làm công quả quét chùa. Họ
thấy chùa không có gì hấp dẫn với họ cả, trong khi đó ngoài đời có quá nhiều điều
hấp dẫn.
Trên đây là những điểm tích cực
và tiêu cực của Phật giáo hiện nay tại Việt Nam. Ở hải ngoại tình trạng cũng
không khác mấy. Quý Tăng Ni cũng có những nỗ lực rất nhiều trong việc giáo dục
Phật tử. Đa số các chùa, ngoài việc tổ chức các lễ lạc lớn như Phật đản và Vu Lan,
còn thường xuyên tổ chức các khóa tu học, các khóa tu Bát Quan Trai và thuyết
giảng giáo lý nơi công cộng và trên đài phát thanh và truyền hình. Song thành
phần Phật tử đi chùa đa số là những người lớn tuổi, khoảng từ 55 đến 75 tuổi và
95% là nữ giới [3]. Sinh hoạt chính của các chùa là cầu siêu độ cho vong linh
người quá vãng vào những ngày cuối tuần. Hầu như quý thầy ở hải ngoại cũng phải
chiều lòng Phật tử vì nếu không có họ ai sẽ lo chi trả tiền chùa…Hệ quả là
trình độ giáo lý của Phật tử rất khiêm nhường, thậm chí có nhiều bà lão khi
được hỏi có hiểu Tam Quy Ngũ Giới là gì, các cụ trả lời không biết và có những
trường hợp được con dâu rể hay bạn bè khuyên theo đạo khác, các cụ liền bỏ đạo
mình và theo đạo mới. Trong những trường hợp này chúng ta không trách cứ được
các cụ và cũng không trách cứ đạo giáo khác bởi vì các cụ không hiểu đạo Phật,
không hiểu những cái hay của đạo mình.
Đọc đến đây, chắc quý độc giả
cũng thấy lý do vì sao tín đồ Phật giáo Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước
có khuynh hướng giảm và số tín đồ các đạo phương Tây gia tăng đáng kể. Chúng ta
không trách cứ các đạo giáo khác tích cực truyền đạo mà chúng ta hãy tự quán
sát lại chính mình và đạo mình.
Từ xưa đến nay, người Phật tử
tại gia thường coi trọng vai trò hoằng pháp của chư Tăng Ni và thường khoán
trắng việc hoằng pháp cho quý Tăng Ni, mà quên đi cư sĩ tại gia là một thành
phần đông đảo, cũng có vai trò hoằng pháp, có khi còn quan trọng hơn vì người
cư sĩ là thành phần căn bản của gia đình và xã hội. Người cư sĩ có mặt khắp mọi
giai tầng trong xã hội, sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục, dân sự
vụ, quân sự vụ và ở khắp nơi từ chốn thị thành đến thôn quê, từ vùng sâu đến
vùng xa... Vì thế một người Phật tử hiểu biết giáo pháp và thực hành đúng giáo
pháp, sống trong môi trường gia đình, thì những cái hay, cái đẹp hấp thu được
của đạo Phật sẽ ảnh hưởng tốt đến các thành viên trong gia đình; khi ra ngoài
xã hội sẽ là một công dân gương mẫu, là tấm gương cho người xung quanh nhìn
thấy. Họ xầm xì anh ấy hay chị ấy là Phật tử đấy. Nếu một người tự xem là Phật
tử nhưng không biết gì về giáo pháp Phật, không biết gì về ngũ giới, ăn nói thô
bạo, hay cãi cọ trong gia đình, trong xóm làng hay nơi làm việc, thì người xung
quanh nói rằng “nó là Phật tử đấy, đi chùa gì mà hung dữ quá”…Những người xung
quanh đâu có biết đạo Phật như thế nào, họ đâu có thì giờ nghiên cứu đạo Phật
nên thường có khuynh hướng đánh giá Phật giáo qua cung cách cư xử của những
người có đạo mà họ tiếp xúc hàng ngày. Cho nên người Phật tử tại gia, không
những quy y Tam Bảo, thọ trì Ngũ giới mà còn phải tìm học để hiểu biết giáo lý,
ít nhất là những nét cơ bản của giáo lý và điều quan trọng là phải luôn luôn
giữ gìn năm giới đã tự nguyện thọ và thực tập ngồi thiền hay tụng kinh niệm
Phật hàng ngày.
Tưởng cũng nên nói thêm cho rõ,
Phật tử được định nghĩa là những người tự nguyện quy y Phật Pháp Tăng và thọ
trì giới luật [4]. Phật tử bao gồm Phật tử tại gia, những người tự nguyện quy y
Tam Bảo và thọ trì năm giới và Phật tử xuất gia (Tăng và Ni) là những người tự nguyện
quy y Tam Bảo, sống cách ly gia đình, và thọ trì Cụ túc giới. Giới luật nhà
Phật nhằm tự ngăn ngừa các động lực tham vọng tác hại, giúp phát triển tâm từ
bi nhằm bảo vệ hạnh phúc an lạc cho mình và cho người khác, cũng như cho cộng
đồng xã hội. Một Phật tử tại gia luôn luôn gìn giữ năm giới, không làm các điều
ác, làm các việc lành, thanh tịnh hóa tâm và thường hay giúp đỡ người khác, là một
người có tư cách, một người có phẩm hạnh đạo đức cao, là cách truyền giáo lý
tưởng nhất của hàng cư sĩ cho những người xung quanh.
Lẽ dĩ nhiên, một người Phật tử
muốn có hiểu biết về Tam Quy Ngũ giới và những giáo lý cơ bản để thực hành thì
phải có thầy giảng dạy. Vị thầy này chính là quý thầy cô trú xứ tại ngôi chùa
sở tại sau khi đã đi học ở các trường Phật học từ sơ cấp đến cao cấp về hay
những vị Phật tử cư sĩ cao niên thâm sâu Phật học. Một vị thầy hay vị cư sĩ cao
niên có học vị Cử nhân, Thạc sĩ hay Tiến sĩ Phật học, nghiêm trì giới luật,
giảng dạy Phật pháp cho các Phật tử tại chùa của thầy tổ mình qua khẩu thuyết
và thân thuyết rồi lại được các Phật tử bổn đạo thực hành năm giới thì chắc
chắn Phật giáo không những không suy vi mà còn hưng thịnh.
Trong hàng ngũ Phật tử tại gia
còn có hàng cư sĩ thọ Bồ Tát Giới, dành cho bất cứ ai nếu phát tâm Bồ đề: trên
cầu Phật đạo, dưới cứu độ chúng sinh. Đây là lực lượng Phật tử tại gia quan
trọng, vừa tiếp tay hỗ trợ quý Tăng Ni trong việc hoằng pháp, vừa là cây cầu
nối giữa quý thầy với khối đông đảo quần chúng Phật tử. Hiện nay có nhiều địa
phương không có chùa, không có thầy nên chủ yếu việc hoằng pháp những nơi này
là do giới này thực hiện. Hiện tại ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại số lượng
Phật tử tại gia thọ Bồ Tát Giới không được đông đảo, mỗi kỳ Đại Giới Đàn tổ
chức ở Việt Nam số lượng cầu thọ Bồ Tát Giới không quá con số 100 vị; cho nên
các cư sĩ đã thọ tam quy ngũ giới có tâm ao ước muốn đem đạo Phật đến với mọi
nhà mọi nơi, có tâm ước muốn góp bàn tay xoa dịu nỗi khổ đau của chúng sinh,
cần được khuyến khích gia nhập vào hàng ngũ này. Trong một bài khác người viết
sẽ đề cập đến việc tu tập của người cư sĩ Bồ tát tại gia.
Cước Chú:
[1] Nghiên cứu Tôn Giáo số 2
(20) 2003 Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo – Hà Nội
[2] Tuần Báo Giác Ngộ 166, 179,
180 – Thành Hội TP. HCM xuất bản
[3] Ngoại trừ các trung tâm tu
học của Hòa thượng Nhất Hạnh
[4]
Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Tăng Chi Bộ Kinh