Phật Học Online

Hiện tượng ma nhập trong mắt nhà khoa học

Nhà có hai chị em gái. Do xinh xắn và học giỏi nên cô em được cưng chiều hơn, khiến cô chị xem mình bị bỏ rơi. Một ngày, cô chị bị hồn ma thanh niên "nhập" vào người. Cô ngồi vắt chân chữ ngũ, thở khói thuốc thành vòng, và bằng giọng đàn ông mắng cô em và lũ trẻ hàng xóm, những kẻ vẫn thường bắt nạt cô.



Hình 
minh họa (internet)
Hình minh họa (internet)

 

Rồi gia đình tổ chức cúng lễ "trừ tà". Khi trở lại bình thường, vị thế của cô trong gia đình được cải thiện rõ rệt.

Mọi nền văn hóa đều có nhu cầu giải thích những hành vi và cảm xúc lạ thường như trên, khi cho rằng chúng là hệ quả của "ma nhập". Người bị ma nhập cảm thấy dường như có một "thực thể vô hình" nào đó xâm chiếm thể xác và tâm hồn, điều khiển mọi hành động và lời nói, và họ thì không có cách nào cưỡng lại được.

Ma nhập là niềm tin xuất hiện từ quan niệm vạn vật hữu linh có từ thời xa xưa, khi cho rằng mọi thực thể trong vũ trụ, dù là con người, động thực vật hay ngọn núi, con sông - đều có linh hồn điều khiển hành vi. Và một linh hồn mạnh mẽ hơn sẽ có khả năng "nhập" và điều khiển một linh hồn yếu ớt. Một số nhà dân tộc học cho rằng, vạn vật hữu linh và quan niệm ma nhập có vai trò gắn kết các cá nhân trong một nhóm xã hội, khi sự chia sẻ niềm tin siêu hình đóng vai trò chất keo kết nối, đồng thời tạo ra mối lo sợ có lợi cho đạo đức xã hội. Ở mức cá thể, giới tâm lý học xem ma nhập là ví dụ điển hình của trạng thái ý thức phân ly. Nó có thể xuất hiện do sự kết hợp giữa các cảm xúc mạnh, điều kiện xã hội, ý muốn cá nhân, sự ức chế kéo dài và những hoạt động bất lợi của não dưới ảnh hưởng của một kích thích lặp kéo dài. Và một thay đổi đột ngột, dường như ma quái xuất hiện ở cảm giác, trí nhớ, cảm xúc, động cơ, cũng như ở hành vi tự điều khiển và cách cảm nhận thế giới bên ngoài.

Các nhà tâm thần có xu hướng xem ma nhập là hệ quả của những ức chế thể chất và tinh thần quá mức và kéo dài. Nó tạo ra một cách thức chấp nhận được về mặt xã hội để xả bớt những ẩn ức tâm lý bên trong. Ở mức vô thức, người "bị nhập" được thôi thúc vì mong muốn được làm giảm nhẹ những bức xúc cá nhân. Tùy theo "khẩu vị văn hóa" đang thắng thế, hiện tượng "nhập" có thể được chấp nhận hay bị cấm đoán. "Quỷ nhập" thường được xem là nguyên nhân của vận xấu, bệnh tật hay bất hạnh. Ngược lại, khi được thiên thần chiếu cố, một người bình thường có thể trở thành nghệ sĩ có tài, có khi tự nhiên vẽ tranh rất đẹp hay làm thơ rất hay.

"Ma nhập" như một sự phân ly

Phần lớn các nhà khoa học xem phân ly nhân cách là lời giải thích tốt nhất cho hàng loạt hiện tượng "nhập", theo đó phân ly là phá vỡ sự đồng bộ của các hoạt động tinh thần có tính tích hợp cao. Trong trạng thái thông thường, ký ức, tri giác, tư duy, cảm xúc cùng các hoạt động tinh thần và thể chất khác tạo thành một mạng lưới thống nhất giúp ta nhận rõ bản thân và thế giới. Song, một cú sốc thể chất hay tâm lý có thể khiến các tiểu hệ thống phân ly khỏi mạng lưới chung, khiến bản chất tích hợp của hệ ý thức bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả là hoạt động sinh lý và nhận thức trở nên bất thường.

Cùng với cảm giác bị điều khiển từ bên ngoài, còn thấy những biểu hiện ký ức phân ly, khiến mọi người có xu hướng xem họ đúng là bị "ma nhập". Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sự mất trí nhớ là phản ứng bảo vệ đối với chấn thương, khi thường thấy mất các ký ức đau khổ (như bị lạm dụng đòn roi lúc còn bé), vốn rất khó tiếp nhận ở mức ý thức. Nhiều nhà điều trị dùng rối loạn đa nhân cách, với nhiều biểu hiện bên ngoài giống "ma nhập" để giải thích hiện tượng.

"Ma nhập" và bệnh tâm thần

Từ thời La Mã, động kinh đã được gọi là "bệnh quỷ", khi người bệnh được xem là "nhập hồn". Niềm tin cổ xưa về mối liên hệ với hồn quỷ nhập là căn nguyên của thuật ngữ động kinh. Trong tiếng Hy Lạp, động kinh có nghĩa là "chiếm đoạt và bắt đi". Một số hình thái động kinh rất thích hợp để mô tả hiện tượng "ma nhập". Tâm thần phân liệt cũng có biểu hiện của trạng thái này.

Cho dù cảm giác và hành vi của nạn nhân giống như bị "nhập", những tiến bộ mới trong việc nghiên cứu cấu trúc và hoạt động của bộ não đã đưa ra quan điểm khác với niềm tin tôn giáo và huyền bí truyền thống. Theo đó, bản thể là một tập hợp thống nhất các tiểu hệ thống bán tự động đa dạng. Dưới tác động tâm lý và thần kinh nào đó, các tiểu hệ thống có thể mất tính đồng bộ và bắt đầu hành động độc lập, thậm chí trái ngược nhau. Kết quả là nạn nhân thấy bản thân như một thế lực vô hình và mạnh mẽ nào đó xâm chiếm và điều khiển mọi hành vi.

Riêng với cô bé ở đầu bài viết, vấn đề còn đơn giản và rõ ràng hơn nhiều. Cô đã tự nguyện bị "ma nhập" để tìm cách thoát ly và cải thiện cái thực tế không được tốt đẹp cho lắm theo quan điểm của cô. Và dường như cô đã thành công ở một mức độ nào đó.

 Đỗ Kiên Cường

(Theo o Khoa học & đời sống)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage