Phật Học Online

Giải pháp đối với bạo lực học đường
TT. Thích Nhật Từ

Bạo lực học đường đang là mối quan tâm của toàn xã hội, của mọi tôn giáo, của các bậc làm cha mẹ. Với sự nối kết chặt chẽ của mọi thành phần trong xã hội bằng một tình yêu bao dung, nhân hậu, tin chắc rằng bạo lực học đường sẽ tìm ra được phương hướng giải quyết đúng đắn, đem lại sự hài hòa, yên vui cho con em chúng ta, cho gia đình, nhà trường và cho toàn xã hội.


Theo quan niệm của nhà Phật thì nếu cần phải làm một cuộc Thánh chiến thì tất cả nhân loại chúng ta phải nối kết chống lại các kẻ thù chung của toàn nhân loại đó là, tham lam, sân hận và si mê vì nó có mặt chỗ nào thì hạnh phúc, hòa bình bị đe dọa chỗ đó.

Chỉ có tình yêu bao dung, nhân hậu mới có thể cảm hóa được con người quay về với chính nghĩa. Một ngọn nến sẽ là điểm sáng soi đường cho người đi trong đêm tối, nhiều ngọn nến cùng thắp lên một lúc sẽ xua tan màn đêm, giúp cho con người tin tưởng, an bình bước đi trong niềm vui, hạnh phúc, và mầm xanh đất nước mới có cơ hội đâm chồi, nảy lộc và vươn cao.

Giải pháp trì hoãn phản ứng

Trì hoãn chỉ là giải pháp tạm thời. Khi ta có cảm giác bất an, sợ hãi, buồn phiền, bất mãn, bực dọc, thông thường ta có thói quen phóng xả ra. Nền tâm lý học phương Tây cho phép dựng nên hình nộm để ta đâm chém, đốt, chặt, chửi bới, phỉ nhổ, chà đạp v.v… mà không vi phạm luật vì ở đây không có người thật bị xỉ nhục và thương tổn. Ứng xử sân hận này chỉ có thể giải quyết tạm thời, làm cho tâm giận được nguôi ngoai. Nhưng đâu ngờ rằng, cứ mỗi khi xả giận như thế thì hạt giống bạo lực lại thêm môt lần nữa được gieo trồng một cách chính quy, đến một lúc nào đó sự đè nén thay thế đối tượng người thật thành hình tượng nộm không còn mức cho phép thì lúc đó bạo lực được thể hiện ra với mức tàn phá rất lớn.

Đạo Phật không khích lệ phương pháp thay thế đó mà dạy chúng ta nghệ thuật trì hoãn có chánh niệm. Thí dụ, một bạn học sinh cùng lớp nói nặng lời bằng cách văng tục với một bạn khác. Bạn này tức lắm, không hài lòng có thể đánh nhau. Nghệ thuật trì hoãn dạy chúng ta là hít thở thật sâu, mỗi một đơn vị hít thở dài khoảng từ 8 đến 10 giây tùy theo từng người, đừng đè nén nó. Và hít một hơi thật sâu vào bên trong, khi cuối sức chịu đựng, ta dừng lại từng hai giây, để cho thanh khí từ bên ngoài đi vào bên trong được giữ và vận hành trong toàn thân ta, làm cho máu được tươi nhuận, sự trao đổi chất được tốt, nơ-ron thần kinh được làm mới; sau đó ta thở ra một hơi thở nhẹ nhàng sâu lắng dài bằng chiều dài hơi thở hít vào. Trong khi hít thở ta quán niệm: “Nỗi khổ niềm đau không phải là tôi, tôi không được nhảy vào nỗi khổ niềm đau này”. Đau khổ là từ kép, đau thuộc về thân, khổ thuộc về tâm.

Trong tình huống bị người khác đánh thương tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, ta vẫn phải tự quán niệm như vậy để ta không làm thay thế chức năng của luật, nhất là luật giang hồ. Như vậy lỗi chỉ nằm ở một người, người còn lại thoát khỏi cái lỗi phản ứng từ tâm sân. Nhờ đó, nỗi đau trong tâm dần dần được phóng thích đi và ta thoát ra khỏi nó một cách dễ dàng.

