118
ngôi chùa trong cả nước đã được phủ kín trong Sách “Chùa Việt Nam”
đặc biệt thêm hai dạng chùa mới ít thấy xuất hiện là chùa miền núi và
chùa miền hải đảo
Nhân
Đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo
thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới vừa phát
hành cuốn sách “Chùa Việt Nam” của các tác giả: Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn
Kự – Phạm Ngọc Long. Biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm.
Chỉ một năm sau lần in trước, sách đã được tái bản lần thứ tư với
nhiều chỉnh lý bổ sung, khổ sách 22x26cm, dày 536 trang với trên 1000
bức ảnh, bản vẽ, bản đồ. Điểm nổi bật của lần xuất bản này là chùa trong
cả nước đã được phủ kín trong cuốn sách, đặc biệt thêm hai dạng chùa
mới ít thấy xuất hiện là: chùa miền núi và chùa miền hải đảo.
Những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam đã xuất hiện ở những thế kỷ đầu
Công nguyên – hai nghìn năm trước. Chùa là trung tâm tâm linh của cộng
đồng làng xã Việt Nam, là nơi hội tụ những sinh hoạt văn hóa lễ hội ở
các vùng miền đất nước, đồng thời cũng là nơi tinh kết các giá trị kiến
trúc nghệ thuật dân gian. Qua mỗi thời kỳ lịch sử, các ngôi chùa, ngọn
tháp đều có một kiểu dáng riêng biệt. Bao giờ cái truyền thống cũng gắn
liền với cái cách tân. Ngoài chùa của người Kinh, còn có chùa của một số
dân tộc anh em khác ở Việt Nam, như chùa của người Mường làm bằng tranh
tre đơn giản, chùa của người Khmer được xây dựng đẹp với bộ mái mang
ảnh hưởng của chùa Cămpuchia và chùa Thái Lan. Chùa của người Hoa cũng
có sắc thái kiến trúc riêng.
Phần mở đầu sách là bài dẫn luận nghiên cứu công phu của Giáo sư Hà
Văn Tấn giúp cho người đọc có thể nắm bắt về toàn cảnh các ngôi chùa
Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, và trong đời sống văn hóa dân tộc. Tác
giả đã làm rõ những đặc điểm Phật giáo và văn hóa tâm linh của dân tộc
được thể hiện ở các ngôi chùa Việt Nam như thế nào. GS Hà Văn Tấn viết:
“Khảo sát những ngôi chùa đó, chúng ta không những thấy được đặc điểm
của Phật giáo Việt Nam, đặc điểm của tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam mà
còn giúp chúng ta hiểu được một mặt quan trọng của lịch sử văn hóa và tư
tưởng Việt Nam”.
Phần tiếp theo, các tác giả đưa bạn đọc đến với 118 ngôi chùa tiêu
biểu trên khắp mọi miền đất nước qua các thời kỳ: Từ đầu Công nguyên,
nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Nguyễn đến những ngôi chùa mới
phục dựng gần đây như chùa Non (Hà Nội), chùa đang trong giai đoạn hoàn
thiện như chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Thanh Long (Bình Phước)... Các
chùa được sắp xếp từ sớm đến muộn, từ Bắc vào Nam. Mỗi ngôi chùa đều có
bài và ảnh về lịch sử hình thành, phát triển, về kiến trúc, cảnh quan,
nội thất, tượng Phật, đồ thờ…
Với trên 1000 bức ảnh nghệ thuật rất đẹp của các tác giả: Nguyễn Văn
Kự, Phạm Ngọc Long cùng sự cộng tác của nhiều tác giả khác, đặc biệt là
ảnh của Đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương Tích, Hà Nội, đưa
bạn đọc đến những “ngôi chùa đang sống thật sự giữa các cộng đồng làng
xã Việt Nam”.
Mở đầu sách là chùa Dâu, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đất
này, xưa kia gọi là Luy Lâu. Đó là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo
Việt Nam. Rồi đến những chùa cổ ở bắc sông Đuống (Bắc Ninh): Chùa Tiêu
Sơn, Chùa Phật Tích, Chùa Dạm. chùa cổ ở Đại La (Hà Nội): Chùa Trấn
Quốc, chùa Kiến Sơ, Chùa Một Cột, chùa Kim Liên, chùa Lý Quốc Sư, chùa
Tảo Sách…
Ở vùng Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình có chùa Thông huyện Kim Bôi, xây dựng
từ đời Trần. Chùa Khánh huyện Cao Phong của người Mường không thờ Phật
mà thờ đá. Đó là những tảng đá thiêng, tự nhiên, hình giống người, được
cuốn vải đỏ để hở đầu mà theo đồng bào thì đó là Ngọc Hoàng, vợ ông và
hai con gái của ông bà được đặt lên những chiếc ngai thờ. Tỉnh Sơn La có
chùa Chiền Viện ở huyện Mộc Châu, xây dựng từ thế kỷ XVIII, bị đổ nát
năm 1947. Ở đây có nhiều tượng Phật và mang phong cách tượng Lào.
Chùa
ở Miền Trung với chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm (ở Huế). Chùa ở các tỉnh
Tây Nguyên, chùa ở đảo Lý Sơn, đảo Phú Quốc, chùa Việt, chùa Hoa ở thành
phố Hồ Chí Minh, chùa Khmer Nam Bộ... Mỗi ngôi chùa đều có một sắc thái
riêng. Phật giáo Việt Nam có lúc thịnh lúc suy, nhưng cho đến nay ngôi
chùa vẫn có một vị trí quan trọng trong hoạt động văn hóa của người Việt
Nam.
Trong sách còn có một số bản vẽ mặt cắt, mặt bằng một số chùa của
các học giả Louis Bezacier, Trần Huy Bá… và bản vẽ vị trí cơ bản của
tượng Phật trong chùa cổ Bắc Bộ. Sơ đồ bài trí tượng thờ tại chính điện
chùa cổ ở Bắc Bộ, chùa Thiên Mụ ở thành phố Huế, chùa Giác Lâm ở thành
phố Hồ Chí Minh.
Phần cuối cung cấp cho bạn đọc một danh sách để dễ dàng tra cứu 730
ngôi chùa được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Lịch sử
Văn hóa (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2009).
Nhận xét về công
trình này TS Nguyễn Việt (Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á) viết: “Cuốn sách
“Chùa Việt Nam” ở lần tái bản thứ tư này đã tạo ra một công trình đồ sộ
về Phật giáo và kiến trúc Phật giáo Việt Nam, với hơn 500 trang in và
hàng ngàn ảnh chất lượng cao, mang lại cho người đọc nhiều tư liệu và
thông tin có giá trị để hiểu rõ hơn về tâm hồn nghệ thuật kiến trúc tôn
giáo đa dạng của các dân tộc trong bề dày lịch sử dân tộc”.
Chùa Việt Nam
Tác giả:Hà Văn Tấn
– Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long. Nxb Khoa học Xã hội, in lần thứ nhất
(song ngữ Anh-Việt), 1992; In lần thứ hai: Nxb
Thế Giới, 2008 (tiếng Anh, có chỉnh lý bổ sung); In lần thứ ba: Nxb Thế
Giới, 2009 (tiếng Việt có chỉnh lý bổ sung). |
Theo Quê Hương