Phương pháp trì hoãn dù có giá trị tạm thời nhưng rất cần thiết. Để trì hoãn ta cần thoát ra khỏi không gian nơi mà nỗi đau, hay những bất mãn xuất hiện. Thoát khỏi không gian đó thì tự động ta được thay thế bằng một không gian khác. Trì hoãn là không bạo động để những nỗi đau, bất mãn đó không có cơ hội trỗi dậy, để ta không bị cuốn hút vào tình huống hận thù, như thế là ta đang tự cứu chính mình.

Quán vô ngã

Vô ngã có nghĩa đen là “không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, không phải là sở hữu của tôi.” Đó là 3 mệnh đề, có giá trị rất lớn, giúp chúng ta vượt qua những dòng cảm xúc khổ đau cho chính mình hay những người thân. Nỗi đau thường gắn kết với thân thể và tâm lý. Phật học chia: “đau thuộc về thân, khổ thuộc về tâm”. Tâm gồm 4 phương diện: “cảm xúc, ý niệm, tâm tư, nhận thức”. Phần lớn khi bị khổ có người quy cả 4 niềm đau này về mình, nên nỗi khổ niềm đau đó trở nên lớn hơn, vì con người có khuynh hướng cường điệu hóa trên sự tưởng tượng.

Ví dụ: Khi bị đối xử bất công, bị đánh đập, nỗi bất mãn trỗi dậy trong ta, rồi tự hỏi tại sao những nỗi bất hạnh đổ trút trên đầu tôi, tôi là kẻ bất hạnh nhất trên cuộc đời này. Tuy bất hạnh thật nhưng ta không phải là bất hạnh nhất, và bất hạnh đó không có nghĩa là ta mất tất cả những hạnh phúc còn lại. Theo đức Phật, khi còn khỏe, còn hơi thở, còn cơ hội sống, còn làm được điều tốt thì ta vẫn là người có ý nghĩa, có giá trị và hạnh phúc rồi. Đừng đánh đồng nỗi khổ niềm đau nào đó với tất cả bất hạnh của bản thân. Tính cường điệu hóa là dòng cảm xúc được tăng trưởng, giãn nở mà vốn nó trên thực tế không nhiều đến thế.

Luật có cán cân công bằng, hãy để cho luật làm vai trò trừng phạt kẻ xấu. Với tư cách nạn nhân, ta không nên làm thế chức năng của luật và tòa án.

Ví dụ, một người bị bắn 1 mũi tên từ phía sau, ngã quỵ, đau nhức, cơn sân trỗi dậy mãnh liệt. Thông thường dòng cảm xúc của nhiều nạn nhân là muốn trả thù, tìm xem ai là kẻ chủ mưu, ai là kẻ thực hiện, ai là kẻ đồng lõa, và nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm trả thù để giải quyết nỗi khổ niềm đau này. Theo các phim võ công Trung Quốc, sự trả thù trong giang hồ như thế là anh hùng, nhưng theo Phật giáo đó là sự nguy hiểm, vì nạn nhân đang làm kiêm nhiệm chức năng của luật và thẩm phán. Theo Phật giáo:

1. Thay vì ta giận dữ, truy tìm đâu là người hại mình để trả đũa, cách tốt nhất là ta bẻ gãy mũi tên và rút mũi tên ra một cách an toàn.

2. Dùng các phương tiện y khoa hoặc trợ giúp y khoa nếu có để chữa lành vết thương.

3. Nếu không thực hiện như thế thì đừng mang trong tâm niềm oán hận trả thù. Dù công lý không được thực hiện do không đủ bằng chứng hoặc được bao che thì ta vẫn phải tin vào công lý của nhân quả, nó sẽ diễn ra trong vài năm, vài chục năm, thậm chí là kiếp sau. Theo tòa án nhân quả, kẻ làm xấu, làm ác sẽ gánh lấy hậu quả khổ đau. Như thế là ta không đánh đồng nỗi đau đó với chính mình, ta không xem kẻ chủ mưu, kẻ tham gia là kẻ thù của ta, cho nên lòng sân vốn gây ra các loại bạo lực không có cơ hội phát triển.

Để vượt qua các loại bạo lực học đường nơi các trẻ em và các loại bạo lực gia đình từ người lớn, thực tập vô ngã sẽ giúp ta sống “hiểu và thương”, nhờ đó, được hạnh phúc.

Thái độ hữu ngã thường lấy cái tôi làm trọng tâm. Khi một người đang ngủ say trên chiếc thuyền, bỗng dưng có một chiếc thuyền khác đâm sầm vào làm anh ta mất giấc ngủ. Phản ứng của anh ta là ngồi dậy chửi đổng, nhảy qua chiếc thuyền kia tìm thủ phạm để chửi bới hoặc đánh nhau. Nhưng khi có mặt trên chiếc thuyền kia, lục soát toàn bộ không tìm thấy ai cả, anh ta trở về thuyền mình và ngủ tiếp. Câu chuyện cho thấy rằng khi ta thấy không có kẻ chủ mưu, không có người thực hiện tạo ra nỗi khổ niềm đau trên ta, thì ta dễ dàng tha thứ, bỏ qua.

Thỉnh thoảng trong cuộc đời ta có loại ứng xử vô ngã như thế mà ta không để ý đến, đồng thời cũng không thấy hết các giá trị tích cực của nó, để áp dụng trong những tình huống bị gây hấn bị kiếm chuyện. Nếu các em học sinh được hướng dẫn từ nhỏ những phương pháp như vậy, thì các loại bạo lực học đường ít xảy ra.

Thay thế đối tượng trực tiếp

Bằng cách thay đổi đối tượng trong ta, ta bớt đi những bực tức, cau có. Việc thay thế đối tượng có thể thực hiện bằng nhiều cách, tùy theo tâm lý của từng người. Áp dụng đúng đối tượng thay thế sẽ giúp cho người đó đạt được thành công như mong đợi.

Trong Phật giáo có Phật, Bồ tát Quan Thế Âm, vị Bồ tát Đại từ Đại bi lắng nghe nỗi khổ niềm đau của con người. Là Phật tử theo truyền thống Đại thừa không ai không biết vị Bồ tát này. Khi bị khổ đau, ta nói: “Con kính lạy đức Bồ tát Quan Thế Âm, vị Bồ tát tình thương, con quay về nương tựa Ngài”, thì lúc đó tâm chúng ta không thấy bị thương tổn; trái lại, ta thấy cảm thương người gây hấn vì người đó đang sống trong vô minh, sân hận, bất hạnh và gây nỗi khổ cho chính họ và người khác trong đó có ta. Quán chiếu này giúp ta thay thế tâm trạng căm hận bằng tâm từ bi.

Là người Công giáo, đương sự có thể nghĩ đến đức Mẹ Maria hay một vị thánh nào đó. Mỗi khi nhắc đến hình ảnh của vị đó, ta liên tưởng một người cao thượng, tha thứ, bao dung… thì ta không xem người gây lỗi kia là kẻ thù mình.

Theo đức Phật: “Con người không phải là kẻ thù của con người”. Sân hận và si mê là kẻ thù chung của nhân loại. Nếu cần phải làm một cuộc Thánh chiến thì theo Phật giáo tất cả nhân loại chúng ta phải nối kết lại chống lại các kẻ thù tham sân si đó, vì nó có mặt chỗ nào thì hạnh phúc, hòa bình bị đe dọa chỗ đó. Việc quán tưởng đến những hình ảnh cao thượng có khả năng chuyển hóa các hành vi bạo lực, và giúp cho ta giải phóng được nỗi đau trong tâm. Biết quán tưởng những hình ảnh tích cực, mỗi khi nỗi đau nào đó xuất hiện, ta dễ dàng quên đi nỗi đau bằng hiểu biết, bao dung và tha thứ.

Trong các quan hệ dân sự, các tổ chức xã hội đều có nội quy. Khi ai đó có lỗi nên báo cấp trên, tùy theo tình huống mà áp dụng nội quy xử phạt những người gây lỗi. Là nạn nhân, ta không làm thay thế chức năng của luật và tổ chức.

Thực tập thiền

Thiền làm cho người thực tập trở nên điềm tĩnh trước những thăng trầm của cuộc đời. Dù thành công hay thất bại, người tập thiền không bị cuốn hút theo cảm xúc và những biến thiên của cuộc đời. Thực tập thiền trong Phật giáo có 4 đối tượng: thân thể, cảm xúc, tâm và những biểu hiện trong tâm.

Đối với thân thể: Ta thấy rõ đó là từ sự phối hợp của tinh cha, trứng mẹ, có mẫu số chung về nghiệp trong quan hệ họ tộc mà mình sinh ra. Thân thể này được cấu trúc gồm 36 yếu tố, xương tóc răng, móng v.v... nó không phải là cái gì đó vĩnh hằng. Cái gì được cấu tạo mang tính tổ hợp, cái đó mang tính điều kiện, cái gì mang tính điều kiện cái đó bị sức vô thường chi phối, cái gì bị sức vô thường chi phối cái đó bị tấn công. Do vậy, khổ đau có thể trỗi dậy trong tâm chúng ta, bất cứ khi nào và ở đâu, từ phía chủ quan hay khách quan. Nhờ quán chiếu, ta thấy điều đó là một hiện thực. Thấy như vậy ta không nô lệ cho nỗi khổ đau của chúng ta, ta không cường điệu hóa nỗi đau. Hít thở thật sâu, nhẹ nhàng, thư thái ta thoát ra khỏi các hệ lụy trên thân thể này.

Quán niệm cảm xúc: Cảm xúc bao gồm hạnh phúc, khổ đau, sầu bi, trung tính và cảm xúc thanh tịnh sâu lắng. Tùy theo thói quen và mức độ thực tập mà ta có, hoặc sống với một trong năm dòng cảm xúc đó. Khi một dòng cảm xúc sân hận xuất hiện có biểu hiện bạo lực trong tâm, hãy vẫy tay chào với nó mà hãy trở về cảm xúc thanh tịnh. Hít thở bình an, hạnh phúc trong tâm, quán niệm trong tâm như thế sẽ giúp ta bỏ qua những người đang kiếm chuyện với mình.

Quán niệm về tâm: Tâm gồm các cặp phạm trù: tâm thiện, tâm ác, tâm tích cực, tâm tiêu cực, tâm bạo lực, tâm từ bi, tâm có hiếu, tâm bất hiếu v..v..... có hàng trăm cặp phạm trù tâm lý của con người. Ta cần thấy rõ cái tâm nào trỗi dậy, ta phải ghi nhận, nếu là tâm tích cực thì ta theo nó, nếu là tâm tiêu cực thì ta vẫy ta chào nó. Không nên tạo ra áp lực đè nén, ức chế, vì như thế nó sẽ bùng phát mạnh hơn trong tương lai.

Ý niệm trong tâm: Ý niệm gồm nhóm đối tượng chính: Nhóm đối tượng quá khứ, nhóm đối tượng tương lai và nhóm đối tượng hiện tại. Phần lớn chúng ta bị ký ức kéo về quá khứ, hoặc sự mộng tưởng kéo ta về tương lai và theo đức Phật, ai không sống theo giây phút hiện tại bằng chánh niệm, nghĩa là thấy rõ mình và làm chủ được mình, thì người đó không có hạnh phúc đích thực.

Ai sống ký ức quá khứ thì người đó không có khả năng hạnh phúc trong hiện tại, vì ký ức quá khứ thường trỗi dậy 2 phản ứng, hoặc là hâm nóng khổ đau, nếu nỗi đau đó đã diễn ra trong quá khứ, nếu điều ta nghĩ đến là cái gì đó rất đẹp, thì dòng cảm xúc tiếc nuối sẽ trỗi dậy, làm chúng ta quên hiện tại, dồn quá nhiều năng lượng tâm trí cho chuyện không còn nữa, cho một trang sách đã qua.

Dự án kế hoạch chương trình cần được thực hiện theo những cơ chế nhân quả, nếu ta không thiết lập nền tảng đó sẽ làm cho chúng ta sống trong ảo mộng, phi hiện thực. Hãy quay về với hiện tại ta mới thấy những gì đang biểu hiện trong tâm, con người ta trở nên bình an sâu lắng.

Mỗi ngày nên thực tập thiền 2 lần, mỗi lần khoảng 30 phút, sáng và trước khi đi ngủ, sức khỏe được tăng trưởng các bệnh tật được khắc phục. Tập thiền là một phương pháp phi tôn giáo. Đó là sự chăm sóc về sức khỏe, về tâm lý, về hành vi, chăm sóc hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Thực tập thiền cần được hướng dẫn phương pháp căn bản. Khi có những dấu hiệu thay đổi trong tâm người thực tập được hướng dẫn để giúp vượt qua.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage